Đăng ngày: 24/09/2022
Bắc Kinh kêu gọi ‘‘ngừng bắn’’ ở Ukraina ngay sau khi tổng thống Nga tuyên bố động viên một phần; Ba thành viên sáng lập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải đe dọa phạt tù nặng những công dân đi lính cho Nga đánh Ukraina; Dân Nga trốn quân dịch đổ sang Serbia và Armenia; Chính quyền Israel bất ngờ ủng hộ một Nhà nước Palestine độc lập. Trên đây là một số tin chính của tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.
Bị phản công bất ngờ của quân đội Ukraina, Nga ngày càng bị cô lập hơn trên trường quốc tế do cuộc chiến tại Ukraina, ngay cả trong nhóm các nước vốn được coi là có quan hệ thân hữu. Đó chính là các tâm điểm thời sự quốc tế tuần này.
Tháng 9/2022 sắp qua là một bước ngoặt lớn trong cuộc chiến tại Ukraina. Sau cuộc phản công thần tốc của các lực lượng vũ trang Ukraina lấy lại nhiều khu vực rộng lớn tại miền đông bắc, chính quyền Putin quyết định leo thang chiến tranh. Việc Matxcơva ‘‘động viên một phần’’, trưng cầu dân ý tại các vùng đất chiếm đóng và ngầm đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân ngày càng đặt nhiều quốc gia vốn chủ trương không đứng hẳn về bên nào vào thế khó xử hơn.
Tại thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải – vốn được coi là cơ chế hợp tác do Trung Quốc và Nga thúc đẩy để làm đối trọng với phương Tây, tổ chức hồi trung tuần tháng 9, tổng thống Nga đứng trước áp lực phải sớm chấm dứt chiến tranh tại Ukraina. Ông Putin đã phải hứa với Ấn Độ ‘‘sẽ kết thúc chiến tranh sớm nhất có thể’’.
Tình bạn ‘‘không giới hạn’’ Trung – Nga đang gặp thách thức
Tình bạn ‘‘không giới hạn’’ Nga – Trung theo lời tuyên bố của lãnh đạo hai nước (diễn đạt được đưa ra ít tuần trước cuộc xâm lăng Ukraina của Nga) đang gặp thêm … nhiều giới hạn. Theo một số nhà quan sát, có nhiều động thái cho thấy chính quyền Trung Quốc đang phải điều chỉnh lập trường ‘‘đi dây’’ khó giữ hiện nay. Người phát ngôn của bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Uông Văn Bân (Wang Wenbin), đã ‘‘kêu gọi ngừng bắn’’. Phát biểu của người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc được đưa ra ngay sau tuyên bố của tổng thống Nga huy động lực lượng dự bị cho cuộc can thiệp quân sự tại Ukraina.
Trên chương trình của kênh truyền hình Pháp France 2, nhà báo Arnauld Miguet từ Thượng Hải nhận định : ‘‘Cho đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc vẫn chọn thế đi dây, với chính sách nước đôi ‘‘hai không’’ để cố gắng không mất lòng ai. Bắc Kinh không lên án cuộc xâm lược của Nga ở Ukraina, nhưng cũng không ủng hộ trực tiếp. Hồi tháng 3 đầu năm nay, trong cuộc bỏ phiếu về nghị quyết tại Liên Hiệp Quốc kêu gọi rút quân đội Nga khỏi Ukraina, Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng, tránh làm mất lòng tổng thống Nga Vladimir Putin. Hôm thứ Tư, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc rõ ràng đã yêu cầu ngừng bắn, cũng như nối lại đối thoại. Trung Quốc, quốc gia từng nói về một tình bạn bền vững và không giới hạn với Nga, đang bắt đầu phải giữ khoảng cách’’.
Cũng về động thái nói trên, các đồng nghiệp báo Hồng Kông South China Morning Post nhận xét : ‘‘Người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã đưa ra một phản ứng gây ngạc nhiên để đáp lại tuyên bố của tổng thống Nga Vladimir Putin về việc gia tăng lực lượng ở Ukraina’’.
Truyền thông quốc tế cũng chú ý đến việc ngoại trưởng Trung Quốc và Ukraina Vương Nghị và Dmitro Kuleba bất ngờ có cuộc hội kiến trực tiếp lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh bùng nổ, ngày 22/09, ngay sau tuyên bố leo thang chiến tranh của tổng thống Nga. Tuy nhiên, dường như chưa có dấu hiệu đặc biệt nào được giới quan sát ghi nhận từ cuộc hội kiến nói trên. Kể từ đầu cuộc xâm lăng của Nga, tổng thống Ukraina Volodymir Zelensky đã nhiều lần thúc đẩy đối thoại trực tiếp với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình để tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột, nhưng Bắc Kinh chưa chấp thuận.
Trung Quốc lẽ dĩ nhiên vẫn cố gắng tiếp tục sách lược đi dây chừng nào có thể. Nhà nghiên cứu Yuan Jingdong, chuyên về chính sách đối ngoại và quốc phòng của Trung Quốc, giáo sư Đại học Sydney (Úc), chờ đợi là Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục lập trường mong manh hiện nay. Tuy nhiên, theo chuyên gia Yuan Jingdong, điều chủ yếu là ‘‘Bắc Kinh dường như muốn tránh bị sa vào tình trạng hỗn loạn và các hiểm họa gia tăng mà cuộc xâm lăng của Nga đã dẫn đến’’.
Hoàn Cầu Thời Báo lên án Nga về ý đồ sử dụng vũ khí hạt nhân
Một mặt muốn tránh sa vào hỗn loạn, nhưng cùng lúc lại chọn lập trường nước đôi chính là mâu thuẫn ngày càng hiện rõ trong lập trường của Bắc Kinh. Nhưng thay đổi dường như đang đến. Truyền thông Pháp ghi nhận một phản ứng được coi là rất hiếm hoi từ phía truyền thông chính thức Trung Quốc những ngày gần đây. Ngay sau phát biểu ngầm đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân của tổng thống Nga, Hoàn Cầu Thời Báo – cơ quan phát ngôn đại diện cho xu thế dân tộc chủ nghĩa cứng rắn của chế độ Trung Quốc – đã có bài xã luận nhan đề ‘‘Về chiến tranh hạt nhân: Không có chỗ để quay đầu’’ (ngày 22/09/2022).
Bài viết đã tỏ thái độ thẳng thừng với Nga, quốc gia vốn được coi là thân hữu, ‘‘đặt Mỹ và Nga vào cùng một rọ’’, và kêu gọi cả hai quốc gia ‘‘giảm đáng kể kho vũ khí hạt nhân của mình và tạo điều kiện để cuối cùng đạt được giải trừ hạt nhân toàn cầu và giải trừ hoàn toàn” (tuần báo Courrier International ngày 23/09/2022).
Báo mạng Hồng Kông South China Morning Post vào đúng ngày diễn ra thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải dẫn nhận định của giáo sư Vạn Thanh Tùng (Wan Qingsong), thuộc Trung tâm Nghiên cứu Nga của Đại học Sư phạm Hoa Đông (Trung Quốc) khẳng định : ‘‘Trung Quốc đã không mang lại cho Nga những gì họ muốn’’. South China Morning Post một mặt cảnh báo các nhà phân tích về Trung Quốc ‘‘không nên tin tưởng quá nhiều vào các phát biểu ủng hộ Nga của Trung Quốc’’, mặt khác cho biết ‘‘Bắc Kinh hiểu rõ mối lo ngại của các nước Trung Á về cuộc chiến của ông Putin’’ tại Ukraina.
Ba nước trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải dọa bỏ tù người đi lính cho Nga
Ngày 21/09, ngay sau khi Nga tuyên bố mở trung tâm tuyển mộ chiến binh nước ngoài tham chiến tại Ukraina, chính quyền ba thành viên sáng lập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan và Uzbekistan, đe dọa bỏ tù đến 9, 10 năm đối với các công dân đầu quân tham chiến tại Ukraina. Uzbekistan cũng là quốc gia chủ nhà thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải vừa diễn ra tại Samarkand.
Trong một tuyên bố hôm thứ Tư, đại sứ quán Kyrgyzstan tại Nga cảnh báo là công dân nước này sống tại Nga sẽ phải đối mặt với trách nhiệm hình sự, nếu tham chiến tại Ukraina và có thể bị phạt đến 10 năm tù giam. Đương sự cũng bị tịch thu tài sản. Đại sứ quán của Uzbekistan tại Nga cấm công dân nước này không được thành lập các tiểu đoàn tình nguyện hoặc tham gia chiến tranh, đồng thời cho biết đương sự có thể phải đối mặt với án tù 10 năm. Ở Kazakhstan, tham gia chiến tranh ở Ukraina có thể bị phạt tù từ 5 đến 9 năm.
Châu Âu : Chuyến bay đầu tiên chở người Nga trốn lệnh động viên
Lệnh động viên một phần của ông Putin gây làn sóng tháo chạy khỏi Nga. Serbia là một điểm đến đầu tiên. Phóng sự của thông tín viên Laurent Rouy của RFI tại Beograd về chuyến bay đầu tiên chở người trốn khỏi Nga :
‘‘Máy bay hạ cánh xuống Beograd, thủ đô duy nhất của một nước châu Âu còn chấp nhận các chuyến bay từ Nga. Hầu hết các hành khách Nga đều từ chối nói chuyện với truyền thông. Một thanh niên nói anh sợ bị bắt đi lính. Mẹ của người thanh niên cắt ngang lời, kéo tay anh.
Tuy nhiên, không phải ai cũng im lặng. Julia, trạc tuổi ba mươi, lo sợ cho gia đình mình. Cô nói nhiều người bạn đã nhận được giấy gọi nhập ngũ, đồng nghiệp của cô cũng vậy. Julia cho biết người em trai của cô đã nhập ngũ được 3 tháng. Anh bị điều động đến Ukraina khi chưa đầy 20 tuổi, đã có mặt ở Izium và Kharkiv (hai thành phố lớn miền đông bắc Ukraina, nơi chiến sự diễn ra dữ dội những tháng qua).
Irina vừa đến. Người phụ nữ này khó giữ được bình tĩnh. Irina cho biết con gái bà đã chuyển đến Beograd, và có thể họ sẽ ở lại đây. Bà tâm sự : ‘‘Tôi sợ. Về những gì tôi đang nói với bạn, cảnh sát có thể gây khó dễ cho tôi ở Nga. Tự do cho Ukraina ! Xin hãy ngừng tay Putin lại !’’.
Irina sẽ có thể ở lại Serbia 3 tháng với tư cách khách du lịch. Sau đó bà sẽ phải đến Bosnia hoặc Montenegro, để rồi quay lại Serbia nhằm được hưởng tiếp thời hạn lưu trú 3 tháng.
Theo một ước tính, đã có khoảng 40.000 người Nga vào Serbia kể từ tháng Hai, tháng mở đầu chiến tranh. Việc chính quyền Nga động viên có nguy cơ dẫn đến một làn sóng di dân Nga đến Serbia’’.
Hàng nghìn người Nga chạy sang Armenia: Vé máy bay tăng gấp 10
Ngoài Serbia, hàng nghìn người Nga chọn hướng đi đến Armenia, một quốc gia nói tiếng Nga, và cách không xa Nga, với hơn ba giờ bay. Trong những ngày gần đây, giá vé máy bay tăng gấp 10 lần. Thông tín viên Manon Chapelain tường trình từ Erevan :
‘‘Từ Matxcơva, Andrey và Anna có kế hoạch bay đến Armenia để hưởng tuần trăng mật. Vào thứ Tư, ngày cưới của họ, hai người đã quyết định không trở lại Nga. Andrey sợ bị điều động ra mặt trận, sau thông báo về quyết định động viên một phần cho cuộc chiến ở Ukraina.
Anna nói : ‘‘Tình thế thật khó cho chúng tôi, vì chúng tôi biết tin trên khi ngày hôm sau chúng tôi sẽ đi Erevan. Chúng tôi có thể sẽ đi một nước khác, và chúng tôi không biết khi nào chúng tôi sẽ gặp lại được gia đình và bạn bè’’.
Đối với người Nga, Armenia là một điểm đến hợp lý. Đây là một trong các quốc gia duy nhất mà họ có thể nhập cảnh với thẻ căn cước Nga. Hôm qua, 22/09, giá các chuyến bay lên đã tăng vọt tới 6.000 euro.
Andrew cho biết thêm : Tất cả chuyến bay đều đầy khách trong ba hoặc bốn ngày tới. Điều này khiến tôi lo sợ, bởi vì tôi có rất nhiều người bạn lẽ ra đã phải đi cùng chúng tôi.
Về phần mình, anh Alexey, 26 tuổi, cảm thấy nhẹ nhõm khi đến được Armenia, nhưng vẫn lo lắng về khả năng bị mắc kẹt trong một cuộc chiến mới. Hồi tuần trước, nhiều ngôi làng của Armenia bị Azerbaijan dội bom. Tuy nhiên, theo Alexei, đối với một người đàn ông Nga hiện tại, ở Armenia vẫn an toàn hơn ở Matxcơva. Alexey cho biết tình hình ở đây rất phức tạp, vì vậy, anh đang nghĩ đến việc sớm chuyển đến một quốc gia khác.
Tổng cộng, có gần 70.000 người Nga đã định cư ở Armenia kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh ở Ukraina. Không có số liệu bao nhiêu người đã rời đi kể từ khi căng thẳng trở lại ở vùng biên giới Armenia – Azerbaijian’’.
Thủ tướng Israel ủng hộ một Nhà nước Palestine độc lập
Tháng 9 là tháng của nhiều bất ngờ. Hôm 22/09, thủ tướng Israel Yair Lapid đã gây bất ngờ với tuyên bố kêu gọi thành lập một Nhà nước Palestine độc lập. Cánh tả Israel hoan nghênh một quyết định ‘‘lịch sử’’, cánh cực hữu thì cực lực lên án. Tổng thống Hoa Kỳ ca ngợi một hành động ‘‘dũng cảm’’, trong lúc người Palestine tỏ ra rất dè dặt và cho biết họ chờ đợi hành động cụ thể. Bác bỏ một Nhà nước độc lập của người Palestine gần như đã là một truyền thống trong chính sách của các đời chính phủ Israel những thập niên gần đây.
Tại Jerusalem, đặc phái viên Sami Boukhelifa cho biết thêm:
“Cuối cùng thì hòa bình cũng nằm trong chương trình nghị sự”, lãnh đạo đảng Meretz, một đảng cánh tả của Israel, đã phản ứng như trên trên mạng Twitter. Trong khi đó lãnh đạo của đảng cực hữu, Chủ nghĩa Phục Quốc Do Thái Giáo, đã gọi bài phát biểu của thủ tướng Yair Lapid là ‘‘một sự đầu hàng đáng hổ thẹn trước chủ nghĩa khủng bố’’. Phát biểu tại Liên Hiệp Quốc, ông Yair Lapid khẳng định ‘‘đa số người Israel ủng hộ giải pháp hai Nhà nước’’.
Tuy nhiên, trên thực tế, khi nêu lên khả năng này, thủ tướng Israel chỉ đang bày tỏ một giấc mơ, bởi tại Israel, đa số cử tri bỏ phiếu cho cánh hữu. Nỗ lực trên là điều đáng khen ngợi, nhưng Yaïr Lapid chỉ làm thủ tướng trong giai đoạn chuyển tiếp. Tháng 6 năm ngoái, Quốc Hội Israel đã giải tán, và nước này đang chuẩn bị bầu cử lập pháp vào tháng 11 tới.
Không có đa số ủng hộ, ông Yaïr Lapid sẽ không có đủ hậu thuẫn để thực hiện nguyện vọng tốt đẹp của mình. Dù sao, bài phát biểu của ông cũng hiện ra như một thông điệp hòa bình, trái ngược hoàn toàn với quan điểm của các thủ tướng tiền nhiệm Naftali Bennett và Benjamin Netanyahu’’.