RFA
2022.09.23
TNLT Trịnh Bá Tư mới bị cùm chân 10 ngày trong trại giam
Hơn 30 luật sư ở khắp Việt Nam ký vào đơn kiến nghị chính quyền bãi bỏ biện pháp cùm chân trong giam giữ tù nhân, coi đây là hình thức đối xử vô nhân đạo và không phù hợp với xã hội văn minh.
Luật sư Ngô Ngọc Trai khởi xướng đơn kiến nghị trong ngày 21/9, một ngày sau khi có thông tin tù nhân lương tâm Trịnh Bá Tư tố cáo việc ông bị đánh đập và cùm chân trong Trại giam số 6.
Có 30 luật sư tham gia ký tên như các ông/bà: Ngô Anh Tuấn, Lê Văn Hoà, Lê Văn Luân, Vũ Thị Hà… gửi tới các lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam vào ngày 23/9.
Kiến nghị dựa trên các quy định bảo vệ quyền con người của Bộ luật Tố tụng Hình sự và Luật Thi hành Tạm giữ Tạm giam năm 2015, hay quy định nghiêm cấm các hình thức đối xử vô nhân đạo hoặc hạ nhục người chấp hành án trong Luật Thi hành án hình sự năm 2019
Trong đơn dẫn lại trường hợp ông Đặng Văn Hiến, vừa được Chủ tịch nước ân giảm án tử hình xuống tù chung thân, ông Hiến trong nhiều năm liền bị giam giữ cùm chân, cho rằng \”đó là biện pháp đang áp dụng bấy lâu nay đối với các tử tù, hoặc trong nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng dù chưa xét xử nhưng để phòng ngừa cơ quan giam giữ cũng áp dụng cùm chân.\”
Khẳng định \”những phòng giam tử tù nhỏ hẹp với những bệ xi măng làm chỗ nằm cùng biện pháp cùm chân vệ sinh ăn uống tại chỗ, những biện pháp giam giữ như vậy không phù hợp với tính nhân đạo của pháp luật nhà nước hiện nay.\”
Luật sư Lê Văn Hoà, một người ký vào đơn kiến nghị nói với Đài Á Châu Tự do (RFA):
“Tôi cho rằng dù người tử tù bị tước quyền công dân nhưng vẫn cần được đối xử nhân đạo. Hiện tại công tác giam giữ, đặc biệt đối với tử tù trong các trại giam ở Việt Nam khá là nghiêm khắc.
Tôi thấy thực tế ở Việt Nam không phải tất cả tử tù đều có được bản án khách quan, có nhiều trường hợp bị oan, điển hình như ông Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long, và Nguyễn Văn Chưởng.”
Ông Hòa từng là cán bộ của Ban Nội chính Trung ương thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng kiến nghị công tác giam giữ phạm nhân cần phải xem xét lại, đồng thời chính quyền cần thiết phải lắng nghe ý kiến của những nhà lập pháp, giới luật sư, và cả những người dân bình thường.
Luật Thi hành án hình sự và Luật Thi hành tạm giữ tạm giam hiện hành có quy định về việc tù nhân hoặc người bị tạm giam vi phạm nội quy cơ sở giam giữ sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật là đưa vào buồng kỷ luật có thể bị cùm một chân.
Ngoài ra, luật quy định về chế độ giam giữ người bị kết án tử hình nêu rõ \”nếu xét thấy họ có biểu hiện bỏ trốn, tự sát hoặc có hành vi nguy hiểm khác thì thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định việc cùm một chân và tổ chức theo dõi, quản lý, ngăn ngừa.”
Trong một bài viết đăng công khai ở trang Facebook cá nhân, luật sư Ngô Ngọc Trai cho rằng,
trên thực tế cho thấy tâm lý phòng ngừa của các cán bộ quản giáo trại giam quá cao nên \”các trường hợp đều thấy bị cùm chân cả, sự lo lắng trách nhiệm cho giam giữ và muốn thuận lợi dễ dàng trong công việc khiến cho quyền con người ít được quan tâm coi trọng.\”
Theo ông, dù cho tù nhân hoặc người bị tạm giam có hành vi không đúng, chỉ cần giam riêng, việc cùm chân không đảm bảo quyền con người như pháp luật đã quy định.
Ở Việt Nam không chỉ tử tù mới bị cùm chân, ông Vũ Văn Hùng, người từng phải thụ án ba năm tù từ 2008 đến năm 2011 vì treo biểu ngữ chống tham nhũng, bảo vệ biển đảo và đòi đa nguyên đa đảng, bị cùm chân trong một tuần ở Trại giam Nam Hà. Ông nói với phóng viên:
“Khi cùm chân đêm không ngủ được vì thi thoảng đang ngủ mà co chân khiến đau điếng vì một chân bị cùm cứng chặt. Đi vệ sinh phải dùng bô và ngồi tại chỗ nên bẩn thỉu hôi thối trong một phòng chật chội… không được liên hệ, không được gặp người nhà, và không được nhận tiếp tế.”
Cựu giáo chức ở Hà Nội từng trải qua hai lần tù cho biết, trại giam thường xuyên áp dụng biện pháp cùm chân để trừng phạt tù nhân lương tâm, những người kiên định tư tưởng và không nhận tội nên phản đối việc bị buộc lao động, hoặc đầu tranh đòi quyền lợi cho người tù, và nhiều trong số họ cũng bị kỷ luật cùm chân,.
Mới đây, tù nhân lương tâm Trịnh Bá Tư nói với gia đình ông bị cùm chân trong phòng biệt giam trong mười ngày, và tuyệt thực từ ngày 6/9.
Luật sư Lê Văn Hoà thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội khẳng định, việc cùm chân tù nhân lương tâm như trong trường hợp ông Tư không thoả đáng và vi phạm quyền con người, vì họ không có hành vi bạo lực.
Ông cho rằng việc cùm chân nêu trên chỉ là biện pháp răn đe của cơ sở giam giữ, tuy nhiên theo ông biện pháp này vẫn có thể được áp dụng trong một số trường hợp để bảo đảm an ninh cho cơ sở giam giữ.
Cựu sỹ quan của Tổng cục Tình báo Quân đội Vũ Minh Trí nói:
“Việc cùm chân đối với tù nhân xâm phạm nghiêm trọng quyền con người của họ. Việc này không phải áp dụng cho mọi tù nhân, tuy nhiên tôi tin rằng biện pháp này bị lạm dụng khá nhiều.”
Nhắc lại việc cựu Uỷ viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng phát biểu trong một phiên toà “mong được đối xử như một con người,” ông Trí cho rằng vi phạm nhân quyền trong các trại giam và trại tạm giam rất phổ biến, đặc biệt đối với những người tù mang án chính trị \”nhằm trả thù cá nhân và hạ nhục họ.\”
Nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang ủng hộ đơn kiến nghị của nhóm luật sư về bãi bỏ cùm chân trong việc trừng phạt tù nhân. Ông nói qua điện thoại:
“Cá nhân tôi thấy đây là một kiến nghị tốt và đáng hoan nghênh. Nếu nhà nước Việt Nam mà tiếp thu và thực hiện kiến nghị đó sẽ là một bước tiến về nhân quyền… Thay vì cùm chân, người ta có thể củng cố phòng giam để tù nhân khó có thể trốn thoát được.”
Trong vài năm gần đây, Văn phòng Liên Hiệp quốc về chống ma tuý và tội phạm (UNODC) tổ chức nhiều khoá tập huấn về Quy tắc tối thiểu tiêu chuẩn của Liên Hiệp quốc đối với tù nhân (Quy tắc Nelson Mandela) cho cán bộ của Bộ Công an Việt Nam.
Điều 1 của Quy tắc Nelson Mandela nói “Tất cả các tù nhân sẽ được đối xử với sự tôn trọng do phẩm giá và giá trị vốn có của họ như con người. Không một tù nhân nào sẽ phải chịu sự trừng phạt và tất cả các tù nhân sẽ được bảo vệ khỏi sự tra tấn và đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục, mà không có bất kỳ trường hợp nào có thể được viện dẫn để biện minh.
Sự an toàn và an ninh của tù nhân, nhân viên, nhà cung cấp dịch vụ và du khách phải được đảm bảo mọi lúc.”