Việt Nam: Từ vụ tử tù Đặng Văn Hiến được ân giảm tới kiến nghị bỏ giam cùm chân phạm nhân

Luật sư Ngô Ngọc Trai

Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội

\"Ngô
Chụp lại hình ảnh,Ảnh luật sư Ngô Ngọc Trai (bên trái hình, ngồi phía trong) thăm gia đình ông Đặng Văn Hiến gồm bố đẻ, em trai và vợ con ông Hiến, ở Hữu Lũng, Lạng Sơn.

Năm 2016 tại tỉnh Đăk Nông xảy ra sự việc một người dân là Đặng Văn Hiến đã có hành vi dùng súng hoa cải bắn chết ba người của một doanh nghiệp vì đã huy động lực lượng cưỡng chiếm đất của gia đình ông.

Mới đây ông Hiến đã được Chủ tịch nước ân giảm án tử hình xuống tù chung thân, sự việc nhận được sự quan tâm chú ý của đông đảo dư luận xã hội.

Nhân sự việc được các ban ngành nhà nước quan tâm, là luật sư đã hỗ trợ pháp lý kêu xin cho ông Hiến, tôi cho rằng nhà nước nên xem xét lại biện pháp giam giữ cùm chân.

Biện pháp lạc hậu

Lâu nay những người bị tuyên án tử hình như ông Hiến sẽ chịu biện pháp giam giữ cùm chân, hoặc nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng dù chưa xét xử nhưng để phòng ngừa thì cơ quan giam giữ cũng áp dụng cùm chân.

Đây là biện pháp giam giữ đã quá xưa cũ cần phải thay đổi.

Sau mấy chục năm đất nước đổi mới hội nhập, kinh tế phát triển, nhận thức thay đổi, theo đó các giá trị quyền con người được tôn trọng đề cao, khi đó các biện pháp tư pháp trong quản lý giam giữ cũng cần phải khác.

Hoàn cảnh giam giữ tử tù khắc nghiệt, bản thân các tử tù và gia đình người thân là biết rõ, nhưng họ là nhóm người yếu thế không có tiếng nói cho nên vấn đề bao năm vẫn vậy.

Tử tù thì bị cùm chân ai cũng nghĩ đó là quy định đương nhiên nên phải chấp nhận gánh chịu.

Tôi cho rằng cộng đồng xã hội và các ban ngành nên quan tâm đến vấn đề này, sống trong một quốc gia các nhóm xã hội sẽ có tính liên đới trách nhiệm với nhau.

Dù một người thượng lưu trí thức cũng sẽ khó sống trong một xã hội an toàn thịnh vượng nếu một bộ phận cộng đồng yếu thế đang chịu những quy định bất cập.

Những phòng giam tử tù nhỏ hẹp, với những bệ xi măng làm chỗ nằm cùng biện pháp cùm chân, vệ sinh ăn uống tại chỗ, chính sách về quản lý giam giữ cần điều chỉnh, nhà nước nên đầu tư cải tạo nâng cấp để có những thay đổi trong giam giữ.

\"Ngô
Chụp lại hình ảnh,Ảnh luật sư Ngô Ngọc Trai (bên phải) thăm gia đình ông Đặng Văn Hiến

Kiến nghị của luật sư

Từ nhận thức như vậy tôi đã soạn một đơn kiến nghị và được 30 luật sư thuộc nhiều đoàn luật sư đồng tình.

Thực tế cho thấy cùm chân là biện pháp giam giữ lạc hậu nhưng cho đến ngày hôm nay dù cuộc sống đã chứng kiến rất nhiều thành tựu văn minh như smart phone và Facebook mà điều bất cập vẫn tồn tại, đó là bởi lâu nay chẳng mấy người quan tâm để ý đến.

Các luật sư bào chữa trong những vụ án tử tội có thể phần nào chứng kiến được sự khắc nghiệt trong môi trường giam giữ, nhưng tính chất công việc bận rộn và do đã chai lỳ vì chứng kiến nhiều nỗi trần ai rồi nên thời gian vẫn trôi đi việc vẫn còn ở đấy.

Các lãnh đạo nhà nước thì không thể quán xuyến hết được tất cả mọi vấn đề của đời sống xã hội và hoạt động bộ máy hành chính, nếu có một vấn đề bất cập nào đấy thì trách nhiệm của mọi người là phải nêu ra phản ánh, để vấn đề được mọi người trông thấy đủ tính đúng đắn và quan trọng để được xem xét giải quyết.

Bởi vậy, việc gửi kiến nghị là một cách để các luật sư chung tay vào kiến thiết quốc gia, xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp lý, tham gia vào quản trị đời sống xã hội và hệ thống pháp luật.

Là luật sư đã tham gia kêu xin ân giảm án tử hình thành công cho ông Đặng Văn Hiến, tôi thấy đó là kết quả của những vận động xã hội, của sự lên tiếng phản ánh những bất cập xung quanh tử tù, về án tử hình, về số lượng án tử tội, và bây giờ là về biện pháp giam giữ cùm chân.

Sẽ là lãng phí tài nguyên sự kiện xã hội nếu mọi việc kết thúc khép lại khi tử tù Hiến được giảm án chung thân, mà thay vào đó nhân sự quan tâm của các ban ngành và cộng đồng xã hội vào sự việc này, vấn đề giam giữ cùm chân có môi trường điều kiện thuận lợi nhất để nêu ra và tháo gỡ nhằm bớt đi một nỗi trần ai.

Nên bỏ cùm chân ngày đêm

Theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và Luật Thi hành tạm giữ tạm giam thì khi phạm nhân hoặc người bị tạm giam vi phạm nội quy cơ sở giam giữ sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật là đưa vào buồng kỷ luật có thể bị cùm một chân.

Ngoài ra Luật Thi hành tạm giữ tạm giam quy định về chế độ giam giữ người bị kết án tử hình là:

‘Trại tạm giam phải tổ chức buồng riêng hoặc khu riêng để giam giữ người bị kết án tử hình. Trong quá trình quản lý tạm giam người bị kết án tử hình, nếu xét thấy họ có biểu hiện bỏ trốn, tự sát hoặc có hành vi nguy hiểm khác thì thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định việc cùm một chân và tổ chức theo dõi, quản lý, ngăn ngừa.’

Trừ những quy định đó, không thấy có quy định nào của luật cho phép cùm chân những phạm nhân hoặc người bị giam thông thường không có vi phạm kỷ luật gì.

Ở đây có hai vấn đề đáng bàn:

Thứ nhất, việc phạm nhân hoặc người bị tạm giam vi phạm kỷ luật giam giữ và bị giam vào buồng kỷ luật như vậy có đảm bảo tôn trọng quyền con người không?

Có hình thức giam giữ nào bảo đảm được an ninh trật tự mà vẫn đảm bảo quyền con người cho người bị giam? Có thể tham khảo học hỏi cách thức giam giữ tội phạm nguy hiểm ở nước ngoài về vấn đề này.

Thứ hai, thực tế lâu nay có những người bị kết án tử hình không vi phạm nội quy giam giữ nhưng vẫn bị giam cùm chân. Ví như ông Hiến lâu nay bị giam cùm chân mà không thấy có thông tin nào nói rằng ông đã có hành vi vi phạm nội quy trại tạm giam.

Hoặc ví như ông Hàn Đức Long trước kia cho biết trong 11 năm đi tù oan thì có tới 7 năm bị giam cùm chân mà cũng không có nội dung nào về việc ông Long vi phạm cơ sở giam giữ.

Hoặc như năm ngoái tôi tham gia bào chữa cho một tử tội bị kết án trong vụ giết người ở Đăk Nông, bị cáo giam chung buồng với ông Hiến, dù là còn đang trong giai đoạn xét xử nhưng cũng bị giam cùm chân rồi.

Luật Thi hành tạm giữ tạm giam trao quyền cho trại tạm giam nếu xét thấy tử tội có biểu hiện này nọ thì cho phép cùm chân, nhưng thực tế cho thấy tâm lý phòng ngừa quá cao nên các trường hợp đều thấy bị cùm chân cả.

Sự lo lắng trách nhiệm cho giam giữ và muốn thuận lợi dễ dàng trong công việc khiến cho quyền con người ít được quan tâm coi trọng, không phù hợp với tinh thần nhân đạo của các quy định pháp luật hiện nay.

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 tại Điều 2 quy định về Nhiệm vụ của Bộ luật tố tụng hình sự, lần đầu tiên đã ghi nhận nội dung về bảo vệ quyền con người.

Luật Thi hành tạm giữ tạm giam năm 2015 tại Điều 4 quy định về Nguyên tắc quản lý thi hành tạm giữ tạm giam cũng đã quy định nội dung bảo đảm quyền con người.

Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định về những hành vi bị nghiêm cấm trong thi hành án hình sự là nghiêm cấm các hình thức đối xử vô nhân đạo hoặc hạ nhục người chấp hành án.

Bởi vậy, các luật sư kiến nghị bãi bỏ hình thức cùm chân cho mọi trường hợp, vì nếu để cho phép cùm chân trong những trường hợp nào đó thì với môi trường khép kín rất khó biết được trường hợp nào cùm chân là đúng.

Dù cho phạm nhân hoặc người bị giam có hành vi thế nào đi nữa thì chỉ cần giam riêng trong phòng giam là đủ, việc giam cùm chân là không đảm bảo quyền con người như pháp luật đã quy định.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của LS Ngô Ngọc Trai từ văn phòng luật Công Chính tại Hà Nội.

Bài Liên Quan

Leave a Comment