26 tháng 9 2022
Nhật Lam
Gửi bài tới BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội
Tuần lễ Hanoi Pride 2022 (Lễ hội Tự hào 2022) diễn ra tại Hà Nội từ ngày 19 đến 25/9 với các hoạt động như chiếu phim, workshop, talkshow, tiệc hẹn hò… Lễ diễu hành Hanoi Pride chiều chủ nhật 25/9, kết thúc tuần lễ Tự hào cũng là chính hội, đã đem đến cho hàng nghìn người tham dự những cảm xúc từ bỡ ngỡ đến ấn tượng khó quên.
Đây là lần đầu Hanoi Pride trở lại sau hai năm nghỉ dịch Covid. Có thể nói, sau mỗi lần tổ chức, sự kiện lại thu hút thêm một số lượng người ủng hộ đông đảo ngoài những tổ chức ngoại giao, tổ chức xã hội, viện nghiên cứu, doanh nghiệp xã hội…
Trang Facebook của Đại sứ quán New Zealand tại Hà Nội viết: “Gõ cửa – Mở yêu thương” – đây chính là thông điệp của Hanoi Pride năm nay. Sau hơn hai năm cùng rất nhiều khó khăn, chúng ta đã sẵn sàng gõ và mở ra những cánh cửa, để kết nối, mở ra những trái tim và trí óc, và trên hết, chúng ta mở lòng với yêu thương!
Để đón chào Hanoi Pride 2022, Đại sứ các nước Canada, New Zealand, Na Uy và Thụy Sỹ (hay còn gọi là Nhóm G4) đã có buổi gặp gỡ những nhà hoạt động và người ủng hộ cộng đồng LGBTI tại Việt Nam để chia sẻ câu chuyện của mình cùng những hi vọng và ước mơ về một Việt Nam cởi mở hơn.
Ngoài ra, Đại sứ quán Anh luôn là đơn vị tài trợ chính cho lễ hội Hanoi Pride hàng năm và năm nay cũng không là ngoại lệ.
Trên sân khấu Tự hào tại Câu lạc bộ Mỹ chiều Chủ nhật, tân Đại sứ Anh, ông Iain Frew đã có bài phát biểu ngắn bằng hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh về quyển tự do bình đẳng giới, quyền được tự do yêu thương và tự do là chính mình. Đặc biệt, ông chia sẻ câu chuyện của chính cá nhân mình và người chồng đồng giới khiến khán giả trẻ Hà Nội vô cùng xúc động.
Buổi lễ diễu hành bắt đầu với phần diễu hành xe đạp trên các tuyến phố chính ở Hà Nội. Xe đạp, xích lô được trang trí cờ lục sắc, logo của các biểu tượng LGBTQ+, và cờ các nước đầy màu sắc khiến nhiều người đi đường không khỏi tò mò.
Sân khấu Hanoi Pride tại Câu lạc bộ Mỹ đón đoàn diễu hành với một bầu không khí lễ hội vô cùng náo nhiệt với âm nhạc, màu sắc, gian hàng hội chợ. Bỏ qua những rào cản, những định kiến về giới tính, tất cả tụ hội về đây với tinh thần mọi người đều có quyền bình đẳng để yêu thương, để được là chính mình.
Dù Việt Nam được đánh giá là một đất nước khá cởi mở về bình đẳng giới nhưng ngoài không khí lễ hội, đâu đó vẫn còn tồn tại những e ngại từ phía nhà chức trách. Cụ thể, trong suốt buổi diễu hành, cờ các nước được giương cao cùng cờ LGBT.
Tuy nhiên, theo chúng tôi tìm hiểu thì trước lễ diễu hành đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, ban tổ chức đã dặn dò người tham dự không để cờ LGBT cạnh cờ Việt Nam và nhấn mạnh đây là một cuộc diễu hành nhằm nâng cao ý thức về quyền bình đẳng giới, một sự kiện thân thiện và không phải một cuộc biểu tình.
Bài thể hiện cách hành văn của tác giả, một cây bút tự do ở Hà Nội.