27 tháng 9 2022
Tin có những người Nhật phản đối quốc tang ông Shinzo Abe (ngày 27/09) khiến những người Việt thần tượng cố Thủ tướng Nhật phải ngạc nhiên.
Tin mới nhất cho hay Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đại diện cho nước này tới Nhật Bản dự quốc tang của ông Abe.
Tuy thế, việc có những người Nhật nói lên tiếng nói khác với chính phủ của họ hiện nay về ông Shinzo Abe là rất đáng chú ý.
BBC đã hỏi chuyện tiến sĩ luật Hirota Fushihara, nhiều năm sống tại Việt Nam ngay từ khi có tin ông Abe bị bắn chết trong tháng 7, và hỏi thêm giáo sư Masaaki Shimizu, từ bộ môn tiếng Việt, Đại học Osaka, Nhật Bản hôm cuối tháng 9/2022.
Cả hai người đều ghi nhận điều họ thấy là sự kính trọng đặc biệt của nhiều người VN đối với ông Abe, thậm chí coi ông \”như lãnh đạo của họ\”. Nhưng cách nhìn của hai vị khách lại khác, nhấn mạnh vào ý không nên coi chính khách là thần tượng.
Về ý kiến phản đối lễ quốc tang ông Abe
GS Masaaki Shimizu: Ngay trong một đảng có cả người tán thành và phản đối, thậm chí trong Đảng Tự do Dân chủ cầm quyền cũng có người phản đối tổ chức quốc tang và chính thức tỏ ý không tham dự. Điều đó chứng tỏ rằng hiện ng phản đối tổ chức quốc tang không phải do sự đối lập giữa đảng phái chính trị.
Theo báo Mainichi (22/9/2022), có ba lý do sau có thể được nêu: Thứ nhất là cuộc sống của ông như chính trị gia chưa xứng đáng để tổ chức quốc tang.
Thực ra ông (Abe) có nhiều thành tựu trong hai nhiệm kỳ làm thủ tướng, nhưng có một số vấn đề chưa được giải quyết. Như vụ hai trường học Moritomo và Kakei mà ông bị nghi là đã giúp đỡ công nhận và thành lập hai trường với tư cách cá nhân, hay là vụ Hội ngắm hoa anh đào được tổ chức bằng ngân sách chính phủ mà ông bị nghi đã tùy ý lựa chọn người tham dự.
Lý do thứ hai là thủ tướng Kishida chưa hỏi ý kiến của những người có thẩm quyền mà đã tự quyết định tổ chức quốc tang.
Lý do thứ ba là kinh phí tổ chức quá lớn. Đặc biệt hai lý do sau khiến nhiều người phản đối.
Ngược lại, những người tán thành tổ chức quốc tang đánh giá cao thành tích của ông về mặt ngoại giao và quốc phòng. Chẳng hạn, về ngoại giao, ông đã đặt ra “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Có người cho rằng ý tưởng đó là của Mỹ đặt ra, nhưng thực ra người đề xuất chiến lược này và đặt ra khái niệm “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” chính là ông Abe.
Một phần đáng lưu ý trong những người phản đối tổ chức quốc tang ông Abe có ý kiến kiên quyết phản đối cách thực hiện hòa bình của ông Abe, đặc biệt là việc sửa đổi điều 9 Hiến pháp Nhật Bản. Theo tôi, đó là một trong những yếu tố quan trọng nhất khi nghĩ đến hiện tượng phản đối tổ chức quốc tang ông Abe.
Thần thánh hóa lãnh đạo?
GS Masaaki Shimizu: Việc thần thánh hóa con người có thể có hai mặt. Mặt tích cực, đánh giá cao và đề cao thành tích. Còn mặt tiêu cực có tác dụng che giấu những mặt yếu kém và có khi phóng đại các câu chuyện liên quan đến đối tượng.
Theo tôi, dân tộc Việt Nam vốn dĩ có phong tục thần thánh hóa các vị anh hùng trong lịch sử theo tư tưởng đạo giáo. Trong quá trình thần thánh hóa, các yếu tố tiêu cực của đối tượng bị mai một đi, đó là điều không thể tránh được.
Nhưng tôi nghĩ người được thần thánh hóa, đặc biệt những người lãnh đạo, cần có nhân cách và thành tích đích đáng, chứ không nên lợi dụng việc thần thánh hóa từ góc độ chính trị.
TS Hirota Fushihara: Về chính trị của ông Abe thì có nhiều góc nhìn và đánh giá khác nhau, bởi vì dù sao thì Nhật Bản cũng là đất nước có nhiều ý kiến khác nhau về chính trị.
Trong khi Đảng Dân chủ Tự do và ông Abe đã từng là chủ tịch, cũng như ông ấy đã là thủ tướng bởi cái đảng cầm quyền là Đảng Dân chủ Tự do.
Tuy đảng đó cầm quyền rất nhiều thời gian, nhưng mà vẫn có nhiều người không đồng tình với nhiều chính sách của ông Abe. Ví dụ chính sách phát triển kinh tế, hay là phân chia nguồn thu nhập cho người dân có bình đẳng và công bằng cho những người yếu thế trong xã hội chưa?
Ông Abe có thể có nhân cách tốt, nhưng không phải là vị thần hay là siêu anh hùng, ông cũng là một trong những nhà chính trị làm việc tại Nhật Bản thôi. Tôi rất mong là các bạn trước khi phản ứng hay đánh giá thì chúng ta nên tìm hiểu khách quan hơn.
Nhật Bản không phải toàn màu hồng
TS Hirota Fushihara: Các bạn Việt Nam không hiểu nhầm về Nhật Bản… Nhưng, hiểu về một đất nước không bao giờ dễ dàng. Tôi đã sống ở Việt Nam 16 năm, lần đầu tôi sang Việt Nam là năm 1993, tôi học tiếng Việt từ cách nay rất nhiều năm, nhưng tôi đã tìm hiểu về văn hóa, văn học, con người Việt Nam chưa hết và chắc chắn không bao giờ hết.
Tất nhiên các bạn Việt Nam tìm hiểu về nước Nhật thì không thể hiểu hết được 100%… Kinh tế Nhật Bản rất nhiều chục năm không thể tăng trưởng được, kinh tế suy thoái. Bây giờ đồng Yên của Nhật rất rẻ so với USD, cũng khó khăn, phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn lên…
Rất nhiều người trẻ hiểu là Nhật Bản là đất nước nhiều màu sắc, màu hồng, tốt đẹp… Rất nhiều các bạn trẻ Việt Nam muốn đi Nhật để làm việc, tiếng Việt gọi là xuất khẩu lao động. Các bạn thấy Nhật Bản màu hồng, có thể đi sang Nhật sẽ thay đổi được cuộc đời.
Đi Nhật lao động thì không phải là lao động tự do, không thể thay đổi được nơi làm việc. Đôi khi gặp phải công ty xấu, ông chủ bà chủ không tốt, điều kiện làm việc không như mong muốn thì có rất nhiều khó khăn… Không ít bạn trước khi sang Nhật thì thấy màu hồng và mơ ước gì đó, nhưng chưa hẳn hiểu thực tế. Rồi đi Nhật về thì thấy là Nhật Bản không phải màu hồng…
Cựu lãnh đạo Nhật Bản Shinzo Abe đã qua đời trong bệnh viện sau khi bị bắn ngày 8/7 tại Nara, Nhật.