Thế giới không thể bỏ qua dầu mỏ Nga, cỗ máy rút tiền phục vụ chiến tranh của Putin

Đăng ngày: 27/09/2022

\"\"
\"\"
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Veliky Novgorod, Nga ngày 21/09/2022. AP – Gavriil Grigorov

Phan Minh

Kể từ khi chiến tranh nổ ra ở Ukraina vào tháng 2 năm nay, nguồn xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch đã mang lại cho Nga gần 168 tỷ euro. Nhưng tình hình có thể sẽ thay đổi. Đó là nội dung bài viết trên tuần báo Pháp L’Express ngày 19/09/2022. RFI xin giới thiệu

Bình thường, chỉ có những chiếc thuyền nhỏ màu trắng và xanh của ngư dân địa phương và một vài chiếc du thuyền sang trọng đi đến vùng nước trong vắt của vịnh Laconia, ở cực nam Peloponnesos, Hy Lạp. Nhưng trong những tuần gần đây, những chiếc thuyền lớn hơn đã đi qua biển Ionia, tiến sát bờ biển thuộc đảo Kythera. Vào cuối tháng 8, hai nhà báo của tờ Nikkei Asia, Nhật Bản, đã chứng kiến một sự kiện gây tò mò : hai chiếc tàu chở dầu đỗ cạnh nhau và những chiếc máy bơm khổng lồ bơm dầu từ tàu này sang tàu kia. Trong vận tải hàng hải, hoạt động chuyển hàng \”tàu sang tàu\” (ship to ship) không có gì là đặc biệt cả. Ngoại trừ trong trường hợp cụ thể này, đó là chiếc tàu chở dầu của Nga. Một chiếc là tàu chở dầu, Sea Falcon, mang cờ Hy Lạp, rời cảng dầu Ust Luga ở tây bắc nước Nga hôm 04/08. Chiếc tàu kia mang tên Jag Lok, được đăng ký tại Ấn Độ thì rời cảng Aliaga ở Thổ Nhĩ Kỳ và sau khi được bơm dầu vào khoang chứa, không ai biết điểm đến của con tàu này, vì tàu tắt hệ thống phát đáp, thiết bị cho phép biết được các di chuyển của tàu. 

168 tỷ doanh thu từ xuất khẩu sản phẩm năng lượng 

Kể từ khi Nga tiến hành cuộc chiến ở Ukraina và phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây, hoạt động \”ship to ship\” đã trở thành mốt. Theo dữ liệu do công ty Refinitiv có trụ sở tại Luân Đôn tổng hợp, đã có 175 vụ chuyển hàng theo phương thức này ở ngoài khơi bờ biển Hy Lạp từ tháng 2 đến tháng 8 năm 2022 so với chỉ 9 vụ vào cùng thời kỳ năm ngoái. Cảng Kalamata dường như là địa điểm chiến lược của hoạt động kinh doanh hưng thịnh này. Theo ước tính của S&P Global, các chuyến tàu chở dầu của Nga từ các cảng Biển Đen đến Kalamata đã tăng gấp đôi trong ba tháng đầu cuộc chiến. 

Trong khi châu Âu đang tìm cách giảm và thậm chí có kế hoạch cắt hoàn toàn lượng dầu nhập khẩu của Nga kể từ ngày 05/12, thì doanh thu từ vàng đen vẫn tiếp tục chảy vào kho bạc của Nhà nước Nga, gián tiếp tài trợ cho nỗ lực chiến tranh của Vladimir Putin. Phải thừa nhận rằng các lệnh trừng phạt thương mại và tài chính đang bắt đầu gây khó khăn cho nền kinh tế Nga : sản xuất xe hơi bị đình trệ và các hãng hàng không không được các nhà cung cấp phương Tây cung cấp phụ tùng thay thế, do vậy Nga đang tháo dỡ một số máy bay của mình để tìm thiết bị còn thiếu. Lệnh cấm vận đối với tất cả các linh kiện điện tử cũng làm tê liệt toàn bộ ngành công nghiệp quốc phòng. Bộ Ngoại Giao Pháp nhận định rằng \”với những cuộc suy thoái dự kiến vào năm 2022 và 2023, GDP của Nga sẽ quay trở lại mức hồi năm 2000. Một bước thụt lùi hơn 20 năm\”. 

Thực tế là Matxcơva vẫn nhận được nguồn tiền từ các chuyến vận chuyển dầu và khí đốt của họ. Khối lượng xuất khẩu có thể đã giảm, nhưng giá đã tăng quá cao đến mức các hóa đơn thanh toán bằng đô la có giá trị như vàng. Vì vậy người ta vẫn nghe thấy điệp khúc, xét cho cùng Nga không đến nỗi bị thiệt hại nhiều về kinh tế. Theo ước tính của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), một tổ chức tư vấn của Phần Lan, Nga đã thu về khoảng 168 tỷ euro từ xuất khẩu dầu khí trong khoảng thời gian từ 24 tháng 2 đến 15 tháng 9. Theo tính toán của Lauri Myllyvirta, giám đốc phân tích của CREA, \”riêng Liên Hiệp châu Âu đã trả gần 100 tỷ euro\”. Trong số tiền này, 56 tỷ euro được rót thẳng vào kho bạc của bộ Tài Chính Nga. Và chính việc bán dầu thô và các sản phẩm phái sinh, đặc biệt là dầu diesel, giúp Nga thu được nhiều tiền nhất, chiếm gần hai phần ba tổng số tiền xuất khẩu dầu khí. 

Vàng đen là máy rút tiền phục vụ mục đích quân sự của Putin. Tất nhiên, Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới sau Hoa Kỳ và Ả Rập Xê-út. Nhưng lại là nước xuất khẩu dầu nhiều nhất trên thế giới: gần 15% nguồn cung dầu thô của thế giới được khai thác ở các mỏ Ural và Siberia. Putin biết điều đó và ông đang tận dụng điều này. Bởi việc thay đổi lộ trình của các tàu chở dầu dễ dàng và nhanh chóng hơn nhiều so với việc xây dựng các đường ống dẫn dầu khí mới. Pierre Terzian, giám đốc Petrostrategies giải thích : “Ngay từ khi bắt đầu chiến tranh, Matxcơva đã tìm kiếm khách hàng mới, và họ đã tìm được nhiều nước sẵn sàng mua dầu của mình với giá hời”. Như thể một nền địa chính trị dầu mỏ mới đang hình thành, dựa trên bản đồ của các chế độ ủng hộ Putin. 

Ấn Độ và những khoản mua rất hời 

Nếu hồi mùa xuân, dầu Bắc Hải thấp giá hơn dầu Brent là gần 35 đô la một thùng, thì nay, mức chênh lệch dường như được giảm, chỉ còn khoảng 20 đô la. Nhưng cũng quá đủ để tìm được các chuyến hàng của Nga rất hấp dẫn về mặt tài chính đối với một loạt các quốc gia châu Á hoặc châu Phi chưa thực sự lên tiếng sau cuộc xâm lược Ukraina. Đứng đầu trong số đó là Trung Quốc, và nhất là Ấn Độ. Nước này không mua một giọt dầu nào của Nga trước chiến tranh Ukraina, bỗng trở nên rất hào hứng mua nhiều. Cũng giống như Brazil, nước đã ký với Matxcơva vào đầu tháng 7 một hợp đồng khổng lồ chiếm gần 30% doanh số bán dầu diesel của Nga trên thế giới. 

Đầu óc cơ hội của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất 

Và sau đó là những nước cơ hội, như Ai Cập và đặc biệt là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Pierre Terzian nhấn mạnh : \”Những nước này là bậc thầy trong lĩnh vực xuất nhập khẩu dầu của Iran, vốn đang bị trừng phạt. Họ cũng làm điều tương tự với dầu thô của Nga\”. Vào tháng 8, lượng dầu của Nga cập cảng lớn Fujairah trên bờ biển phía đông của Các tiểu vương quốc Ả Rập, đã cao ngất ngưởng. Vàng đen này, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất trộn với dầu của họ để tái xuất khẩu ra khắp thế giới. Ngoài ra, họ còn tinh chế dầu thô của Nga ngay tại chỗ và sau đó bán lại với giá cao ở châu Âu, Anh và thậm chí là Hoa Kỳ. Dầu của Nga vẫn tiếp tục được vận chuyển qua hệ thống ống dẫn. Tại Ceyhan, Thổ Nhĩ Kỳ, đường ống \”BTC\”, liên kết Baku ở Azerbaijan với Tbilisi ở Gruzia, sau đó băng qua Thổ Nhĩ Kỳ để đến Địa Trung Hải, đã đột ngột tăng công suất lên 250.000 thùng mỗi ngày trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7. Vấn đề ở đây là Azerbaijan tuyên bố đã giảm việc sản xuất lượng vàng đen của họ. Do vậy, theo Pierre Terzian, \”dầu của Nga đang chảy trong đường ống giống như thời Liên Xô\”. 

Ẩn số về lệnh cấm vận của châu Âu 

Alexandre Andlauer, nhà phân tích và chuyên gia thị trường dầu tại Kpler cho biết : “Dầu thô của Nga có ở khắp mọi nơi và hành tinh này không thể bỏ qua được”. Liệu lệnh cấm vận của châu Âu vào đầu tháng 12 có làm thay đổi điều gì không ? Bằng cách tìm kiếm khách hàng mới, Nga đã chuẩn bị đối phó với lệnh cấm vận mới này. Nhưng việc giới hạn giá dầu của Nga có thể thực sự làm tổn hại đến túi tiền của Vladimir Putin. Đó là ý tưởng của bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, bà Janet Yellen. Những ý tưởng sơ khởi đầu tiên của biện pháp mới này đã được đưa ra gần đây. Nói một cách đơn giản, cần buộc các công ty bảo hiểm chỉ bảo hiểm cho những lô hàng được mua với giá bằng hoặc thấp hơn mức giá đã ấn định từ trước, có thể là gần 60 đô la một thùng dầu (giá dầu hiện nay khoảng 90 đô la), và bất kể điểm đến là đâu. Đây là một « vũ khí » rất hữu hiệu vì hầu hết các hãng bảo hiểm chuyên vận chuyển dầu đều của các nước phương Tây và đặc biệt là Anh Quốc. 

Nhưng ngay cả trong trường hợp này, Nga đã có biện pháp đề phòng. Từ vài tuần qua, họ đã đổ xô vào các tàu chở dầu cũ có sẵn trên thị trường để không phụ thuộc vào bất kỳ chủ tàu nào. Arnaud Dubien, giám đốc đài quan sát Pháp-Nga ở Matxcơva giải thích : “Thậm chí, họ sẽ hoàn tất hệ thống bảo hiểm công 100% với bảo lãnh của Nhà nước”. Trong khi đó, những đám mây đen đe dọa tăng trưởng toàn cầu có thể làm cạn kiệt cỗ máy rút tiền của Nga. Francis Perrin, nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược, phân tích: “Nếu thế giới bước vào suy thoái, giá dầu sẽ giảm và tước đi nguồn thu rất hời của Nga”. Về mặt tài chính, gió có thể đổi chiều đối với Vladimir Putin.

Bài Liên Quan

Leave a Comment