Đăng ngày: 27/09/2022
Một Trung Quốc bị Liên Hiệp Quốc tố cáo có nhiều hành vi có thể gọi là “tội ác chống nhân loại” tại Tân Cương. Một Bắc Kinh được coi là hung hăng, đòi độc chiếm Biển Đông, sẵn sàng dùng vũ lực để thống nhất Đài Loan. Thế nhưng, trái với tất cả những hình ảnh tiêu cực trên, các đại sứ quán Trung Quốc ở Đông Nam Á năng nổ tận dụng truyền thông chính thống ở những nước này để đánh bóng hình ảnh và đổ cho phương Tây mang “tư tưởng chiến tranh lạnh”.
Đây là kết quả của báo cáo 15 trang, Tell China’s Story Well: Chinese Embassies’ Media Outreach in Southeast Asian Media (tạm dịch : Nói tốt về Trung Quốc : Cách tiếp cận truyền thông của các đại sứ quán Trung Quốc trên phương tiện truyền thông Đông Nam Á), được Viện ISEAS-Yusof Ishak tại Singapore đăng ngày 12/09/2022.
Tác giả Wang Zheng đã thống kê ba kênh truyền thông chính được các đại sứ quán Trung Quốc ở Đông Nam Á sử dụng từ năm 2019 đến giữa năm 2021 : các sự kiện truyền thông do đại sứ quán tổ chức ; các bài báo được các nhà lãnh đạo hoặc nhà ngoại giao Trung Quốc ký tên đăng trên các nhật báo nước sở tại ; các cuộc phỏng vấn và họp báo của đại sứ quán Trung Quốc với truyền thông địa phương. Ví dụ, ở kênh thứ 3, đại sứ quán Trung Quốc ở Việt Nam có 22 lần phối hợp với các báo Quân Đội Nhân Dân, Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, VnExpress…
Đối với phương Tây, Trung Quốc sẵn sàng huy động lực lượng đại sứ “chiến lang” để đáp trả gay gắt, thậm chí là hiếu chiến, cáo buộc của những nước này, như đe dọa chính quyền Úc, thóa mạ một nhà nghiên cứu Pháp… Ngược lại, với những nước Đông Nam Á, Bắc Kinh duy trì hình ảnh một nước láng giềng đáng tin cậy. Nếu theo luận điểm của Bắc Kinh, các nước phương Tây chỉ tìm cách “phá hoại tình hữu nghị, đoàn kết giữa các nước châu Á để nhằm mục đích cuối cùng là kiềm chế sự phát triển ôn hòa của Trung Quốc”. Bắc Kinh tự nhận là luôn bảo vệ mạnh mẽ cơ chế đa phương, thương mại tự do và trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế và Hiến Chương của Liên Hiệp Quốc.
Tuy nhiên, tác giả bản báo cáo khẳng định những nỗ lực mài dũa “hình ảnh quốc gia tích cực” của Trung Quốc lại nhận được ý kiến trái chiều. Nhìn tổng quát, ảnh hưởng của Trung Quốc tại Đông Nam Á dường như “bị chỉ trích nhiều hơn so với điều Trung Quốc mong đợi”. Theo Khảo sát thường niên tình hình Đông Nam Á 2022 (the 2022 State of Southeast Asia annual survey), giới tinh hoa lãnh đạo đối ngoại vẫn nghi ngại tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh, dù thừa nhận Trung Quốc là một sức mạnh kinh tế và chính trị có ảnh hưởng nhất ở trong vùng. Chỉ khoảng 7% người được thăm dò ý kiến cho rằng Trung Quốc là một “cường quốc ôn hòa và tốt bụng”, trong khi có đến 58,1% không thấy thuyết phục là Trung Quốc “sẽ làm điều tốt” trong các vấn đề toàn cầu.
Điểm thứ hai, theo nhà nghiên cứu Wang Zheng, là trong “câu chuyện” mà Trung Quốc kể (cách diễn giải, tuyên truyền của Bắc Kinh), “những vấn đề tranh chấp đều bị giảm thiểu”. Đa số người được thăm dò ý kiến bận tâm đến tham vọng của Bắc Kinh độc chiếm Biển Đông, sử dụng công cụ kinh tế vào mục đích chính trị, đặc biệt thông qua Sáng Kiến Một Vành đai Một Con đường (BRI), vẫn bị phương Tây lên án là “bẫy nợ” cho các nước nghèo, hoặc ảnh hưởng ngày càng lớn của cộng đồng người Hoa ở Đông Nam Á.
Chiến lược “sức mạnh của lời nói” được tập trung trong chính sách đối ngoại kể từ khi ông Tập Cận Bình lên làm chủ tịch Trung Quốc năm 2012. Ngay năm sau, ông nhấn mạnh trong một bài phát biểu là phải “kể tốt nói hay về lịch sử Trung Quốc, phổ biến tiếng nói của Trung Quốc và tăng cường sức mạnh lời nói của Trung Quốc trên phạm vi quốc tế”.
Tuy nhiên, mượn truyền thông chính thống ở các nước sở tại để quảng bá “thanh danh” cho Trung Quốc không phải là giải pháp tối ưu. Giảng viên về quan hệ quốc tế Ardhitya Eduard Yeremia tại Đại học Indonesia, cho rằng “ngày nay, có ít người theo dõi truyền thông đại chúng nên tác động rất ít”. Ngược lại, ông lấy ví dụ ở Indonesia, nước được Trung Quốc nhắm đến nhiều nhất, theo báo cáo của Wang Zheng, tất cả những chuyện tiêu cực về Trung Quốc ở Indonesia xuất phát từ mạng xã hội, “chỉ cần một ngày, những người huy động tâm lý bài Trung Quốc có thể tác động đến vài trăm nghìn người đọc”. Mạng xã hội mới thực sự là thách thức mà Trung Quốc phải đối phó.