Frances Mao
BBC News
Một phụ nữ Myanmar bị tòa án quân sự bỏ tù sáu năm vì đăng hình ảnh trên trang web đăng ký theo dõi dành cho người lớn – OnlyFans, và các nền tảng khác.
Nang Mwe San, người mẫu và là cựu bác sĩ, cách đây hai tuần, bị buộc tội \”làm tổn hại văn hóa và nhân phẩm\”, giới chức quân sự cho biết.
Trước đó, cô cũng đã tham gia các cuộc biểu tình chống quân đội, lực lượng đã lên nắm quyền vào năm 2021 trong một cuộc đảo chính.
Cô được cho là người đầu tiên ở Myanmar bị bỏ tù vì nội dung đăng tải trên OnlyFans.
Một người mẫu khác, cũng đã đăng hình ảnh cô tham gia biểu tình lên mạng xã hội, cũng bị bắt vào tháng Tám theo luật tương tự. Thinzar Wint Kyaw sẽ phải hầu tòa vào tháng Mười.
Nang Mwe San bị kết tội phát tán ảnh và video khỏa thân trên các trang mạng xã hội để thu phí, theo Mục 33 (A) của Luật Giao dịch Điện tử của nước này, sẽ phải chịu mức án tối đa là bảy năm.
Người mẫu này sống ở thị trấn North Dagon của Yangon – khu vực bị áp đặt thiết quân luật.
Cô bị xét xử tại Tòa án nhà tù Insein – nhà tù khét tiếng của thủ đô và lớn nhất Myanmar – nơi giam giữ nhiều tù nhân chính trị kể từ cuộc đảo chính năm ngoái.
Mẹ của cô ấy nói với BBC Miến Điện rằng bà có thể liên lạc với con gái mình trong những tuần gần đây, nhưng không biết về bản án cho đến khi truyền thông quân đội xác nhận vào thứ Tư (28/9).
Quân đội Myanmar đã lật đổ chính phủ được bầu một cách dân chủ của bà Aung San Suu Kyi vào tháng 2/2021 – làm dấy lên các cuộc biểu tình lớn trên khắp đất nước và một phong trào phản kháng lan rộng.
Ước tính hơn 15.600 người – bao gồm bà Suu Kyi, các nhà lập pháp, nhà hoạt động và nhà báo – đã bị bắt kể từ khi quân đội nắm chính quyền.
Hôm thứ Ba, một nhà báo tự do của BBC đã bị tăng án tù lên ba năm sau khi bị kết tội liên lạc với một chương trình phát thanh ủng hộ dân chủ bị cấm hoạt động do các nhà hoạt động lập ra vào năm ngoái.
Htet Htet Khine đã bị kết án ba năm lao động khổ sai theo luật mới, trong đó hình sự hóa các bình luận được coi là gây sợ hãi hoặc lan truyền \”tin tức sai sự thật\” về quân đội.
Hơn 12.000 người vẫn bị giam giữ, trong khi ít nhất 2.322 tù nhân chính trị đã bị chế độ giết chết, nhóm giám sát của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị cho biết.