Đăng ngày: 28/09/2022
Lệnh động viên \”một phần\” quân dự bị của Nga vẫn là chủ đề chính được các tờ báo Pháp quan tâm hôm nay 28/09/2022.
Nhật báo Le Monde có bài viết nói về việc tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hôm 26/09 đã tìm cách khuyên nhủ đồng nhiệm Nga Vladimir Putin rằng \”hãy để 30.000, 50.000 người này ra đi. Vì nếu họ ở lại, họ cũng có ủng hộ chúng ta hay không ? \” Nguyên thủ Belarus nói về những nam thanh niên Nga chạy trốn khỏi đất nước sau khi tổng thống Putin loan báo lệnh động viên \”một phần\” lực lượng dự bị của Nga. Ông Putin đã tiếp ông Lukashenko tại tư dinh của mình ở Sochi trong bối cảnh Nga sắp sáp nhập các lãnh thổ ở miền đông và miền nam Ukraina.
Tuy nhiên, leo thang quân sự ở Ukraina hoàn toàn không nằm trong tính toán của Minsk. Trong hai tháng qua, ông Lukashenko khá kín tiếng trên trường quốc tế, nhưng giờ đây, ông đang khá lo lắng khi sắp đến thời điểm ông phải tỏ rõ, bằng hành động, tình đoàn kết của mình với điện Kremlin.
Được một nhà báo truyền hình Belarus hỏi về chủ đề này hôm 23/09, hai ngày sau khi ông Vladimir Putin thông báo về việc động viên một phần lực lượng Nga, ông Lukashenko đã trả lời thẳng thừng : \”Chúng ta không chuẩn bị bất kỳ cuộc động viên nào, tất cả chỉ là nói dối. Chúng ta sẽ chỉ chiến đấu nếu chúng ta phải bảo vệ nhà cửa, lãnh thổ của mình\”.
Trước khi Nga xâm lược Ukraina, lập trường của Belarus khá giống lập trường của điện Kremlin. Vào đầu tháng Hai, Alexander Lukashenko từng dự đoán : \”Ukraina sẽ không bao giờ chống lại chúng ta, cuộc chiến này sẽ kéo dài tối đa 3 hoặc 4 ngày. Sẽ không có ai đối đầu với chúng ta\”. Nhưng trên hết, vào ngày 27/02, ông đã sửa đổi Hiến pháp Belarus, với hai thay đổi lớn : bãi bỏ quy chế của một quốc gia trung lập và cho phép triển khai kho vũ khí hạt nhân của Nga trên lãnh thổ của mình.
Thực ra, ông Lukashenko nằm trong tay ông Putin, nhưng ông ấy vẫn tìm cách tránh phải huy động lực lượng. Tatsiana Koulakevitch, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại đại học Nam Florida phân tích: Việc ông lưỡng lự trong việc điều động binh lính Belarus sang Ukraina phản ánh mong muốn duy trì sự cai trị của mình, vốn đã kéo dài 28 năm. Lập luận của ông vẫn không thay đổi : Belarus đã chịu nhiều thiệt hại trong Chiến Tranh Thế Giới Thứ II và đất nước ông phải là đất nước bảo vệ hòa bình.
Người dân Belarus dường như có cùng quan điểm với ông : 70% người dân không ủng hộ việc quân đội của họ tham gia vào cuộc chiến ở Ukraina, theo một cuộc thăm dò do tổ chức tư vấn Chatham House của Anh thực hiện vào tháng 8. Tatsiana Kulakevich nói thêm rằng sau khi đã nhượng một phần lớn kho vũ khí đạn dược của mình cho Nga, ông Lukashenko có thể lập luận rằng quân đội của ông không được trang bị đủ phương tiện để thực hiện một cuộc tấn công vào Ukraina.
Không có binh sĩ Belarus nào trực tiếp tham gia vào cuộc xâm lược của Nga, trong khi những người chống đối chế độ Lukashenko đã thành lập hai trung đoàn. Có hơn một nghìn binh sĩ thực sự đang chiến đấu cùng lực lượng vũ trang Ukraina chống lại Nga. Các kháng chiến quân ở Belarus cũng đã thực hiện hàng chục vụ phá hoại nhắm vào bộ máy hậu cần của Nga, đặc biệt là các tuyến đường sắt.
Về phần mình, nhà khoa học chính trị và nhà bất đồng chính kiến người Belarus Pavel Oussov giải thích : \”Chúng ta phải theo dõi phản ứng của ông Lukashenko sau khi Nga công bố kết quả của cuộc trưng cầu dân ý giả mạo ở Ukraina và trên thực tế sẽ sáp nhập những vùng này\”. Theo ông Oussov, tổng thống Lukashenko và các cố vấn của ông hiểu rằng ông Putin đã để thua cuộc chiến. \”Thất bại ở Kharkiv và cuộc phản công ở Kherson đã làm tình hình trở nên rõ ràng\” ông Oussov nhấn mạnh. \”Ông Lukashenko chắc chắn sẽ không muốn \”ăn đời ở kiếp\” với kẻ bại trận. Ông thấy rõ rằng các cuộc trưng cầu dân ý gian lận và việc động viên một phần lực lượng ở Nga chỉ là phương tiện để Putin câu giờ\”.
Chiến tranh ở Ukraina \”làm sống lại\” các cuộc tranh luận về khả năng răn đe hạt nhân
Vẫn theo Le Monde, một tuần sau thông báo của Vladimir Putin về việc \”động viên một phần lực lượng\” và việc ông sẵn sàng sử dụng \”mọi phương tiện\” để \”bảo vệ nước Nga\”, \”trong trường hợp có mối đe dọa đối với toàn vẹn lãnh thổ\”, một số nhà phân tích tỏ ra lo ngại rằng \”đây không phải là một trò bịp\”.
Sự mập mờ về việc sử dụng vũ khí hạt nhân được Matxcơva cố tình duy trì kể từ đầu cuộc chiến, và các chuyên gia cho rằng ông Putin có thể nghĩ đến việc sử dụng cái gọi là vũ khí hạt nhân \”chiến thuật\”, với tầm bắn dưới 500 km. Ngược lại, vũ khí \”chiến lược\” thường được định nghĩa có tầm bắn \”xuyên lục địa\”.
Không phải tất cả các quốc gia có vũ khí hạt nhân đều có vũ khí hạt nhân chiến thuật. Pháp đã không còn phát triển loại vũ khí này vào những năm 1990. Dữ liệu về Trung Quốc không tiết lộ liệu nước này có sở hữu chúng hay không.
Dường như giờ đây chỉ có 2 nước sở hữu vũ khí hạt nhân chiến thuật là Nga và Hoa Kỳ. Theo dữ liệu chính thức, vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga bao gồm các vũ khí trên không, trên bộ và ngoài biển. Vũ khí được nhắc đến nhiều nhất là các bệ phóng Iskander-M, mà Matxcơva gắn khoảng 70 đầu đạn hạt nhân. Một số Iskander-M đã được bố trí ở miền đông Ukraina, Belarus, cũng như vùng Kaliningrad của Nga. Hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn hoặc tầm trung này của Nga có thể mang đầu đạn hạt nhân.
Tuy nhiên, bất chấp sức công phá của những đầu đạn này, thiệt hại có thể được giới hạn trong một bán kính hạn chế, tùy theo kích thước của thành phố bị tấn công. Vũ khí chiến thuật có sức công phá khoảng vài chục kiloton, so với vài trăm kiloton đối với vũ khí chiến lược. Quả bom thả xuống Hiroshima năm 1945 có sức công phá 14 kiloton, do đó ngày nay, nó sẽ được xếp vào loại vũ khí chiến thuật.
Nga \”hợp thức hóa sự có mặt của mình\” ở Ukraina
Về phần mình, nhật báo thiên hữu Le Figaro có bài phóng sự về việc Nga sử dụng những \”mánh khóe\” khác ngoài vũ lực, nhằm \”hợp thức hóa sự có mặt của mình\” ở những vùng họ chiếm đóng ở Ukraina.
Yuri khi nhìn thấy đặc phái viên Le Figaro, ông nở nụ cười tươi, dang rộng vòng tay như chào đón những người thân sau một thời gian dài vắng bóng. Ông chỉ vào ngôi nhà bị tàn phá của mình ở rìa làng Kozacha Lopan, rất gần biên giới Nga. Quá yếu để đi đến trung tâm thành phố, người đàn ông này sống sót nhờ vài hộp đồ ăn còn trong nhà. Những người hàng xóm của ông đã rời đến Kharkiv, hoặc đến Nga, theo chân những người lính Nga khi họ bị đẩy lùi bởi cuộc tấn công chớp nhoáng của quân đội Ukraina vào 2 tuần trước.
Yuri kể rằng vợ ông đã bị thương sau những trận oanh kích và lính Nga đã đưa bà ấy đến bệnh viện ở Belgorod, bên Nga. Yuri chắc chắn rằng Nga đã cứu sống được bà mặc dù ông không có tin tức gì về vợ mình và không có cách nào để liên lạc với bà ấy. Ông nước mắt chảy dài nói tiếp : \”Xin hãy giúp tôi tìm bà ấy, tôi phải liên lạc với ai bây giờ ?\”
Yuri nhấn mạnh rằng chính những người Ukraina đã phá hủy ngôi nhà của ông, làm vợ ông bị thương, hủy hoại cả cuộc đời ông. Các người lính Nga đã nói với ông rằng chính phủ Ukraina của ông đang muốn phá hủy ngôi nhà và xưởng nhỏ của ông. Yuri, giống như bao cư dân khác của vùng biên giới Kharkiv đã sang Ukraina đi học khi ông vẫn còn là một thanh thiếu niên và kể từ đó, ông không rời Ukraina nữa. Nhưng chỉ mất vài tháng để Matxcơva biến nỗi đau mất nhà và bà vợ bặt vô âm tín của ông thành lòng hận thù đối với Ukraina.
Thổ Nhĩ Kỳ – nơi trú ẩn an toàn với thanh niên Nga trốn lính
Nhật báo kinh tế Les Echos thì quan tâm đến Thổ Nhĩ Kỳ, bến đỗ an toàn với những nam thanh niên Nga trốn lính.
Hôm 23/09, Albert rời Matxcơva, với hai chiếc áo sơ mi và hai chiếc quần bò nhét trong ba lô. Albert kể : \”Khi tôi nghe về các cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập các vùng thuộc lãnh thổ Ukraina, tôi hiểu rằng tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn. Tôi nghĩ rằng còn vài ngày để chuẩn bị, nhưng khi Putin tuyên bố động viên một phần lực lượng vào sáng ngày 21/09, tôi đã lập tức mua vé\”.
Cùng với một số bạn bè, anh từng tìm cách vận động một phong trào sinh viên phản đối chiến tranh ở Saint-Petersburg. Bị bắt cùng các bạn vào ngày 27/02, anh đã qua đêm trong phòng giam và bị phạt một trăm euro. Anh vẫn tiếp tục kiên trì tham gia vào các cuộc biểu tình. Nhưng đến tháng 4, khi đang trên đường đi biểu tình, anh lại bị bắt và lần này anh bị giam giữ nhiều ngày.
Albert không một chút do dự khi lên kế hoạch chạy trốn ra nước ngoài. Nhưng anh thực sự không tin mình có thể trốn thoát. Albert thuật : \”Tôi tin chắc rằng cảnh sát sẽ phát cho tôi lệnh điều động tại sân bay. Tôi đã sẵn sàng tâm lý để phản kháng, tôi thà vào tù còn hơn là ra chiến trường. Bởi ra chiến trường đồng nghĩa với việc trở thành một kẻ giết người, hoặc là bị giết\”.\”
Hải quan cuối cùng đã thẩm vấn anh cùng với khoảng hai mươi người đàn ông khác trong độ tuổi chiến đấu. Họ muốn biết anh đã mua vé lúc nào, tại sao lại đi Thổ Nhĩ Kỳ, và đặc biệt là anh đã thực hiện nghĩa vụ quân sự hay chưa. Albert thừa nhận: \”Đó là vấn đề không nhỏ. Tôi từng thực hiện nghĩa vụ quân sự lúc tôi 20 tuổi. Tôi không biết sử dụng vũ khí mặc dù đã sống một năm trong doanh trại quân đội\”. \” Nhưng trên giấy tờ, hồ sơ của anh vẫn nằm trong danh sách những người bị điều động. Tuy nhiên, cảnh sát cuối cùng đã để anh lên máy bay đến Istanbul.
Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraina, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một trong số ít những \”lối thoát\” cho người Nga muốn rời bỏ đất nước của họ. Ankara đã không đóng không phận của mình với Matxcơva, và người dân Nga có thể vào Thổ Nhĩ Kỳ mà không cần xin thị thực nhập cảnh. Có khoảng 100 đến 120 chuyến bay thương mại kết nối Nga và Thổ Nhĩ Kỳ mỗi ngày. Tất cả các máy bay đến Istanbul từ Matxcơva, Saint-Petersburg hay Kazan đều kín chỗ kể từ khi có thông báo điều động một phần lực lượng. Cụ thể, những chuyến bay Matxcơva-Istanbul đã kín chỗ đến ngày 03/10 trên trang web của hãng hàng không Turkish Airlines và vé rẻ nhất được bán với giá 1.350 euro một chiều.