29/09/2022
Hoa Kỳ ngày 28/9 khởi sự hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo các đảo ở Thái Bình Dương và cho biết họ đã đồng ý mối quan hệ đối tác cho tương lai và đưa ra triển vọng về hỗ trợ dồi dào dành cho khu vực mà nơi đó Mỹ hy vọng sẽ ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo từ 12 quốc đảo Thái Bình Dương tham gia thượng đỉnh kéo dài hai ngày tại Washington. Ngoài ra, có hai nước cử đại diện tham gia và Úc cùng New Zealand tham dự với tư cách quan sát viên.
Điều phối viên Khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương của Tòa Bạch Ốc Kurt Campbell tuần trước cho biết hội nghị thượng đỉnh sẽ tập trung vào các vấn đề như biến đổi khí hậu và y tế. Washington và các đồng minh muốn tăng cường an ninh hàng hải và liên kết thông tin liên lạc của các quốc đảo này với các quốc gia như Nhật Bản, Úc và Ấn Độ, ông cho hay.
Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ tiếp đón nhiều nhà lãnh đạo từ khu vực mà Washington coi là sân sau hàng hải kể từ Thế chiến Thứ hai, nhưng Trung Quốc đã và đang có những bước tiến vững chắc. Một số quốc gia đã phàn nàn về việc bị kẹt giữa cuộc chiến giành ảnh hưởng của các siêu cường.
Các nhà lãnh đạo sẽ được đưa đi khắp Washington, bao gồm Bộ Ngoại giao, Quốc hội Hoa Kỳ, đại bản doanh của Tuần Duyên Hoa Kỳ, được tiếp đón bởi các lãnh đạo doanh nghiệp và tại Tòa Bạch Ốc bởi Tổng thống Joe Biden.
Phát biểu khai mạc phiên họp tại Bộ Ngoại giao, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết hai bên đã đồng ý “công bố về quan hệ đối tác giữa Hoa Kỳ và Thái Bình Dương.”
Ông nói việc này cho thấy Hoa Kỳ và Thái Bình Dương có “tầm nhìn chung cho tương lai và quyết tâm cùng nhau xây dựng tương lai đó.”
Ông Blinken nói tầm nhìn chung đó “công nhận rằng chỉ bằng cách làm việc cùng nhau, chúng ta mới có thể thực sự giải quyết những thách thức lớn nhất trong thời đại của chúng ta mà tất cả các công dân của chúng ta đang đương đầu.”
Ông Blinken nhắc tới cuộc khủng hoảng khí hậu và các trường hợp khẩn cấp về y tế, đồng thời thúc đẩy cơ hội kinh tế và “gìn giữ một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, nơi mọi quốc gia – dù lớn đến đâu, dù nhỏ đến đâu, đều có quyền lựa chọn con đường riêng của mình.”
Quần đảo Solomon và mối quan hệ với Trung quốc
Quần đảo Solomon trước đó đã nói với các quốc gia được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh rằng họ sẽ không ký vào bản tuyên bố đó, theo một ghi chú mà Reuters nhìn thấy, khiến các nước thêm lo ngại về mối quan hệ của họ với Trung Quốc.
Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Damukana Sogavare đã nhiều lần tỏ ra dè bỉu Hoa Kỳ, làm gia tăng lo ngại của Washington.
Cạnh tranh chiến lược ở Thái Bình Dương gia tăng đáng kể trong năm nay sau khi Trung Quốc ký một thỏa thuận an ninh với Solomon, gây ra những cảnh báo về việc quân sự hóa khu vực này.
Ông Blinken cam kết 4,8 triệu đô la cho một chương trình được gọi là Các nền kinh tế Xanh Kiên cường để hỗ trợ ngư nghiệp, nông nghiệp và du lịch bền vững.
Các cuộc đàm phán ngày 28/9 bao gồm một phiên họp do đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về khí hậu, John Kerry, chủ tọa.
Một nguồn tin quen thuộc với các cuộc thảo luận cho hay Tòa Bạch Ốc đang làm việc với khu vực tư nhân để đưa ra một thỏa thuận về các tuyến cáp dưới biển cho khu vực, gọi đó là “phản ứng đối với hoạt động ngoại giao và mở rộng quân sự của Trung Quốc.”
Các quốc gia Thái Bình Dương mong muốn kết nối nhiều hơn với nhau và với các đồng minh, tuy nhiên họ đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Washington nên chấp nhận các ưu tiên của họ, biến biến đổi khí hậu – chứ không phải cạnh tranh giữa các siêu cường – là nhiệm vụ an ninh cấp bách nhất.
Một quan chức của Hoa Kỳ cho biết các nhà lãnh đạo từ Liên bang Micronesia, Quần đảo Marshall, Palau, Papua New Guinea, Quần đảo Solomon, Samoa, Tuvalu, Tonga, Fiji, Quần đảo Cook, Polynesia thuộc Pháp và New Caledonia tham dự cuộc họp thượng đỉnh với Mỹ. Vanuatu và Nauru cử đại diện tham gia.