Nhà hàng Việt ở London ra sao khi giá cả sinh hoạt tăng?

29 tháng 9 2022

Hải Di Nguyễn

BBC News Tiếng Việt

\"Bếp
Chụp lại hình ảnh,Bếp của nhà hàng Viet Soho

Trong thời gian vừa qua, do cuộc chiến ở Ukraine, kinh tế và đời sống ở nhiều nơi bao gồm Anh Quốc đều bị ảnh hưởng – lạm phát, giá cả sinh hoạt tăng, giá năng lượng tăng…Riêng các nhà hàng bị tác động nhiều, vì vừa dùng gas nhiều, vừa phụ thuộc vào hàng nhập khẩu.

Để tìm hiểu nhà hàng Việt ở Anh ra sao hiện nay, BBC News Tiếng Việt có trò chuyện với ba quán khác nhau ở London: Miền Tây, Viet Soho, và Pho City.

Tiền điện nước

Bà Nguyễn Thị Tú Anh, chủ tiệm Viet Soho, nói với BBC Việt ngữ ngày 23/9 “Tiền gas trước đây chừng ba trăm mấy, bây giờ 990, gần 1000 bảng trong một tháng. Tiền điện thì ít hơn, hồi xưa mình trả gần 200, bây giờ hơn 500.”

Bà nói nhà hàng có khách đều nên không lỗ, nhưng không lãi như trước đây, “hiện tại mình làm để lấy đồng lương cho mình sống thôi, chi nhiều thứ quá”.

Chủ tiệm Pho City ở Greenwich, cô Trịnh Thị Thu Huyền, nói với BBC Việt ngữ ngày 27/9 “Tiền gas tăng gần như gấp đôi.”

Tiền nhập hàng

\"Bà
Chụp lại hình ảnh,Bà Lê Thị Mỹ Lệ trước quán Miền Tây ở Shoreditch, London

Cả ba chủ tiệm đều nói trong đại dịch Covid, vấn đề vận chuyển rất khó khăn – hiện nay đã bình thường trở lại nhưng giá cả vọt lên cao.

Bà Lê Thị Mỹ Lệ của nhà hàng Miền Tây nói với BBC Việt ngữ ngày 21/9, “Tiền cước vận chuyển tăng thì supermarket tăng. Ví dụ hồi xưa bó rau là 2 đồng, bây giờ 3 đồng, 200 g thôi.”

Một vấn đề khác là thiếu hàng, vì nhiều lý do. Bà Tú Anh nói “Ví dụ bánh phở khô, mình đặt 10-20 thùng nhưng họ không có để supply cho mình thì chỉ bán 2 thùng” và “nếu hàng hóa từ Việt Nam qua đây chậm trễ, không có mặt hàng, mình phải mua hàng Thái Lan, đôi khi đắt gấp rưỡi.”

Nói về chuyện đồng bảng tụt giá so với USD, cô Thu Huyền nói “Đây là khủng hoảng ghê gớm, mình cũng sợ lắm” vì sẽ phải trả tiền nhiều hơn để nhập hàng Việt Nam.

Vấn đề nhân viên

Theo bà Mỹ Lệ của nhà hàng Miền Tây, một vấn đề khác trong thời gian lạm phát là nhân viên muốn tăng lương. “Đôi khi doanh nghiệp cũng khó. Nếu mình không lên thì họ bỏ đi làm chỗ khác.”

Nhưng tìm nhân viên mới người Việt hiện nay không dễ, theo bà, có thể vì họ thích làm việc khác.

Trong khi đó, bà Tú Anh cảm thấy “rất là may mắn vì là family business” và có các con làm việc trong nhà hàng. Bà cười “Đôi khi mình không có tiền thì mình thiếu nó. Thiếu con mình thì không sao, thiếu người ngoài đâu được.”

Khách hàng và doanh thu

\"Cô
Chụp lại hình ảnh,Cô Trịnh Thị Thu Huyền ở Pho City, Greenwich, London

Nhà hàng Miền Tây và Viet Soho đều thấy lượng khách giảm đi.

Bà Mỹ Lệ nói, ngay sau vài lần phong tỏa vì Covid, khách trở lại rất ít, hiện nay đã dần dần trở lại nhưng không được như trước đây. Theo bà, chênh lệch là tùy khu vực – chẳng hạn tiệm Miền Tây ở Shoreditch có lượng khách giảm khoảng 15% so với trước chiến tranh, còn tiệm Miền Tây ở Battersea giảm khoảng 30%.

“Người ta không đi làm nhiều, hạn chế ăn chơi.”

Bà Tú Anh nói, lượng khách so với trước đại dịch Covid là giảm 30%. Một trong những thay đổi là mọi năm tiệm Viet Soho có nhiều khách du lịch nhưng mùa hè năm nay lại không thấy nhiều.

Bà cũng nói một số nhà hàng bị ế, thậm chí phải đóng cửa, vì mở ở khu vực trung tâm và chuyên bán cho người làm văn phòng nhưng lượng khách đó giảm vì người ta chuyển sang làm ở nhà.

Tuy nhiên, không phải mọi nhà hàng đều như nhau.

Theo cô Thu Huyền, số lượng khách ở Pho City trong thời gian qua không giảm và thu nhập vẫn tăng, chỉ không lời nhiều vì chi phí cao.

“Vào Covid lần cuối cùng, có một số lượng giảm nhưng lại bù đắp bằng Deliveroo, do khách hàng đặt ăn tại nhà rất nhiều, takeaway rất nhiều, eat in lại ít. Nhưng từ tháng 11 năm ngoái, khách hàng lại quay lại.”

Tuy nhiên, cô Thu Huyền có nhận thấy số khách giảm đi trong khoảng 2-3 tuần qua, khi Anh Quốc có một số xáo trộn khi đổi Thủ tướng và Nữ hoàng băng hà.

\"Bên
Chụp lại hình ảnh,Bên trong nhà hàng Pho City, trong khoảng thời gian nghỉ mỗi ngày 3:30-5:00 chiều

Cách đối phó

Theo cô Lan, nhân viên của quán Miền Tây, một tô phở đặc biệt cách đây hai năm giá 9,50 bảng, bây giờ 12,50 bảng, nhưng cũng có tiệm có giá 15-16 bảng một tô phở.

Bà Mỹ Lệ nói “Mình tăng nhiều thì ai ăn, nhưng tăng ít thì tính ra không có lời”. Ở Viet Soho, bà Tú Anh nói một tô phở trước đây 10 bảng, bây giờ khoảng 11 hay 11,50 bảng.

Ngược lại, quán Pho City không tăng giá.

Theo cô Thu Huyền, lạm phát là tình hình chung, khi nhìn vào tâm lý khách hàng, “nếu lương hiện tại của họ chưa được tăng và mình cứ tăng giá dịch vụ của nhà hàng, mình sẽ không được lượng khách hàng như cũ nữa. Chính vì vậy nhà hàng chịu như vậy, lãi ít đi, và vẫn giữ nguyên giá dịch vụ của nhà hàng.”

Cô nói “Mình lấy số lượng đông để bù vào tiền lời” và “khi bạn đông khách, đồ ăn của bạn bớt tiêu hao đi nhiều”.

Tuy nhiên, tiệm có giảm nhân viên. Cô Thu Huyền nói “Ngày trước mình có thể có bốn bạn, năm bạn làm bồi buổi tối. Bây giờ vì thời kỳ lạm phát này, vợ chồng mình ra làm cùng… lấy chính công sức của mình để vượt qua thời kỳ này.”

Ngoài ra, có thể có những thay đổi khác. Bà Tú Anh nói Viet Soho trước đây mở cửa tới 11:30 tối, bây giờ đóng cửa 10:00 tối, và sau đại dịch Covid, thực đơn cũng giản tiện lại, “không còn những món cầu kỳ”.

Những nỗi lo khác

Bà Mỹ Lệ của tiệm Miền Tây nói một nỗi lo là thuế VAT. Trong đại dịch, VAT được giảm xuống 5% nhưng “nếu VAT 20% như hồi xưa thì chắc làm không nổi”. Trong thời gian lạm phát hiện nay, nhà hàng trụ được vì VAT không tăng.

Bà nói “Nếu hàng hóa tăng, supermarket tăng, nhân viên đòi tăng, thuế tăng, điện gas tăng, nước tăng, trước sau gì cũng kéo không nổi.”

Bà cũng nói đến tiền thuê nhà – nếu tới lúc gia hạn hợp đồng, bên chủ nhà có thể đòi tăng giá.

Tương lai

\"Bà
Chụp lại hình ảnh,Bà Nguyễn Thị Tú Anh tại nhà hàng Viet ở Soho, London, thường gọi là Viet Soho

Các chủ nhà hàng đều đã nghe thông báo chính phủ Anh Quốc sẽ hỗ trợ doanh nghiệp về chi phí năng lượng, và đang chờ đợi thêm thông tin cụ thể.

Về lạm phát, cô Thu Huyền nói “cái gì thay đổi cũng có thời kỳ khủng hoảng, nhưng nó sẽ ở một thời gian nhất định thôi và sẽ trở lại bình thường.”

Bà Tú Anh cũng nói trong giai đoạn đại dịch, nhà hàng Viet Soho được nhiều hỗ trợ từ chính phủ – bà nhận được 25.000 bảng hỗ trợ tiền nhà, và được 80% tiền lương. “Người ta quá tốt, người ta không bỏ rơi mình… Mặc dù thiếu thốn một chút nhưng đó là quá ấm cúng.”

Về khó khăn hiện tại, bà nói “lúc này mình đồng lòng đồng sức đi, mình ở đây mà… Đây là quê hương thứ hai.”

Bài Liên Quan

Leave a Comment