Truyền thông Nhà nước Nga chỉ trích thất bại quân sự tại Ukraina

Đăng ngày: 05/10/2022

\"\"
\"\"
Quân dự bị mới động viên Nga đang được huấn luyện để tung vào chiến trường Ukraina, tại một căn cứ ở Rostov trên sông Don (nam Nga), ngày 04/10/2022. AP

Trọng Thành

Cho đến nay, truyền thông Nhà nước Nga đã im lặng trước các thất bại dồn dập của quân đội Nga và lực lượng ly khai thân Nga, tại miền đông và đông bắc Ukraina, kể cả sau vụ thất thủ tại thành phố chiến lược Lyman thuộc vùng Donbass mà Matxcơva tuyên bố sáp nhập vào Nga. Tuy nhiên, hôm qua, 04/10/2022, nhiều phương tiện truyền thông Nhà nước Nga đã thay đổi giọng điệu.  

Nhiều nhà bình luận quân sự Nga đã trực tiếp lên tiếng thừa nhận các thất bại quân sự.

Từ Matxcơva, thông tín viên RFI Anissa el-Jabri ghi nhận thay đổi đáng chú ý này :   

‘‘Vào kỳ nghỉ cuối tuần trước khi quân đội Ukraina giành lại thành phố Lyman, truyền thông Nhà nước Nga đã hoàn toàn im lặng. Tuy nhiên, ngày hôm qua, 04/10, trong một chương trình được người Nga theo dõi rất nhiều, công chúng có thể thấy người dẫn chương trình đã chất vấn một chỉ huy quân sự của lực lượng ly khai thân Nga tỉnh Lugansk : ‘‘Vì sao chúng ta lại chỉ tiến được từng mét một, trong lúc họ lại liên tục chiếm được hết làng này đến làng khác ?’’  

Điều đáng quan tâm không phải là nội dung câu trả lời, bởi đối thủ của Nga không phải là Ukraina mà là NATO mà là việc nêu ra câu hỏi.

Trên mạng Telegram, các bình luận còn quyết liệt hơn. Sau một loạt các chỉ trích dữ dội rất trực diện của giới dân tộc chủ nghĩa, lên án các chỉ huy quân sự Nga về thất bại tuần trước, chứ không lên án điện Kremlin, quân đội. Lần nay, các nhà báo chuyên về quân sự trên các phương tiện truyền thông Nga, trung thành với điện Kremlin, đã bày tỏ quan điểm dứt khoát trên kênh Telegram, vốn được rất nhiều người theo dõi. Hôm qua, một nhà bình luận rất nổi tiếng được khoảng 800.000 người đăng ký, viết: ‘‘tình hình khó khăn ở miền bắc, căng thẳng ở miền nam’’. Với khoảng 600.000 người đăng ký trên Telegram, một nhà báo rất có uy tín chuyên bình luận về quân sự của tờ Komsomolskaya Pravda, hôm qua, đăng một tin nhắn dài : ‘‘Ở đây có một số người cáo buộc tôi là đã làm mất tinh thần công chúng với những thông tin mà tôi loan tải. Rõ ràng mọi người cần được nghe những thông tin tích cực, nhưng hiện tại tình hình không phải như vậy’’.  

Nhà báo này nhấn mạnh: ‘‘Sẽ không có những tin tức tốt lành trong tương lai gần, cả ở mặt trận Kherson, cả ở mặt trận Lugansk. Chúng ta không có đủ lực để giữ được tất cả các vùng đất đã giành được. Vì sao lại như vậy ? Bởi chúng ta không có đủ binh sĩ’’.  

Đây dĩ nhiên là một vấn đề quân sự, nhưng cũng còn là một vấn đề mang tính chính trị. Hình ảnh và quan hệ với phương Tây đã không còn là mối quan tâm đối với tổng thống Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên đối với chế độ Nga, người lãnh đạo không được phép tỏ ra là một kẻ thua cuộc trước con mắt của dân chúng trong nước’’. 

Vladimir Putin ký ban hành luật sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraina

Hôm nay, 05/10/2022, tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký luật chính thức sáp nhập bốn vùng lãnh thổ của Ukraina, thuộc các tỉnh Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporijjia. Luật được ký sau khi đã được Quốc Hội lưỡng viện Nga phê chuẩn. Theo Reuters, các đòi hỏi về lãnh thổ của Nga chiếm đến 18% diện tích lãnh thổ Ukraina, cho dù đường biên giới cụ thể chưa được xác lập.  

Matxcơva biện minh cho quyết định sáp nhập nói trên với ‘‘các cuộc trưng cầu dân ý’’, tổ chức cấp tốc tại bốn tỉnh của Ukraina hồi cuối tháng 9. Các cuộc trưng cầu dân ý Nga tổ chức trên lãnh thổ Ukraina bị nhiều quốc gia lên án mạnh mẽ. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres lên án hành động ‘‘phi pháp’’, ‘‘không thể chấp nhận trong xã hội hiện đại’’.  

Ngày 30/09, Nga dùng quyền phủ quyết bác bỏ một dự thảo nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc lên án các cuộc trưng cầu dân ý nói trên. Dự thảo nghị quyết nói trên có thể sẽ được chuyển sang bỏ phiếu tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc trong những ngày tới.  

Bài Liên Quan

Leave a Comment