6 tháng 10 2022
Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam vừa đăng thư ngỏ về việc báo Hà Nội Mới xoá hình ảnh đoàn Ukraine trong bài viết về \’Giải chạy báo Hà Nội Mới\’, diễn ra hôm 2/10.
Trả lời BBC News Tiếng Việt ngày 6/10, bà Nataliya Zhynkina, Tham tán chính trị Ukraine tại Việt Nam cho biết:
\”Chúng tôi phát hiện ra rằng các bức ảnh biến mất vào thứ Hai khi định chia sẻ bài báo trên trang Facebook của Đại sứ quán. Chúng tôi vô cùng hoang mang khi thấy bài báo cập nhật đã không còn hình ảnh của đoàn Ukraine.\”
Bài viết mà Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam đề cập có tựa Vận động viên nước ngoài rạng rỡ trên đường chạy.
Vào ngày 2/10, bài viết có đưa hình ảnh của Đại sứ Ukraine Gaman Oleksandr và các nhân viên sứ quán Ukraine tại Hà Nội.
Tuy nhiên, tới ngày 3/10, những hình ảnh này đã bị xoá và thay bằng các hình minh hoạ khác, trong khi hình của đoàn Nga thì vẫn còn nguyên trên trang.
Ngày 4/10, trang Facebook của của Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam đã đăng một bức thư ngỏ gởi đến báo Hà Nội Mới, yêu cầu tờ báo giải thích cho hành động này.
BBC News Tiếng Việt đã gửi email đến tờ Hà Nội Mới nhưng tờ này chưa phản hồi.
\’Ngạc nhiên\’, \’hoang mang\’ và \’trớ trêu\’
\”Giải chạy báo Hà Nội mới\” lần thứ 37 – Vì hoà bình năm 2022 diễn ra hôm 2/10 thu hút 1.500 người với sự góp mặt của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cùng các đại biểu từ các sứ quán nước ngoài.
Bà Nataliya cho biết Đại sứ quán Ukraine đã được Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội mời tham gia giải chạy và nhiều đồng nghiệp của bà đã quyết định tham gia, trong đó có cả ngài Đại sứ và vợ.
Thư ngỏ có đoạn: “Cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Ukraine tự hào được tham gia cuộc chạy vì Hòa bình cùng với các đại biểu quốc tế và Việt Nam. Chúng tôi cũng rất vui và biết ơn phóng viên khi xem những hình ảnh của chúng tôi trong bản tin của Báo Hà Nội Mới chiều ngày 2/10. Điều đó rất có ý nghĩa: Một lời kêu gọi hòa bình từ trái tim Hà Nội.”
Vì thế, các nhân viên sứ quán Ukraine nói chung cảm thấy \”hoang mang\”, \”ngạc nhiên\” lẫn \”trớ trêu\” khi thấy hình ảnh của ông Đại sứ Gaman Oleksandr và nhiều người khác bị gỡ khỏi trang báo.
Tuy nhiên, điều mà Đại sứ quán Ukraine gọi là \”trớ trêu\” là hình ảnh của đoàn đại biểu và cờ Nga vẫn được giữ nguyên trong bài viết, còn tất cả hình có cờ Ukraine trên đường chạy đều \”không cánh mà bay\”.
Đại sứ quán Ukraine viết: \”Trớ trêu thay, bài báo vẫn đưa ra những bức ảnh của những vận động viên từ đất nước mà ngày nay đang làm những việc hoàn toàn trái ngược với hòa bình: ném tên lửa và bom vào các thành phố của Ukraine, giết chết trẻ em và người lớn tuổi, đàn ông và phụ nữ, bắt cóc, tra tấn, cưỡng hiếp, cưỡng bức, buộc hơn 10 triệu người phải rời bỏ nhà cửa của họ và chạy trốn chiến tranh.\”
Cũng theo đại diện của Đại sứ quán Ukraine, tờ Hà Nội Mới vẫn chưa phản hồi gì kể từ ngày 4/10.
Tuy nhiên, sáng 6/10, BBC News Tiếng Việt kiểm tra lại bài báo nói trên thì thấy hình ảnh cờ và đoàn Nga cũng biến mất, bị thay bằng hình đoàn chạy nói chung.
Về lý do gỡ hình, bà Nataliya cho biết bà không có suy đoán gì và vẫn chờ phản hồi từ tờ báo. Nhưng việc hình ảnh đoàn Nga cũng bị xoá khỏi trang, theo bà, là \”một phản hồi tốt\”.
\’Có thể có sức ép từ trên xuống\’
Trao đổi với BBC, nhà báo Võ Văn Tạo ở Nha Trang cho rằng, có thể có sức ép, chỉ thị từ trên xuống cho báo Hà Nội Mới:
\”Theo tôi, không phải tự nhiên tờ Hà Nội Mới đã đăng hình rồi xoá đi mà chắc chắn có sự chỉ đạo từ trên cao. Tôi nghĩ có thể là Ban Tuyên giáo Trung ương hoặc Ban Bí thư Trung ương Đảng, đã có chỉ thị cho báo Hà Nội Mới, làm ra động tác đáng xấu hổ này.\”
Gọi hành động rút hình đoàn Ukraine của Hà Nội Mới là \”buồn cười\”, ông Tạo nói ông không ngạc nhiên vì sau khi Nga xâm lược Ukraine và quan sát thái độ chính trị của Hà Nội, ông nhận thấy Việt Nam \”xử lý rất dở\”.
\”Ban đầu, tôi thấy những phát biểu của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, của tướng Nguyễn Chí Vịnh trên báo chí Việt Nam có thể nói là tạm được, khi đều có ý không tán thành cuộc chiến xâm lược của Nga vào Ukraine. Thế nhưng, theo dõi tiếp thì tôi rất thất vọng khi phái đoàn Việt Nam đã hai lần bỏ phiếu trắng, một phiếu chống – vốn đều bất lợi cho Ukraine và có phần bênh vực Nga,\” ông Tạo nhận định.
Cụ thể, lần đầu tiên, ngày 1/3, khi bỏ phiếu nghị quyết lên án cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine trong phiên họp đặc biệt khẩn cấp lần thứ 11 của Đại hội đồng LHQ, Việt Nam bỏ phiếu trắng.
Lần thứ hai, về việc yêu cầu bảo vệ dân thường, Việt Nam cũng bỏ phiếu trắng.
Lần thứ ba,ngày 7/4, đề nghị trục xuất Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Việt Nam bỏ phiếu chống.
Bình luận riêng về vấn đề báo chí trong nước, nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng ông “không ngạc nhiên” về hành động này của tờ Hà Nội Mới.
Ông nêu dẫn chứng những cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn trước đây của người dân và các tri thức Hà Nội xung quanh Hồ Gươm, một số tờ báo đã có bài viết nói xấu những người biểu tình này là “thế lực thù địch”.
Sau đó, nhiều tri thức như nhà văn Nguyên Ngọc, giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Ngô Đức Thọ,… viết thư phản đối các lãnh đạo của những tờ báo, đài Hà Nội về việc gọi họ là “phản động”.
Đồng thời, ông Tạo cho rằng, bài viết của Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam tương đối nhẹ nhàng, giữ được lời lẽ ngoại giao nhưng cũng thể hiện rõ lập trường của mình đối với hành động kì lạ này.
Bà Nataliya bình luận với BBC rằng, hành động của tờ Hà Nội Mới khiến Đại sứ quán Ukraine cảm thấy toàn bộ ý tưởng về \”Giải chạy vì hòa bình\” đã \”đi chệch hướng\” và \”đánh mất ý nghĩa của nó\”.
\”Hiện nay trên thế giới đang diễn ra một số cuộc xung đột vũ trang quốc tế. Cuộc chiến gây chú ý và có tác động lớn nhất đến thế giới đó là cuộc chiến của Nga xâm lược Ukraine. Tại sao quý vị mời người Ukraine tham gia chạy vì hòa bình mà không đưa hình ảnh của chúng tôi? Tại sao đăng rồi lại xoá? Thay vào đó, sao lại đăng hình cờ của quốc gia phát động chiến trang lớn nhất ở châu Âu? Ý đồ là gì?\” bà Nataliya đặt câu hỏi.
Nhà báo Võ Văn Tạo cũng nêu vấn đề, vì sao một thành phố được phong danh là hoà bình mà không lên tiếng phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Nga đối với Ukraine.
\”Giải chạy bộ này đâu có bài phát biểu gì liên quan đến cuộc chiến mà chỉ là sự góp mặt của các đại diện các đại sứ quán nước ngoài – có cả Ukraine lẫn Nga. Vì vậy, khi gỡ hình của đoàn Ukraine mà vẫn giữ hình của đoàn Nga là điều vô cùng dở,\” ông Tạo nhận xét.
Phía dưới bài viết của Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam, nhiều người bình luận với chung một ý rằng người dân Việt Nam vẫn yêu chuộng hoà bình và hành động của tờ báo không đại diện cho tất cả.
Facebook tên Nguyen Nguyen viết: \”Các bạn hãy luôn nhớ giúp cho chúng tôi một điều, báo Hà Nội mới là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ Thành phố HN không phải là tiếng nói của nhân dân thủ đô.\”
Người tên Ky Mai viết: \”Quá buồn và thất vọng với cái kiểu “ngoại giao cây tre” ngả nghiêng này, dù vẫn biết tở báo này không (và chưa bao giờ) đại diện cho những người dân yêu chuộng tự do, chính nghĩa của Thủ Đô!\”
Còn Facebook Đặng Văn Ngô thì bình luận: \”Báo Hà Nội mới không đại diện cho người dân Hà Nội, nó chỉ là một trong những công cụ thông tin tuyên truyền của đảng cộng sản Việt Nam, chịu sự kiểm duyệt của ban tuyên giáo Đảng cộng sản Việt Nam. Tôi luôn ủng hộ nhân dân Ukraine ngay từ đầu cuộc chiến, cầu mong chiến thắng sẽ sớm đến với đất nước của các bạn. Lũ xâm lược Nga sẽ cầm chắc thất bại.\”
Số khác thì để lại lời \”xin lỗi\” trên trang Đại sứ quán Ukraine và thể hiện rằng người Việt Nam là dân tộc đã trải qua chiến tranh nên hiểu rõ giá trị hoà bình và luôn ủng hộ chính nghĩa.
Trước đó, 5/3, khi Đại sứ quán Ukraine tại Hà Nội tổ chức một hội chợ từ thiện nhằm gây quỹ quyên góp cho chính phủ và người dân Ukraine, nhiều người Việt Nam cũng đã tham gia đóng góp.
Theo đó, ngày 8/3, chỉ riêng những nỗ lực gây quỹ của võ sư-nhà báo Đoàn Bảo Châu và ông Nghiêm Sỹ Cường ở Hà Nội, đã quyên góp số tiền cho cả hai đợt là 461 triệu đồng để giúp người Ukraine.