11 tháng 10 2022
Cập nhật 9 giờ trước
Tờ Pháp luật TP HCM, Vietnamnet, Vietnamindex… cùng nhiều báo khác đồng loạt xoá tin về cái chết của bà Nguyễn Phương Hồng, bị can bị bắt cùng với bà Trương Mỹ Lan hôm 7/10.
Bà Nguyễn Phương Hồng (sinh năm 1984) là trợ lý Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và bà bị khởi tố, bắt tạm giam cùng với bà Trương Mỹ Lan để làm rõ tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Ngoài ra, bà Nguyễn Phương Hồng còn là thành viên Hội đồng quản trị của Ngân hàng SCB. Theo ghi nhận của BBC, thông tin về bà Hồng trên trang của SCB cũng bị gỡ bỏ.
Tối ngày 10/10, các trang như Pháp luật TP HCM, Vietnamnet, Vietstock, Viez,.. bất ngờ đưa tin về cái chết của bà Phương Hồng.
Tuy nhiên, chỉ vài tiếng sau, tin tức này cũng như thông tin về bà Phương Hồng trên trang web của Ngân hàng SCB cũng đột nhiên bị gỡ khỏi các trang báo và trên Facebook, càng khiến dư luận hoang mang.
Nguồn tin của BBC cho hay, có sự chỉ đạo về việc đưa tin vụ bà Trương Mỹ Lan.
Theo đó, báo chí \”không được mở rộng, liên hệ với các vấn đề khác, kiểm soát chặt chẽ bình luận, tránh gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người gửi tiền.\”
Từ khoá \”Nguyễn Phương Hồng\” cũng trở nên cao bất thường, xếp vị trí thứ nhất trên bảng xếp hạng xu hướng của Google hôm 10/10.
Trả lời BBC News Tiếng Việt, luật sư Phùng Thanh Sơn phân tích, theo luật định, nếu một vụ án có nhiều nghi can nhưng chỉ có một hoặc một vài nghi can bị chết trong quá trình điều tra thì cơ quan điều tra vẫn phải khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với các nghi can còn sống.
Đối với nghi can đã chết thì sẽ đình chỉ điều tra.
Vụ việc \’không bình thường\’
Trên Facebook của BBC News Tiếng Việt, nhiều bình luận xoay quanh cái chết của bà Nguyễn Phương Hồng là \”không bình thường\”.
Nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang, người có công tác trong ngành pháp luật với tư cách là Hội thẩm nhân dân, cũng nhận xét với BBC rằng vụ việc \”bất thường\”.
\”Tại sao trong một thời gian rất ngắn, một vụ án liên quan tới một gia tộc quyền lực và giàu có như thế, mà có hai người còn rất trẻ đã chết một cách bất ngờ như vậy. Đây là dấu hiệu rất bất bình thường.\”
Điểm bất thường còn ở chỗ, sau khi đưa tin về việc bà Nguyễn Phương Hồng qua đời, báo chí đồng loạt xoá bài về vụ việc.
Một nguồn tin cho BBC biết rằng có chỉ đạo miệng về việc gỡ các bài viết liên quan tới bị can Nguyễn Phương Hồng.
Theo đó, không chỉ tin tức về cái chết của bà Hồng bị xoá, việc bà Hồng là thành viên Hội đồng Quản trị của SCB Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng bất ngờ bị gỡ khỏi website của ngân hàng này, theo ghi nhận của BBC.
Chưa hết, tờ Infonet sáng 11/10 có bài \’SCB bất ngờ gỡ toàn bộ thông tin giới thiệu các thành viên hội đồng quản trị\’, trong đó có thông tin về bà Nguyễn Phương Hồng. Bài viết này cũng bị xoá nốt sau vài tiếng.
Tờ Infonet viết: \”Sau khi thành viên HĐQT độc lập Nguyễn Tiến Thành (Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Chứng khoán Tân Việt) đột ngột qua đời hôm 6/10, HĐQT Ngân hàng SCB chỉ còn lại 3 thành viên gồm: Chủ tịch HĐQT Bùi Anh Dũng, Phó Chủ tịch HĐQT Sun Ka Ziang Henry (SN 1957), và thành viên HĐQT Nguyễn Phương Hồng.
\”Trước đó, khi khách hàng truy cập vào website chính thức của ngân hàng, mục “Cơ cấu tổ chức” có đầy đủ ảnh và tiểu sử của các thành viên HĐQT. Tuy nhiên, hiện giờ chỉ còn thông tin giới thiệu về các thành viên trong Ban điều hành của ngân hàng,\” dẫn tờ Infonet trước khi bài bị gỡ trên trang.
Điều này đồng nghĩa thông tin về bà Nguyễn Phương Hồng và ông Chủ tịch Chứng khoán Tân Việt, thành viên HĐQT độc lập SCB, ông Nguyễn Tiến Thành đều bị xoá khỏi trang của SCB.
Về cái chết của bà Hồng, tờ Pháp Luật TP HCM viết:
\”Tối ngày 10/10, gia đình phát tang bà Nguyễn Phương Hồng tại nhà riêng ở đường Nam Hòa, phường Phước Long A, TP Thủ Đức, TP.HCM.\”
Tờ này mô tả khu vực đám tang bà Hồng có nhiều dân quân tự vệ, CSGT, CSCĐ, Công an phường tuần tra.
\”Các phương tiện, người dân dừng lại quan sát, chụp hình đều bị nhắc nhở.Lực lượng CSGT cho biết, việc tuần tra nhắc nhở là để đảm bảo an ninh trật tự cho đám tang.\”
Bài viết trên các trang báo không đề cập đến nguyên nhân cái chết cũng như việc bà Hồng qua đời tại địa điểm nào, có phải trong lúc bị tạm giam hay không.
Theo thông tin chính thức, chỉ biết bà Nguyễn Phương Hồng bị bắt cùng đợt với bà Trương Mỹ Lan, vào khoảng 2 giờ sáng ngày 7/10.
Cáo phó của gia đình viết bà Hồng qua đời lúc 3 giờ 30 phút ngày 9/10/2022, hưởng dương 39 tuổi.
Tuy nhiên, ngày giờ trên cáo phó của bà Hồng dường như có dấu vết chỉnh sửa.
BBC đã liên hệ với cơ sở mai táng cho bà Hồng. Cơ sở này đã xác nhận có thực hiện dịch vụ tang lễ cho bà Hồng tại khu vực nói trên. Về việc chỉnh sửa ngày giờ, cơ sở này nói \”không nhớ vì làm dịch vụ cho nhiều nơi\”.
Luật sư Phùng Thanh Sơn phân tích, theo luật định, nếu nghi can chết trong quá trình đang bị tạm giam, thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ phải tổ chức bảo vệ hiện trường, thông báo ngay cho Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát có thẩm quyền để tiến hành xác định nguyên nhân chết; đồng thời, thông báo cho thân nhân, người đại diện hợp pháp của người chết.
\”Đại diện cơ sở giam giữ phải chứng kiến việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi. Trường hợp người chết là người nước ngoài thì việc thông báo cho cơ quan lãnh sự và thân nhân, người đại diện hợp pháp của họ do cơ quan đang thụ lý vụ án thực hiện.(Điều 16 TTLT 01/2018 TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC; Điều 56 Luật thi hành án hình sự 2019; Điều 26 Luật tạm giữ tạm giam 2015), luật sư dẫn luật.
Theo luật sư Sơn, nếu nguyên nhân tử vong không phải do nguyên nhân khách quan, thì các tội danh sau sẽ được xem xét: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134 BLHS); Tội giết người (Điều 123 BLHS); tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 360 BLHS); tội dùng nhục hình (Điều 373 BLHS); tội bức cung ( Điều 374 BLHS)
Ba ngày, hai thành viên HĐQT qua đời
Bên cạnh vụ việc của bà Hồng, dư luận còn xôn xao về cái chết của Chủ tịch Chứng khoán Tân Việt, thành viên HĐQT độc lập SCB Nguyễn Tiến Thành.
Như vậy, chỉ trong vòng ba ngày, hai thành viên HĐQT của SCB đã qua đời bất ngờ.
Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội ra thông cáo, ông Nguyễn Tiến Thành, sinh năm 1973 \”đã đột ngột qua đời vào ngày 6/10\”.
Tờ Tuổi Trẻ viết, thông tin ban đầu, nguyên nhân cái chết của ông Thành là do \”đột quỵ\”.
Theo cáo phó của gia đình, ông Thành mất lúc 22 giờ 50 phút ngày 6/10/2022.
Tờ Thanh Niên đăng hình xe công an có mặt khám xét nơi ở của bà Lan lúc 1 giờ sáng ngày 7/10.
Cụ thể, bà Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân, Nguyễn Phương Hồng và ông Hồ Bửu Phương bị Bộ Công an khám xét nơi ở vào 2 giờ sáng ngày 7/10/2022.
Như vậy, ông Nguyễn Tiến Thành qua đời chỉ khoảng 2-3 tiếng đồng hồ trước khi bà Trương Mỹ Lan cùng các bị can nói trên bị bắt tạm giam.
Tuy nhiên, hơn 30 tiếng sau, tức tới khoảng 10 giờ 30 sáng 8/10, tin tức bắt giữ bà Trương Mỹ Lan của tập đoàn Vạn Thịnh Phát mới được công bố chính thức trên các trang Thanh Niên, Tuổi Trẻ, VnExpress.
Trên Google Xu Hướng (Google Trends), tính tới chiều ngày 7/10, giờ Việt Nam, từ khóa đứng đầu là liên quan đến việc Chủ tịch Chứng khoán Tân Việt, thành viên HĐQT độc lập SCB Nguyễn Tiến Thành qua đời đột ngột.
Ông Thành là chồng của bà Tống Thị Thanh Hoàng – phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Từ năm 2017, ông Thành cũng đảm nhiệm vị trí thành viên hội đồng quản trị độc lập tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Tại Chứng khoán Tân Việt, ông Thành sở hữu hơn 8,7 triệu cổ phần (3,31% vốn).
Cái chết của bà Nguyễn Phương Hồng, trợ lý Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, kiêm thành viên HĐQT của SCB và ông Nguyễn Tiến Thành, cũng là thành viên HĐQT SCB – có vợ là Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát càng làm dấy lên những lo lắng về mối liên hệ của SCB và vụ bắt giữ bà Trương Mỹ Lan.