Phương Tây trước áp lực tăng viện phòng không cho Ukraina

Đăng ngày: 13/10/2022

\"\"
\"\"
Vũ khí Mỹ giúp quân đội Ukraina kháng cự với quân Nga trên chiến trường miền Đông. Ảnh chụp ngày 18/06/2022. AP – Efrem Lukatsky

Anh Vũ

Ngay sau khi Nga tiến hành các cuộc tập kích tên lửa ồ ạt vào Ukraina hôm 10/10/2022, Kiev đã khẩn thiết kêu gọi các đồng minh cung cấp những hệ thống phòng không hiện đại. Đáp ứng mọi nhu cầu quân sự của Ukraina đang trở thành áp lực đối với các nước phương Tây.

Tiếp tục hậu thuẫn Ukraina chống lại cuộc xâm lược của Nga là một quyết tâm chính trị rõ ràng của phương Tây từ đầu cuộc chiến. Ngay sau khi hàng loạt các thành phố Ukraina bị dội mưa tên lửa Nga, hôm 10/10, tổng thống Joe Biden đã cam kết với đồng nhiệm Ukraina Volodymyr Zelensky là Mỹ « tiếp tục cung cấp cho Ukraina những gì nước này cần đề tự vệ, bao gồm cả những hệ thống phòng không được cải tiến », theo thông cáo của Nhà Trắng.

Một loạt các nước đồng minh lần lượt thông báo khẩn trương cung cấp cho quân đội Ukraina những loại vũ khí phòng thủ đủ khả năng chống tên lửa hành trình, đạn đạo của Nga hay drone tấn công do Iran sản xuất.

Nước Đức bấy lâu nay vẫn bị tổng thống Zelensky phàn nàn là chậm chạp trong cam kết cung cấp vũ khí cho Ukraina, lần này đã tỏ ra năng nổ. Chỉ một ngày sau các vụ tập kích tên lửa của Nga, bộ trưởng Quốc Phòng Ukraina Oleksii Reznikov hôm 11/10 thông báo Kiev đã nhận được hệ thống phòng không  Iris-T từ Đức. Trong những ngày tới Hoa Kỳ sẽ giao hai hệ thống tên lửa đất đối không NASAMS, do Na Uy chế tạo. Tuy nhiên, 6 hệ thống tương tự, được Washington thông báo cung cấp cho Ukraina từ hồi tháng 8, thì phải đợi sang năm tới mới giao được.

Tây Ban Nha cũng hứa chuyển 6 hệ thống tên lửa phòng không loại Spada Aspide, một sản phẩm hợp tác giữa Thụy Sĩ và Ý. Trong bối cảnh đó, Paris cũng không do dự. Từ hôm qua (12/10) Pháp, Anh đã lần lượt thông báo tăng viện cho Ukraina các loại tên lửa phòng không mới.

Theo giới chuyên gia, quyết tâm hậu thuẫn quân sự cho Ukraina trong cuộc chiến chống Nga xâm lược đang đứng trước một thách thức mới, đặc biệt từ khi Matxcơva dường như thay đổi chiến thuật bằng cách sử dụng tên lửa và drone tập kích ồ ạt vào Ukraina. Các nước phương Tây có vẻ như đang bị áp lực khi phải tăng cường sức phòng thủ cho Ukraina trong khi kho dự trữ vũ khí của họ cũng đang cạn dần. Theo nhà nghiên cứu thuộc Đại học Sorbone, Pháp, Pierre Grasser : «  Hồi đầu cuộc xung đột, Ukraina có thể tự vệ bằng các giàn phòng không SA-11 và tên lửa S-300 do Liên Xô chế tạo ». Những loại vũ khí phòng không đó, một phần đã dùng cạn, một phần không có hiệu quả đánh chặn các loại tên lửa hành trình mới của Nga. Cục diện chiến tranh có xu hướng thay đổi với lợi thế nghiêng về Nga.

Phát biểu trước một cuộc họp Hội Đồng Châu Âu hôm 13/10, tổng thống  Volodymyr Zelensky xác nhận Ukraina chỉ còn 10% nhu cầu phòng không để đương đầu với Nga lúc này. 

Nếu như bộ trưởng Quốc Phòng các nước NATO trong cuộc họp đang diễn ra tại Bruxelles đều đồng ý rằng cung cấp hệ thống phòng không cho Ukraina là « ưu tiên », thì các nước trong Liên Minh cũng không thể quên một nhiệm vụ cấp bách khác là « tái tạo các kho vũ khí và đạn dược » đã bị hao hụt nhiều vì phải liên tục chuyển cho Ukraina. Tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương Jan Stoltenberg khẳng định : «  Chúng ta cần tái tạo lại kho vũ khí để bảo đảm khả năng phòng thủ của chúng ra và để có thể tiếp tục yểm trợ Ukraina », đồng thời ông cũng xác nhận với các thành viên trong khối rằng NATO  « đang có vấn đề nghiêm trọng về dự trữ đạn dược ».

Nga một mặt tiếp tục chiến thuật tập kích bằng tên lửa hành trình vào Ukraina, mặt khác vẫn xem các nước cung cấp vũ khí cho Ukraina là một bên tham chiến và dọa sẵn sàng đáp trả. Các đồng minh phương Tây của Ukraina, đặc biệt là các nước châu Âu, cho đến giờ vẫn cố tránh trở thành bên tham chiến của Nga , đồng thời phải củng cố khả năng phòng thủ của mình, chuẩn bị cho những kịch bản xấu có thể xảy ra.  Điều này có thể lý giải cho việc một số nước đã phải cân nhắc quyết định chuyển giao vũ khí hiện đại cho Kiev. Giúp Ukraina phòng thủ, đồng thời bảo đảm khả năng tự vệ của chính mình, đang là một thách thức kép của các nước phương Tây.

Bài Liên Quan

Leave a Comment