Tập Cận Bình và sự trở lại mạnh mẽ của chủ nghĩa Mác-Lênin

Đăng ngày: 13/10/2022

\"\"
\"\"
Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) trong phiên khai mạc Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC) tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 22/05/2020. AP – Ju Peng

Minh Anh

Với tham vọng củng cố quyền lực và sức mạnh quốc gia, Tập Cận Bình tiến hành xây dựng một hệ tư tưởng mới, theo đó, nền chính trị mang hơi hướng chủ nghĩa Lênin, kinh tế theo tư tưởng Marx,nhưng chính sách đối ngoại thì mang nặng chủ nghĩa dân tộc. Để thực hiện những điều này, Trung Quốc cũng phải đi theo mô hình cai trị độc tài chuyên chế kiểu Stalin.

Chủ nghĩa Cộng sản đã chết ?

Nhưng trước hết, một số nhà nghiên cứu về Trung Quốc được AFP trích dẫn lưu ý rằng, thứ quyền lực mà ông Tập đang ra sức củng cố còn được ông sử dụng như là một công cụ để thực hiện tầm nhìn về tương lai của ông : Một tầm nhìn về một nước Trung Quốc trở thành quốc gia hùng cường nhất thế giới, đã được ông thể hiện rõ qua khái niệm « hai lần 100 năm », nghĩa là 100 năm ngày thành lập đảng (2021) và 100 năm ngày lập quốc (2049).

Trong tầm nhìn này, Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nắm giữ vai trò hạt nhân. Tuy nhiên, ông Kevin Rudd, cựu thủ tướng Úc trong một bài viết đăng trên trang mạng của Foreign Affairs, lấy làm tiếc rằng trong quá trình tìm hiểu nhằm giải mã đà đi lên mạnh mẽ cũng như nhãn quan về thế giới của Trung Quốc, giới nghiên cứu đã bỏ qua một yếu tố cốt lõi: Chủ nghĩa Mác-Lênin, hệ tư tưởng chính thức tại Trung Quốc.

Sự quên lãng này cũng là vì trong một thời gian dài, người ta nghĩ rằng chủ nghĩa Cộng sản đã chết. Ngay cả tại Trung Quốc, vào cuối những năm 1970, lãnh đạo ĐCSTQ thời bấy giờ là ông Đặng Tiểu Bình, và sau này, những người kế nhiệm ông như Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào cũng đã gạt chủ thuyết Mác – Lênin sang một bên, mở rộng vai trò của thị trường trong nền kinh tế Trung Quốc, thực hiện một chính sách đối ngoại tối ưu hóa việc Trung Quốc tham gia vào một trật tự kinh tế thế giới do Mỹ dẫn đầu.

Nhưng khi lên cầm quyền năm 2012, Tập Cận Bình đột ngột chấm dứt kỷ nguyên quản trị thực dụng, phi lý luận này. Thay vào đó, ông cho phát triển một hình thức mới của chủ nghĩa dân tộc theo tư tưởng Mác-xít, định hình cách thức thể hiện và bản chất của nền chính trị, kinh tế và chính sách đối ngoại Trung Quốc. Lãnh đạo họ Tập đẩy nền chính trị theo hướng tả của chủ nghĩa Lênin, kinh tế về phía tả của tư tưởng Marx và chính sách đối ngoại theo cánh hữu chủ nghĩa dân tộc.

Tập Cận Bình : Đảng Cộng sản là Chúa Trời

Tập Cận Bình trong nhiều tác phẩm đã xuất bản cho rằng cuộc cách mạng của Trung Quốc đang đi theo đúng hướng dòng chảy của lịch sử thế giới, trên đà chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa xã hội tiên tiến hơn. Ngược lại, sự suy tàn và diệt vong của hệ thống chủ nghĩa tư bản, đi đầu là Hoa Kỳ là không thể tránh khỏi, do những mẫu thuẫn chính trị nội tại.

Trong niềm tin này, Tập Cận Bình nhấn mạnh đến nguy cơ suy thoái ý thức hệ trước những âm mưu gây chia rẽ từ phương Tây. Lập luận này được ông đưa ra trong bài phát biểu không được công bố nhưng bị rò rỉ vài tháng sau đó, tại Hội nghị Trung ương về Tư tưởng và Tuyên truyền năm 2013. Về điểm này, nhà Trung Quốc Học Jean-Pierre Cabestan, trên đài truyền hình ARTE, có nhận định như sau :  

« Đó là tài liệu số 9, được công bố vào mùa xuân năm 2013. Đây thật sự là một sự công kích kịch liệt các ý tưởng tự do. Người ta nhận thấy Tập Cận Bình lo lắng trước các thế lực thù địch ngoại bang khi liệt kê ra bảy ý tưởng phương Tây nguy hiểm nhất cho Trung Quốc, như nền dân chủ, các giá trị phổ quát, nhân quyền hay tự do ngôn luận […]

Và người ta chợt nhận thấy bộ máy tuyên truyền Trung Quốc hàng ngày tố cáo phương Tây, tố cáo các giá trị của phương Tây, tìm cách chống lại tất cả những gì mà họ cho là ý tưởng chính trị và ý thức hệ. Rõ ràng là chúng ta đang trong một cuộc đối đầu trực diện về ý thức hệ với Trung Quốc. Nhưng đây là một cuộc chiến mà phương Tây khó thể dự báo được, bởi vì chúng ta bị lệ thuộc vào Trung Quốc và chúng ta không nói được tiếng Hoa. »

Theo đánh giá của Adrian Geiges, một tác giả khác viết tiểu sử Tập Cận Bình, được AFP trích dẫn, « sự sụp đổ của chủ nghĩa Cộng sản Liên Xô và khối Xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu là một cú sốc lớn ». Tập Cận Bình cho rằng sự sụp đổ đó là do mở cửa chính trị mà ra. Do vậy, ông cho rằng điều này không nên xảy ra với Trung Quốc.

Kerry Brown, tác giả tập sách « Xi : A study in Power » (tạm dịch là Tập Cận Bình : Một nghiên cứu về quyền lực), từng viết rằng « Tập Cận Bình là một người có đức tin… Đối với ông, Chúa Trời là đảng Cộng sản. Sai lầm lớn nhất mà phần còn lại thế giới phạm phải khi nói về Tập Cận Bình là đã không nghiêm túc xem xét đức tin này».

Cách đánh giá này cũng được ông Kevin Rudd tán đồng. Cựu thủ tướng Úc khẳng định vào cuối nhiệm kỳ đầu tiên, Tập Cận Bình rõ ràng đã biến ĐCSTQ thành một thứ giáo hội cao cấp của một đức tin thế tục được hồi sinh. Cuối năm 2019, ông Tập mở một chiến dịch giáo dục toàn đảng có tiêu đề « Đừng quên mục đích ban đầu của Đảng, hãy ghi nhớ sứ mệnh ». Theo một tài liệu chính thức được công bố, mục tiêu của sáng kiến này là nhằm để các đảng viên « được học lý thuyết và được rửa tội về hệ tư tưởng và chính trị. »

Đánh tham nhũng hay triệt đối thủ ?

Do vậy, để cho « ban lãnh đạo đảng Cộng sản vững mạnh, với một nhà lãnh đạo mạnh mẽ », thì mọi hình thức bất đồng là không dung thứ. Mọi thành viên của ĐCSTQ phải thể hiện lòng trung thành không chỉ với đảng mà cả với ông Tập Cận Bình. Việc trấn áp đối lập không chỉ diễn ra trong xã hội dân sự mà cả trong nội bộ đảng.

Chiến dịch chống tham nhũng « đả hổ, diệt ruồi » nổi tiếng từ khi ông Tập lên cầm quyền năm 2012, theo giới quan sát, còn là một cái cớ hợp pháp để Tập Cận Bình thanh trừng đối thủ và gieo rắc sợ hãi trong nội bộ đảng. Nhà Trung Quốc Học Jean-Philippe Béjà, giám đốc Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu Quốc tế, trên đài phát thanh France Culture, giải thích :

« Ý tưởng ám ảnh Tập Cận Bình là chúng ta có nguy cơ kết thúc như Liên bang Xô viết. Vì vậy, cần phải làm gì ? Chúng ta cần một đảng hiệu quả, một đảng phục tùng người lãnh đạo, nhân vật số 1. Chúng ta phải chống tham nhũng, chống nạn bè phái. Đây chính là những gì ông Tập thực hiện từ năm 2012.

Ông ấy làm điều đó như thế nào ? Người ta thường nói đó là sự trở về với chủ nghĩa Mao. Không hề, đó không phải là sự trở lại của chủ nghĩa Mao. Ông ấy làm giống như Stalin thì đúng hơn, nghĩa là ông ấy sử dụng ủy ban kiểm soát và kỷ luật trung ương như NKVD ( tiền thân của KGB ) để loại bỏ tất cả những kẻ tham nhũng.

Nhưng tất cả các cấp lãnh đạo của Đảng Cộng sản đều tham nhũng. Câu hỏi đặt ra là chúng ta đang tấn công ai ? Nếu quý vị nhìn vào những người bị tấn công kể từ năm 2012, quý vị thấy có rất ít “thái tử đảng”, tức là những thế hệ thứ hai, con cháu của các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản. »

Kinh tế : Khép lại thời kỳ mở cửa của Đặng Tiểu Bình

Nếu như nền chính trị Trung Quốc lập tức chuyển hướng theo chủ nghĩa Lênin, thì sự thay đổi nền kinh tế theo tư tưởng Mac-xít lại được thực hiện dần dần. Từ sự đồng thuận ủng hộ cải cách thị trường, Tập Cận Bình phải đợi đến năm 2017 mới có thể bắt đầu cho tăng cường vai trò của Đảng trong nền kinh tến khi cam kết tuân thủ nghiêm ngặt hơn các nguyên tắc của chủ nghĩa Mác.

Đặc biệt trong lĩnh vực tư nhân, ĐCSTQ có một ảnh hưởng ngày càng lớn kể cả trong việc lựa chọn ban lãnh đạo cấp cao. Một khi kiểm soát được một phần vốn các tập đoàn lớn, ĐCSTQ khuyến khích tư nhân đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước. Các nhà hoạch định kinh tế của đảng còn có nhiệm vụ thiết kế « một nền kinh tế tuần hoàn kép », cho phép Trung Quốc được tự chủ nhiều hơn trong hầu hết các lĩnh vực, vào lúc nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới ngày càng phụ thuộc nhiều vào nguồn cung của Bắc Kinh.

Chuyên gia kinh tế Jean-Joseph Boillot, Viện Nghiên Cứu Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược –IRIS của Pháp, trả lời câu hỏi của Thanh Hà, RFI Tiếng Việt ngày 25/01/2022, từng giải thích mục tiêu của chính sách kinh tế này của Trung Quốc như sau :

Jean-Joseph Boillot : « Thời kỳ Đặng Tiểu Bình cho phép Trung Quốc tiến hành một bước đại nhảy vọt ngoạn mục để trở thành một cường quốc, thậm chí là một siêu cường ngang hàng với Mỹ mà trong một số lĩnh vực, Trung Quốc còn vượt xa hơn cả Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, cũng chính là dưới thời Đặng Tiểu Bình đã nảy sinh một tầng lớp tư sản, nảy sinh cách biệt giàu nghèo trong xã hội. Đó cũng là giai đoạn nạn tham nhũng bùng lên một cách lộ liễu và ở quy mô ‘công nghiệp’. Đặng Tiểu Bình muốn kinh tế Trung Quốc đuổi kịp các nước công nghiệp tiên tiến, nhưng chính quá trình phát triển thần kỳ đó đã đặt ra nhiều vấn đề như ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí…

Thế rồi, dưới thời của ông Tập Cận Bình, Trung Quốc bắt buộc phải điều chỉnh lại những bất cập đó, bởi công luận không còn dễ dàng chấp nhận những vấn đề trong xã hội, từ tham nhũng đến bất bình đẳng giàu nghèo, môi trường.

Một chu kỳ mới đã mở ra : Trung Quốc bước vào giai đoạn mà tôi gọi là \”tân pháp trị\”, có nghĩa là trở lại với học thuyết pháp trị, mà ở đó Nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo, điều hành các hoạt động kinh tế. Điều đó giải thích cho việc Bắc Kinh đang siết chặt các chính sách kinh tế sau ba, bốn chục năm thả lỏng cho nền kinh tế tự điều chỉnh theo luật chơi của thị trường ».

Ngoại giao kiểu « Chiến lang »

Theo ông Kevin Rudd, ấn tượng nhất là cách thức ông Tập Cận Bình áp dụng hệ tư tưởng này trong thực tế. Bằng cách khơi dậy chủ nghĩa dân tộc khi luôn nhắc đến « một thế kỷ nhục nhã », khi cho rằng « quên lịch sử đồng nghĩa với sự phản bội (…) », Tập Cận Bình theo đuổi một chính sách đối ngoại ngày càng quyết đoán và hung hăng với các nước láng giềng trong vùng Biển Đông, trong hồ sơ Đài Loan và xung đột biên giới với Ấn Độ.

Ngoài việc không ngừng phô trương sức mạnh quân đội trong những kỳ diễu binh hùng hậu, chính sách « Chiến lang » cho thấy sự quyết liệt của Trung Quốc trong đối ngoại, không ngần ngại trừng phạt những cá nhân, các chính phủ phương Tây nào dám chỉ trích Trung Quốc ; ép buộc kinh tế, thương mại chống lại các quốc gia có chính sách xúc phạm Bắc Kinh, hay tấn công ngoại giao thường xuyên và công khai chính phủ các nước sở tại, một sự khác biệt triệt để với thực tiễn ngoại giao của Trung Quốc trong 35 năm qua.

Trong cam kết xây dựng một hệ thống quốc tế « hợp lý và công bằng hơn » – một hệ thống gắn liền với quyền lực của Trung Quốc hơn là thế mạnh của Mỹ và phản ảnh các chuẩn mực phù hợp với các giá trị của chủ nghĩa Mác – Lênin, Trung Quốc ra sức thúc đẩy bác bỏ mọi nghị quyết của Liên Hiệp Quốc liên quan đến nhân quyền. Bắc Kinh nỗ lực xây dựng một loạt định chế quốc tế mới mà Trung Quốc là hạt nhân, như Sáng Kiến « Một Vành Đai, Một Con Đường », Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á, hay Tổ chức Hợp tác Thượng Hải SCO…

Tạo dựng mới tính chính đáng của ĐCSTQ

Giống như Mao trước đây muốn phát triển một hệ thống chủ nghĩa cộng sản toàn cầu, Trung Quốc thời Tập Cận Bình tự cho mình có nhiệm vụ phát triển mô hình quốc gia « theo chủ nghĩa Mác – Lênin về một thế giới công bằng » ra khắp phía Nam bán cầu như là một giải pháp thay thế cho mô hình « đồng thuận của Washington », vốn dĩ chủ trương thị trường tự do và quản trị dân chủ. Trong cách nhìn này, Bắc Kinh sẵn sàng cung cấp các công nghệ giám sát, đào tạo lực lượng an ninh và hợp tác tình báo cho những quốc gia nào trên thế giới đã tránh xa hình thức dân chủ – tự do cổ điển của phương Tây.

Nếu như đối với nhiều nhà quan sát, học thuyết này vẫn còn mù mờ, thì trong nội bộ ĐCSTQ, thông điệp của Tập Cận Bình đưa ra là rất rõ ràng : Trung Quốc hùng mạnh hơn rất nhiều so với trước đây và ông có ý định sử dụng sức mạnh này để làm thay đổi dòng chảy của lịch sử. Về điểm này, François Bougon, tác giả tập sách « Trong suy nghĩ của Tập Cận Bình », trên đài ARTE, không quên lưu ý rằng đây còn là cách để ông Tập Cận Bình tạo dựng lại một tính chính đáng mới cho ĐCSTQ.

« Tập Cận Bình cố gắng tổng hợp giữa Lịch sử Đế chế Trung Hoa và Lịch sử Chủ nghĩa Cộng sản. Câu hỏi lớn ở đây là tại sao ông ấy thực hiện điều này ? Trên thực tế, ông ấy nỗ lực xây dựng một tính chính đáng mới cho đảng Cộng sản Trung Quốc, vốn dĩ không còn tính chính đáng cách mạng nữa. Chúng ta không còn ở thời kỳ Mao Trạch Đông mà mục tiêu là làm cách mạng thường trực để tiến lên chủ nghĩa cộng sản.

Rồi ông ấy cũng không có tính chính đáng của Đặng Tiểu Bình, người cam kết mang lại một tương lai giầu sang cho người dân Trung Quốc. Giờ thì phải tìm kiếm một tính chính đáng mới. Và điều mới này ông tìm thấy trong chủ nghĩa dân tộc và do vậy cần phải làm nổi bật tất cả những gì làm nên sự vĩ đại cho đất nước. »

Bài Liên Quan

Leave a Comment