14 tháng 10 2022
Sáng 14/10, Công an TP HCM cho biết nguyên nhân ban đầu vụ cháy toà nhà Vạn Thịnh Phát là do chập điện gây cháy tủ cấp đông tại Văn phòng Công ty Lavie Food, lầu 10.
Hỏa hoạn đã được khống chế kịp thời và không có thiệt hại về người, tuy nhiên, chưa rõ thiệt hại về tài sản ngoài việc hư hại một tủ cấp đông.
Trước đó, khoảng 22h ngày 13/10, nhiều người đăng tải trên Facebook hình ảnh khói bóc ra từ toà nhà Vạn Thịnh Phát ở địa chỉ số 8 Nguyễn Huệ, quận 1, TP HCM.
Sau đó, Công an quận 1 đã triển khai cô lập hiện trường và phối hợp lực lượng bảo vệ toà nhà dập tắt.
Đến 22h10 cùng ngày, khi lực lượng chữa cháy tới nơi, đám cháy đã được nhân viên toà nhà dập tắt hoàn toàn.
Hiện cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc.
Thứ sáu ngày 14/10, từ khoá \”Cháy toà nhà Vạn Thịnh Phát\” đứng đầu trong bảng xếp hạng xu hướng trên Google với hơn 20.000 lượt tìm kiếm.
Ngay sau đó, nhiều trang Facebook đã liên tục đưa tin về toà nhà Vạn Thịnh Phát và thu hút dư luận quan tâm, dù vụ hoả hoạn được xem là nhỏ và đã được dập tắt kịp thời.
Liên tiếp diễn biến mới
Trước đó là hàng loạt những sự kiện biến động khác như người dân đổ xô đi rút tiền khiến Ngân hàng SCB lên tiếng đính chính bà Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ lãnh đạo tại SCB.
Ngân hàng Nhà nước cũng vào cuộc trấn an người gửi tiền và BBC được biết, lãnh đạo nhiều cơ quan báo chí tại Việt Nam đã nhận được tin chỉ đạo từ cơ quan quản lý, khuyến cáo “thận trọng” trong việc đưa tin về bà Trương Mỹ Lan và SCB.
Tin nhắn có nội dung: “Liên quan đến việc xử lý hình sự bà Trương Mỹ Lan và tổ chức, cá nhân liên quan, đề nghị báo chí chỉ đưa theo tin từ cổng thông tin Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước.”
“Chấp hành nghiêm chỉ đạo, định hướng thông tin. Không mở rộng, liên hệ với vấn đề khác, kiểm soát chặt chẽ bình luận, tránh gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người gửi tiền.”
Một diễn biến quan trọng khác là cái chết bí ẩn của bà Nguyễn Phương Hồng.
Bà Hồng được cho là mất vào ngày 9/10, hai ngày sau khi bị bắt tạm giam cùng đợt với bà Trương Mỹ Lan.
Bà Hồng là trợ lý Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Đồng thời, bà còn là thành viên Hội đồng quản trị của SCB.
Điều kì lạ là các trang như Pháp luật TP HCM, Vietnamnet, Vietnamindex, Vietstock… cùng nhiều báo khác đồng loạt xoá tin về cái chết của bà Nguyễn Phương Hồng, sau vài giờ đưa tin.
Ngay cả trang tiểu sử của bà Hồng trên website chính thức của SCB cũng bị gỡ bỏ.
Những động thái này càng khiến dư luận hoang mang và đẩy từ khoá \”Nguyễn Phương Hồng\” lên cao bất thường, xếp vị trí thứ nhất trên bảng xếp hạng xu hướng của Google hôm 10/10.
Chưa hết, tờ Infonet sáng 11/10 có bài viết \’SCB bất ngờ gỡ toàn bộ thông tin giới thiệu các thành viên hội đồng quản trị\’, trong đó có thông tin về bà Nguyễn Phương Hồng. Bài viết này cũng bị xoá nốt sau vài tiếng.
Bên cạnh vụ việc của bà Hồng, dư luận còn xôn xao về cái chết hôm 6/10 của Chủ tịch Chứng khoán Tân Việt, thành viên HĐQT độc lập SCB Nguyễn Tiến Thành.
Như vậy, chỉ trong vòng ba ngày, hai thành viên HĐQT của SCB đã bất ngờ qua đời.
Ông Thành cũng là nhân vật có mối liên hệ với Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vì ông là chồng của bà Tống Thị Thanh Hoàng – phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Từ năm 2017, ông Thành cũng đảm nhiệm vị trí thành viên hội đồng quản trị độc lập tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Theo cáo phó của gia đình, ông Thành mất lúc 22 giờ 50 phút ngày 6/10/2022.
Trong khi đó, tờ Thanh Niên cho biết bà Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân, Nguyễn Phương Hồng và ông Hồ Bửu Phương bị Bộ Công an khám xét nơi ở vào 2 giờ sáng ngày 7/10/2022.
Như vậy, ông Nguyễn Tiến Thành qua đời chỉ khoảng 2-3 tiếng đồng hồ trước khi bà Trương Mỹ Lan cùng các bị can nói trên bị bắt tạm giam.
Tuy nhiên, phải hơn 30 tiếng sau, tức tới khoảng 10 giờ 30 sáng 8/10, tin tức bắt giữ bà Trương Mỹ Lan của tập đoàn Vạn Thịnh Phát mới được công bố chính thức trên các trang Thanh Niên, Tuổi Trẻ, VnExpress.
Nối tiếp các sự kiện trên là tin đồn hai lãnh đạo khác của SCB qua đời, khiến báo chí VN ngày 12/10 đồng loạt đưa tin SCB bác bỏ việc này.
Theo đó, ngân hàng này khẳng định, tính đến sáng hôm nay 12/10, cả hai ông Lưu Quốc Thắng và Diệp Bảo Châu vẫn đang điều hành công việc hằng ngày tại ngân hàng.
Tuy nhiên, trang tiểu sử về ông Lưu Quốc Thắng trên website của SCB cũng giống như của bà Nguyễn Phương Hồng và ông Nguyễn Tiến Thành, đã bị gỡ bỏ khỏi website SCB. Trang thông tin về ông Diệp Bảo Châu vẫn có thể truy cập.