Dầu lửa : Mỹ và Ả Rập Xê Út leo thang « khẩu chiến »

Đăng ngày: 14/10/2022

\"\"
\"\"
Tổng thống Mỹ Joe Biden và hoàng thái tử Mohammed bin Salman tại Jeddah -Ả Rập Xê Út ngày 16/07/2022. REUTERS – POOL

Minh Anh

Quan hệ giữa Ryad và Washington tiếp tục căng thẳng. Ngày 13/10/2022, Ả Rập Xê Út lên tiếng « bác bỏ hoàn toàn » các chỉ trích từ Mỹ, cáo buộc nước này cắt giảm sản lượng dầu, phục vụ lợi ích  của tổng thống Nga Vladimir Putin.  

Trong một thông cáo hiếm có, bộ Ngoại Giao Ả Rập Xê Út đã bác bỏ toàn bộ các cáo buộc của Mỹ. Bởi vì chính quyền Mỹ đã coi quyết định cắt giảm sản lượng dầu lửa phản ảnh lập trường của Ryad trong các xung đột quốc tế và về mặt chính trị là nhằm chống lại Washington. 

Đối với chính quyền Ryad, các quyết định do tổ chức các nước xuất khẩu dầu thô đưa ra « thuần túy dựa trên những cân nhắc kinh tế ».  

Tuyên bố này được đưa ra sau khi tổng thống Mỹ Joe Biden lên tiếng cảnh báo về những « hậu quả » của quyết định cắt giảm sản lượng, có nguy cơ làm tăng giá nhiên liệu.  Theo nguyên thủ Hoa Kỳ, quyết định này còn cho phép lấp đầy két sắt của Nga, vốn dĩ rất cần đến nguồn thu này nhằm tài trợ cho cuộc chiến tại Ukraina.  

Chính quyền Ryad đã có phản ứng mạnh, thậm chí tiết lộ rằng chính Hoa Kỳ đã « đề nghị » hoãn đưa ra quyết định của OPEC+ một tháng, vì e sợ điều này có nguy cơ làm tăng giá xăng dầu, gây bất mãn cho cử tri Mỹ. 

Nói một cách rõ ràng, chính quyền Biden quan tâm đến vấn đề bầu cử giữa kỳ, dự kiến được tổ chức vào ngày 08/11/2022, vốn dĩ mang tính quyết định cho ông Joe Biden. 

Khẩu chiến leo thang. Ngay tức thì Nhà Trắng phản ứng, đặc biệt có phần gay gắt, tố cáo Ả Rập Xê Út « có thể tìm cách thao túng và chuyển hướng sự chú ý ». Nhà Trắng khẳng định Ả Rập Xê Út, thông qua các kênh riêng và công khai, đã bắn tiếng rằng « họ có ý định cắt giảm sản lượng khi biết rõ điều này sẽ làm tăng thu nhập cho Nga và giảm tác động của các biện pháp trừng phạt. »  

 Phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, John Kirby khẳng định « đây là một hướng đi tồi », vì  Ả Rập Xê Út có thể đợi đến kỳ họp sắp tới để xem xét mọi việc tiến triển như thế nào. Cũng theo ông, nhiều nước thành viên trong khối OPEC+ cho biết không đồng tình với quyết định của Ả Rập Xê Út nhưng buộc phải đi theo chiến lược này vì áp lực.  

AFP nhắc lại, tổng thống Mỹ cam kết « đánh giá lại » mối quan hệ chiến lược lâu năm này giữa hai nước, được thiết lập dựa trên một nguyên tắc đơn giản : « Đổi dầu, lấy an ninh ». Theo đó, Ả Rập Xê Út cung cấp dầu cho thị trường thế giới, đổi lại Hoa Kỳ bảo đảm an ninh đất nước thông qua những hợp đồng bán vũ khí ồ ạt.  

Bài Liên Quan

Leave a Comment