15/10/2022
Thất lại ngoại giao lớn nhất của Tập Cận Bình là biến nước Mỹ thành thù địch. Trước khi Tập lên ngôi, chỉ có 40% dân Mỹ không có cảm tình với Trung Quốc, bây giờ đã có tới 82% ghét nước Trung Quốc.
Ngày Chủ Nhật tới, Đại hội thứ 20 đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tôn vinh Tập Cận Bình lên “ngôi cửu ngũ.” Quyền lực đảng Cộng sản đã được định chế hóa, sẽ được thâu tóm lại trong tay một cá nhân. Dân Trung Quốc đang tập sống lại giống thời Mao Trạch Đông.
Nói về Tập Cận Bình, tuần báo Economist trích dẫn lời Machiavelli 5 thế kỷ trước, nói rằng các vị quân vương được lên thừa kế duy trì quyền lực dễ dàng hơn các chế độ mới lập, vì họ chỉ cần không đi ra ngoài “khuôn khổ đời trước” để lại. Tờ báo thấy đó là lý do Tập Cận Bình vẫn cổ động cho chủ nghĩa Mác, Lenin, đủ để bảo vệ lòng trung thành của 97 triệu đảng viên cộng sản, mặc dù trong thực tế kinh tế Trung Quốc đã tư bản hóa từ lâu.
Tập Cận Bình không cần đọc Machiavelli hay Hàn Phi Tử, triết gia Trung Hoa trước đó bảy thế kỷ, để học các thuật chính trị. Tập thường nêu lên kinh nghiệm thực tế: Cộng sản Liên Xô sụp đổ vì chính họ tự “đi ra ngoài khuôn khổ của đời trước.” Khrushchev tố cáo các tội ác của Stalin; Gorbachev cho đảng viên bỏ phiếu thật. Tập cũng noi gương Đặng Tiểu Bình: Đảng không thể tỏ ra mình yếu, dù phải tàn sát sinh viên ở Thiên An Môn.
Tập Cận Bình tiến những bước chậm chạp nhưng chắc chắn nhờ chỉ dùng các kinh nghiệm thực tế như vậy.
Năm 1982, Lý Thụy làm phó ban Tổ chức, đã lập ra tiểu ban “Cốt Cán Trẻ,” đi tìm hiểu khắp nước, lập ra một danh sách những cán bộ khoảng 20, 30 tuổi có triển vọng thăng tiến nhất, nuôi dưỡng, để theo dõi và đề bạt. Năm đó Tập Cận Bình chỉ là phó bí thư huyện Chính Định, trước có tên là Chân Định, tỉnh Hà Bắc (quê hương của Triệu Đà, hoàng đế nước Nam Việt trước thời Hán thuộc). Bí thư huyện vốn là tay chân của ông bố, Tập Trọng Huân, nên nâng đỡ con trai sếp cũ. Nhưng trong danh sách 1,100 cán bộ trẻ của Lý Thụy, đã có tên Tập Cận Bình. Trong số 14 thành viên Thường Vụ Bộ Chính Trị Cộng sản Trung Quốc hai khóa 2007 và 2012 thì chỉ 2 người ngoài được lọt vào còn 12 người có sẵn tên trong đó.
Trong 17 năm làm việc ở các tỉnh, Tập Cận Bình nắm quyền ở Phúc Kiến (1985 – 2002) hoặc Triết Giang (2002 – 2007), không mấy người đoán có ngày ông sẽ lên “ngôi hoàng đế.” Một phóng viên theo ông thường xuyên năm 2002 phải than rằng công việc rất buồn nản: “Ông ấy có vẻ e thẹn, chẳng nói năng điều gì bao giờ.” Tập theo kế “Tàng Long Phục Hổ” vì kinh nghiệm bản thân. Ông bị từ chối bảy lần trước khi được nhận vào Đoàn Thanh Niên Cộng sản; và năm 1974 cũng chỉ được “vào Đảng” sau 10 lần nạp đơn.
Nhưng khi đã được “lọt mắt xanh” những lãnh tụ cấp cao nhất, Tập Cận Bình cho thấy bản lãnh của mình. Ngày 1 tháng 9 năm 2012, ông biến mất, tất cả các cuộc họp bãi bỏ, kể cả cuộc tiếp đón ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Ngày 15, ông phó chủ tịch nhà nước tái xuất hiện. Chuyện gì xảy ra trong hai tuần lễ đó?
Theo một cựu nhân viên CIA thì Tập Cận Bình đã “làm reo” để mặc cả với “các cụ.” Họ là các lãnh tụ Cộng sản đã được Đặng Tiểu Bình chọn và phân công, những Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, cùng nhóm “Bát Lão” (tám cụ). Họ cảm thấy dù đã về hưu nhưng vẫn phải đóng vai “dìu dắt” tất cả đảng. Tập Cận Bình đã đặt điều kiện: Hoặc các cụ đứng ngoài, không xía vô việc của tôi, hoặc tìm người khác làm.
Cuối cùng Tập Cận Bình được toại nguyện. Nắm quyền trong tay, ông tiêu diệt các đối thủ trong đảng bằng đòn Đánh Tham Nhũng, từ giết ruồi lên tới giết trâu bò! Bạc Hy Lai, bí thư Trùng Khánh, bị đưa ra tòa về âm mưu tiếm quyền. Chu Vĩnh Khang, một đệ tử của Giang Trạch Dân quyền lực ngất trời trong cả ngành an ninh lẫn guồng máy kinh tế, bị truy tố, tịch thu 14 tỷ mỹ kim cùng với đàn em và họ hàng. Cho đến nay đã có 4.7 triệu cán bộ, đảng viên bị điều tra về tham nhũng. Những người chưa bị đều nơm nớp sợ, vì trong chế độ cộng sản những quan chức không đòi hối lộ cũng vẫn được “bôi trơn!” Phải sống như mọi người, không sao thoát khỏi!
Năm 2016, Tập Cận Bình được suy tôn lên làm “Lãnh tụ Cốt lõi” (Hạch tâm Lãnh đạo), một danh hiệu không còn dùng từ sau thời Mao Trạch Đông. Năm sau, Trung ương Đảng sửa cương lĩnh ghi thêm “Tư tưởng Tập Cận Bình” làm một kim chỉ Nam. Trước đây, cương lĩnh chỉ nói đến Tư tưởng Mao Trạch Đông, với Lý thuyết Đặng Tiểu Bình, “lý thuyết” nghe thấp hơn “tư tưởng!” Tập Cận Bình nay được đặt ngang hàng với Mao Trạch Đông
Chức Tổng bí thư không có giới hạn; hai ông Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào đều mỗi người tự ý rút lui sau hai nhiệm kỳ 5 năm. Tập Cận Bình không muốn bị ràng buộc với tập tục này; năm 2018 đã cho sửa cương lĩnh, nói rõ ràng vị trí Tổng bí thư có thể được tái nhiệm không hạn định. Năm nay, Bình chắc chắn được bầu thêm 5 năm nữa, và sẽ còn tiếp tục suốt đời nếu muốn. Mao Trạch Đông cầm quyền từ 1949 đến khi chết 1976. Nếu muốn trị vì được 27 năm như Mao, Tập sẽ phải sống tới năm 2039! Lúc đó ông ta cũng mới 86 tuổi, chỉ già hơn vua Càn Long khi chết (1711 – 1796) chừng một tuổi!
Tập Cận Bình nắm đủ các quyền hành, không thua Càn Long hay Mao Trạch Đông bao nhiêu: Tổng bí thư đảng, Chủ tịch Quân Ủy Trung ương; và chức chủ tịch nước sang năm sẽ được quốc hội bầu lại. Họ Tập cố tình rập theo khuôn mẫu của Mao. Trong các dịp lễ đều mặc áo kiểu Mao, khác các Giang và Hồ thường mặc Âu phục. Trong lễ Quốc khánh ngày 1 tháng 10, Tập cũng đứng đọc diễn văn tại quảng trường Thiên An Môn như Mao hồi còn sống.
Tập Cận Bình chứng tỏ có tham vọng không thua Mao về chính trị quốc tế, nhưng dùng phương tiện khác. Mao tuyên dương cách mạng toàn cầu bằng bạo lực, cổ động các nước nghèo (nông thôn) cùng bao vây các nước giàu (thành thị). Tập không kêu gọi bạo lực mà chỉ dùng tiền. Tập “hối lộ” các nước nghèo để xây dựng Một Vòng Đai, Một Con Đường. Chương trình Nhất Đới Nhất Lộ là một phần của Giấc Mộng Trung Hoa, khôi phục địa vị Trung Quốc trên thế giới, ít nhất bằng thời Minh Thành Tổ, đầu thế kỷ 15. Nhưng cho đến nay, kế hoạch này chưa thấy dấu hiệu thành công.
Trong khi đó, thế giới lên án các trại tập trung cải tạo người Uyghurs ở Tân Cương, các luật lệ mới hạn chế tự do của dân Hồng Kông, và những chuyến biểu diễn máy bay và phi đạn quanh đảo Đài Loan. Dư luận các nước đều nghi ngờ tham vọng của Bắc Kinh, giống như các nước thực dân các thế kỷ trước.
Thất lại ngoại giao lớn nhất của Tập Cận Bình là biến nước Mỹ thành thù địch. Trước khi Tập lên ngôi, chỉ có 40% dân Mỹ không có cảm tình với Trung Quốc, bây giờ đã có tới 82% ghét nước Trung Quốc. Tập ủng hộ Putin trong chiến tranh Ukraine, uy tín càng xuống dốc. Chính phủ Mỹ đã đánh thuế nặng trên hàng hóa từ Trung Quốc, tuy không gây thiệt hại nào đáng kể nhưng việc ngăn cấm bán các chất bán dẫn tân tiến nhất đã khiến công nghiệp điện tử và tin học của Trung Quốc đình trệ từ 10 đến 20 năm.
Tập Cận Bình cũng tự chặt tay chặt chân kinh tế Trung Quốc với những mối đe dọa trên các công ty tin học và internet, rồi đến chính sách quá khích “ngăn sông cấm chợ” để ngăn chặn Covid 19 khiến kinh tế suy yếu hơn.
Sau khi yên địa vị lãnh đạo trong 5 hay 10 năm nữa, liệu Tập Cận Bình có thay đổi hay không? Ông ta có thể nhẹ tay hơn để giúp phục hồi kinh tế, sau khi chọn một thủ tướng mới dễ bảo hơn Lý Khắc Cường. Nhưng ông sẽ không bao giờ chia sẽ quyền lực với ai. Đây là điều bất hạnh cho người Trung Hoa. Vì nền kinh tế dựa trên hiểu biết và thông tin không thể nào phát triển trong một chế độ độc tài.