18 tháng 10 2022
Người đứng đầu Cục Tình báo Liên bang Đức (BND), Bruno Kahl nói tại Quốc hội nước này rằng cơ quan của ông đã “cảnh báo liên tục về nguy cơ Nga xâm lăng Ukraine”.
Thế nhưng, các lời cảnh báo bị chính phủ Đức “bỏ qua trong nhiều năm” và cho rằng đó chỉ là thông tin “gây hoang mang”, ông Bruno Kahl nói tại một cuộc điều trần ở Bundestag (Nghị viện Liên bang) hôm 17/10/2022.
Theo ông Kahl, Tổng thống Vladimir Putin không chỉ nhắm vào Ukraine mà đã “tuyên chiến với toàn bộ phương Tây”.
Đánh giá của ông là sang năm 2023, cuộc chiến của Putin ở Ukraine sẽ còn tiếp tục, vì “không bên nào chịu nhượng bộ lãnh thổ”, theo trang Deutsche Welle (DW) tường thuật từ Berlin.
Cách hành xử của Putin là dùng bạo lực, như ông ta đã làm ở Chechnya, Georgia (Gruzia), Syria, Crimea và vùng Donbass – cho đến khi nào đạt mục tiêu chính trị, Bruno Kahl nói với các nghị sĩ Đức.
“Trong hàng chục năm qua, những lời cảnh báo từ ngành tình báo đã bị chính giới bỏ ngoài tai. Họ coi thường và thậm chí còn hạ thấp những đe dọa có thực…” ông Bruno Kahl nói về thái độ “cầu hòa” của các chính trị gia Đức.
Theo ông, cuộc chiến ở Ukraine cho thấy Đức “cần có các cơ quan an ninh”, và một đe dọa khác đang đến từ “nước Trung Quốc độc đoán”.
Cũng tại cuộc điều trần ở Bundestag, bà Martina Rosenberg, giám đốc Cục Phản gián Đức, cho rằng bên cạnh hoạt động tình báo của Nga thì Trung Quốc đã tung ra những chiến dịch tăng cao nhắm vào Quân đội Đức (Bundeswehr).
Nước Đức mỗi người một ý?
Năm nay, lần đầu tiên buổi tường trình của các lãnh đạo tình báo và phản gián Đức được thực hiện công khai, khác với thông lệ là họ chỉ họp kín, theo DW.
Truyền thông quốc tế và Đức ghi nhận sự khác biệt trong cách nhìn nước Nga thời Putin của các cơ quan tình báo, của quân đội, các đảng phái và giới công nghiệp Đức.
Ngay trong quân đội Đức, từng có tướng lĩnh cao cấp nói Putin \”chỉ muốn được tôn trọng chứ không hề muốn xâm lăng Ukraine\”.
Hồi đầu năm nay, đô đốc Kay-Achim Schönbach phải từ chức tư lệnh Hải quân Đức vì phát biểu rằng \”nói Putin tấn công Ukraine là sai, Putin chỉ muốn được tôn trọng\”.
Ngay cả sau khi cuộc xâm lăng của Nga đã xảy ra, và hàng triệu dân Đức lên tiếng bảo vệ Ukraine, chính phủ nước này vẫn bị phê phán là \”ngần ngại\” trong việc chuyển vũ khí cho Ukraine.
Tháng 4 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Đức, bà Marie Agnes Strack-Zimmerman thừa nhận cuộc chiến ở Ukraine \”đã khiến chúng tôi, người Đức bừng tỉnh\”.
Bà cam kết sẽ thúc đẩy chính phủ tăng viện trợ quân sự cho Ukraine.