Những vết rạn nứt trong giấc mộng kinh tế Trung Hoa

Đăng ngày: 18/10/2022

\"\"
\"\"
Xe đạp xe máy trong giờ cao điểm chờ đèn xanh tại một nút giao thông trong khu Thương mại, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 13/09/2022. AP – Andy Wong

Thanh Hà

« Đẹp đẽ khoe ra, xấu xa đậy lại ». Ngày 18/10/2022 Bắc Kinh hoãn công bố tỷ lệ tăng trưởng của Qúy/2022 và hàng loạt các chỉ số kinh tế như dự kiến. Sự kiện hãn hữu này làm dấy lên câu hỏi phải chăng do kết quả không được như mong đợi vào lúc đảng Cộng Sản Trung Quốc họp Đại Hội ?

Có thêm nhiều trở ngại ngăn cản Trung Quốc trở thành siêu cường kinh tế số 1 thế giới khi mà ba chìa khóa từng lđem lại « phép lạ » và tăng trưởng thần kỳ cho nước đông dân nhất địa cầu không còn phù hợp với thực tế. Dân số đang trên đà lão hóa, Trung Quốc không còn có thể trông cậy vào nguồn nhân lực dồi dào để tiếp tục là công xưởng xuất khẩu ra thế giới. Đòn bẩy thứ nhì là đầu tư nội địa cũng bắt đầu « hết thiêng » khi mà nhu cầu trang bị cơ sở hạ tầng bão hòa. Yếu tố thứ ba đe dọa tham vọng kinh tế của Bắc Kinh, công luận Trung Quốc bắt đầu lo lắng cho tương lai tại một quốc gia mà các chính sách xã hội gần như trống vắng.

Theo giới quan sát, đó là những thách thức nghiêm trọng nhất chờ đợi ông Tập Cận Bình trước một nhiệm kỳ mới. Trong khi đó chính sách « zero Covid » và những tác động kèm theo về kinh tế, xã hội ; khủng hoảng địa ốc, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, chiến tranh Ukraina và những tác động đè nặng lên tăng trưởng toàn cầu, khủng hoảng về năng lượng … chỉ là những nguyên nhân gây thêm khó khăn cho Tập Cận Bình trong mục tiêu từ nay cho đến kỷ niệm 100 ngày thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, thống lĩnh kinh tế toàn cầu.

Dưới tác động của nhiều tuần lễ, lá phối kinh tế, tài chính, công nghiệp và thương mại Thượng Hải bị phong tỏa nghiêm ngặt, các chỉ số kinh tế của Trung Quốc trong quý 2/2022 rơi xuống tới mức « tệ nhất từ 40 năm qua » : GDP tăng 0,4 %.

Từ Ngân Hàng Thế Giới đến Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế hay Ngân Hàng Phát Triển Á Châu đồng loạt dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm nay không vượt quá ngưỡng 3,5 %. Lần đầu tiên từ 30 năm qua, tỷ lệ tăng trưởng Trung Quốc thấp hơn  so với nhiều quốc gia Đông Nam Á : thua Việt Nam, Philippines, thua Indonesia, Malaysia… 

Các thống kê quốc tế được đưa ra vào lúc Trung Quốc chuẩn bị họp Đại Hội Đảng và ủy nhiệm cho ông Tập Cận Bình thêm một nhiệm kỳ 5 năm.

Yếu tố « bên ngoài » không đáng lo lắm

Về những yếu tố đối ngoại, Jean-François Huchet, Viện Ngôn Ngữ và Văn Hóa Đông Phương INALCO nhìn nhận chiến tranh Ukraina hiện nay gây bất lợi cho các hoạt động kinh tế của Trung Quốc.

Jean François Huchet  : « Căng thẳng địa chính trị gây thiệt hại cho Trung Quốc nhiều mặt : chiến tranh Ukraina đẩy giá nguyên liệu tăng cao, làm rối loạn chuỗi cung ứng toàn cầu, gây tắc nghẽn trong chuỗi sản xuất… Điều đó chẳng có lợi gì cho Trung Quốc, đấy là chưa kể những diễn biến quân sự gần đây : dường như Vladimir Putin hiện tại không đủ khả năng giữ một số cam kết mà ông đã đưa ra với ông Tập Cận Bình khi nguyên thủ hai nước gặp nhau ở Bắc Kinh hồi tháng 2/2022. Nếu như tình huống quá bất lợi cho Nga, Bắc Kinh có lẽ sẽ rà soát lại quan hệ đối tác chiến lược kinh tế giữa Trung Quốc và Liên Bang Nga ».

Dù vậy trước mắt, Trung Quốc đang có lợi trong việc giao thương với Nga. Bên cạnh đó nhiều tập đoàn nước ngoài bắt đầu thờ ơ với thị trường đông dân nhất địa cầu. Dân số Trung Quốc già đi, tiêu thụ nội địa không cất cánh. Thêm vào đó viễn cảnh kinh tế chựng lại và lĩnh vực đem lại đến 30 % GDP là địa ốc, thì đang lao đao. Tuy nhiên, giáo sư Mary Françoise Renard, đại học Clermond Auvergne, miền trung nước Pháp trên đài France Culture cho rằng, còn quá sớm để khẳng định là Trung Quốc đang mất các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Mary Françoise Renard : « Theo các thăm dò, nhiều hãng ngoại quốc lo ngại về môi trường hoạt động tại Trung Quốc. Dù vậy, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc trong năm 2021 đã tăng so với 2020 và còn tiếp tục tăng lên trong 9 tháng đầu năm nay. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc vẫn thu hút chú ý của giới đầu tư nhất là Bắc Kinh gần đây đã nới lỏng luật đầu tư cho doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên điều tối kỵ với các doanh nghiệp là một môi trường hoạt động bấp bênh. Họ sợ Bắc Kinh thay đổi chính sách đối với doanh nghiệp nước ngoài, sợ chính sách zero Covid triệt để theo kiểu của Trung Quốc… Nhưng điều làm giới đầu tư nản lòng nhất là chính quyền quyết tâm kiểm soát tất cả các hoạt động kinh tế. Sau cùng, do thị trường Trung Quốc không còn năng động như trước, do dân số bị già đi, do mức tiêu thụ nội địa vẫn không cất cánh…  khiến một số doanh nhân tự hỏi có nên đầu tư tiếp nữa, có nên tiếp tục hiện diện tại Trung Quốc hay không ».  

Một « mùa đông buốt giá »

Mùa hè vừa qua, vào lúc Bắc Kinh và nhiều thành phố lớn trải qua một trận nóng kinh hoàng, ông chủ Hoa Vi, Nhậm Chính Phi trong bức thư  gửi nhân viên tập đoàn viễn thông lớn nhất của Trung Quốc báo trước một « mùa đông buốt giá ». Lãnh đạo Hoa Vi giải thích « kinh tế thế giới còn lao đao từ 3 đến 5 năm nữa » do vậy nhân viên của hãng này chớ « nuôi ảo vọng » : Hoa Vi và cả thị trường tài chính Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Dự phóng bi quan đó đã làm sụt giảm mạnh chỉ số chứng khoán Trung Quốc hôm 24/08/2022 cho dù Hoa Vi không tham gia các sàn chứng khoán Thượng Hải hay Thâm Quyến, Hồng Kông. Bởi lẽ, theo một tờ báo kinh tế của Singapore (Liên Hiệp Tảo Báo), mọi người đều biết, nếu như một tập đoàn có trọng lượng như Hoa Vi mà còn lo lắng cho tương lai, chắc chắn là « cả nền kinh tế Trung Quốc đang đứng trước những thời khắc đen tối ».   

Thêm một dấu hiệu khác cho thấy kinh tế Trung Quốc đang hoạt động chậm lại : trước Covid, mỗi ngày có 2700 chuyến bay cất cánh hoặc đáp xuống các phi trường nội địa và quốc tế. Giờ dịch vụ hàng không tại cả một quốc gia rộng lớn như một châu lục bị thu hẹp lại còn chưa đầy 200 chuyến, tức chỉ còn tương đương với 5 % so với gần ba năm trước đây. Gần ba năm từ khi virus corona hoành hành, Trung Quốc là một trong những quốc gia hiếm hoi vẫn duy trì chiến lược « bế quan tỏa cảng » triệt để nhất để chống dịch.

« Sẽ phải thích nghi với tăng trưởng 2-3% một năm »

Jean-François Huchet, Viện Ngôn Ngữ và Văn Hóa Đông Phương INALCO của Pháp cho rằng thời kỳ mà phép lạ kinh tế cho phép Bắc Kinh phô trương thành tích tăng trưởng hơn 10 % rồi 7-8 % đã thuộc về quá khứ. Vấn đề đặt ra là trong thập niên vừa qua, ông Tập Cận Bình không mấy thành công « xoay trục » kinh tế lấy tiêu thụ nội địa làm chủ đạo :

Jean François Huchet : « Chúng ta biết là khoảng từ 15 năm nay Trung Quốc khó giữ tỷ lệ tăng trưởng cao do dân số trong tuổi lao động giảm sụt, do năng suất lao động không còn tăng nhanh như trong 30 năm đầu tiên từ khi mở cửa kinh tế. Bất luận ai lãnh đạo đất nước đi chăng nữa, thì kinh tế Trung Quốc sẽ không bao giờ lại có được những thành tích tăng trưởng hơn 10 % một năm. Điều mọi người chỉ trích ông Tập Cận Bình là đã không có khả năng thích ứng với tình huống »

Samy Chaar, ngân hàng Thụy Sĩ Lombard Odier báo trước : trong những thập niên sắp tới Trung Quốc sẽ phải hài lòng với một tỷ lệ tăng trưởng trung bình từ 2 đến 3 % một năm.

Báo La Croix tuần trước nói đến một tỷ lệ tăng trưởng chậm, khiến giấc mơ kinh tế của ông Tập « không được như ý » cho dù trong thập niên qua, hệ thống đường sắt cao tốc trên toàn quốc đã được nhân lên gấp 4 lần, số người trong cảnh nghèo khó giảm mạnh. Dưới hai nhiệm kỳ của ông Tập Cận Bình, tầng lớp trung lưu tại quốc gia châu Á này đang từ 15 triệu người đã mở rộng đến từ 300 đến 700 triệu. Về công nghệ, Trung Quốc đang trở thành một ngọn hải đăng trong một số lĩnh vực mũi nhọn, như trí thông minh nhân tạo. Lại cũng Bắc Kinh đã đi rất xa trên con đường chinh phục không gian… Nhưng bên cạnh đó, Covid, hạn hán, thiên tai, đời sống đắt đỏ, khủng hoảng địa ốc… là những nhát búa đánh vào mô hình kinh tế nước này.

Jean François Huchet vừa nói đến « khả năng thích ứng kém cỏi » của chính quyền Bắc Kinh gần đây, giáo sư Mary Françoise Renard giải thích thêm : sau 4 thập niên xuất khẩu không còn đem lại « phép lạ » cho tăng trưởng của Trung Quốc nhưng các chính sách kinh tế của Bắc Kinh vẫn khai thác những công thức cũ và bỏ rơi cả một mảng quan trọng : đó là sức mua của gần 1,5 tỷ dân số trên địa cầu.

Mary Françoise Renard  : « Nếu như tiêu thụ nội địa không tăng nhanh như mong đợi, đó là do chính sách kinh tế của Trung Quốc mà thôi. Từ trước đến giờ, Bắc Kinh luôn chú trọng vào việc giúp đỡ bên sản xuất, mà không chú trọng đến việc hỗ trợ người tiêu dùng. Thêm vào đó, trong một thời gian dài, mọi người đã trông thấy đời sống của họ đã khá lên, họ nghĩ rằng đây là tiến trình không thể đảo ngược. Cùng với đà tiến lên này, mọi người bắt đầu đòi hỏi nhiều hơn về chất lượng cuộc sống. Nhưng tới nay chính phủ vẫn rất ít quan tâm đến vế xã hội, đến chính sách để mọi người cùng được hưởng lợi từ những thành quả kinh tế mà Trung Quốc đã tích lũy được trong hàng chục năm vừa qua. Số người thất nghiệp tăng cao, nhưng chỉ có rất, rất ít được hưởng trợ cấp thất nghiệp ; chăm lo cho con cái đi học càng lúc càng tốn kém. Trung Quốc cũng không có chính sách giúp đỡ người cao niên » …

Bệnh thành tích

Cũng trên France Culture Sébastien Jean, giám đốc nghiên cứu Trung Tâm Nghiên Cứu Triển Vọng và Thông Tin Quốc Tế CEPII nêu bật một khía cạnh khác :

Sébastien Jean  : « Chính quyền vẫn cương quyết duy trì một tỷ lệ tăng trưởng ở mức rất cao, cho dù là chỉ tiêu đó không còn phù hợp với thực tế của ngày hôm nay. Trong quá khứ Trung Quốc đã khai thác các nguồn nhân lực, tài nguyên và phương tiện tài chính để phục vụ kinh tế. Thí dụ như đưa đội ngũ dân cư ở nông thôn vào cỗ máy công nghiệp ; hay ồ ạt đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng, qua đó tháo gỡ một số nút thắt cản trở tăng trưởng. Nhưng thời kỳ đó đã qua. Kinh tế Trung Quốc giờ đây đã khá phát triển, năng suất lao động không còn tăng mạnh như xưa. Trung Quốc không thể mãi mãi chỉ là công xưởng của thế giới và chỉ trông cậy vào sức lao động để tiếp tục nuôi dưỡng phép lạ kinh tế đó. Bắc Kinh bắt buộc phải dựa vào những phát minh, vào công nghệ cao. Trong một số lĩnh vực Trung Quốc đã rất thành công. Tôi muốn nói tới trí thông minh nhân tạo, ngành hàng không không gian… Nhưng không thể nào một số những phát minh đó tiếp tục bảo đảm cho Trung Quốc những tỷ lệ tăng trưởng 8-10 % như từ trước đến nay. Bắc Kinh bắt buộc phải chấp nhận thực tế là đà tăng trưởng sẽ bị chậm lại, bị giảm sụt đi nhiều so với trước và tình trạng này sẽ kéo dài. Trông cậy vào những phát minh để làm động cơ tăng trưởng đã là khó, riêng với Trung Quốc do Đảng muốn kiểm soát tất cả thì đó là điều chẳng thuận lợi cho các sáng kiến mới, cho những suy nghĩ độc lập để cho ra đời những phát minh phục vụ kinh tế ».

Vào lúc mà nhiều câu hỏi đang dấy lên chung quanh mức độ hiệu quả của đầu tư Trung Quốc, của các doanh nghiệp Nhà nước, về vai trò của các doanh nghiệp tư nhân trong tiến trình hiện hóa mô hình kinh tế, thì dường như đây không phải là điều được ông Tập Cận Bình quan tâm, ít ra là trong bài phát biểu khai mạc Đại Hội Đảng lần này. Về mặt xã hội, vào lúc mà gần 20 % thanh niên Trung Quốc trong độ tuổi 16-24 thất nghiệp, hàng chục triệu hộ gia đình bất mãn và không được có lấy lại được vốn đầu tư vào nhà đất hay không, một số nhà quan sát châm biếm đặt câu hỏi : trước những dấu hiệu bất mãn trong công luận bắt đầu nhen nhúm đó đây tại Hoa Lục chính quyền trung ương xoa dịu dân tình bằng cách đầu tư vào các chính sách xã hội, hay sẽ tăng ngân sách cho các cơ quan kiểm duyệt trên các mạng xã hội ?

Bài Liên Quan

Leave a Comment