Cảng Piraeus ở Athens. (Ảnh: LOUISA GOULIAMAKI / AFP/ Getty Images)
ĐCSTQ nắm trong tay 96 cảng biển chiến lược toàn cầu
Bình luậnXuân Hoa • 19/10/22
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang nhắm mục tiêu đến cảng biển thứ 97 ở nước ngoài. Gần 100 cảng biển mà Trung Quốc kiểm soát không chỉ là các tuyến yết hầu hàng hải mà còn sở hữu vị trí địa chính trị quan trọng.
Với việc các tập đoàn truyền thông Trung Quốc được coi là “phái bộ nước ngoài” ở Mỹ và các Viện Khổng Tử lần lượt bị đóng cửa, hoạt động xuất khẩu tư tưởng của ĐCSTQ vấp phải không ít chướng ngại.
Tuy nhiên, bù lại, China Ocean Shipping (COSCO) và các doanh nghiệp khác của Trung Quốc đã mua cổ phần tại 96 cảng biển trên thế giới. Trong đó có 5 cảng ở Mỹ, bao gồm ở Miami, Houston, Long Beach, Los Angeles và Seattle.
Năm 2013, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất ý tưởng “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21” – một nỗ lực nhằm kết nối các cảng ở nhiều quốc gia khác nhau, từ bờ biển Trung Quốc đến Ấn Độ Dương, đến Nam Thái Bình Dương và thậm chí cả châu Âu.
Kể từ đó, gần như mỗi năm, ông Tập đều đến thăm một cảng – bao gồm cảng Ninh Ba – Chu Sơn, thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc vào tháng 03/2020 và cảng Piraeus của Hy Lạp vào năm 2019.
Tại Đức, China Logistics Group đã đạt được hợp đồng thuê 99 năm để xây dựng trung tâm hậu cần tại một cảng thương mại mới ở thị trấn ven biển Wilhelmshaven. Cách nơi đó chỉ 3 dặm là Heppenser Groden – căn cứ hải quân và hậu cần lớn nhất của Đức, nơi đóng và sửa chữa các tàu của Thủy quân lục chiến Đức, nơi các tàu ngầm ghé thăm và cũng là nơi NATO tiến hành các cuộc tập trận chung.
ĐCSTQ đã mua lại cảng Piraeus – nằm trên biển Aegean, được biết đến là “cảng biển của ba lục địa”. Nó nằm ở giao lộ của châu Âu, châu Á và châu Phi.
Tại Panama, Trung Quốc có cổ phần tại 3 trong 4 cảng lớn. Kênh đào Panama là kênh đào nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
COSCO cũng mua 60% cổ phần tại cảng Chancay (Peru) và mua cổ phần tại 61 cảng ở 30 quốc gia châu Phi.
Tại Trung Đông, ĐCSTQ hiện sở hữu các cảng ở Maroc, Ai Cập, Ảrập Xêút, Iraq, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Oman và thậm chí cả Israel – một đồng minh của Mỹ.
Một lý do khiến ĐCSTQ ám ảnh với việc mua lại các cảng biển ở nhiều quốc gia khác nhau là chúng có thể phục vụ mục đích quân sự của Bắc Kinh.
Nghiên cứu của chuyên gia hàng hải Isaac Carton đến từ Trường Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ (ở Rhode Island) cho thấy các tàu hải quân Trung Quốc đã ghé thăm hoặc dừng nghỉ để phục vụ các mục đích kỹ thuật tại 32 cảng mà doanh nghiệp Trung Quốc đã mua cơ sở hạ tầng thương mại.
Ông Eyal Pinko – cựu sĩ quan tình báo Israel, trong một cuộc phỏng vấn với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (Voice of America), đã nói rằng các cảng có thể dễ dàng được Trung Quốc sử dụng để thu thập thông tin tình báo hải quân.
“Quý vị có thể theo dõi hành tung của tàu và nắm được thông tin liên lạc. Một khi quý vị sở hữu và vận hành các cảng, những điều này rất dễ thực hiện. Quý vị có thể làm bất cứ điều gì quý vị muốn”, ông nói.
Mục tiêu thứ 97
ĐCSTQ đang nhắm đến mục tiêu thứ 97, đó là tìm cách mua 35% cổ phần của cảng Container Tollerort ở Hamburg, Đức.
“Đúng là cảng Container Tollerort chỉ là một phần nhỏ của toàn bộ cảng Hamburg, nhưng thông qua phần nhỏ này, Trung Quốc có thể tác động đến thương mại và đường hướng chính trị của toàn cảng Hamburg”, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết.
Ông Jan Ninnemann, Giáo sư ngành hậu cần tại Trường Quản trị Kinh doanh Hamburg nói với Newsweek: \”Có những suy tính chiến lược cao khi mua cổ phần tại cảng\”, chẳng hạn như, họ sẽ có tiếng nói về việc những con tàu nào đến và đi, khi nào hàng hóa được chất lên và được dỡ xuống, cũng như nơi mà hàng hóa được chuyển đến.
Nhiều nhà phân tích khác bày tỏ lo ngại rằng các nhà khai thác cảng và hậu cần đang nắm trong tay một lượng lớn dữ liệu vận tải, doanh nghiệp và cá nhân trong chuỗi cung ứng ngày càng được số hóa. Theo Newsweek, Trung Quốc có thể cài đặt hệ thống liên lạc Internet do Trung Quốc sản xuất để xử lý những dữ liệu đó; điều này có thể sẽ cho phép ĐCSTQ tiếp cận các cơ quan hành chính của chính quyền địa phương.
Mua đất gần căn cứ quân sự
Cùng với việc mua các cảng ở nhiều quốc gia khác nhau, ĐCSTQ cũng mua đất gần các căn cứ quân sự của Mỹ.
Năm 2021, gã khổng lồ ngành chế biến thực phẩm Trung Quốc có trụ sở tại Sơn Đông, Tập đoàn Fufeng, đã mua 370 mẫu (1,5 km2) đất nông nghiệp ở phía bắc Grand Forks, bang North Dakota, Mỹ. Địa điểm này cách căn cứ Không quân Grand Forks, nổi tiếng với công nghệ tuyệt mật về thiết bị bay không người lái, chưa đầy 20 dặm (32 km).
Không phải ngẫu nhiên mà kể từ năm 2016, GH Energy Mỹ – công ty con của GH Energy Trung Quốc – đã mua lại những khu đất rộng lớn ở quận Ball Verde, bang Texas, Mỹ để xây dựng các nhà máy điện gió. Một trong số các nhà máy điện đó cách căn cứ Không quân Laughlin chưa đầy 20 dặm (32 km). Chủ sở hữu của GH Energy là ông Sun Guangxin – “người giàu nhất Tân Cương”, đã phục vụ trong Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) gần 10 năm.
Năm 2017, chính quyền Trung Quốc đề nghị chi 100 triệu USD để xây dựng một khu vườn Trung Quốc hoành tráng, gồm cả một ngôi chùa, tại Vườn ươm Quốc gia ở Washington, D.C., Mỹ. Tuy nhiên, các quan chức phản gián Hoa Kỳ nhận thấy rằng ngôi chùa đó dự định được xây dựng tại một trong những điểm cao nhất ở D.C., chỉ cách Điện Capitol 2 dặm (3,2 km) – một nơi lý tưởng để thu thập các tín hiệu tình báo, theo một bài báo đăng ngày 23/07 trên CNN.
Một vụ mua đất với quy mô lớn khác đã được thực hiện bởi Huawei. FBI phát hiện ra có nhiều tháp di động nằm gần các căn cứ quân sự của Mỹ ở vùng Trung Tây; các thiết bị của Huawei trên đỉnh tháp có thể thu và làm gián đoạn liên lạc của Bộ Quốc phòng Mỹ, bao gồm cả thông tin liên lạc từ Bộ Chỉ huy Chiến lược – cơ quan giám sát vũ khí hạt nhân của Mỹ.
Xuân Hoa
Theo Jenny Li – The Epoch Times