19/10/2022
Sau Tân Hoàng Minh, ba doanh nghiệp từng giành phần thắng trong cuộc đấu giá bốn lô đất ở Thủ Thiêm cũng bỏ cuộc, bỏ cọc.
Phần 3
Tháng 1/2022, sau khi lãnh đạo quốc hội, chính phủ bày tỏ sự lo ngại về thị trường tài chính, tín dụng như đã đề cập trong phần 2, ông Hồ Đức Phớc – Bộ trưởng Tài chính – loan báo, vì một số doanh nghiệp vay mượn cả từ ngân hàng lẫn phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) cao gấp nhiều lần vốn liếng thực có nên chính phủ buộc phải tổ chức kiểm tra những doanh nghiệp có liên quan trên thị trường tài chính, tín dụng (1), rồi Cục Thanh tra – Giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu một số ngân hàng báo cáo về việc cấp tín dụng (cho vay, bảo lãnh, đầu tư trái phiếu…) đối với những doanh nghiệp tham gia đấu giá bốn lô đất ở Khu Đô thị mới Thủ Thiêm (2), ông Đỗ Anh Dũng tự nguyện từ bỏ lô đất mà Tân Hoàng Minh vừa giành được (3).
Tuy tự nguyện từ bỏ lô đất vừa giành được thông qua đấu giá đồng nghĩa với mất 588 tỉ tiền cọc nhưng ông Đỗ Anh Dũng vẫn làm vì… nhất trí với chính quyền rằng… “kết quả trúng thầu cao như vậy có thể dẫn đến hệ lụy không tốt”. Không ít người bật cười khi đọc “Tâm thư” mà ông Dũng gửi lãnh đạo đảng, nhà nước, quốc hội, chính phủ (4), song ngẫm kỹ thì lý do Tân Hoàng Minh viện dẫn để bỏ cuộc… “tránh gây xáo trộn trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản nói riêng và kinh tế nói chung” đáng sợ hơn đáng cười!..
NHNN không tiết lộ Cục Thanh tra – Giám sát ngân hàng đã thu thập được những gì sau khi yêu cầu một số ngân hàng báo cáo về việc cấp tín dụng đối với các doanh nghiệp tham gia đấu giá đất ở Thủ Thiêm nhưng ngay sau khi Tân Hoàng Minh tuyên bố tự nguyện rút lui khỏi cuộc đua giành quyền sử dụng một trong bốn lô đất ở Thủ Thiêm, Bộ Công an chủ động tiết lộ đã âm thầm thu thập tài liệu liên quan đến 11 dự án của Tân Hoàng Minh ở Hà Nội kể từ tháng 12 năm 2021 (5)…
Sau Tân Hoàng Minh, ba doanh nghiệp từng giành phần thắng trong cuộc đấu giá bốn lô đất ở Thủ Thiêm cũng bỏ cuộc, bỏ cọc. Dẫu có thể sung công số tiền cọc hơn 1.000 tỉ của Ngôi Sao Việt – Tân Hoàng Minh, Bình Minh, Sheen Mega, Dream Republic nhưng những thông tin có liên quan đến cả bốn cùng chứng tỏ một điều: Cả bốn không những không đủ năng lực tài chính mà hoạt động cũng như hiệu quả kinh doanh đều có những dấu hiệu rất khó tả…
Vào thời điểm Ngôi Sao Việt tham dự cuộc đấu giá đất ở Thủ Thiêm, ba doanh nghiệp có liên quan đến Tân Hoàng Minh (SunValley, Bách Hưng Vương, Wealth Power) đã thu về 9.400 tỉ đồng thông qua phát hành TPDN nhưng theo VBMA (Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam), các bản công bố của cả ba thiếu tất cả thông tin cơ bản như: Mục đích, lãi, trái chủ, những nơi tham gia thu xếp, tài sản bảo đảm (6)… Vốn điều lệ của Bình Minh – doanh nghiệp dám đẩy giá ¼ lô đất ở Thủ Thiêm từ 728 tỉ lên 5.026 tỉ – chỉ có… 200 tỉ, trong đó có 100 tỉ được bổ sung trước khi tham dự đấu giá bảy… ngày (7). Thậm chí, tổng giá trị tài sản của Sheen Mega – doanh nghiệp dám trả 4.000 tỉ cho một lô đất ở Thủ Thiêm – chỉ vỏn vẹn… 27,6 triệu đồng! Tương tự, từ 2017 đến 2020, tổng giá trị tài sàn của Dream Republic – doanh nghiệp dám trả 3.820 tỉ cho một lô đất ở Thủ Thiêm – chưa bao giờ quá… 20 triệu đồng! Vài cơ quan truyền thông chính thức giới thiệu hàng loạt dấu hiệu, theo đó, sau lưng Sheen Mega và Dream Republic là… Vạn Thịnh Phát (8).
Chỉ có một câu trả lời cho việc thi nhau đẩy giá đất ở Thủ Thiêm lên mức khó tưởng. Đó là gây tiếng vang để hỗ trợ việc phát hành và tiêu thụ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Trong quá khứ, có thể những cá nhân và doanh nghiệp liên quan đến vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm từng… thành công rực rỡ về đủ mọi mặt khi áp dụng phương thức… “lấy mỡ nó rán nó” nhưng đến năm nay (2022), bối cảnh đã khác. Khi thị trường tài chính, tín dụng trong tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, “nó” không chỉ là thường dân, mà còn là chính quyền. Sự hỗn loạn của thị trường tài chính, tín dụng chắc chắn sẽ dẫn tới hỗn loạn về chính trị nên chính quyền mới hành động. Nếu không nhận ra Tân Hoàng Minh vừa dại dột “rán” cả chính quyền, chắc ông Đỗ Anh Dũng chẳng soạn và gửi… “Tâm thư”!
Một trong những doanh nhân vốn rất thành thạo trong chuyện “lấy mỡ nó rán nó” và cũng lâm nạn khi áp dụng phương thức này đúng vào lúc “nước sôi, lửa bỏng” là ông Trịnh Văn Quyết. Ông Quyết cũng làm giàu nhờ bất động sản như ông Dũng nhưng thường tìm vốn từ những nguồn… chính thống như vay ngân hàng và phát hành cổ phiếu. Tháng 10/2017, ông Quyết “bán chui” cổ phiếu của FLC thu lợi khoảng 400 tỉ và sau đó chỉ phải trả… 65 triệu tiền phạt rồi… thôi (9)! Tuy nhiên tháng 1 năm nay, sau khi “bán chui” cổ phiếu, ông Quyết bị phạt 1,5 tỉ đồng, bị cấm tham gia các giao dịch chứng khoán trong năm tháng và đến tháng 3/20222 thì bị tống giam để điều tra do “thao túng thị trường chứng khoán”, tới tháng 8 bị khởi tố thêm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (10).
Gió đã đổi chiều nhưng dường như không phải vì xung đột giữa các nhóm vốn vẫn hậu thuẫn cho những cá nhân chuyên hối mại quyền thế để làm giàu và đã trở thành rất giàu. Gió phải đổi chiều vì chính quyền – nơi tạo ra, duy trì lợi ích cho tất cả các nhóm – đang ngả nghiêng trước “sóng to, gió lớn” trên thị trường tài chính, tín dụng: Giá cổ phiếu rơi chưa thấy ngừng, xuyên qua hết đáy này đến đáy khác. Hàng trăm ngàn tỉ TPDN bị giới chuyên môn xem là “rác” và nơi bỏ tiền hốt phần lớn đống “rác” này là ngân hàng…
(Còn tiếp)