Đăng ngày: 20/10/2022
Danh sách phát của tôiThêm vào danh sách phát của tôi
Hiện đại hóa quân đội Trung Quốc là một trong những thành tố không thể thiếu để Bắc Kinh khẳng định vị thế cường quốc. Tập Cận Bình khi lên cầm quyền đã vạch ra ba mục tiêu : Một quân đội cơ giới hóa vào năm 2020, một quân đội hiện đại hóa năm 2035 và một quân đội đẳng cấp thế giới năm 2049. Tham vọng này còn nhằm « Hồi sinh » đế chế Trung Hoa giống thuở xưa, với mục đích sau cùng là hợp nhất hai bờ eo biển Đài Loan.
Ý tưởng « Hồi sinh » một nước Trung Hoa là chiếc la bàn cho quyền lực Trung Quốc, định hướng cho tương lai đất nước. Tại Đại Hội đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ XIX tháng 10/2017, khi bắt đầu nhiệm kỳ hai, Tập Cận Bình khẳng định rằng nỗ lực hiện đại hóa quân đội, bắt đầu từ những năm 1990, phải được tiếp tục và tiến hành trên ba phương diện : Năng lực, Học thuyết và Cấu trúc.
Cải tổ cơ cấu và thách thức công nghệ
Kế hoạch này của ông Tập Cận Bình được đề ra trong một bối cảnh thuận lợi : Trung Quốc đang trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế thần kỳ, một lợi thế lớn tạo sức bật cho tiến trình hiện đại hóa năng lực quân đội. Số liệu thống kê do SIPRI công bố cho thấy ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng gấp 12 lần, từ 21 tỷ đô la trong năm 1999 lên mức 260 tỷ vào năm 2019.
Chuyên gia về Đông Bắc Á, Antoine Bondaz, thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược (FRS) của Pháp, trả lời phỏng vấn tạp chí Diplomatie (số ra tháng 6-7/2021) đưa ra so sánh, trong cùng một thời kỳ, ngân sách quốc phòng của Nhật Bản chỉ tăng thêm 5 tỷ đô la để đạt mức 48 tỷ, trong khi ngân sách của Đài Loan vẫn luôn ở mức 10 tỷ đô la.
Trong nỗ lực củng cố ưu thế của Quân ủy Trung ương do Tập Cận Bình chủ trì, Bắc Kinh tiến hành cải cách cơ cấu quân đội năm 2015, khi cho lập thêm ba quân chủng mới : Quân chủng Lục Quân, Quân chủng Tên Lửa và Quân Chủng Chi Viện, gồm hai binh chủng mới là Binh chủng chi viện chiến lược, tác chiến về không gian mạng, không gian và vũ trụ, và Binh chủng chi viện hậu cần liên quân. Một trong số các mục tiêu của việc cải tổ này là tăng cường tầm quan trọng được trao cho các lực lượng vũ trang chuyên trách kho vũ khí đạn đạo quy ước và hạt nhân, cũng như là khả năng đáp trả thách thức của đặc tính liên tác chiến.
Nhưng theo Antoine Bondaz, chương trình hiện đại hóa về chất lượng các trang thiết bị quân sự mới là một thách thức thật sự cho Trung Quốc. Quân đội nước này bị chậm trễ về mặt công nghệ nói chung so với nhiều nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Ngay từ đầu những năm 2000, Trung Quốc cũng như phương Tây đều hiểu rằng chiến tranh đã bị tin học hóa, và những cuộc chiến trong tương lai thậm chí sẽ là « trí thông minh nhân tạo ».
Trong bối cảnh này, Sách Trắng quốc phòng Trung Quốc năm 2019 xác định, việc phát triển các năng lực ISR (Intelligence – Tình báo, Surveillance – Giám sát, Reconnaissance – Trinh sát) trong mọi lĩnh vực, cũng như việc làm chủ các công nghệ mũi nhọn (trí thông minh nhân tạo, máy tính lượng tử, big data, mây điện tử …) là một ưu tiên.
Thế nên, ngay từ tháng 3/2015, Tập Cận Bình đã cho nâng cấp chương trình hội nhập dân – quân sự (kết hợp các tổ hợp công nghiệp – công nghệ quốc phòng với tư nhân) lên hàng chiến lược quốc gia. Đương nhiên, điều này đặt ra các vấn đề về bản chất của một số chương trình hợp tác quốc tế, dưới vỏ bọc hợp tác dân sự, rất có thể mang một mục tiêu quân sự.
Hạt nhân và bài học Đài Loan cho hải quân Trung Quốc
Trong lĩnh vực hạt nhân, nếu như học thuyết răn đe hạt nhân vẫn không thay đổi, thì Trung Quốc có nhu cầu cải thiện và bảo đảm khả năng phòng thủ và đáp trả các cuộc tấn công hạt nhân, khi cho tăng cường các năng lực C4ISR (Command – chỉ huy, Control – kiểm soát, Communication – liên lạc, Computers – tin học, Intelligence – tình báo, Surveillance – giám sát, và Reconnaissance – trinh sát), phân tán kho vũ khí nhằm hạn chế tác động của mọi ý đồ tấn công phòng ngừa, và tăng cường năng lực kích hoạt phản công hạt nhân.
Dấu hiệu cho thấy Washington tỏ ra lo lắng là bộ Quốc Phòng Mỹ trong một báo cáo gần đây về năng lực quân sự Trung Quốc ghi nhận, các yếu tố phân tích về răn đe hạt nhân của Bắc Kinh – bao gồm chiến lược và năng lực – đa dạng hơn nhiều so với các phiên bản trước đây. Báo cáo này còn ước tính, Trung Quốc có khoảng từ 200 đến gần 300 đầu đạn hạt nhân. Con số này có thể tăng lên gấp đôi trong vòng 10 năm tới.
Điều này gắn chặt không chỉ với việc hiện đại hóa năng lực hạt nhân của Trung Quốc – như cho tăng số tên lửa MIRV ICBM (tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân) như loại DF-41 chẳng hạn,– mà cả trong việc vạch ra bộ ba chiến lược hạt nhân bằng cách tăng cường năng lực hạt nhân cho ba quân chủng : Lục quân, không quân và hải quân.
Nhưng có lẽ sự thay đổi ngoạn mục nhất trong quân đội Trung Quốc chính là hải quân. Rory Medcalf, hiệu trưởng trường đại học quốc phòng Úc trên đài ARTE lưu ý, trong suy nghĩ của Tập Cận Bình, chỉ bằng cách chuyển hướng ra đại dương, thì Trung Quốc mới có thể trở thành cường quốc hàng đầu thế giới trong thế kỷ XXI.
« Vào năm 2012, ngay khi lên cầm quyền, Tập Cận Bình đã nhanh chóng triệu tập các cơ quan hàng hải Trung Quốc, vốn có biệt danh \”Những con rồng biển\” nhằm thành lập một lực lượng hải quân chiến lược thật sự. Quý vị không thể nào là một đại cường của thế kỷ 21 mà không cùng lúc là cường quốc lục địa và hải quân. »
Một mặt sự việc phản ảnh một sự thay đổi trong cảm nhận về các mối đe dọa của Trung Quốc, chuyển từ hiểm họa lục địa phương bắc sang mối họa vùng biển phía nam. Về điểm này, chuyên gia Đông Bắc Á Antoine Bondaz trên kênh truyền hình TV5Monde từng giải thích như sau :
« Điều hiển nhiên ở đây chính là từ phía giới chức Trung Quốc, có một mặc cảm bất an. Quả thật, Trung Quốc ngày nay và nhất là phía vùng duyên hải, nơi tập trung đông dân cư nhất, các ngành công nghiệp, kinh tế, chính trị của Trung Quốc, đang bị bao vây. Trung Quốc bị bao vây về mặt địa lý bởi một chuỗi các đảo đi từ Nhật Bản đến Philippines. Trung Quốc còn bị bao vây cả về quân sự bởi vì có nhiều liên minh quân sự của Mỹ tại đây. Do vậy, Trung Quốc muốn phá vòng vây của Mỹ và điều này là thiết yếu, nhất là trong việc kiểm soát Biển Đông và chiếm lấy Đài Loan. »
Mặt khác, cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan trong những năm 1950 là một bài học kinh nghiệm quý giá. Vào thời đó, Mao Trạch Đông phải từ bỏ kế hoạch đánh chiếm Đài Loan do Hoa Kỳ đã cho triển khai ồ ạt hạm đội 7. Trung Quốc chợt nhận ra rằng hải quân có một vai trò thiết yếu, không thể thiếu trong việc củng cố sức mạnh quân sự.
Do vậy, ngay từ năm 2015, quân đội Trung Quốc cho rằng sứ mệnh của hải quân giờ không chỉ « bảo vệ bờ cõi duyên hải » – thuật ngữ được sử dụng trong sách trắng 2010 và 2013, mà còn phải có khả năng bảo đảm « phòng thủ các vùng biển duyên hải và bảo vệ ngoài khơi xa » và phát triển các năng lực trên phương diện « chiến đấu hải quân ».
Quân đội Trung Quốc và mối lo thiếu kinh nghiệm chiến trường
Giờ đây, với khoảng 360 tầu chiến, nhiều hơn của hải quân Mỹ 60 chiếc, trong vòng có 20 năm, Trung Quốc không những tăng gấp ba về số lượng mà còn cung cấp cho hải quân những con tầu tinh vi và đa năng hơn như hàng không mẫu hạm, tầu khu trục, tầu hộ tống, tầu đổ bộ, tầu ngầm hạt nhân… Những năng lực mới này cho phép Trung Quốc hậu thuẫn cho những yêu sách chủ quyền lãnh thổ và gia tăng áp lực quân sự với các nước láng giềng như những gì diễn ra trên Biển Đông những năm gần đây.
Có thể nói, Tập Cận Bình đã hiện đại hóa một cách ngoạn mục hải quân Trung Quốc. Hồi tháng 4/2021, nhiều cường quốc phương Tây sững sờ trước việc Tập Cận Bình khánh thành ba tầu chiến trong cùng một ngày, trong đó có một tầu ngầm trang bị tên lửa hạt nhân, một điều bất khả, kể cả với Hoa Kỳ, như nhận xét của ông James Fanell, thành viên Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương của Mỹ giai đoạn 2011-2015, với kênh truyền hình ARTE.
« Trung Quốc đã thực hiện nhiều thứ trong vòng có 20 năm. Họ đã biến đổi thành công từ các lực lượng tuần duyên bờ biển thành một đội hải quân hùng hậu nhất nhì thế giới và lực lượng này sẽ tiếp tục được mở rộng. Tóm lại, Trung Quốc sản xuất được 4 chiếc tầu trong khi Hoa Kỳ chỉ làm được có một chiếc duy nhất mà thôi. »
Tuy nhiên, nếu như trong 10 năm qua, Trung Quốc nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng và phô trương uy thế hải quân cũng như năng lực tên lửa của mình, những bước kế tiếp cho Tập Cận Bình và Quân ủy Trung ương của ông được cho là nhiều khó khăn. Một mặt, đà hiện đại hóa vẫn vấp phải sự thống trị chiến lược của Mỹ tại Đông Á và nhất là có nguy cơ bị chựng do tăng trưởng kinh tế trì trệ.
Mặt khác, trong kỳ Đại Hội lần này, ĐCSTQ sẽ phải thay thế bốn tướng về hưu trong số 6 tướng thuộc Quân ủy từng phục vụ dưới trướng ông Tập Cận Bình. Trong số này có thượng tướng Lý Tác Thành (Li Zuocheng), 69 tuổi, nằm trong số những sĩ quan cuối cùng còn tại ngũ có tham gia vào cuộc xung đột biên giới đẫm máu với Việt Nam năm 1979.
Những người thay thế phải gia nhập vào những lực lượng ngày càng phức tạp, yếu tố cốt lõi cho khả năng một cuộc xâm chiếm Đài Loan trong tương lai. Theo quan sát của hãng tin Anh Reuters, thì phần lớn số tướng lĩnh mới dường như đều thiếu một điểm quan trọng so với những bậc tiền bối : Kinh nghiệm chiến trường.
Đây rất có thể sẽ là một điều bất lợi cho đội quân đông đảo nhất hành tinh – hai triệu binh sĩ – theo như nhận định của chuyên gia về Trung Quốc, Marc Julienne, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI) với nhật báo Le Figaro hồi năm 2020.
« Trên phương diện xung đột, Trung Quốc chưa đối mặt với một cuộc xung đột thật sự nào kể từ năm 1979 với Việt Nam. Ngược lại, nước này có nhiều cuộc va chạm biên giới như với Ấn Độ gần đây hay như hồi năm 2017 chẳng hạn. Đúng là từ nhiều thập niên qua, quân đội Trung Quốc thiếu kinh nghiệm chiến trường. Đây thật sự là một vấn đề, bởi vì người ta khó thể đánh giá chất lượng một quân đội mà không thấy được họ chiến đấu thế nào. »