Báo Nigeria trích lời một quan chức ẩn danh của Trung Quốc bác bỏ tin rằng công an TQ ‘mở cơ sở ở một số nước châu Phi’.
Trang Vanguard ở Nigeria trong một bài hôm 19/10/2022 trích lời một quan chức ngoại giao Trung Quốc xác nhận nước ông có các đơn vị ‘công an hải ngoại’ để chống lại băng đảng tội phạm người Hoa.
Tuy nhiên, người này bác bỏ tin của các báo châu Phi về chuyện “Trung Quốc mở các đồn cảnh sát ở Nigeria”.
“Chương trình ngoại tuyến (outreach program) của Trung Quốc có ở các nơi người Trung Quốc sinh sống là nhằm để hỗ trợ và bảo vệ họ chống khủng bố, nạn bắt cóc và các tội ác khác.”
“Chỉ có một thể loại hoạt động duy nhất (của cảnh sát Trung Quốc) là dịch vụ ngoại tuyến trong các cộng đồng người Trung Hoa, chứ Trung Quốc không có ý định, không có năng lượng để mở các đồn công an ở nước ngoài.”
Người này nói thêm, về mặt ngoại giao, Trung Quốc không thể làm như vậy vì tôn trọng chủ quyền quốc gia của các nước kia, trang Vanguard viết.
Thế nhưng, các báo châu Phi những ngày qua nói về dự án “110 trung tâm công an Trung Quốc” trải khắp châu Phi, châu Á, và cả châu Âu.
Báo The Will, cũng ở Nigeria, cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc tung ra chiến dịch này và “nó trở nên hoang dại” (gone wild). Báo này trích một tổ chức nhân quyền nói rằng dự án ‘110 trung tâm công an ở hải ngoại’ (110 Overseas Police Service Centres) chuyên theo dõi, giám sát người Trung Quốc ở nước ngoài.
Phía Trung Quốc xác nhận đó là các hoạt động tội phạm, bất hợp pháp của người TQ ở nước ngoài, theo tờ báo.
Các “đồn công an Trung Quốc” đã có ở Nigeria, Lesotho và Tanzania, theo báo này.
Một báo Lesotho mấy năm trước đã có bài ca ngợi món quà – đội xe máy tốc độ cao – mà cảnh sát Trung Quốc tặng cho Lesotho trong một chương trình hợp tác ở Học viện Cảnh sát nước châu Phi này.
Lo ngại về thủ tục pháp lý
Tổ chức Safeguard Defenders hồi đầu tháng 9/2022 công bố báo cáo là kết quả của cuộc điều tra về hoạt động của công an Trung Quốc trên thế giới.
Theo họ, trên 230 nghìn công dân Trung Quốc đã “bị thuyết phục về nước” dạng “phi tự nguyện” (involuntary) bởi chiến dịch của an ninh Trung Quốc trong những năm qua.
Trung Quốc nói đa số là các công dân của họ vi phạm các quy định pháp luật TQ hoặc nước ngoài khác nhau, và đã hồi hương để chịu sự chế tài của cơ quan công quyền.
Nhưng theo Safeguard Defenders, công an Trung Quốc đã có mặt ở châu Phi, châu Á, và châu Âu, cụ thể là Tây Ban Nha, Serbia và hợp tác với cảnh sát sở tại để truy bắt tội phạm người TQ.
Tại Đông Nam Á, bản đồ của Safeguard Defenders có hình và tên các nước Philippines, Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Indonesia “cho phép công an Trung Quốc hoạt động truy tìm các nhóm gây án”.
Tuy thế, chỉ Campuchia “có đồn công an Trung Quốc hoạt động”, theo phúc trình của tổ chức này.
Trong khi việc các nước phối hợp truy bắt tội phạm là bình thường, Safeguard Defenders cho rằng hoạt động rộng khắp của công an hải ngoại Trung Quốc gây lo ngại vì “thiếu hoàn toàn việc bảo đảm tiêu chuẩn pháp lý cơ bản” cho đối tượng bị nhắm tới. Và cũng chỉ có công an TQ quyết định ai là tội phạm hình sự, ai là người bị cho vào sổ đen vì các hoạt động khác.
Hôm 14/09/2022, trang Telegraph ở Anh cho hay công an Trung Quốc \”mở đồn cảnh sát không chính thức ở ngay Anh\”. Tuy nhiên, cuộc điều tra của báo này cho thấy các cơ sở đó nằm ở những nơi kỳ lạ: một cửa hàng buôn bán bất động sản ở London và một quán ăn Trung Hoa ở Glasgow\”.
Bài báo nói Trung Quốc đã mở \”đồn cảnh sát ở trên 50 quốc gia\” và nêu lo ngại về việc công an Trung Quốc nhân danh hoạt động truy bắt tội phạm để \”xử lý người bất đồng chính kiến\” với Đảng CS TQ.
Trang Vanguard thì nêu ra lo ngại khác, là có phải công an Trung Quốc “chỉ đạo cảnh sát Nigeria” trong các chiến dịch bắt tội phạm.
Quan chức Trung Quốc ẩn danh trả lời báo này bác bỏ chuyện đó, và nói các đơn vị ngoại tuyến của Trung Quốc “luôn tôn trọng chủ quyền Nigeria”.
“Họ chỉ đóng vai trò bên ngoài (outside role) để giúp công dân Trung Quốc mà thôi,” ông khẳng định.
Trung Quốc không che giấu hoạt động bắt các quan chức tham nhũng từ nước ngoài về để trừng trị, như một phần trong chiến dịch Đả hổ diệt ruồi và Săn cáo của Đảng Cộng sản.
Thế nhưng, các thủ tục dẫn độ người bị truy nã xuyên quốc gia luôn cần được tôn trọng, và việc bắt cóc ở nước ngoài tự nó là hành vi tội phạm, theo các tổ chức nhân quyền.