Bùi Thư
BBC News Tiếng Việt
Theo Bộ Ngoại giao, có thêm 171 công dân Việt Nam bị lừa đến Campuchia lao động đã được giải cứu.
Trước đó, 21/9, bà Lê Thị Thu Hằng, Bộ Ngoại giao cho biết tổng cộng hơn 1.000 nạn nhân bị lừa đảo đến lao động đã được cứu.
Như vậy, có thể hiểu, tính đến nay, chính phủ Việt Nam đã giải cứu được 1.171 công dân về Việt Nam.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là công chúng đã hiểu đúng về vấn nạn Campuchia này chưa và vì sao hàng ngày, vẫn có nhiều người Việt Nam tiếp tục bị lừa sang Campuchia lao động trái phép.
Nhà báo Bertil Linter người Thuỵ Điển viết nhiều về đường dây tội phạm có tổ chức, trong đó có vấn đề về Campuchia nói với BBC News Tiếng Việt:
\”Khi truyền thông không đúng bản chất, không gọi đúng tên sự việc thì khó có thể giải quyết được nó triệt để. Phải hiểu rằng, các tổ chức tội phạm tinh vi nằm ngoài vòng pháp luật, nhưng không nằm ngoài đời sống của chúng ta.\”
Truyền thông chưa đúng bản chất
Báo chí Việt Nam khi nói về các đối tượng bị lừa sang Campuchia làm việc thường gắn nhãn \”việc nhẹ lương cao\” cho những người này.
Đơn cử, trang Tuổi Trẻ Online còn có hẳn một nhãn (tag) \”việc nhẹ lương cao\” để chỉ tin tức về những nạn nhân bị lừa sang các khu phức hợp ở Campuchia và trở thành đối tượng bị cưỡng bức lao động hoặc làm nô lệ.
Trang Vnexpress cũng dùng thuật ngữ tương tự trong những bài phỏng vấn về nạn nhân được giải cứu về từ những khu phức hợp ở Campuchia.
Về vấn đề này, một nhà báo giấu tên lý giải với BBC rằng, những người Việt Nam trốn chạy khỏi các casino hay được gia đình, các mạnh thường quân bỏ tiền chuộc về thì không được xem là nạn nhân, theo luật Việt Nam.
\”Điều 150 và 151 của Bộ luật hình sự mới, quy định về Tội buôn bán người còn nhiều bất cập trong việc xác định nạn nhân. Theo tôi được biết, các nạn nhân phải có bằng chứng cụ thể về việc bị cưỡng bức lao động hay lạm dụng, bóc lột. Họ phải là người đã được giải cứu về nước và chứng minh được rằng, việc họ bị đưa qua Campuchia là bị lừa gạt, trái với ý nguyện,\”
\”Còn về việc báo chí dùng nhãn \’việc nhẹ lương cao\’ tôi nghĩ nó cũng là hình thức giúp nêu cao cảnh giác đối với những quảng cáo mang tính gọi mời với mức lương như mơ ước mà yêu cầu công việc đơn \”
\”Tuy nhiên, đúng là báo chí nên xác định rõ hơn bản chất của vấn nạn lừa người sang Campuchia, họ là nạn nhân của buôn người, của cưỡng bức lao động. Nếu chỉ nói đơn thuần là do những người này mê việc nhẹ lương cao thì khó bề cảnh báo cho công chúng được vì nhiều người sẽ ỷ y nghĩ rằng, tôi là người có trình độ, có bằng cấp nên chắc chắn sẽ không bị lừa bởi việc nhẹ lương cao,\”
\”Hơn nữa, về bản chất, những nạn nhân nếu không làm việc đủ chỉ tiêu sẽ bị bỏ đói, bị đánh đập, bị chích điện hoặc thậm chí bị bán đi lấy nội tạng. Nhiều người đã nhảy lầu chết hoặc tự tử. Nhiều người liều mình bơi sông trốn thoát. Như vậy, chúng ta phải hiểu đây là hành vi phạm tội nghiêm trọng tới tính mạng chứ không đơn thuần là hành vi lừa đảo tiền bạc,\” phóng viên này nói.
Trả lời BBC News Tiếng Việt hôm 15/10, nhà báo, Youtuber Phong Bụi nói rằng, dùng mác \”việc nhẹ lương cao\” để bao quát vấn nạn người Việt Nam bị lừa sang Campuchia là chưa đúng với bản chất của nó.
Theo Phong Bụi, trong số khoảng 56 trường hợp mà anh tiếp xúc hoặc giúp đỡ, có tới hơn 80% người bị lừa vì nghe lời dụ dỗ của bạn bè, người quen và đặc biệt, có rất nhiều người bị đánh thuốc mê rồi được vận chuyển sang Campuchia. Khi tỉnh dậy, những nạn nhân này đã ở trong các khu phức hợp Campuchia và bị giam nhốt, ép buộc thực hiện những hoạt động lừa đảo online.
Nhân Gà, một Youtuber khác cũng chia sẻ với BBC News Tiếng Việt về trường hợp một bạn trẻ ở Quảng Ngãi:
\”Bạn trẻ này xin việc trên mạng và nhận được một công việc văn phòng ở Bình Dương với chủ là người Trung Quốc. Tháng đầu nhận lương thì bạn cùng đi ăn uống cùng công ty, sau đó đi uống trà sữa với bạn bè. Chưa kịp uống xong thì bạn mới thấy trong người choáng váng, mới nhờ một người bạn đưa về phòng. Nhưng không may, sau một giấc ngủ mê man, tỉnh dậy bạn này đã thấy mình ở Campuchia. Như vậy, có rất nhiều người bị lừa, bị dụ, bị đánh thuốc mê và đưa sang Campuchia làm việc chứ không phải tự họ đi tìm việc ở Campuchia,\” Nhân Gà chia sẻ.
Nhà báo Bertil Linter, người viết nhiều về đường dây tội phạm có tổ chức, trong đó có vấn đề về Campuchia nói với BBC News Tiếng Việt:
\”Nếu nhìn vào quy mô hoạt động, với việc nạn nhân không chỉ từ Việt Nam, Thái Lan, Myanmar mà còn có người phương Tây, chúng ta hiểu rằng, dường như là bất khả để những kẻ buôn người hành động nếu không có mối quan hệ với các cấp chính quyền, cảnh sát, các nhà thực thi luật pháp,\”
\”Chúng ta không nên đổ lỗi lầm lên những nạn nhân vì mong muốn có một công việc tốt, nhiều tiền là điều chính đáng, đặc biệt là trong thời kỳ Covid với nạn thất nghiệp tràn lan. Những người bị lừa đến Campuchia lao động, chúng ta phải nhìn nhận họ là nạn nhân, vì họ được hứa hẹn một đằng, và họ nhận lại thứ hoàn toàn khác: phải làm công việc lừa đảo nếu không sẽ bị đánh đập, bị bóc lột và thậm chí bị đe doạ tính mạng,\” ông Bertil phân tích.
Số liệu về nạn buôn người của VN \’vẫn đẹp\’?
Năm 2020, chính phủ Việt Nam xác định có 121 nạn nhân buôn người, trong đó có 112 người là phụ nữ và 9 người là nam giới; 32 nạn nhân là trẻ em.
Về mặt số liệu, nó cho thấy tín hiệu khả quan vì giảm gấp mấy lần so với các năm trước. Ví dụ, năm 2019, Việt Nam báo cáo xác định 300 nạn nhân; năm 2018: 490 nạn nhân; năm 2017: 670 nạn nhân và năm 2016 là 1.128 nạn nhân.
Tuy nhiên, điều tréo ngoe ở đây là dù số lượng nạn nhân của tội phạm buôn người của Việt Nam ngày càng giảm, trong vòng 5 năm đã giảm 10 lần, nhưng Việt Nam vẫn bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen buôn người.
Cụ thể, ngày 19/7, Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay nước này đã thêm Việt Nam vào danh sách đen buôn người, cùng với một số nước khác.
Theo đó, các quốc gia bị đưa vào danh sách đen – \”Bậc ba\” – phải chịu các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, mặc dù chính quyền Mỹ thường bỏ trừng phạt đối với các quốc gia thân thiện hứa hẹn cải thiện, theo AFP.
Báo cáo đặc biệt này chỉ trích Hà Nội đã không có hành động nào để xử lý vụ việc một nhà ngoại giao và nhân viên đại sứ quán Việt Nam tại Ả Rập Saudi bị cáo buộc đồng lõa buôn bán một số công dân của họ.
Trong báo cáo tình hình buôn người năm 2021, chính phủ Mỹ đã cảnh báo Việt Nam – khi đó đang trong danh sách bị theo dõi – bậc hai – rằng nếu không có những cải thiện đáng kể, Việt Nam có nguy cơ rơi vào danh sách đen – bậc ba.
Báo cáo năm 2021 do chính phủ Mỹ công bố nói rằng trong năm thứ tư liên tiếp, báo cáo số vụ việc điều tra và kết án đối với bọn buôn người của chính phủ Việt Nam bị giảm xuống.
Bên cạnh một số cải thiện, báo cáo cho hay: \”Chính phủ không công bố bất cứ vụ điều tra, truy tố, kết án nào đối với các cán bộ nhà nước đồng lõa trong các vụ buôn người.
\”Chính phủ không thực thi một cách có hệ thống các thủ tục xác định nạn nhân, và các cán bộ không chủ động xác định nạn nhân buôn người trong các nhóm có nguy cơ cao, chẳng hạn như phụ nữ và trẻ em hành nghề mại dâm, dẫn đến tình trạng số lượng nạn nhân được xác định giảm liên tục trong mấy năm gần đây. Do đó, một số nạn nhân có thể đã phải chịu hình phạt về những hành vi trái pháp luật mà bọn buôn người ép buộc họ phải thực hiện,\” theo Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Theo lời anh Chí Tín, một nạn nhân bị lừa sang Campuchia mà BBC phỏng vấn, sau khi anh được gia đình chuộc về nhà với giá 59 triệu đồng thì anh phải đóng phạt hành chính vì nhập cảnh trái phép.
Điều này tương tự với vụ 40 người trốn khỏi casino Campuchia bơi qua sông Bình Di.
Sáng 23/8, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang cho biết, Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình đã ra quyết định xử phạt hành chính 38 trường hợp về hành vi nhập cảnh trái phép, hai trường hợp còn lại là trẻ em.
Chính sách Zero Covid của Trung Quốc
Theo các chuyên gia, trong khi các vụ lừa đảo trực tuyến và lừa đảo qua điện thoại do Trung Quốc điều hành từ lâu đã trở thành một vấn nạn, nhưng Covid đã làm thay đổi mọi thứ.
Có mặt ở Thủ đô Phnom Penh, Campuchia để tìm hiểu sự việc, một phóng viên người Campuchia giải thích với BBC rằng, các cơ sở sòng bài không thể kinh doanh trong đại dịch vì những hạn chế đi lại nên các mạng lưới tội phạm này đã nhanh chóng chuyển sang hoạt động trực tuyến.
\”Campuchia đóng cửa biên giới để ngăn chặn sự lây lan của Covid từ tháng 3 năm 2020, họ cấm hết các chuyến bay quốc tế và đóng cửa các trường học, khiến những khách hàng hay lực lượng lao động cho mạng lưới tội phạm trên bịt ách nghẽn.
\”Để tiếp tục, họ chỉ còn cách chuyển sang các hình thức lừa đảo online. Vì vậy, những nạn nhân mà tôi phỏng vấn, đều kể rằng họ bị bắt ép lừa đảo game bài online, đầu tư tiền ảo hay xây dựng nhân vật giả để lừa tình, lừa tiền của nhiều khách hàng…\”, phóng viên này nói.
Trong buổi hội thảo liên quan đến nạn buôn người vào Campuchia diễn ra 30/9 tại FCCT, Bangkok, một vài tổ chức phi chính phủ quốc tế đã đã lý giải rằng, chính sách Zero Covid của Trung Quốc là một trong những nguyên nhân khiến vấn nạn Campuchia trở nên trầm trọng.
Theo đó, ông Jason Tower, Giám đốc Viện Hòa bình Hoa Kỳ tại Myanmar, một trong những diễn giả của hội thảo đã thông tin rằng, mạng lưới tội phạm Trung Quốc trong những năm gần đây đã mở rộng sang các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á, bao gồm cả Campuchia.
Khi Trung Quốc truy quét các đường dây cờ bạc trực tuyến, lực lượng lao động này đã được đưa đến một số khu vực ở Đông Nam Á, trong đó có Campuchia. Và khi Trung Quốc thực hiện nghiêm ngặt chính sách \”Zero Covid\” đã đột ngột ngăn dòng chảy lao động từ Trung Quốc, khiến những kẻ buôn người phải nhắm đến các lao động từ Việt Nam, Thái Lan, Myanamar, Lào…
Theo ông Tower, đây là đường dây tội phạm xuyên quốc gia đang buôn người qua biên giới, giam giữ những nạn nhân trong điều kiện lao động như nô lệ và buộc họ phải thực hiện các mánh lới gian lận hoặc phải trả tiền chuộc để đổi lấy tự do.
Điều này xảy ra đồng thời với sự gia tăng tỉ lệ thất nghiệp và số người kiếm tìm việc làm ở châu Á khi đại dịch làm suy yếu các nền kinh tế.
Theo Tổng cục thống kê, tại Việt Nam, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2021 là hơn 1,4 triệu người, tăng 203,7 nghìn người so với năm trước.
Peppi Kiviniemi-Siddiq, một chuyên gia về bảo vệ người di cư châu Á – Thái Bình Dương phối hợp với Tổ chức Di cư Quốc tế của LHQ, nói với BBC News: \”Nhiều nạn nhân còn rất trẻ, một số đã tốt nghiệp đại học và có ít cơ hội việc làm. Bà nói thêm, với việc nhiều quốc gia châu Á nới lỏng các hạn chế đi lại của Covid trong những tháng gần đây, những kẻ buôn người đã thấy dễ dàng hơn để thu hút và đưa người qua lại. Hoạt động không bị trừng phạt ở các nước có ít khả năng đối phó với tội phạm có tổ chức hơn\”.
Một yếu tố khác là sự gia tăng đầu tư của Trung Quốc vào khu vực, chủ yếu thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường, vốn đã cải thiện khả năng kết nối – cũng như khả năng tội phạm có tổ chức mở rộng phạm vi hoạt động, các chuyên gia cho biết.