24 tháng 10 2022
Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa kết thúc, củng cố vai trò lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, khi ông giữ vị trí Tổng Bí thư lần thứ ba liên tiếp.
Giới quan sát hay nói ông Tập nay đã là nhà lãnh đạo quyền uy nhất kể từ thời Mao Trạch Đông.
Một chi tiết khác biệt được chỉ ra, đó là dường như lần đầu tiên dưới thời Tập Cận Bình, vai trò hậu trường của các đại công thần nghỉ hưu đã biến mất.
Giai đoạn Đặng Tiểu Bình
Sau khi Mao Trạch Đông qua đời tháng Chín 1976, Đặng Tiểu Bình trở lại chính trường.
Đối thủ chính của Đặng khi đó là Hoa Quốc Phong.
Ngày 8/1/1976, Thủ tướng Chu Ân Lai từ trần, Hoa Quốc Phong trở thành Thủ tướng, và Phó chủ tịch Đảng.
Ngày 9/9/1976, Mao Trạch Đông từ trần.
Ngày 6/10/1976, nhóm \”bè lũ 4 tên\” bị bắt, dọn đường cho Hoa Quốc Phong trở thành Chủ tịch Đảng, Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Thủ tướng Quốc vụ viện.
Nhưng kỹ năng chính trị vượt trội của Đặng Tiểu Bình đã khiến Hoa Quốc Phong từ chức Thủ tướng tháng 9/1980.
Tháng 6/1981, Hoa Quốc Phong từ chức Chủ tịch Đảng và Chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Kể từ đó, Đặng Tiểu Bình không nắm chức vụ cao nhất như Tổng Bí thư hay Thủ tướng, nhưng kiểm soát thông qua vị trí Chủ tịch Quân ủy Trung ương từ 1981 tới 1989.
Triệu Tử Dương trở thành Thủ tướng thay Hoa Quốc Phong, và Hồ Diệu Bang trở thành Tổng Bí thư. Cả hai người đều tìm đến Đặng Tiểu Bình để nhận hướng dẫn.
Từ thời điểm đó, Đặng tiến hành các chính sách giúp phát triển kinh tế của Trung Quốc.
Thông qua sự đồng thuận, thỏa hiệp và thuyết phục, Đặng Tiểu Bình đã thiết kế những cải cách quan trọng trong hầu hết các khía cạnh của đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của Trung Quốc.
Giai đoạn thập niên 1980-1990 cũng là thời của Bát đại nguyên lão, trong đó quan trọng nhất là Đặng Tiểu Bình, Trần Vân, Lý Tiên Niệm, Dương Thượng Côn, Bạc Nhất Ba.
Sau khi sinh viên biểu tình tháng 12 năm 1986, các nguyên lão buộc Hồ Diệu Bang từ chức.
Các nguyên lão sau đó chọn Triệu Tử Dương làm Tổng Bí thư.
Nhưng trong cuộc biểu tình ở Thiên An Môn năm 1989, Triệu cũng có cư xử mềm mỏng, nên bị các nguyên lão phế truất.
Sau đó, họ chọn Bí thư Thành ủy Thượng Hải Giang Trạch Dân làm lãnh đạo kế tiếp.
Trong thập niên 1990, mặc dù sức khỏe yếu đi, Đặng Tiểu Bình vẫn duy trì ảnh hưởng cho tới khi qua đời năm 1997.
Hành động cuối của Đặng là chỉ định Hồ Cẩm Đào sẽ kế vị Giang Trạch Dân.
Giang Trạch Dân
Với Tổng Bí thư Giang Trạch Dân, ông củng cố quyền lực theo năm tháng.
Trước khi chuyển giao năm 2002, Giang đưa thuyết Ba đại diện của mình vào Điều lệ Đảng.
Việc chỉ định Tập Cận Bình sẽ kế nhiệm Hồ Cẩm Đào, được cho là ý định của Giang Trạch Dân.
Mặc dù Hồ Cẩm Đào làm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước từ cuối 2002 và đầu 2003, nhưng mãi tới tháng Tư 2004, Giang Trạch Dân mới trao quyền chủ tịch quân ủy trung ương lại cho Hồ Cẩm Đào.
Trong 10 năm Hồ Cẩm Đào cầm quyền, vai trò hậu trường của Giang Trạch Dân được cho là lớn.
Con đường Tập Cận Bình
Năm 2012, Hội nghị toàn thể lần thứ Nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khoá 18 đã bầu ông Tập Cận Bình làm Tổng Bí thư Trung ương Đảng.
Ngay sau đó, ông Tập mở chiến dịch chống tham nhũng, với Chu Vĩnh Khang, người nghỉ hưu năm 2012 khi là ủy viên thường vụ Bộ chính trị, là “con hổ” lớn nhất bị hạ.
Chu Vĩnh Khang là bộ trưởng công an từ 2002 tới 2007.
Giới quan sát cho rằng Tập Cận Bình chắc hẳn phải được sự đồng ý của Giang Trạch Dân khi điều tra Chu Vĩnh Khang.
Tuy vậy, có thể các đại nguyên lão không ngờ rằng sự tập trung quyền lực của ông Tập sau đó đi xa thế nào.
Dường như chiến dịch “đả hồ diệt ruồi” của ông Tập những năm qua, không nhắm riêng vào phe phái nào, miễn là đạt mục tiêu tăng cường quyền lực của ông.
Tháng Ba 2018, Quốc hội Trung Quốc thông qua bản hiến pháp sửa đổi.
Theo đó, họ xóa bỏ điều khoản giới hạn nhiệm kỳ đối với chủ tịch, tạo điều kiện để Chủ tịch Tập Cận Bình có thể tiếp tục nắm quyền sau khi hết nhiệm kỳ hai vào năm 2023.
Động thái này của quốc hội Trung Quốc chấm dứt quy định đã được đưa vào hiến pháp từ năm 1982. Đặng Tiểu Bình từng đưa ra quy định về giới hạn nhiệm kỳ nhằm ngăn chặn việc tập trung quá nhiều quyền lực vào một người.
Tháng 10 năm 2020, truyền thông Trung Quốc công bố quy định làm việc đối với Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Văn bản yêu cầu các cán bộ Đảng phải đảm bảo chắc chắn vị thế của Tổng Bí thư Tập Cận Bình luôn là nòng cốt trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng như toàn đảng.
Cũng theo đó, Tổng Bí thư có quyền ấn định chương trình họp của Thường vụ Bộ Chính trị.
Ngày 11 tháng 11 năm 2021, Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua nghị quyết về những kinh nghiệm lịch sử và các thành tựu nước này đạt được.
\”Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc kêu gọi toàn đảng, toàn quân và nhân dân các dân tộc đoàn kết chặt chẽ hơn nữa xung quanh Trung ương Đảng với hạt nhân là ông Tập Cận Bình, để thực hiện toàn diện tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới\”, tài liệu này nói.
Đây mới là lần thứ ba \”nghị quyết lịch sử\” được thông qua kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc được thành lập năm 1921.
Hai lần thông qua nghị quyết trước đó là vào năm 1945 và năm 1981.
Mới nhất, ngày 23/10/2022, tại phiên họp thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX, ông Tập Cận Bình được bầu làm Tổng Bí thư, đánh dấu nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp kể từ năm 2012.
Ban thường vụ Bộ Chính trị khóa mới chỉ có ba thành viên khóa cũ tái cử gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình; Bí thư thứ nhất Ban Bí thư Vương Hỗ Ninh; Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương khóa XIX Triệu Lạc Tế.
Bốn gương mặt mới tham gia Ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm: Lý Cường (Bí thư Thành ủy Thượng Hải), Thái Kỳ (Bí thư Thành ủy Bắc Kinh), Đinh Tiết Tường (Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng) và Lý Hi (Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông).
Ban Bí thư gồm 7 người: Thái Kỳ, Trần Văn Thanh, Thạch Thái Phong, Lưu Kim Quốc, Lý Cán Kiệt, Vương Tiểu Hồng, Lý Thư Lỗi.
Những người này đều được cho là người thân cận của ông Tập.
Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ kiên định trong việc cải cách sâu rộng và mở cửa toàn diện, cũng như theo đuổi sự phát triển chất lượng cao. Trung Quốc không thể phát triển nếu tách biệt với thế giới và sự phát triển của thế giới cũng cần Trung Quốc.”
Kể từ khi lên đỉnh cao chính trị năm 2012, ông Tập Cận Bình đã dần trở thành nhà lãnh đạo quyền uy nhất của Trung Quốc.
Và có vẻ các đại nguyên lão về hưu không còn mấy ảnh hưởng hậu trường như hàng chục năm qua.