23 tháng 10 2022
Một ngạc nhiên đáng chú ý tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần này là việc Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa không còn ngồi trong Bộ Chính trị.
Sinh năm 1963, ông Hồ Xuân Hoa, chỉ mới 59 tuổi, còn khá trẻ trong chính trị Trung Quốc.
Cần biết rằng ông Hồ đã là ủy viên Bộ Chính trị hai khóa, từ năm 2012.
Nhưng kết quả tại Đại hội Đảng XX cho biết ông Hồ, tuy vẫn ngồi trong Trung ương Đảng, lại không tiếp tục được bầu vào Bộ Chính trị.
Thân Hồ Cẩm Đào
Ông Hồ Xuân Hoa từ lâu được biết là người thân tín của cựu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào.
Khi Hồ Cẩm Đào là Bí thư đảng ủy khu tự trị Tây Tạng (1988-92), ông Hồ Xuân Hoa đang công tác tại đây.
Theo giới quan sát, ông Hồ Xuân Hoa từng được đặt biệt danh là “Tiểu Hồ” để ám chỉ ông thân thiết ra sao với Hồ Cẩm Đào.
Khi Hồ Cẩm Đào nghỉ hưu năm 2012, thay bằng Tập Cận Bình, Hồ Xuân Hoa lần đầu tiên được bầu vào Bộ Chính trị tại Đại hội 18 năm đó.
Nhưng tại Đại hội tiếp theo, năm 2017, khi Tập Cận Bình lần thứ hai tiếp tục làm Tổng Bí thư, Hồ Xuân Hoa vẫn chưa lên được nấc thang tiếp theo là vào Thường vụ Bộ Chính trị.
Tuy vậy, Hồ Xuân Hoa năm đó vẫn còn ngồi trong Bộ Chính trị lần hai.
Là Bí thư Quảng Đông từ 2012 tới 2017, Hồ Xuân Hoa trở thành Phó Thủ tướng từ 2018 tới nay.
Là phó thủ tướng trẻ nhất và là Ủy viên Bộ Chính trị hai khóa, Hồ Xuân Hoa chính là lãnh đạo cao nhất của thế hệ thứ sáu, ám chỉ giới quan chức sinh ra trong thập niên 1960.
Vì thế, trước Đại hội XX năm nay, nhiều người dự đoán Hồ Xuân Hoa sẽ còn lên nữa, vào được Thường vụ Bộ Chính trị.
Nhưng không ngờ rốt cuộc Hồ Xuân Hoa bị rớt ra khỏi cả Bộ Chính trị tại Đại hội XX, mặc dù vẫn còn giữ ghế trong Trung ương Đảng.
Khi ra khỏi Bộ Chính trị, Hồ Xuân Hoa nhiều khả năng sẽ không còn ghế phó thủ tướng vào tháng Ba năm 2023, khi Quốc hội Trung Quốc họp.
So sánh Hồ Xuân Hoa và Lý Cường
Đại hội Đảng XX đã bế mạc ở Bắc Kinh, Trung Quốc, với việc Bí thư Thành ủy Thượng Hải Lý Cường xếp thứ hai trong danh sách Ban thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, chỉ sau ông Tập Cận Bình.
Theo cách công bố này của Tân Hoa Xã, gần như chắc chắn ông Lý Cường, sinh năm 1959, sẽ trở thành Thủ tướng, thay thế ông Lý Khắc Cường.
Lý Cường từng là thư ký cho Tập Cận Bình khi ông Tập làm Bí thư Chiết Giang từ 2002 tới 2007.
Hồ Xuân Hoa vào Bộ Chính trị ngay từ 2012, trong khi Lý Cường vào Bộ Chính trị năm 2017.
Hồ Xuân Hoa làm phó thủ tướng từ 2018, và với kinh nghiệm hai khóa Bộ Chính trị, Hồ Xuân Hoa có thể hy vọng thành Thủ tướng nếu vào được Thường vụ Bộ Chính trị tại Đại hội XX.
Nhưng rốt cuộc, Hồ Xuân Hoa rớt khỏi Bộ Chính trị tại Đại hội XX, ngược lại, Lý Cường trở thành nhân vật số 2, chỉ sau Tập Cận Bình.
7 ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc
Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX gồm 24 thành viên, trong đó có 7 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, gồm Tập Cận Bình, Lý Cường, Triệu Lạc Tế, Vương Hộ Ninh, Thái Kỳ, Đinh Tiết Tường, Lý Hy.
Theo danh sách Ban thường vụ Bộ Chính trị công bố ngày 23/10, Bí thư Thành ủy Thượng Hải Lý Cường xếp thứ hai, sau ông Tập Cận Bình.
1. Tập Cận Bình, sinh năm 1953, quê quán Thiểm Tây, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Chủ tịch nước.
2. Lý Cường, sinh năm 1959, quê quán Chiết Giang, Bí thư Thành ủy Thượng Hải.
3. Triệu Lạc Tế, sinh năm 1957, quê quán Thiểm Tây, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương.
4. Vương Hỗ Ninh, sinh năm 1955, quê quán Sơn Đông, Bí thư thứ nhất Ban Bí thư.
5. Đinh Tiết Tường, sinh năm 1962, quê quán Giang Tô, Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng.
6. Thái Kỳ, sinh năm 1955, quê quán Phúc Kiến, Bí thư Ban Bí thư, Bí thư Thành ủy Bắc Kinh.
7. Lý Hy, sinh năm 1956, quê quán Cam Túc, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông.
Bốn thành viên không còn trong Thường vụ Bộ Chính trị là Thủ tướng Lý Khắc Cường, 67 tuổi; Chủ tịch Quốc hội Lật Chiến Thư, 72 tuổi; Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc Uông Dương, 67 tuổi; và Phó Thủ tướng Hàn Chính, 68 tuổi.
Trong bốn vị này, bất ngờ nhất là việc Uông Dương không còn ghế, vì một số người từng nghĩ rằng ông này có thể thay thế Lý Khắc Cường.
Hồ Cẩm Đào: Bí ẩn của việc bị đưa ra khỏi phiên bế mạc Đại hội Đảng
Hôm 22/10, quốc tế quan tâm việc cựu lãnh đạo Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã được đưa ra khỏi phiên bế mạc của Đại hội đại biểu toàn quốc
Hồ Cẩm Đào, 79 tuổi, nguyên là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVI-XVII, nguyên Chủ tịch nước Trung Quốc.
Ông Hồ Cẩm Đào đang ngồi cạnh Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thì một người đàn ông đeo khẩu trang tiến đến nói chuyện với ông và cầm cánh tay phải của ông.
Tân Hoa Xã giải thích trên Twitter: \”Khi ông cảm thấy không khỏe trong buổi bế mạc, vì sức khỏe của ông, các nhân viên đã đưa ông đến một căn phòng bên cạnh hội trường để nghỉ ngơi. Bây giờ ông đã khỏe hơn.\”
Nhưng ông Hồ Cẩm Đào, 79 tuổi, tỏ ra miễn cưỡng di chuyển. Nếu đúng như vậy thì tại sao?
Ông đã nói gì với người thay thế ông, Tập Cận Bình, khiến nhà lãnh đạo hiện tại của Trung Quốc gật đầu?
Và ông đã nói gì với Thủ tướng Lý Khắc Cường, khi ông Hồ vỗ vào vai ông Lý trước khi được đưa ra?
Hai lý do có khả năng nhất cho sự ra đi của ông là đó là: một nhà lãnh đạo đại diện cho một thời trước đây bị loại bỏ, hoặc đơn giản hơn là ông Hồ Cẩm Đào có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Một bản phim dài hơn vào thứ Bảy cho thấy Tập Cận Bình quay sang ông Hồ, và xung quanh có Lật Chiến Thư và Vương Hỗ Ninh, tỏ ra lo lắng.
Ông Lật Chiến Thư thậm chí có lúc còn di chuyển để giúp đỡ ông Hồ, nhưng bị họ Vương kéo lại, như thể nói: \”Đừng nhúng tay vào chuyện này.\”
Sau khi ông Hồ Cẩm Đào đứng lên, ông ta cũng đã nhầm lẫn khi với tay trúng cuốn sổ của ông Tập.
Ở giai đoạn này, ông Hồ tỏ ra bối rối. Nhà lãnh đạo Trung Quốc gạt tay ông Hồ ra và lấy lại sổ.
Các cuộc họp Đảng Cộng sản thường là những sự kiện có kịch bản cao, dẫn đến suy đoán rằng thời điểm ra đi của Hồ Cẩm Đào có thể không phải là một sự tình cờ.