Đăng ngày: 24/10/2022
Danh sách phát của tôiThêm vào danh sách phát của tôi
Việt Nam sẽ tiết kiệm được khoảng 14.900 tỷ đồng/năm nếu thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính và xây dựng chính phủ điện tử (1). Ngoài dịch vụ nhanh hơn, minh bạch và hiệu quả hơn cho người dân, chính phủ điện tử được kỳ vọng giúp giảm tình trạng hối lộ, cửa quyền.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ nằm trong nhóm 30 nước dẫn đầu về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số theo xếp hạng của Liên Hiệp Quốc. Mục tiêu này được nêu trong Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, được thủ tướng Việt Nam ký ban hành ngày 15/06/2021.
Trước đó, ngày 30/05/2019, Pháp đã khởi động dự án 1,18 triệu euro hỗ trợ cải cách chính phủ điện tử ở Việt Nam. Kết quả giai đoạn 1 của dự án này là trang Dịch vụ công Quốc gia ra đời tháng 12/2019, đúc kết từ kinh nghiệm của Pháp (2). Giai đoạn 2 tập trung vào quá trình vận hành, kéo dài 18 tháng kể từ tháng 02/2020, với mục tiêu tăng 5 lần khả năng truy cập vào năm 2023 : từ 500.000 lượt truy cập mỗi ngày lên thành 2,5 triệu và từ 200.000 lượt truy cập cùng lúc lên thành và 40.000 lượt.
Kinh nghiệm xây dựng chính phủ điện tử của Pháp cũng được ba chuyên gia Pháp Hervé Le Bars, chuyên gia trưởng nhóm tư vấn dự án, Périca Sucevic và Thomas Honnet thuộc Expertise France, chia sẻ với khoảng 7.000 cán bộ ban ngành trung ương, cơ quan hành chính cấp tỉnh, quận, huyện trong khuôn khổ hội thảo ngày 18/08/2022 do Đại sứ quán Pháp và Văn phòng Chính phủ Việt Nam tổ chức.
Chuyên gia Hervé Le Bars đã trả lời một số câu hỏi của RFI Tiếng Việt về lợi ích của chính phủ số và những thách thức đặt ra, kể cả nguy cơ tin tặc.
RFI : Cơ quan Expertise France hiện giúp Việt Nam thành lập Chính phủ điện tử. Xin ông giải thích Chính phủ điện tử là gì ? Expertise France làm nhiệm vụ gì trong dự án này ?
Ông Hervé Le Bars : Có thể tóm lược chính phủ điện tử dưới hai hình thức. Thứ nhất là hiện đại hóa nội bộ các dịch vụ quản lý hành chính – tập trung vào một hệ thống thông tin, sau đó là số hóa – để từng bước đơn giản hóa phương pháp làm việc trong nội bộ. Thứ hai, người sử dụng cũng được lợi vì thủ tục trở nên đơn giản hơn nhờ giải pháp số. Nhìn chung, nguyên tắc của chính phủ điện tử (e-gov) hay hành chính công điện tử là dựa vào những công cụ, phương tiện điện tử để cải thiện các dịch vụ hành chính.
Cách đây vài năm, người ta nói đến tin học hóa các dịch vụ để hiệu quả hơn, rồi đến số hóa, giúp công dân sử dụng những giải pháp số. Đây chính là bước chuyển đổi để hướng đến hành chính số. Nói tóm lại, hai trục chính của chính phủ điện tử là cải cách hành chính và đơn giản hóa mối quan hệ giữa người sử dụng và cơ quan hành chính.
Chúng tôi làm việc với cơ quan Expertise France để đồng hành với chính phủ Việt Nam từ năm 2019. Đây là kết quả của nhiều cuộc trao đổi giữa hai chính phủ Pháp và Việt Nam, các chuyến công du, trong đó có chuyến thăm của thủ tướng hai nước đến Hà Nội và Paris. Các nhà lãnh đạo đã nhất trí về chương trình hợp tác và thông qua ngân sách. Mục tiêu của dự án là mang kinh nghiệm về chính phủ điện tử của Pháp phục vụ cho quá trình hiện đại hóa hành chính Việt Nam thông qua giải pháp số.
Phải nói là Pháp bị thụt lùi về chính phủ số mất 50 năm. Điều này nghe có vẻ kỳ cục, nhưng chúng tôi đã có 30 năm kinh nghiệm tin học hóa các dịch vụ vì quá trình này bắt đầu trong những năm 1970. Tuy nhiên, chỉ từ những năm 2000, Pháp mới chuyển sang giai đoạn chuyển đổi mới, cụ thể là hướng đến người sử dụng. Những kinh nghiệm tích lũy từ 20 năm nay cần được chia sẻ với Việt Nam để xem có thể hiện đại hóa nền hành chính công như thế nào. Dĩ nhiên, quá trình này ở Việt Nam sẽ nhanh hơn rất nhiều vì Việt Nam đã rất tiến bộ nhờ vận dụng kinh nghiệm từ nhiều nước trong vùng, chứ không chỉ riêng Pháp.
RFI : Một cách cụ thể hơn, chính phủ điện tử có những lợi ích như nào ?
Hervé Le Bars : Những lợi ích lớn về mặt hành chính, đó là tính hiệu quả. Dữ liệu được chuyển từ bộ phận hành chính này sang bộ phận khác nên các phòng ban, dịch vụ trao đổi với nhau tốt hơn, hiệu quả hơn so với kiểu thủ tục bằng giấy. Hiệu quả ở đây vừa là về chất lượng của quá trình xử lý hồ sơ, vừa về chi phí, như cần ít nhân viên hơn. Hiệu quả có thể tăng lên gấp 10, thậm chí gấp trăm lần, ví dụ, có những hồ sơ mất nhiều ngày để giải quyết, giờ có thể xong trong cú nhấp chuột. Đối với công dân, thời gian xử lý hồ sơ cũng được rút ngắn.
Ngoài ra, hệ thống này giúp có nhiều thông tin về người sử dụng. Thời gian gần đây, chúng ta nghe nói đến hệ thống “open data”, dù đó không phải là “dữ liệu mở” hoàn toàn. Tôi lấy ví dụ đại dịch Covid-19 vào lúc kịch tính, thông tin đã được thu thập và công bố dễ dàng để người dân có thể thấy rõ hơn chuyện gì đang xảy ra. Và điều này có lợi cho dân. Về mặt hành chính, thông tin được thu thập một cách hiệu quả và nhanh chóng giúp các cơ quan nhà nước có đường lối chỉ đạo tốt hơn, như có thể tiếp tục những chính sách công đã được triển khai, hoặc điều chỉnh theo hướng hiệu quả hơn hoặc tiến hành những chính sách mới. Cho nên, không cần phải che giấu lợi ích rất lớn đó.
Tuy nhiên, bên cạnh đó là ý thức trách nhiệm và tăng cường trách nhiệm. Thực vậy, chính phủ, các cơ quan hành chính truy cập vào dữ liệu, xem được chi tiết đời tư của công dân, cho nên họ phải tôn trọng các quyền của người sử dụng. Đó là điều cơ bản. Song song với việc triển khai thủ tục điện tử, cần phải thiết lập khuôn khổ luật pháp để tôn trọng các quyền và tự do của công dân. Liên Hiệp Châu Âu có Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (The General Data Protection Regulation, GDPR) để bảo đảm rằng dữ liệu của công dân được cơ quan hành chính sử dụng đúng mục đích, chứ không phải là không có kiểm soát. Điều này vô cùng quan trọng.
Cuối cùng, phải nói đến kiểu “trí tuệ tập thể” được hình thành từ việc sử dụng tối ưu kỹ thuật số trong quản lý hành chính và giữa cơ quan hành chính với người sử dụng. Nhờ công cụ kỹ thuật số, việc kêu gọi công dân tham gia đóng góp vào những chính sách công trở nên dễ dàng hơn, nhanh hơn. Pháp đã có nhiều kinh nghiệm như vậy, thông qua nền tảng “Service Public plus” để công dân tham gia.
Đó là những lợi ích có thể có được, trước tiên là chất lượng dịch vụ đối với cơ quan hành chính, tiếp theo là sự điều phối các chính sách công thông qua việc công dân tham gia tích cực hơn trong khi vẫn duy trì những quyền cơ bản của công dân và người sử dụng.
RFI : Dự án chính phủ điện tử khả thi như nào trong khi một phần người dân Việt Nam, tương tự ở Pháp, không nắm rõ và không có thiết bị công nghệ ?
Hervé le Bars : Đúng, chị có lý khi đề cập đến vấn đề này. Đây là một trong những câu hỏi có thể được nêu lên khi bắt tay vào dự án chuyển đổi số cơ quan hành chính. Việc chuyển đổi này đáp ứng cho quá trình tiến hóa xã hội với việc gia tăng sử dụng công cụ số, ví dụ chỉ cần điện thoại thông minh cũng làm được rất nhiều việc, như truy cập trang web, đặt chỗ… Vì vậy, hành chính điện tử phản ánh sự biến đổi xã hội, dựa vào đó để thay đổi các dịch vụ sao cho phù hợp.
Dĩ nhiên, vấn đề quan trọng vẫn được nhắc đến, đó là “mức độ bao phủ về kỹ thuật số”. Trong một dự án về giải pháp số, làm thế nào để không bỏ quên một số người ít được, hoặc không được trang bị công nghệ ? Cần phải suy nghĩ vấn đề này bởi vì không phải cứ số hóa là bỏ hết những kênh tương tác khác với người sử dụng. Kinh nghiệm ở Pháp cho thấy rõ là không được đóng cửa tất cả các quầy giao dịch hoặc ngừng thủ tục bằng giấy. Các kênh tương tác khác đều được chú ý nhưng cũng phải tập trung để tiến tới số hóa dịch vụ.
Phương pháp này được gọi là “user centric”, đặt người sử dụng làm trọng tâm, hướng đến người sử dụng và cách họ dùng dịch vụ hành chính. Điểm này nằm trong “quá trình chuyển đổi số”, có nghĩa là chuẩn bị một tương lai, nơi mọi người được trang bị kỹ thuật số, mạng lưới đi đến tận cùng đất nước và mọi người sẽ có một phương tiện kỹ thuật số để trao đổi.
Hiện giờ chúng ta chưa đạt được đến mức đó, nhưng phải đi theo hướng chuyển đổi này, thông qua việc dung hòa giữa đại bộ phận người dân có phương tiện kỹ thuật số hiệu quả để liên lạc, trao đổi với cơ quan hành chính với một bộ phận dân chúng bị thụt lùi hơn một chút. Do đó, mục tiêu của quá trình chuyển đổi số là xóa khoảng cách đó, làm cách nào đó để mọi người có thể hòa nhập vào quá trình chuyển đổi này và trong tương lai, tất cả đều có phương tiện kỹ thuật số. Trong lúc chờ đợi, cần phải xử lý khoảng cách này một cách thông minh và hiệu quả, theo kiểu luật “Pareto”, có nghĩa là 80% được xử lý bằng công nghệ, trường hợp đặc biệt sẽ được xử lý qua những kênh đặc biệt. Vì thế, không ai bị bỏ quên.
RFI : Nhiều cơ quan, doanh nghiệp, bệnh viện ở Pháp bị tấn công tin học. Đây cũng là một nguy cơ lớn cho Việt Nam ?
Hervé Le Bars : Đúng thế, đây là một thách thức rất lớn cho an ninh mạng. Sự phát triển công nghệ số kéo theo nhiều điểm yếu dẫn đến những lỗ hổng bảo mật giúp cho tin tặc đánh cắp dữ liệu.
Tiếc là ở Pháp, vấn đề an ninh mạng không được tuân thủ trong khi rất nhiều biện pháp bảo đảm an toàn cho hệ thống thông tin được triển khai. Vấn đề này tồn tại từ nhiều năm nay. Khi các hệ thống tin học của Nhà nước được lắp đặt thì cũng được cài luôn một hệ thống bảo mật cao và có thể điều chỉnh nâng cấp khi cần thiết. Nhưng những nguyên tắc bảo mật này không hẳn được tuân thủ ở mọi nơi, dẫn đến các vụ tin tặc, như trường hợp gần đây của một bệnh viện ở ngoại ô Paris.
Có thể các vụ tấn công như vậy xảy ra ít hơn ở Việt Nam, dù tôi không chắc lắm. Nhưng đây là một trong những chủ đề mà chúng tôi có dịp thảo luận với Expertise France. Chúng tôi đã rà soát an ninh mạng cổng dịch vụ công Việt Nam bởi vì việc xem xét lại quá trình hình thành, có đáp ứng mọi yêu cầu về an ninh không là việc rất quan trọng. Cuối cùng, phải nói là dù vẫn xảy ra những vụ tin tặc nhưng đa số các hệ thống tin học đều có độ bảo mật cao, kể cả ở Pháp.
RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn ông Hervé Le Bars, chuyên gia trưởng, nhóm tư vấn dự án hiện đại hóa nền hành chính công Việt Nam thông qua giải pháp số.