Rượu vang Languedoc xuất khẩu mạnh ra thị trường quốc tế

Đăng ngày: 24/10/2022

\"\"
\"\"
Ảnh minh họa : Hội chợ rượu Vinexpo ở Bordeaux, Pháp ngày 19/06/2017. REUTERS/Regis Duvignau

Tuấn Thảo

Trong những năm gần đây, rượu vang Languedoc ở miền nam nước Pháp thu hút thêm nhiều thực khách trên thế giới. Theo chuyên mục ẩm thực của báo Le Figaro, Languedoc là một trong những vùng sản xuất rượu vang quan trọng nhất nước Pháp. Trong năm 2022, vùng này đã lập kỷ lục xuất khẩu, đặc biệt là sang Mỹ, nơi các loại vang hồng (rosé) của Languedoc đang giành lấy ưu thế từ giới sản xuất rượu vang miền Provence.

Về mặt điện tích trồng nho cũng như khối lượng sản xuất, Languedoc-Roussillon (gọi tắt là Languedoc) là vùng chế biến rượu vang hàng đầu ở Pháp. Theo tuần báo Capital trích dẫn số liệu của liên đoàn các vùng trồng nho miền nam Inter-Sud, doanh thu thường niên của ngành rượu vang Languedoc hiện lên tới 2,7 tỷ euro, trong khi mức xuất khẩu đạt mức 850 triệu euro hàng năm. Để dễ hình dung thì cứ mỗi giây, có 60 chai rượu vang vùng Languedoc Roussillon, chủ yếu là vang hồng (rosé) được bán trên thế giới.

Vang hồng Languedoc ăn khách như rosé miền Provence

Thế nhưng, ít ai biết rằng nhãn hiệu bảo đảm nguồn gốc sản phẩm (AOP) vùng Languedoc tương đối mới. Năm nay đánh dấu đúng 15 năm ngày AOP của vùng Languedoc-Roussillon ra đời, trong khi các vùng miền khác trồng nho để sản xuất rượu vang như Alsace, Bordeaux, Bourgogne hay Champagne đã có từ lâu \’\’nhãn hiệu cầu chứng\’\’ hầu bảo đảm chất lượng mặt hàng cũng như xuất xứ của sản phẩm.

Theo Ủy ban liên ngành sản xuất rượu vang Languedoc (CIVL), việc có hẳn một tên vùng rõ ràng là một lợi thế. Khách hàng, nhất là khách quốc tế khó thể nào phân biệt các địa danh tuy khác nhau như Nîmes, Montpellier hay Perpignan, nhưng thật ra lại nằm trong cùng một vùng. Việc sử dụng một tên gọi chung giúp cho khách hàng càng dễ nhận dạng sản phẩm.

Nếu như nhãn AOC (chữ viết tắt của Appellation d\’Origine Contrôlée) được dùng để chỉ các tiêu chuẩn sản xuất rượu vang tại Pháp từ đầu nguồn cho tới cuối nguồn, thì một cách tương tự, AOP ( Appellation d\’Origine Protégée) một khi đã được gắn nhãn, bảo đảm xuất xứ của sản phẩm, công nhận đó là đặc sản của từng vùng miền.

Tuy đứng đầu về khối lượng sản xuất, nhưng vùng Languedoc cho tới giờ về mặt uy tín trên thị trường quốc tế, vẫn còn kém so với hai vùng Bordeaux và Bourgogne (Burgundy), có lẽ cũng vì các đặc sản vùng Languedoc chưa được quảng bá đúng mức. Thế nhưng tình hình đang thay đổi. Rượu vang Languedoc gần đây đã thành công trên thị trường quốc tế, nhờ biết thích ứng các xu hướng mới nơi người tiêu dùng. Vùng Languedoc chủ yếu xuất khẩu các loại rosé, cao hơn nhiều so với các loại vang đỏ và vang trắng.

Trước đây, vang hồng Languedoc tương đương với 25% sản lượng xuất khẩu, nhưng kể từ hai năm nay, mức xuất khẩu đã tăng hơn gấp đôi theo nhu cầu của thị trường. Thực khách quốc tế hiện đang có xu hướng uống nhiều vang hồng hơn trước bất kể mùa nào, như thể đó là một trải nghiệm mới, trong khi tại Pháp, rosé chủ yếu được dùng như rượu khai vị hoặc dùng kèm với các bữa ăn nhẹ và lý tưởng nhất là uống vào mùa hè.

Hoa Kỳ nhập khẩu hơn 30% rượu vang vùng Languedoc

Ở nước ngoài, do rosé không còn bị phân loại, cho nên càng dễ trở nên phổ biến. Theo Ủy ban liên ngành rượu vang Languedoc (CIVL), các loại vang hồng của vùng Languedoc giờ đây cạnh tranh trực tiếp với các loại rosé miền Provence. Trong tâm trí của nhiều du khách Mỹ, miền Provence ở phía nam nước Pháp luôn được gắn liền với hình ảnh của những cánh đồng hoa tím lavande (oải hương), tiếng ve sầu mùa hạ trên cành ô liu hay một ly vang hồng mát lạnh đang tỏa màu hổ phách dưới ánh nắng miền Địa Trung Hải.

Theo ông Gérard Bertrand, điều hành 16 công ty sản xuất rượu Languedoc, tuy có chất lượng không kém gì rosé miền Provence, nhưng giá vang hồng vùng Languedoc lại mềm hơn. Có lẽ cùng vì thế mà công ty của ông tuy sản xuất đủ ba loại vang trắng, đỏ, hồng nhưng nhãn hiệu \’\’Côtes des Roes\’\’ chủ yếu bán chạy nhờ vang hồng, hiệu rosé Languedoc này hiện được xuất khẩu khá nhiều sang 150 quốc gia trên thế giới.

Chất lượng cao nhưng giá vẫn mềm (so với rosé miền Provence), hai yếu tố này đủ để cho vang hồng Languedoc thu hút được thêm nhiều người tiêu dùng ở Mỹ. Trái với vùng Bordeaux xuất khẩu ồ ạt sang châu Á, vùng Languedoc chủ yếu xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Thị trường Mỹ về đầu, nhập khẩu hơn 30% sản lượng từ vùng Languedoc, trong khi Trung Quốc về hạng nhì, chỉ đạt từ 15% đến 17%. Ở hạng ba, Canada và Bỉ đạt mức 10%, 7% còn lại là lượng xuất khẩu sang Vương quốc Anh, Đức hay Thụy Sĩ.

Còn trên thị trường Pháp, rượu vang Languedoc được xếp vào gam sản phẩm trung bình, đa số được phân phối tại các chuỗi siêu thị (52%). Phần còn lại được bán tại các quán cà phê, khách sạn, nhà hàng và các tiệm chuyên kinh doanh rượu vang (caviste).

Vang Languedoc được phân phối rộng rãi tại Pháp

Tại các siêu thị, giá trung bình của một chai vang hồng Languedoc là từ 5 đến 7 euro. Mức tiêu thụ rosé (nhờ giá phải chăng) đã tăng từ 1,4 triệu chai vang hồng lên hơn 2 triệu. Còn loại vang đỏ, giá cao hơn một chút so với vang hồng, mức tiêu thụ cũng tăng khoảng 30% trong năm nay, từ 2,8 triệu lên tới mức 3,6 triệu chai. Có thể nói là vùng Languedoc giành lấy được thị phần nhờ bảo đảm chất lượng sản phẩm trong phân khúc trung bình và premium (chưa hẳn là thượng hạng) nhưng giá cả vẫn hấp dẫn hơn trong mắt người tiêu dùng so với Bordeaux và Bourgogne, trong cùng một phân khúc thị trường.

Ngành trồng nho để sản xuất rượu vang đã phát triển mạnh ở vùng Languedoc-Roussillon (gọi tắt là Languedoc), chiếm tới gần 300.000 héc ta. Kể từ năm 2016, theo bản đồ quy hoạch các vùng hành chính mới, vùng này được sáp nhập vào vùng Occitanie. Nhờ có sản lượng phong phú dồi dào, dòng sản phẩm vùng Languedoc được bán với giá tphải chăng, nhưng có lẽ cùng vì thế mà về mặt chất lượng, rượu vang Languedoc (nơi có diện tích trồng nho lớn nhất) không có nhiều uy tín bằng các vùng khác, theo thứ tự quan trọng vẫn là Bourgogne, Bordeaux và Alsace …..

Điều quan trọng giờ đây đối với giới chuyên ngành sản xuất rượu vang vùng Languedoc-Roussillon không phải là đầu tư thật nhiều để quảng bá rộng rãi, mà là quảng bá làm sao cho thật hữu hiệu, nhờ có chọn lọc mà nhắm trúng đối tượng.Ngoài việc củng cố chất lượng, vùng Languedoc còn cần nên gầy dựng uy tín, nâng cấp hình ảnh để gia tăng sức quyến rũ của các hiệu \’\’rượu ngon\’\’ mà giá cả vẫn hợp lý phải chăng.

Bài Liên Quan

Leave a Comment