Mỹ tấn một đòn đau vào công nghệ cao Trung Quốc

Đăng ngày: 25/10/2022

\"\"
\"\"
Khu vực giới thiệu công nghệ tên lửa Trung Quốc tại Triển Lãm Không Gian Hàng Không Quốc Tế Trung Quốc, tại Châu Hải (Zhuhai), nam Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 29/09/2021. AP – Ng Han Guan

Thanh Hà

Joe Biden và Tập Cận Bình cùng biết chiến tranh Mỹ -Trung đang diễn ra ngay bên trong các trung tâm nghiên cứu, các công ty khởi nghiệp. Mười ngày trước Đại Hội đảng Cộng Sản Trung Quốc, Washington mở rộng lệnh « phong tỏa » linh kiện bán dẫn sang Trung Quốc. Mục tiêu đề ra là ngăn chận các chương trình phát triển kinh tế và nhất là quân sự của Bắc Kinh.

Giới trong ngành nói đến một « quả bom tấn » Hoa Kỳ tung ra trước thềm nhiệm kỳ ba của ông Tập Cận Bình ở cương vị tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc, chủ tịch Quân Ủy trung Ương và chủ tịch nước.  

Chip, « tử huyệt » của công nghệ cao Trung Quốc

Ngày 07/10/2022 Phòng Công Nghiệp và An Ninh (BIS) thuộc bộ Thương Mại Mỹ công bố danh sách được cập nhật các biện pháp nhằm « kiểm soát các hoạt động xuất khẩu » có liên hệ trực tiếp đến an ninh quốc gia và quyền lợi của Hoa Kỳ.

Tài liệu cả trăm trang này nhằm « hạn chế khả năng của Trung Quốc mua vào và sản xuất một số chip điện tử cao cấp sử dụng trong các chương trình phát triển quân sự ». Báo New York Times trích dẫn Alan Estevez, thứ trưởng Thương Mại Mỹ đặc trách về Công Nghiệp và An Ninh cho biết thêm : Washington muốn các biện pháp được bổ sung này làm tê liệt hay ít ra là gây trở ngại cho các « chương trình phát triển quân sự, tình báo, các hoạt động của cơ quan an ninh Trung Quốc ».

Vậy những quy định mới của Washington gồm những gì ?

Thứ nhất là các biện pháp liên quan đến các tập đoàn và nhân viên Mỹ : danh sách mới của BIS mở rộng lệnh « cấm » đến 28 tập đoàn Trung Quốc. Ngoài Hoa Vi hay SMIC, còn phải kể đến DJI chuyên chế tạo drone, IFLYTEK trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Senstime một niềm tự hào của Trung Quốc trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo …

Tương tự như dưới chính quyền Trump trước đây, chính quyền Biden lần nay cũng đã cấm « xuất khẩu linh kiện bán dẫn, trang thiết bị công nghiệp để sản xuất chíp điện tử, phần mềm … » cho các công ty Trung Quốc. Thế nhưng Chris Miller, đại học TUFTS bang Massachusetts xem đây không hơn không kém là « lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất từ thời Chiến Tranh lạnh đến nay » bởi lẽ các biện pháp của chính quyền Biden lần này « đánh thẳng vào hai điểm nhậy cảm nhất của Trung Quốc đó là ngành quân sự và kinh tế ». Ông giải thích tiếp Trung Quốc đang cần chip và linh kiện bán dẫn của các tập đoàn Mỹ để phát triển, sản xuất và nâng cấp các loại supercomputer. Đây là những hệ thống máy tính cực mạnh bên quân đội sử dụng chẳng hạn như để điều khiển các loại vũ khí hiện đại, trong đó có tên lửa siêu thanh …  

Công nghệ cao Trung Quốc đe dọa an ninh Hoa Kỳ

Điểm thứ nhì đáng chú ý là Hoa Kỳ sử dụng nguyên tắc « ngoài lãnh thổ » để phạt các tập đoàn nước ngoài, thí dụ như của Hà Lan, hay Nhật Bản Hàn Quốc, sử dụng công nghệ của Mỹ trong các khoản giao dịch, mua bán với các đối tác Trung Quốc hay tại các chi nhánh của các tập đoàn này trên lãnh thổ Trung Quốc. Với quyết định hôm đầu tháng 10 các hãng như Samsung, hay SK Hynic của Hàn Quốc, TSMC của Đài Loan, ASML của Hà Lan… phải xét lại toàn bộ các chương trình hợp tác với Trung Quốc, thu hẹp một số hoạt động tại các nhà máy ở Hoa Lục.

Trên đài RFI Pháp ngữ, Jean François Di Meglio trung tâm nghiên cứu Asia Center-Paris, coi quyết định này là có cơ sở vào lúc Trung Quốc xác định đang thu hẹp khoảng cách với các tập đoàn hàng đầu thế giới về công nghệ bán dẫn :

« Trung Quốc vừa thông báo tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn. Càng lúc càng sản xuất các loại chip nhỏ – nhỏ đến mức ‘tối đa’. Nhưng sự thực không hẳn như vậy. Các thống kê gần đây nhất của Trung Quốc cho thấy trong số các kiện hàng xuất khẩu, tỷ lệ hàng bị hỏng và phải trả về nguyên quán là khá cao. Đây là một chỉ số và một tiêu chuẩn quan trọng về chất lượng chip của Trung Quốc. Tại Đài Loan tỷ lệ hàng bị trả về chỉ là 0,01 %. Chỉ số này của Trung Quốc cao hơn đến cả chục lần. Nói cách khác trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, Trung Quốc còn phải đầu tư thêm rất nhiều. Nhưng trong bối cảnh kinh tế đang chựng lại, khó để thực hiện những tham vọng đó ».

Về kinh tế Trung Quốc đang dẫn dầu trong lĩnh vực « trí thông minh nhân tạo » nhưng như chuyên gia tin học Mỹ, Jack Dongarra đại học Tennessee được New York Times trích dẫn, không có chip của Mỹ hay các hãng của Đài Loan, Hàn Quốc hoặc Nhật Bản thì các ứng dụng của Trung Quốc « sẽ kém thông minh ».

Hiểm họa Trung Quốc

Về phía Bắc Kinh, bảy năm sau khi công bố kế hoạch « Made in China 2025 » với 10 lĩnh vực « mũi nhọn »,  ông Tập Cận Bình trước thềm Đại Hội Đảng vừa qua đã nhắc lại mục đích « giành lấy chiến thắng trong cuộc chiến các công nghệ then thốt ».

Hãng tin Mỹ Bloomberg so sánh : năm 2021 Trung Quốc thông báo ngân sách dành cho nghiên cứu và phát triển (R&D) tăng 14 % trong lúc ngân sách của Hoa Kỳ giảm 2,6 %.

Báo cáo gần đây nhất của hiệp hội các tập đoàn xuất khẩu Hàn Quốc lưu ý Trung Quốc « không chỉ là một nhà xuất khẩu của thế giới mà còn là khách hàng lớn nhất mua vào từ vệ tinh đến cáp quang, và các sản phẩm high tech với những công nghệ tiên tiến nhất » ; 18 % các mặt hàng high tech sản xuất ra trên thế giới là để xuất khẩu sang Trung Quốc. Song các con số đó cũng cho thấy rằng, đây là một « nhược điểm » bởi ông khổng lồ châu Á này « lệ thuộc vào công nghệ cao của nước ngoài », đứng đầu là công nghệ của Mỹ.  

Công ty tư vấn về công nghiệp TrendForce dự báo hoạt động trong các ngành từ hàng không không gian đến công nghiêp sản xuất vũ khí của Trung Quốc sẽ  « lao đao »  sau lệnh cấm xuất khẩu linh kiện bán dẫn và các dịch vụ phần mềm nhậy cảm cho Trung Quốc bộ Thương Mại Mỹ ban hành hôm 07/10/2022.

Trên đài truyền hình Arte, nhà Trung Quốc học Alice Ekeman,  chủ nhiệm cơ quan đặc trách về an ninh của Liên Hiệp Châu Âu EUISS giải thích sự đối đầu Mỹ- Trung về công nghệ cao sẽ còn đi xa hơn thế nữa trong tương lai :

« Đương nhiên sự đối đầu Mỹ- Trung phủ bóng Đại Hội lần này bởi đây đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng đến mức Đảng Cộng Sản Trung Quốc bắt buộc phải chú ý tói và tổ chức lại để từng bước bớt lệ thuộc vào công nghệ của Mỹ. Đó là mục tiêu chính trong Kế Hoạch 5 năm 2020-2025. Trong kế hoạch này, Trung Quốc chủ trương đầu tư mạnh vào công nghệ cao. Về phía Washington cũng vậy. Mỹ cũng đã có những chiến lược để không lệ thuộc vào hàng hóa của Trung Quốc. Từng bước chúng ta tiến tới một thế giới lưỡng cực mà ở đó hai thị trường Mỹ và Trung Quốc bớt chi phối lẫn nhau. Tuy nhiên sự đối đầu đó đã cao độ tới nối mà rất có thể là xa hơn một hcust nữa, Mỹ và Trung Quốc sẽ là hai khối. Mỗi bên giao thương với các đồng minh và các đối tác. Trung Quốc sẽ giao dịch với Nga và một nhóm các nước bạn ; Mỹ thì có vùng ảnh hưởng riêng của mình. Đôi bên không có cùng những chuẩn mực về công nghệ và những chuẩn mực đó càng lúc càng khác biệt, không thể dung hòa với nhau ».

Trong chưa đầy 20 năm, Trung Quốc đã chen chân vào câu lạc bộ các nhà sản xuất chip của thế giới cho dù vẫn chưa đạt đến « đỉnh cao » của các loại chip nano nhỏ nhất, « cao cấp nhất ». Tài liệu về « Chiến lược an ninh quốc gia » Nhà Trắng công bố cách nay hai tuần đã nhấn mạnh « ưu tiên của Mỹ là giữ thế thượng phong so với Trung Quốc trong 10 mang tính quyết định sắp tới ». Tin học, trí thông minh nhân tạo, công nghệ robot, … là chìa khóa của sức mạnh trong tương lai. Tại Bắc Kinh ông Tập Cận Bình cũng đưa ra cùng quan điểm. Đây sẽ là những « mặt trận » trong cuộc đọ sức Mỹ- Trtung để thống lĩnh thế giới.

Dù vây, bên cạnh những tuyên bố và quyết định có vẻ quyết liệt đó, Washington và Bắc Kinh tháng 8/2022 đã thông qua một thỏa thuận « bảo vệ » các hoạt động của các doanh nghiệp Trung Quốc, đứng ngoài lĩnh vực nhậy cảm là công nghệ cao, tham gia thị trường chứng khoán Wall Street. Thêm một yếu tố nữa là chính quyền Biden đã chọn thời điểm trước bầu cử giữa kỳ để công bố « những biện pháp nghiêm ngặt » kềm tỏa Trung Quốc nhưng bộ Thương Mại Mỹ thừa biết Trung Quốc đang là một trong những khách hàn  lớn nhất của các con chim đầu đàn trong ngành công nghệ cao Hoa Kỳ như Applied Materials chẳng hạn. Vả lại Washington dưới chính quyền Biden hiện nay hay Trump trước kia đều để ngỏ những cánh cửa thoát hiểm cho các tập đoàn Mỹ : dù ban hành lệnh cấm nhưng chính phủ vẫn có thể  « cứu xét tùy theo từng trường hợp đặc biệt » để vẫn cho phép các công ty giao dịch với Trung Quốc.

Cuối cùng, ngay cả trong trường hợp Mỹ áp dụng triệt để các biện pháp ngăn cản Trung Quốc tiếp cận với công nghệ cao, thì cầm chắc là Bắc Kinh cũng có không ít sáng kiến để « vượt tường lửa » công nghệ mà Washington ban hành.

Bài Liên Quan

Leave a Comment