RFA
2022.10.25
Nhà báo tự do Lê Mạnh Hà
Nhà báo tự do Lê Mạnh Hà bị kết án sau hai ngày xét xử, tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho rằng ông không làm gì sai ngoài việc lên tiếng cho những người dân khiếu kiện đất đai.
Vào trưa ngày 25/10, Toà án Nhân dân tỉnh Tuyên Quang kết án ông Lê Mạnh Hà tám năm tù giam và năm năm quản chế về tội danh “phát tán tài liệu nhằm chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.
Phiên toà sơ thẩm ông Hà diễn ra sau hai lần bị hoãn trong tháng 9, kéo dài từ sáng thứ hai tới trưa thứ ba tại trụ sở toà án tỉnh. Ông được bốn luật sư bào chữa, bao gồm các ông bà Lê Văn Luân, Lệ Quyên và Nguyễn Tiến Nghĩa, và Lê Đình Việt.
Vợ ông, bà Ma Thị Thơ, được vào trong phòng xử án với tư cách là người có quyền lợi liên quan. Nhiều người thân và bạn bè của chồng bà cũng được theo dõi phiên toà ở phòng cạnh đó.
Một luật sư tham gia bào chữa trong phiên toà nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh cho hay:
“Theo nhận định của nhóm luật sư bào chữa, bản án không đúng người đúng tội. Các luật sư đưa ra rất nhiều căn cứ để chứng minh ông Lê Mạnh Hà không vi phạm Điều 117.
Nếu căn cứ vào diễn biến phiên toà từ phần xét hỏi đến tranh luận, bản án không phản ánh đúng bản chất sự việc.”
Luật sư cho rằng việc giám định của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tuyên Quang đối với các bài viết của ông Lê Mạnh Hà không có căn cứ và giám định viên không có mặt tại phiên toà trong phần xét hỏi, dẫn đến không làm rõ những điều vô lý hoặc mâu thuẫn nhau nêu ra trong bản kết luận giám định.
Người này cũng cho biết, trong phần tranh luận với luật sư, đại diện Viện Kiểm sát phần nhiều không đối đáp tranh luận đến cùng, bản án chỉ ghi vắn tắt, giản lược quan điểm bào chữa của nhóm luật sư.
Theo cáo trạng, ông Lê Mạnh Hà làm 21 video clip và 13 bài viết có nội dung “tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam” đăng tải trên hai trang Facebook “Dân oan và nhà báo” và “Dân oan Thuỷ điện,” và kênh YouTube “Tiếng Dân TV Lê Hà.”
Trong đó, 14 video bị cáo buộc vi phạm “tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân” còn bảy video có nội dung “chiến tranh tâm lý, kích động chiến tranh xâm lược, chia rẽ gây thù hận giữa các dân tộc và nhân dân các nước” theo Điều 16 của Luật An ninh mạng.
Vẫn theo cáo trạng, chín video và chín bài viết có nội dung “sai sự thật, bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân” theo Điều 16, Luật An ninh mạng, và một video cùng một bài viết có nội dung “xuyên tạc sự thật, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc.”
Bà Ma Thị Thơ cho phóng viên biết khi được nói những lời cuối cùng trong phiên toà, ông Lê Mạnh Hà khẳng định bản thân vô tội và chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận.
“Khi nói lời sau cùng, Lê Mạnh Hà tự nhận mình vô tội, có nói là tất cả những việc làm của anh ấy thể hiện lòng yêu nước và nói lên quan điểm chính kiến của bản thân mình chứ không có ý định chống Nhà nước hay phỉ báng chính quyền nhân dân.”
Bà cũng nói rằng chồng mình kiến nghị xoá bỏ Điều 117 của Bộ luật Hình sự và Điều 16 của Luật An ninh mạng ngay tại tòa.
Ngay sau khi Hội đồng xét xử công bố bản án, ông Lê Mạnh Hà tuyên bố kháng cáo bản án sơ thẩm.
Trước khi bản án được công bố, ông Phil Robertson, Phó giám đốc Phân ban Châu Á-Thái Bình Dương của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) ra thông cáo báo chí cho rằng, chính quyền Việt Nam nên trả tự do cho những người bày tỏ ý kiến một cách ôn hòa như ông Hà để \”trở thành một thành viên có trách nhiệm, đóng góp cho Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc.\” Ông khẳng định:
\”Với việc áp dụng những luật lệ hà khắc như thế này hàng ngày, thật khó để thấy Việt Nam trở thành một quốc gia hiện đại, tôn trọng quyền của người dân và được cộng đồng quốc tế tôn trọng.”
Theo đại diện của tổ chức nhân quyền có trụ sở ở New York (Hoa Kỳ), nhà báo công dân Lê Mạnh Hà “không làm gì sai khi sử dụng Internet để nói ra những lời phàn nàn của những người khiếu kiện về quyền đất đai và những người dân khác đang phải chịu sự bất công dưới bàn tay của các quan chức chính quyền.\”
Ông Lê Mạnh Hà, sinh năm 1970, bị bắt vào giữa tháng 1 năm nay với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.
Trước đây, gia đình ông sống ở huyện Na Hang nhưng phải đến sống ở thành phố Tuyên Quang từ năm 2004 do việc xây dựng Thuỷ điện Tuyên Quang.
Vì mức đền bù do di dời không thoả đáng, gia đình ông cùng hàng trăm hộ dân từng đi khiếu kiện ở nhiều nơi từ cấp tỉnh đến trung ương trong nhiều năm qua mà không được giải quyết.
Ông Hà sở hữu kênh YouTube Tiếng Dân TV Lê Hà và tài khoản Facebook có tên là \”Tiếng dân TV – Tiếng nói người dân Việt” chuyên tư vấn pháp lý cho người dân bị mất đất trong việc đòi quyền lợi chính đáng của họ và đưa tin về dân oan khắp cả nước.
Từ đầu năm đến nay, Việt Nam kết án sáu nhà hoạt động và Facebookers với tội danh “phát tán tài liệu nhằm chống Nhà nước” với mức án từ năm năm đến tám năm tù giam, nâng tổng số tù nhân lương tâm bị kết án theo tội danh này lên 49 bên cạnh 12 người đang còn bị giam giữ trong thời gian điều tra.