25 tháng 10 2022
Năm 1986, Vương Hỗ Ninh, khi đó là giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Phúc Đán – có một báo cáo nói về nhu cầu “tập trung cần thiết” quyền lực trung ương khi cải tổ.
Hồ Khải Lập, trợ lý của Tổng Bí thư Hồ Diệu Bang, đọc và ấn tượng, chuyển báo cáo cho Hồ Diệu Bang.
Tổng Bí thư lại không thích thú, ghi chú bên cạnh ‘nhảm nhí’, và trách cứ trợ lý. Chi tiết này trích từ sách China since Tiananmen của Joseph Fewsmith (bản in 2008).
Hai nhân vật với vai vế trên dưới khác nhau, sau đó có số phận khác nhau.
Năm 1981, Đặng Tiểu Binh đã chọn Hồ Diệu Bang làm Tổng Bí thư. Ở chức vụ này, Hồ Diệu Bang đã thực hiện nhiều cải tổ quan trọng như nới lỏng tự do ngôn luận và nhờ đó được lòng giới trẻ.
Nhưng sau cuộc biểu tình lớn của sinh viên tại Thượng Hải vào tháng 12/1986, Đặng Tiểu Bình và các thành phần thận trọng trong Bộ chính trị lo ngại và đã áp lực Hồ Diệu Bang từ chức ngày 16/1/1987.
Vào thời điểm đó, ít ai ngờ vị giáo sư ở Thượng Hải, Vương Hỗ Ninh, sau này sẽ trở thành một chính khách ảnh hưởng tới ba đời Tổng Bí thư: Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình.
Thời trẻ
Vương Hỗ Ninh sinh ngày 6 tháng 10 năm 1955 tại Thượng Hải.
Sau khi tốt nghiệp trung học năm 1972, Vương có ba năm đi lao động, rồi theo học môn tiếng Pháp ở trường Sư phạm Hoa Đông tại Thượng Hải, tuy không phải là chương trình hệ đại học.
Ra trường năm 1977, chàng trai đi làm một năm, thì xảy ra cải cách của Đặng Tiểu Bình năm 1978.
Trong không khí mới, Vương thuộc số thanh niên đầu tiên được quay lại khi hệ thống đại học được khôi phục sau Cách mạng Văn hóa.
Ông được nhận vào học cấp thạc sĩ ngành chính trị quốc tế ở Đại học Phúc Đán, Thượng Hải.
Học xong, Vương được giữ lại trường, với danh tiếng là học giả đọc rất nhiều sách, viết rất nhiều bài nghiên cứu.
Năm 1985, khi vừa 30 tuổi, Vương được phong Phó Giáo sư, trở thành người có hàm giáo sư trẻ nhất tại Phúc Đán. Chỉ sau ba năm, ông được phong Giáo sư và rồi trở thành trưởng khoa.
Nhấn mạnh \’dân chủ nhưng ổn định\’
Vào cuối những năm 1980, Vương đã viết một loạt bài luận, tạo danh tiếng cho ông. Ông khẳng định: “Nếu không có hệ thống chính trị dân chủ cao, sẽ khó trở thành một quốc gia mạnh mẽ, hiện đại hóa.”
Nhưng đồng thời, Vương cũng tỏ ra thận trọng. Ông không cổ vũ dân chủ hoàn toàn phương Tây, mà có vẻ nhấn mạnh một chính phủ ổn định, hiệu năng, ra quyết định đúng đắn dựa theo sự tham vấn rộng rãi.
Ông khẳng định cải tổ chính trị rất phức tạp và rằng “cơ cấu chính trị phải phù hợp điều kiện văn hóa, xã hội, lịch sử”.
Trong tiểu luận năm 1988, “Cấu trúc của văn hóa chính trị đang thay đổi của Trung Quốc”, Vương nói: “Chúng ta phải kết hợp sự linh hoạt của giá trị truyền thống với tinh thần hiện đại.”
Phê phán Hoa Kỳ
Năm 1988, Vương nhận học bổng để sang Mỹ sáu tháng trong tư cách học giả thăm viếng. Ông đã thăm hơn 30 thành phố và gần 20 đại học tại đây.
Ông ghi lại quan sát trong hồi ký năm 1991, Nước Mỹ chống lại nước Mỹ, mang tinh thần phê phán những gì ông thấy.
Chẳng hạn, ông phản đối quan niệm rằng tham nhũng ở Mỹ thì ít hơn ở châu Á do Mỹ minh bạch hơn.
Ông kể rằng tại đại học nơi ông đến ở, quan hệ cá nhân vẫn quan trọng. Ông dẫn chi tiết một trưởng khoa trong trường này đồng ý cho nhân viên đi tham quan châu Phi, để rồi sau đó trưởng khoa lại “được mời\” đi thăm nước châu Phi đó.
Khi nói về hai đảng chính trị của Mỹ, Vương cho rằng hai đảng này chỉ tập hợp các quyền lợi và nhóm lợi ích.
\’Quân sư\’ của ba Tổng Bí thư
Danh tiếng học thuật của Vương bắt đầu được giới chính trị, cùng gốc Thượng Hải quan tâm, trong đó có Tăng Khánh Hồng và Ngô Bang Quốc, những người rất thân với Giang Trạch Dân. Giang Trạch Dân từng là thị trưởng Thượng Hải năm 1985 và vào Bộ Chính trị năm 1987.
Năm 1995, sau khi đã củng cố uy quyền ở vị trí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Giang Trạch Dân mời Vương Hỗ Ninh tới Bắc Kinh, mở ra chương mới trong đời họ Vương.
Chuyện kể rằng khi gặp nhau, Giang đùa: “Nếu anh không tới Bắc Kinh, bọn Thượng Hải (ám chỉ nhóm tâm phúc) sẽ phản tôi.”
Báo chí sau này cũng viết Giang thích cuốn Phân tích chính trị so sánh (1987) của Vương. Năm 1998, khi Tổng thống Bill Clinton thăm Trung Quốc, Giang nhắc tên và khen ngợi Vương trước mặt Clinton, còn Clinton, đáp lại, ca ngợi Samuel Huntington.
Năm 1995, Vương được Giang sắp xếp đứng đầu Bộ phận Chính trị của Phòng nghiên cứu chính sách Trung ương của Đảng. Sau ba năm, ông được thăng chức Phó Giám đốc của Văn phòng này.
Năm 2002, tại Đại hội 16 chứng kiến sự chuyển giao từ Giang Trạch Dân sang Hồ Cẩm Đào, Vương được bầu vào Ban chấp hành trung ương Đảng. Lúc này ông giữ chức người đứng đầu Phòng nghiên cứu chính sách Trung ương.
Năm 2007, tại Đại hội 17, ông được thăng vào Ban Bí thư của Đảng trong lúc vẫn đứng đầu Phòng nghiên cứu chính sách Trung ương.
Năm 2012, tại Đại hội 18, Hồ Cẩm Đào chuyển giao cho Tập Cận Bình, cũng là lúc Vương được bầu vào Bộ Chính trị.
Sự thăng tiến của Vương Hỗ Ninh dường như cũng khiến người ngoài khó tiếp xúc với ông hơn.
Năm 2015, khi Vương đi theo Tập Cận Bình sang Mỹ, báo The New York Times tường thuật những người từng quen Vương khi ông là học giả viếng thăm Mỹ năm 1988-1989 nay không được gặp ông.
Giới chức Mỹ cũng khó được nói chuyện với ông bên lề các diễn đàn quốc tế.
Kể từ khi lên Bắc Kinh năm 1995, Vương Hỗ Ninh cũng ngừng viết bài nghiên cứu và nói chuyện công khai.
Tuy vậy, giới quan sát đồng ý rằng Vương Hỗ Ninh – qua ba đời Tổng Bí thư – đã đóng góp phía sau quan trọng cho nền tảng lý luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tháng 10/2017, ông được bổ nhiệm làm Bí thư thứ nhất Ban Bí thư.
Với hiểu biết sâu rộng của mình, Vương cung cấp lý thuyết chính trị mà Đảng Cộng sản cần trong giai đoạn cải cách.
Trước những thách thức mới mà chủ nghĩa Marx-Lenin-Mao không giải quyết được, lãnh đạo Đảng cần một tầng lớp trí thức trung thành tìm ra cách nghĩ mới về dân chủ, phát triển và pháp trị.
Vương Hỗ Ninh được truyền thông nhà nước xem là người đứng sau các khẩu hiệu ý thức hệ của ba Tổng Bí thư: Ba Đại diện của Giang, Quan điểm phát triển khoa học của Hồ và Trung hoa mộng của Tập.
Năm 2000, Giang Trạch Dân lần đầu tiên phát biểu về thuyết Ba đại diện khi nói chuyện ở tỉnh Quảng Đông.
Sách How China’s Leaders Think của Robert Lawrence Kuhn dẫn lời một nhà nghiên cứu của Đảng, Teng Wensheng: “Vương Hỗ Ninh và tôi đã viết bài nói chuyện đó. Trước khi Giang chủ tịch du nam, ông gọi tôi tới văn phòng. Ông nói chủ nghĩa Marx có nhiều lý thuyết lắm. Chúng ta cần một lý thuyết phù hợp với hiện thực Trung Quốc hiện đại và dễ nhớ.”
Có thể nói tư tưởng chính trị của Vương Hỗ Ninh đã lay động ba đời Tổng Bí thư, khi ông được cả ba người tin dùng.
Vương cho rằng hệ thống chính trị Trung Quốc phải phù hợp lịch sử, văn hóa; cải cách không được đi quá xa; và hiện đại hóa với bộ máy quyết định ở trung ương sẽ giúp phát triển kinh tế.
Vương cho rằng nếu chính quyền trung ương suy yếu, Trung Quốc sẽ bị động loạn. Nhưng ông cũng nhấn mạnh phải tuân thủ hiến pháp, và rằng cải tổ chính trị là tất yếu vì tăng trưởng kinh tế và hiện đại hóa sẽ tạo ra xung đột và dẫn tới đòi hỏi dân chủ hóa.
Tại Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa bế mạc, Vương Hỗ Ninh lên đỉnh cao chính trị mới, khi được bầu vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực nhất Trung Quốc.
Nhóm 7 người này, đứng đầu là Tổng Bí thư Tập Cận Bình.
Trong danh sách do Tân Hoa Xã công bố, ông Tập đứng đầu, thứ hai là Lý Cường, thứ ba là Triệu Lạc Tế và thứ tư là Vương Hỗ Ninh.
Vị trí thứ tư trong Đảng Cộng sản cho thấy Vương Hỗ Ninh tiếp tục là người tâm phúc và có ảnh hưởng lớn với Tổng Bí thư Tập Cận Bình.