Đã xuất hiện video cho thấy những gì dường như là các cuộc biểu tình quy mô lớn hiếm hoi chống lại các biện pháp nghiêm ngặt chống Covid-19 ở Lhasa, thủ phủ vùng Tây Tạng.
Hàng loạt video trên mạng xã hội cho thấy hàng trăm người biểu tình và đụng độ với cảnh sát. Hầu hết những người này được cho là công nhân nhập cư gốc Hán.
Thành phố Lhasa đã bị phong tỏa trong gần ba tháng vì phải đối mặt với một làn sóng nhiễm Covid.
Tây Tạng là một trong những khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt nhất ở Trung Quốc.
Các cuộc biểu tình được cho là đã diễn ra vào chiều thứ Tư và kéo dài cho đến đêm.
Một video cho thấy hàng trăm người tụ tập ngoài đường phố, với các quan chức chặn họ ở một đầu.
Người coi video có thể nghe thấy thông báo kêu gọi kiềm chế nói trên loa, với một quan chức yêu cầu mọi người \”xin hãy thông cảm và quay trở lại\”.
Một đoạn video khác cho thấy nhiều người trên đường phố vào ban đêm và một người đàn ông nói tại hiện trường.
\”[Họ] đã bị nhốt quá lâu. Và rất nhiều người trong cộng đồng này là những người chỉ tới đây để đi làm và kiếm tiền. Nếu họ có thể kiếm sống ở Trung Quốc đại lục thì họ đã không phải đến đây,\” người này nói bằng tiếng Quan Thoại.
Tuy nhiên, một video khác cho thấy mọi người xuống phố với chú thích \”Chúng tôi chỉ muốn về nhà\”.
BBC đã không thể xác minh độc lập các video, video đã bị xóa trên mạng xã hội Trung Quốc nhưng được đăng lại trên Twitter.
Các nguồn tin Tây Tạng nói với Đài Á Châu Tự do (RFA) rằng những người biểu tình cảnh báo họ sẽ \”phóng hỏa\” nếu các hạn chế không được dỡ bỏ – mặc dù không rõ điều này có nghĩa gì.
Một nguồn tin khác cho biết có những lo ngại rằng các cuộc ẩu đả giữa dân thường và cảnh sát có thể dẫn tới bạo lực.
Một cư dân Lhasa nói với BBC rằng bà không thấy các cuộc biểu tình vì bà vẫn đang bị nhốt vì phong tỏa, nhưng đã xem nhiều video lan truyền trong các nhóm trên mạng.
\”Mọi người bị nhốt ở nhà hàng ngày và cuộc sống rất khó khăn. Giá cả ở Lhasa bây giờ quá cao và chủ nhà đang đòi tiền của người đi thuê. Công nhân cũng không được phép trở về quê của họ. Họ không còn lối thoát nào khác,\” một cư dân, người chỉ muốn cho biết họ của bà là Han, cho biết.
\”Mọi người đang yêu cầu đưa ra một giải pháp – là liệu họ có thể rời đây được không.\”
Bà Han cho biết bà đã bị nhốt trong gần 80 ngày và nói thêm rằng mọi người được phép đi quanh quẩn bên trong khuôn viên khu nhà vài giờ một ngày – nhưng không thể ra ngoài.
Ai biết con số thực [các ca Covid] bây giờ là bao nhiêu? Hàng ngày chúng ta có thể nghe thấy rằng mọi người cần oxy. Chính phủ có thể báo bất cứ con số nào họ muốn.\”
BBC đã thấy nhiều bài đăng trên Douyin, kể như một trang TikTok của Trung Quốc, từ những người nói rằng họ bị mắc kẹt ở Lhasa do các biện pháp của Covid.
\”Hôm nay là ngày thứ 77 bị phong tỏa ở Lhasa. Tôi không biết nó sẽ tiếp tục như thế này bao lâu nữa. Tôi [không thể] hy vọng. Bạn có thể hiểu … công nhân nhập cư khó khăn như thế nào không?\” bài đăng cho biết.
\”Chúng tôi không có thu nhập nào trong ba tháng – nhưng chi phí vẫn chưa giảm dù chỉ một xu. Các bạn của tôi ở Lhasa – các bạn có thể sống như thế này được bao lâu?\” đã một người khác viết.
Không có bình luận chính thức hoặc tin tức mà truyền thông nhà nước đăng tải về các cuộc biểu tình, mặc dù giới chức địa phương hôm thứ Năm cho biết tám ca nhiễm Covid mới đã được báo ở Lhasa.
Trên các nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc, tất cả các cảnh quay về vụ việc đã được gỡ bỏ, mặc dù kiểm tra trang Douyin thì thấy nhiều người đang tìm kiếm các cụm từ liên quan đến cuộc biểu tình, chẳng hạn như \”chuyện gì đã xảy ra ở Lhasa tối nay\”.
Lhasa đã bị phong tỏa từ cuối tháng Tám. Các nhóm nhân quyền đã tuyên bố rằng một số người Tây Tạng đã tự vẫn kể từ khi lệnh này được thực thi.
Chính sách zero-Covid của Trung Quốc đã cứu được nhiều mạng người, nhưng cũng chính là việc là gây ra thiệt hại đáng kể cho người dân và nền kinh tế Trung Quốc, với sự mệt mỏi ngày càng tăng của công chúng vì các lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại.
Cuộc biểu tình hôm thứ Tư được cho là cuộc biểu tình lớn nhất mà thành phố từng chứng kiến kể từ cuộc nổi dậy năm 2008, khiến ít nhất 19 người thiệt mạng.
Lực lượng an ninh Trung Quốc bị cáo buộc đánh đập dã man và dùng vũ lực gây chết người đối với những người biểu tình vào thời điểm đó. Sau sự cố đó, Tây Tạng là nơi cấm người nước ngoài tới và hàng chục nghìn binh lính Trung Quốc đã được điều đến khu vực này.
Tây Tạng được quản lý như một khu vực tự trị ở Trung Quốc, và Bắc Kinh nói rằng nơi đây đã phát triển đáng kể dưới sự cai trị của chính quyền Trung Quốc.
Nhưng các nhóm nhân quyền nói rằng Trung Quốc tiếp tục vi phạm nhân quyền và cáo buộc Bắc Kinh đàn áp chính trị và tôn giáo. Bắc Kinh phủ nhận mọi hành vi lạm dụng mà họ bị cáo buộc.