Ông Lê Mạnh Hà bị kết án 8 năm tù, CPJ kêu gọi phóng thích ngay lập tức

27/10/2022


\"Kênh
Kênh truyền hình ANTV loan tin về việc ông Lê Mạnh Hà bị bắt. Photo YouTube ANTV.

Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) có trụ sở ở Hoa Kỳ vừa kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho nhà báo độc lập Lê Mạnh Hà, người bị một tòa án ở Tuyên Quang kết án 8 năm tù và 5 năm quản chế.

Hôm 26/10, CPJ dẫn lời ông Shawn Crispin, đại diện cấp cao Đông Nam Á của tổ chức này cho biết trong một thông báo: “Chính quyền Việt Nam phải trả tự do cho nhà báo Lê Mạnh Hà, người bị kết án oan, bị tuyên phạt 8 năm tù chỉ vì chỉ làm công việc của mình như một nhà báo”.

Ông Crispin nói thêm: “Việt Nam phải chấm dứt việc đánh đồng báo chí độc lập với hành vi tội phạm và thả tất cả các nhà báo mà họ giam giữ một cách sai trái sau song sắt”.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và chính quyền Tuyên Quang, đề nghị cho ý kiến về phát biểu của CPJ, nhưng chưa được hồi đáp.

CPJ cho biết đã gửi email cho Bộ Công an Việt Nam phản ánh về bản án hà khắc đối với ông Hà, nhưng chưa được phản hồi.

Ngày 25/10, Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang tuyên phạt ông Lê Mạnh Hà 8 năm tù giam và 5 năm quản chế với cáo buộc “Tuyên truyền chống phá Nhà nước”, theo Điều 117 của Bộ Luật hình sự. Nhà báo độc lập 52 tuổi này bị công an mặc thường phục ở thành phố Tuyên Quang bắt giam ngày 12/1/2022.

Bà Ma Thị Thơ, vợ của ông Hà, nói với VOA về bản án đối với chồng mình.

“Theo tôi thì bản án này quá cao so với những việc làm của anh Hà. Anh Hà chỉ nêu lên quan điểm và chính kiến của mình, chứ tôi chẳng thấy anh có tư tưởng phản động hay tư tưởng chống lại nhà nước gì cả”.

Bà Thơ, người được phép dự phiên tòa hôm 25/10, cho biết thêm rằng chồng bà không nhận tội và rằng trước tòa ông đã đưa ra kiến nghị về việc bãi bỏ điều luật buộc tội ông.

“Vào cuối phiên tòa khi nói lời sau cùng anh Hà không nhận tội và rằng anh vô tội vì anh chỉ nêu lên quan điểm và chính kiến của mình.

“Anh cũng kiến nghị với tòa luôn rằng nên bãi bỏ Điều 117 [BLHS] và Điều 16 của Luật An ninh mạng,” bà Thơ thuật lại.

Truyền thông Việt Nam cho rằng ông Lê Mạnh Hà đã biên soạn, đăng tải, chia sẻ trên các trang mạng xã hội Youtube, Facebook… nhiều bài viết, video clip “có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền Nhân dân, xúc phạm lãnh tụ Hồ Chí Minh, xúc phạm lãnh đạo Đảng, Nhà nước; phao tin bịa đặt gây hoang mang trong Nhân dân…”

Nhà báo độc lập Lê Mạnh Hà lập kênh Tiếng dân Tivi Tiếng nói của người dân Việt từ tháng 5/2018 với nhiều buổi phát trực tiếp. Kênh của ông là tập hợp tiếng nói đa dạng của những người dân không được đền bù thỏa đáng trong các tranh chấp đất đai, bức xúc trong xã hội, và lên án tệ tham nhũng.

Hôm 25/10, ông Phil Robertson, Phó giám đốc Phân ban Châu Á-Thái Bình Dương của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho ra tuyên bố về phiên tòa xét xử ông Hà: “Chính phủ Việt Nam sử dụng đủ loại luật hà khắc để bịt miệng những người chỉ trích chính phủ và những người bất đồng chính kiến, nhưng Điều 117 là một trong những điều họ yêu thích vì nó rất rộng nên họ có thể sử dụng nó để làm bất cứ điều gì bất hợp pháp chỉ bằng cái búng tay”.

Ông Robertson nói thêm: “Sự thật là ông Lê Mạnh Hà đã không làm gì sai khi sử dụng Internet để lặp lại những lời chỉ trích của những người khiếu kiện về quyền đất đai và những người dân khác đang phải chịu sự bất công dưới bàn tay của các quan chức chính quyền”, đồng thời kêu gọi chính quyền trả tự do cho nhà báo độc lập này ngay lập tức.

Bài Liên Quan

Leave a Comment