Tập Cận Bình đưa tướng lĩnh thân cận vào Quân Ủy Trung Ương để phục vụ ý đồ xâm chiếm Đài Loan

Đăng ngày: 27/10/2022

\"\"
\"\"
Ảnh tư liệu do Tân Hoa Xã cung cấp: Chủ tịch Tập Cận Bình, kiêm chủ tịch Quân Ủy Trung Ương, chụp hình với các tướng lĩnh với được thăng cấp trong một buổi lễ tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 06/09/2021. AP – Li Gang

Trọng Nghĩa

Tại Đại Hội Đảng CSTQ bế mạc hôm 23/10/2022, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhắc lại việc Bắc Kinh sẽ “không bao giờ hứa từ bỏ việc sử dụng vũ lực” để giành quyền kiểm soát Đài Loan. Theo hãng tin Anh Reuters ngày 27/10, để đảm bảo cho thành công của chiến dịch tấn công Đài Loan một khi được khởi động, ông Tập đã đề bạt các tướng lãnh trung thành với mình vào Quân Ủy Trung Ương, cơ cấu lãnh đạo quân sự tối cao của lực lượng vũ trang Trung Quốc.

Theo Reuters, giới quan sát cho rằng mặc dù Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Trung Quốc mới là cơ chế đưa ra quyết định cuối cùng về bất kỳ hành động nào về Đài Loan, nhưng Quân Ủy Trung Ương là bộ phận xây dựng và thực hiện kế hoạch tác chiến, và đó là một việc cần được tiến hành một cách nhanh chóng và dứt khoát.

Theo bốn nhà phân tích an ninh và bốn tùy viên quân sự tại Bắc Kinh, tình trạng Quân Đội Nga bị sa lầy ở Ukraina đã cho thấy rằng tốc độ của việc huy động lực lượng và tiến hành chiến dịch cực kỳ quan trọng đối với bất kỳ kế hoạch nào tấn công Đài Loan nào của Trung Quốc, vừa để ngăn chặn các lực lượng Đài Loan vừa để quốc tế không kịp huy động trợ giúp.

Chuyên gia tư vấn chiến lược Alexander Neill tại Singapore nhận xét: “Nếu Tập Cận Bình quyết định “bóp cò súng” trên vấn đề Đài Loan, thì ông ấy không thể chấp nhận bất kỳ bất đồng quan điểm nào từ phía Quân Ủy Trung Ương.

Theo ông Neill, “để đảm bảo lợi thế, Trung Quốc sẽ phải hành động nhanh, nhanh như chớp” và điều đó không cho phép “bất kỳ một sự chần chờ nào”. Chuyên gia này khẳng định: “Đó luôn luôn là suy nghĩ của phía Trung Quốc về Đài Loan và sự bế tắc ở Ukraina đã khẳng định sự cần thiết phải tránh bị sa lầy vì một quá trình xây dựng hậu cần chậm chạp.”

Theo Reuters, trong hai nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Tập Cận Bình đã thanh trừng hàng nghìn sĩ quan với cáo buộc tham nhũng và cố gắng siết chặt quyền kiểm soát của Đảng trên Quân Đội. Lần này ông tiếp tục củng cố quyền chỉ huy lực lượng vũ trang và đã bổ nhiệm được ba tướng lãnh trung thành mới vào Quân Ủy Trung Ương, một cơ chế bao gồm 7 người, đồng thời gia hạn thêm tuổi nghỉ hưu cho người thân tín nhất trong quân đội của ông là tướng Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia).

James Char, một nhà nghiên cứu quân sự tại Trường Nghiên Cứu Quốc Tế S. Rajaratnam tại Singapore, giải thích: “Việc phá vỡ tiền lệ (về tuổi hưu) cho phép ông Tập đạt được hai mục tiêu cùng một lúc: Đảm bảo là người lính hàng đầu của Quân Đội Trung Quốc vừa là người thông thạo chỉ huy tác chiến và vừa là người đáng tin cậy về mặt chính trị.”

Một số nhà phân tích và tùy viên quân sự ngoại quốc tại Bắc Kinh đã mô tả Quân Ủy Trung Ương khóa 20 này là một tập thể gắn kết chặt chẽ với nhau, vừa có kinh nghiệm hoạt động và lòng trung thành chính trị, vừa có liên quan đến chiến tranh cuối cùng của Trung Quốc là tấn công vào Việt Nam vào năm 1979.

Theo báo cáo của Lầu Năm Góc Mỹ năm 2021, tướng Trương Hựu Hiệp 72 tuổi, thuộc thành phần dòng dõi trong Quân Đội Trung Quốc, mà người cha đã làm việc chung với người cha của ông Tập vào cuối cuộc nội chiến Trung Quốc năm 1949.

Một trong người được ông Trương bảo trợ là tướng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu), cũng đã được đề bạt vào Quân Ủy. Viên tướng này có kinh nghiệm với quân chủng Chi Viện Chiến Lược của Quân Đội Trung Quốc, một cơ chế bao trùm chiến tranh điện tử, chiến tranh mạng và không gian.

Người thứ ba là tướng Hà Vệ Đông (He Weidong), được cử là phó chủ tịch thứ hai của Quân Ủy Trung Ương, ngày sau tướng Trương Hựu Hiệp. Hà Vệ Đông chính là người đã giám sát các cuộc tập trận quân sự chưa từng có và các vụ thử tên lửa xung quanh Đài Loan vào tháng 8 mà Bắc Kinh tung ra để phản đối chuyến thăm Đài Bắc của lãnh đạo Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi.

Đội ngũ mới liên kết nhiều thế hệ quân sự, với việc đề bạt tướng Lưu Chấn Lập (Liu Zhenli), 58 tuổi, từng chỉ huy các lực lượng xung quanh Bắc Kinh và có kinh nghiệm trong lực lượng Cảnh Sát Vũ Trang Trung Quốc, và cùng với tướng Trương Hựu Hiệp, đã có kinh nghiệm chiến đấu từ cuộc chiến tranh với Việt Nam, kéo dài dai dẳng đến cuối những năm 1980.

Theo một tùy viên quân sự châu Á xin giấu tên, việc chọn những viên tướng có liên hệ với cuộc chiến tranh Việt Nam trước đây là điều nhắc nhở rằng “dù đã có rất nhiều tiến bộ trong những năm gần đây, Quân đội Trung Quốc vẫn thiếu kinh nghiệm tác chiến hiện đại”.

Theo nhân vật này: “Tất cả các cuộc tập trận, thao diễn và diễu binh đều không thể thay thế được kinh nghiệm đó”.

Câu hỏi mà tùy viên này đặt ra là cho dù dàn lãnh đạo là Quân Ủy Trung Ương có thể thuần nhất như thế nào, nghi vấn vẫn dày đặc trên năng lực tác chiến thực thụ của Giải Phóng Quân Nhân Dân Trung Quốc.

Bài Liên Quan

Leave a Comment