Qatar : Bí quyết ngoại giao để trở thành một đối tác hàng đầu về bang giao quốc tế

Đăng ngày: 28/10/2022

\"\"
\"\"
Lãnh đạo Qatar, Emir Tamim ben Hamad Al Thani, (giữa) tại hội nghị về khí đốt Doha. Ảnh ngày 22/02/2022. AP

Thanh Hà

Bé chỉ bằng Paris và các vùng phụ cận – Ile de France và với 2,5 triệu dân, tương đương với thủ đô Paris, Qatar là một trong những quốc gia có GDP cao nhất thế giới. Phép lạ nào cho phép quốc gia còn non trẻ này trong chưa đầy 50 năm trở thành một cường quốc khu vực, một « tác nhân hàng đầu trong bang giao quốc tế » ?

Theo chuyên gia về bang giao quốc tế, đặc trách môn sử khoa Trung Đông Đương Đại, giáo sư Lama Fakih, đại học Saint Joseph, bang Connecticut – Hoa Kỳ, bí quyết của Qatar là « chiến lược ngoại giao » vô cùng khôn khéo và uyển chuyển của vương quốc này.

Qatar đã thoát khỏi bóng của Ả Rập Xê Út, tránh được những hiềm khích với Iran, vừa là một căn cứ quân sự của Mỹ ở Trung Đông vừa là chốn dung thân của quân Hồi Giáo cực đoan Taliban. Doha hiện cũng là đối tác đáng tin cậy của Nga, là bạn hàng của Trung Quốc, là nguồn cung cấp năng lượng đang được châu Âu ve vãn. Đó là những thành tựu rõ rệt nhất của Doha trong ngót nửa thế kỷ qua.

« Vẩy móng tay » của Vịnh Ba Tư giữa nhiều kẻ thủ

Trong một bài tham luận đăng trên báo Le Joural du Dimanche số ngày 24/10/2022, tác giả bài viết nhắc lại : Từng là vùng đất bảo hộ của vương quốc Anh từ 1916 đến 1968, Qatar là một quốc gia còn non trẻ, mới giành được độc lập từ năm 1971.  

Với diện tích chưa đầy 12.000 km vuông, và 2,5 triệu dân, trong đó có đến 90 % là người « lao động nước ngoài », Qatar có đường biên giới trên bộ duy nhất là với vương quốc dầu hỏa Ả Rập Xê Út, một quốc gia có diện tích rộng gấp 200 lần so với « vương quốc » do gia đình Al Thani cai trị.

Hai mối nguy hiểm đe dọa tiểu vương quốc còn non trẻ này khi đó là tranh chấp đường biên giới trên bộ với Ả Rập Xê Út, trên biển với Bahrein. Nguy hiểm thứ nhì gắn liền với các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên đất liền và ngoài khơi chung quanh bán đảo này. Qatar và Iran nằm đối diện, cùng chia sẻ dự trữ khí đốt trong vùng Vịnh Ba Tư : North Dome/South Pars trải rộng trên diện tích 9.700 cây số vuông, trong đó hơn 2/3 thuộc hải phận Qatar. Tranh giành nguồn tài nguyên có thể là nguyên nhân dẫn tới xung đột, và đó sẽ là một cuộc đọ sức bất cân xứng. 

Ý thức được điều đó « Doha luôn duy trì quan hệ tốt với Teheran » bất chấp những đòn hù dọa của các tập đoàn khai thác Iran hay sức ép về địa chính trị từ phía một quốc gia thứ ba tùy theo thời cuộc. Giáo sư địa chính trị trường đại học Mỹ Saint Joseph lưu ý : Một cuộc xung đột vũ trang với Iran sẽ là một tai họa đối với Qatar, nơi mà 90 % GDP lệ thuộc vào các nguồn khai thác năng lượng hóa thạch.

Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, một cơ hội lớn

Về chính trị, gần như từ ngày giành được độc lập, quyền lực tại Doha luôn trong tay gia đình Al Thani. Qua nhiều thế hệ lãnh đạo, « quyền lực càng lúc càng tập trung ». Đầu thập niên 1990 chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất khi Irak đưa quân xâm chiếm Koweit, Doha ý thức được thế yếu của mình nên đã chọn đứng hẳn về phía Washington để đổi lấy « ô dù an ninh » của Mỹ.

Nhưng đó là một sự chọn lựa « có điều kiện ». Thí dụ như Doha đồng ý cho Hoa Kỳ đặt căn cứ quân sự tại Qatar, ưu tiên cho các tập đoàn Mỹ cộng tác để cùng khai thác khí đốt. Đối với Mỹ, Qatar đang trở thành một đối tác có trọng lượng trong khu vực nhằm giảm thiểu bớt ảnh hưởng của vương quốc dầu hỏa Ả Rập Xê Út. Nhìn từ phía Doha, Washington là một lá bùa hộ mệnh vào lúc bang giao với nước láng giềng sát cạnh là Ả Rập Xê Út càng lúc càng căng thẳng, chẳng hạn như trong giai đoạn 2002-2008 và nhất là quãng 2017-2019 : khi đó Riyad cắt đứt bang giao với Doha và cáo buộc Qatar dung túng các thành phần khủng bố, ủng hộ phong trào Huynh Đệ Hồi Giáo tại Ai Cập trong cuộc nổi dậy lật đổ chế độ Mubarak tại Cairo, yểm trợ phong trào dân chủ Mùa Xuân Ả Rập làm « chao đảo » các chính quyền trong khu vực và nhất là « thân thiện với Iran ».

Doha : không bỏ tất cả trứng vào một giỏ

Chính quyền Qatar mặc dù đặt mình dưới « chiếc ô an ninh của Mỹ » nhưng « không trông chờ tất cả vào mối liên minh » với Washington. Doha áp dụng chính sách ngoại giao theo kiểu « hedging » nghĩa là duy trì mối quan hệ hữu hảo với tất cả các đối tác để giảm thiểu nguy cơ xảy ra xung đột. Đây là chiếc đũa thần cho phép một quốc gia tí hon như Qatar mở rộng ảnh hưởng với các cường quốc khu vực và trên thế giới. Tiêu biểu nhất cho đường lối ngoại giao đó là Israel đã mở văn phòng đại diện thương mại từ năm 1996 tại Doha, nhưng không cấm cản Qatar ủng hộ phong trào Hồi Giáo vũ trang Hezbollah của Liban thù nghịch với nhà nước Do Thái.

Tương tự như vậy Qatar vừa là địa bàn của USCENTCOM căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại Trung Đông, vừa là chốn dung thân cho quân Taliban và để rồi Doha là nhịp cầu đối thoại giữa một số quan chức Mỹ và đại diện Taliban.

Một điều khó hiểu khác là sinh thời trùm khủng bố Oussama Ben Laden, đầu não loạt khủng bố 11/09/2001 trên lãnh thổ Hoa Kỳ chỉ xuất hiện trên kênh truyền hình Al Jazeera của Qatar.

Trong thế giới Hồi giáo Doha đặt mình vào thế một « nhà bảo vệ tất cả những tín đồ theo đạo Hồi », từ ở Indonesia đến Soudan hay kể cả những người Hồi giáo sống ở ngoại ô thủ đô Paris. Giáo sư Lama Fakih, đại học Mỹ ghi nhận « Đạo Hồi là một công cụ chính trị mà Qatar khai thác để tạo ảnh hưởng » trên trường quốc tế.

Khai thác những điểm mạnh  

Sự khôn khéo thứ ba đáng chú ý trong chính sách ngoại giao của Doha từ thập niên 1970 tới nay là các đời lãnh đạo trong cùng một gia đình Al Thani luôn khai thác những thế mạnh của mình trong từng lĩnh vực một để mở rộng ảnh hưởng.

Là một quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên, Qatar giữ quan hệ tốt với các nước láng giềng chung quanh bất luận lớn hay bé, để đổi lấy hòa bình, để được « yên ổn làm ăn ». Chính vì thế mà trong nửa thế kỷ, quốc gia nhỏ bé này ở Trung Đông đã vươn lên thành nguồn xuất khẩu khí hóa lỏng số 1 của thế giới và mới chỉ bị Hoa Kỳ qua mặt trong thời gian rất gần đây. GDP của Qatar đang từ 8 tỷ đô la năm 1995 đã vượt ngưỡng 100 tỷ vào năm 2010.

Cũng vì có khí đốt, mà Qatar trở thành « điểm hẹn ngoại giao » mà các lãnh đạo châu Âu như Pháp hay Đức đã hối hả ghé thăm từ khi Nga xâm chiếm Ukraina, cắt nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu. 

Qatar trở nên giàu có nhờ những tính toán khôn ngoan : Doha không ngần ngại đầu tư « ồ ạt » ở hải ngoại, đặc biệt là tại những trung tâm tài chính, những lá phổi kinh tế của thế giới. Khủng hoảng tài chính thế giới 2008 là cơ hội cho Qatar. Âu, Mỹ « nghèo đi » thì tiểu vương quốc vùng Vịnh này tung tiền đầu tư vào từ các câu lạc bộ bóng đá « hàng đầu » của châu Âu mà đội bóng Paris-Saint Germain là một thí dụ tiêu biểu nhất. Cũng Qatar tung vốn ra mua vào những tác phẩm hội họa hàng chục triệu đô la, đầu tư vào các công trình xây dựng viện bảo tàng, tài trợ cho các cuộc triển lãm, hội chợ hay festival. Trong lĩnh vực truyền thông, kênh truyền hình Al Jazeera là công cụ đắc lực của ngành ngoại giao Qatar, là kênh phổ biến quyền lực mềm của vương quốc vùng Vịnh này. 

Chuyên gia về quan hệ quốc tế đại học Mỹ Saint Joseph, Lama Fakih kết luận : hai yếu tố quan trọng giải thích thành công vượt bực của Qatar : một là tiểu vương quốc này « đã gặp thời » bởi vì « lợi ích của Doha trùng hợp với lợi ích của nhiều cường quốc khác, mà đứng đầu trong số đó là Hoa Kỳ ». Tuy nhiên yếu tố thứ nhì quan trọng không kém đó là các đời lãnh đạo liên tiếp tại Doha từ thập niên 1970 tới nay vừa có một « tầm nhìn chiến lược về vài trò đầu tàu của Qatar trong khu vực, vừa có phương tiện tài chính gần như vô hạn ».

Câu hỏi còn lại là liệu rằng vị trí « cường quốc khu vực » đó của Qatar có lâu bền hay không ? 

Bài Liên Quan

Leave a Comment