29 tháng 10 2022
Hoa Kỳ hôm 28/10 tuyên bố chính sách đối với Triều Tiên không thay đổi mặc dù Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Kiểm soát vũ khí và An ninh quốc tế Bonnie D. Jenkins trước đó nói Washington sẽ sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí với Bình Nhưỡng.
Bình Nhưỡng ngày 9/9 nói vừa thông qua luật mới về vũ khí hạt nhân, chính thức tuyên bố là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
Washington lâu nay vẫn cho rằng chương trình hạt nhân của Triều Tiên là bất hợp pháp và phải chịu các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Nhưng bà Bonnie Jenkins, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách Kiểm soát vũ khí và An ninh quốc tế, đã có phát biểu gây tranh cãi.
Hôm 27/10, bà Jenkins được hỏi tại một hội nghị hạt nhân ở Washington.
\”Nếu họ muốn nói chuyện với chúng tôi … kiểm soát vũ khí luôn có thể là một lựa chọn nếu có hai quốc gia sẵn sàng ngồi xuống bàn và nói chuyện.”
\”Chúng tôi đã nói rất rõ ràng với CHDCND Triều Tiên rằng chúng tôi đã sẵn sàng để nói chuyện với họ – chúng tôi không có điều kiện trước.”
Đề cập đến nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, bà nói thêm: \”Nếu ông ấy nhấc điện thoại và nói, \’Tôi muốn nói về kiểm soát vũ khí\’, chúng tôi sẽ không nói không.”
Triều Tiên đã tiến hành 6 lần thử nghiệm hạt nhân vào các năm 2006, 2009, 2013, 2016 và 2017.
Ngày 25/10, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nói Triều Tiên đã hoàn tất việc chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân lần thứ 7.
Giữa tình hình này, ngày càng nhiều chuyên gia đặt câu hỏi liệu có phải là lúc chấp nhận rằng Triều Tiên trên thực tế là một quốc gia hạt nhân hay không.
Một số chuyên gia ước tính rằng Triều Tiên có thể đã sản xuất đủ vật liệu phân hạch để chế tạo từ 45 đến 55 vũ khí hạt nhân.
Mỹ nói không thay đổi chính sách
Nhưng hôm 28/10, khi được hỏi về bình luận của bà Jenkins, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết: \”Tôi muốn nói rất rõ ràng về điều này. Không có thay đổi nào đối với chính sách của Hoa Kỳ.\”
Chính sách của Hoa Kỳ vẫn là \”phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên\”.
Nhưng một phân tích của CNN ngày 29/10 nói: “Từ quan điểm thực tế thuần túy, Triều Tiên có vũ khí hạt nhân, và rất ít người theo dõi chặt chẽ các sự kiện ở đó lại phản đối chi tiết này.”
Bài của CNN chỉ ra rằng nếu Mỹ thừa nhận công khai thực tế này, thì sẽ tạo ra các rủi ro.
“Một trong những lý do thuyết phục nhất để Washington không làm như vậy là do lo ngại châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân ở châu Á,” CNN nhận xét.
Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan sẽ có thể muốn làm như Bình Nhưỡng.
Theo thăm dò dư luận thực hiện vào năm 2021 và 2022, hơn 70% số người Hàn Quốc được hỏi ủng hộ hạt nhân hóa Hàn Quốc do lo ngại bom hạt nhân của Triều Tiên.
Nhưng mặt khác, từ chối thừa nhận sức mạnh hạt nhân của Triều Tiên cũng có thể khiến các láng giềng xung quanh thêm lo ngại.
Ngầm thừa nhận?
Một số gợi ý rằng có thể đối xử với chương trình hạt nhân của Triều Tiên theo cách tương tự như với Israel, là ngầm thừa nhận.
Jeffrey Lewis, một chuyên gia tại Middlebury Institute of International Studies, ủng hộ cách tiếp cận này.
Nói với CNN, ông Lewis khẳng định: “Bước quan trọng mà Tổng thống Joe Biden cần thực hiện là nói rõ với cả bản thân ông và chính phủ Mỹ rằng chúng tôi sẽ không ép Triều Tiên giải giáp và về cơ bản đó là chấp nhận Triều Tiên là một nước hạt nhân.”
Israel, được cho là đã bắt đầu chương trình hạt nhân từ những năm 1960, luôn từ chối là một bên của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Bình Nhưỡng đã thử hạt nhân lần đầu tiên hồi tháng 10/2006 và 5 lần vào các tháng 5/2009, tháng 2/2013, tháng 1/2016, tháng 9/2016 và tháng 9/2017.
Từ đầu năm 2022 tới nay, Triều Tiên đã phóng hàng chục tên lửa, đặt lãnh thổ của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản vào trong tầm bắn.