Bầu cử giữa kỳ: Tôn giáo có ảnh hưởng quá lớn trong chính trị Mỹ?

1 tháng 11 2022

Võ Ngọc Ánh

Gửi bài tới Diễn đàn BBC từ Tacoma, bang Washington, Hoa Kỳ

\"Nhà
Chụp lại hình ảnh,Một nhà thờ Tin Lành ở Hoa Kỳ – ảnh chỉ có tính minh họa

Bầu cử giữa kỳ tại Mỹ năm nay là một dịp để các quan điểm tôn giáo xuất hiện mạnh, gây tác động đến chính trị.

Nhưng đây không phải là hiện tượng mới, vì từ châu Âu sang Mỹ các đảng phái phe hữu đã thường đưa căn cước tôn giáo, chủng tộc vào cuộc vận động để thu hút cử tri.

Người tranh cử hay cử tri đều dùng tôn giáo để tìm sự ủng hộ, sự chính danh của đảng phái và gây sức ép trong các cuộc bầu cử.

Nước Nga và cuộc chiến tại Ukraine

Không chỉ ở Phương Tây mà gần đây, vào năm 2020, nhà nước Liên bang Nga thời Vladimir Putin đã ghi Chúa vào hiến pháp mới.

Nhiều người bạn cùng niềm tin với tôi đã chia sẻ trên mạng xã hội điều này như một tin vui. Lúc đó, tôi đã phản ứng lại, “Chẳng có gì vui mừng với một tay độc tài như Putin ghi Chúa vào hiến pháp”.

Tôi cho rằng quan điểm của Tổng thống Vladimir Putin và Giáo hội Chính thống giáo Nga là vì một nước Đại Nga như thời trung cổ.

Những gì ông Putin và nước Nga đang làm với Ukraine đang cho thấy Vladimir Putin chẳng xem Chúa được ghi trong hiến pháp Nga ra gì. Cuộc tấn công, bắn phá giết hại dân lành của quân đội Putin chỉ được Giáo hội của Nga ban phước.

Sinh nhật lần thứ 70 của Tổng thống Vladimir Putin vào ngày 7/10 vừa rồi, người đại diện cao nhất của Chính Thống giáo Nga, Thượng phụ Kirill đã gởi lời chúc mừng đến chủ nhân điện Kremlin, “Chúa đã đưa Vladimir Putin lên cầm quyền”.

Gần 8 tháng Nga đưa quân xâm lược, người lãnh đạo cao nhất của Chính Thống giáo Nga chưa một lần lên án chiến tranh.

Thái độ đó hoàn toàn khác với cách nhìn của người lãnh đạo Giáo hội Công giáo La Mã. Đức Giáo Hoàng Francis đã nói Ngài muốn làm tất cả những gì có thể để “chấm dứt cuộc chiến phi nghĩa này”.

Ngay từ đầu cuộc chiến Giáo hoàng đã có nhiều cố gắng ngoại giao không chính thức để chấm dứt chiến tranh của Nga ở Ukraine.

Hai thái độ khác biệt nhau làm cho quan hệ Toà thánh Vatican và tòa thượng phụ Chính Thống giáo Moscow hiện đang bị ‘đóng băng’.

Chúng ta cần hiểu Putin đề cao Chính Thống giáo và văn hóa Nga làm hệ quy chiếu cho thế giới Nga với mục tiêu đề cao chủ nghĩa dân tộc Nga.

\"Thượng
Chụp lại hình ảnh,Thượng phụ Kiril trong lễ phục màu xanh, ban phước cho các quân nhân Nga

Châu Âu và Hoa Kỳ thì sao?

Tại châu Âu và cả Mỹ các đảng phái cực hữu hóa ra cũng chia sẻ nhiều điểm chung với ông Putin ít ra là trong lĩnh vực đề cao một chủ nghĩa.

Các đảng phái cực hữu trên thực tế ngấm ngầm hoặc công khai coi người da trắng là chủng tộc bản địa phải có quyền lực chi phối quốc gia. Họ cũng thường xuyên lên án người di cư, mà đa số có màu da khác, và coi dân nhập cư như công dân hạng hai…

Trong khi đó, Tòa thánh Vatican luôn quan tâm đến những người phải rời bỏ nhà của, quê hương để tìm sự an toàn, phát triển. Trong lúc bế tắc nhất của người di cư, Giáo Hoàng đã đến thăm họ.

Và không ít lần khi trở về Rome, ngài đã mang theo các gia đình di cư có tính biểu tượng, để gợi mở các chính phủ hành động cứu người.

Giáo hội Công giáo hiện nay tôn trọng niềm tin của các tôn giáo, và văn hóa của dân tộc. Giáo hội Công giáo khởi xướng đối thoại giữa các tôn giáo, thúc đẩy làm việc chung và cùng trách nhiệm với thế giới, cho tương lai.  

Quan điểm của Giáo hội Công giáo với những người LGBT quan tâm, tìm cách để đồng hành với họ tốt hơn chứ không phải loại trừ.

Hồi tháng 5 năm nay, nước Pháp và thế giới dân chủ qua một phen lo lắng khi bà Marine Le Pen không trở thành tổng thống Pháp.

Bà Le Pen dành nhiều tình cảm và sự ngưỡng mộ của mình cho Tổng thống Putin và được ông cho gặp nhiều lần. Đảng Mặt trận Quốc gia Pháp do bà Le Pen lãnh đạo được các ngân hàng của Nga ưu ái cho vay tiền.

Tháng 9 vừa rồi, các đảng cực hữu thắng thế trong cuộc bầu cử ở nước Ý đã như món quà dành cho Tổng thống Putin. Đa số lãnh đạo các đảng này không bạn hữu thì cũng ngưỡng mộ Putin.

Trong Liên minh châu Âu, một Viktor Orban, thủ tướng Hungary theo cánh hữu, thân Nga đã khiến cho EU gặp nhiều khó khăn trong các quyết sách chung. Việc bà Giorgia Meloni, lãnh đạo đảng cực hữu Huynh đệ Italia trở thành thủ tướng nước Ý đang khiến cho EU lo lắng thêm sóng gió thời gian đến.

Tại Mỹ, cựu tổng thống Donald Trump cũng dành nhiều tình cảm cho Tổng thống Putin. Ngay khi cuộc chiến nổ ra, Donald Trump, đã khen Putin có hành động thông minh. Từ ngày Nga đưa quân tấn công Ukraine, Donald Trump chưa một lần lên án Putin. Ông ấy chỉ khen và bảo vệ cho Putin.

Trong giai đoạn 2017 – 2021, thái độ của Donald Trump với Tổng thống Putin đã không ít lần đặt các quan chức chính quyền Mỹ vào sự ngạc nhiên, bối rối.

Tôn giáo của người Mỹ bị chính trị hóa ra sao?

Sau một buổi sinh hoạt tôn giáo của một nhóm người tại nhà thờ Công giáo có gần 20 người tham dự, hồi tháng 9 vừa rồi. Người phụ trách buổi sinh hoạt xin mé chuyện về chính trị một chút.

Rồi người này lên tiếng. Vào tháng 11 này chúng ta phải đi bầu cử để lấy lại thượng viện và hạ viện. Nếu chúng ta không đi bầu cử lần này, thì Tổng thống Donald Trump sẽ không thể trở lại Nhà Trắng vào năm 2024.

Một người lên tiếng, tại sao lại phải bầu cho Donald Trump, vì ông ấy tự ví mình chỉ sau Chúa.

Ngay lập tức các thành viên khác lao nhao cả lên. Đó là tin fake news người ta gán ghép cho tổng thống Donald Trump.

Họ nói “Chúng ta phải đi bầu cho đảng Cộng Hòa. Vì đây là đảng của Chúa. Còn đảng Dân Chủ là đảng ma quỷ, vì ủng hộ phá thai.”

Nhiều người gốc Việt tôi gặp sau sáu năm tại Mỹ mặc định Chúa Giê-su ủng hộ đảng Cộng Hòa.

Thế nhưng, chúng ta thử nghĩ xem. Chúa Giê-su đâu phải là người của một đảng phái. Nhiều người theo đạo Chúa, cả Công giáo lẫn Tin Lành cố tình gán ghép đảng cho Chúa để thêm khẳng định tính chính danh của đảng phái, ứng viên mình ủng hộ và thông qua đó để lên án người khác.

Là người Công giáo, tôi được dạy Chúa Giê-su là người của sự thật, “Chính Thầy là con đường, là sự thật”, Tin mừng theo Thánh Gioan, chương 14, câu 6.

Việc một người tin vào Chúa ủng ủng hộ một ứng viên, hay đảng phái là một thái độ dân chủ.

Tuy nhiên, ủng hộ một cá nhân, đảng phải người tin Chúa trước tiên phải hành xử, tôn trọng sự thật, trong thái độ văn minh và phân định. Chúa Giê-su đã nói, “Sự thật sẽ giải thoát anh em”, Tin mừng theo Thánh Gioan ở chương 8, câu 33.

Theo trung tâm nghiên cứu PEW (Pew Research Center) có trụ sở tại Washington DC, cả hai viện quốc hội Mỹ số người tin vào Chúa Giê-su chiếm đa số.

Trong 435 người ở Hạ Viện hiện nay có 383 người thuộc các giáo hội Kitô. Chiếm hơn 88.5%. Trong khi đó chỉ có 20% người Mỹ trưởng thành theo Công giáo.

Trong số này có 135 dân biểu theo Công giáo. Chiếm 31% trong tổng số dân biểu. Còn lại là các giáo hội Tin Lành. Trong số dân biểu Công giáo này có 77 người là của đảng Dân Chủ. Chiếm 57% so với đảng Cộng Hòa 43%.

Hạ Viện khóa trước số 141 người theo Công giáo. Trong số này có 87 người thuộc đảng Dân Chủ.

\"Nhà
Chụp lại hình ảnh,Một nhà thờ Công giáo ở Hoa Kỳ – hình chỉ có tính minh họa

Trong tổng số 100 người ở Thượng Viện hiện nay, có 86 người thuộc các giáo hội Kitô. Trong đó có 25 người theo Công giáo. Trong số này có 14 người là của đảng Dân Chủ.

Thượng Viện khóa trước có 22 người theo Công giáo. Trong đó 12 người thuộc đảng Dân Chủ.

Vatican đã từ bỏ vai trò chính trị từ những thế kỷ trước, đặc biệt là sau Công đồng Vatican II. Hướng dẫn của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, các cha xứ không được khuyên bảo, hướng người có đạo ủng hộ đảng này, đảng kia, hay ứng cử viên nào. 

Tuy nhiên, một thực tế là ở Mỹ tôn giáo luôn bị chính trị hóa. Các chính trị gia, ứng viên tranh cử tại Hoa Kỳ luôn bị hỏi về căn cước tôn giáo. Hoặc chính họ cố tình kéo tôn giáo vào các cuộc bầu cử.

Mới đây, ông Kevin Mccarthy, lãnh đạo nhóm thiểu số tại Hạ Viện Hoa Kỳ hiện nay nói, đó không phải là kế hoạch của Chúa Trời nếu ông ấy không trở thành lãnh đạo nhóm đa số sau bầu cử vào ngày 8/11 này.

Tôi không tin một nền chính trị, một chính quyền bị chi phối, ảnh hưởng quá lớn của một tôn giáo là một đất nước có dân chủ thật sự. Điều này dễ dàng nhìn thấy qua lịch sử và tại các quốc gia thần quyền hiện nay.

Bầu cử giữa kỳ vào ngày 8/11 này, người tôi đánh dấu chọn vào phiếu bầu cử không được quyết định ở căn cước tôn giáo.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Võ Ngọc Ánh, hiện sống ở Tacoma, tiểu bang Washington, Hoa Kỳ.  

Bài Liên Quan

Leave a Comment