02/11/2022
Bất chấp bài học về cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba cách đây 60 năm, Trung Quốc tỏ ra không quan tâm đến thảo luận về các bước để giảm thiểu rủi ro của vũ khí hạt nhân, các quan chức cấp cao Mỹ cho biết hôm 2/11, sau khi lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng trước báo hiệu rằng Bắc Kinh sẽ tăng cường khả năng răn đe chiến lược của mình.
Lầu Năm Góc cho biết Trung Quốc đang tiến hành đợt mở rộng lớn lực lượng hạt nhân và hướng tới sở hữu 1.000 đầu đạn hạt nhân trước năm 2030.
Nhưng Bắc Kinh lâu nay vẫn chống đối đàm phán kiểm soát vũ khí với Washington, lập luận rằng Mỹ có kho vũ khí lớn hơn nhiều.
Alexandra Bell, phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ về kiểm soát, xác minh và tuân thủ vũ khí, nói với Hội đồng Đại Tây Dương rằng bất chấp những nỗ lực của Mỹ, Washington và Bắc Kinh vẫn chưa bắt đầu can dự về vấn đề này.
“Bước đầu tiên, chúng tôi thực sự muốn nói chuyện với họ về học thuyết của nhau, về giao tiếp khủng hoảng, quản lý khủng hoảng,” Bell nói, lưu ý rằng Washington đã có những cuộc thảo luận như vậy với Nga trong hàng chục năm.
“Chúng tôi chưa tiến tới mức đó với Bắc Kinh. Vì vậy, có nhiều việc phải làm để bắt đầu thảo luận, chúng tôi suy nghĩ cần làm việc song phương,” Bell nói.
“Giờ đây chúng ta đang kỷ niệm 60 năm cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Chúng ta không cần để xảy ra khủng hoảng lần nữa để biết rằng chúng ta cần phải ngồi vào bàn đàm phán với nhau,” Bell nói, đề cập đến các sự kiện vào năm 1962 khi Hoa Kỳ và Liên Xô tiến gần đến chiến tranh hạt nhân vì sự hiện diện tên lửa Liên Xô trên lãnh thổ Cuba.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan sau cuộc điện đàm giữa ông Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden hồi năm ngoái đã nói rằng hai bên đã đồng ý ‘tìm cách bắt đầu thảo luận về ổn định chiến lược’.
Nhưng ông Tập đã báo hiệu tại Đại hội Đảng hồi tháng 10 rằng Trung Quốc sẽ tăng cường răn đe chiến lược, thuật ngữ thường được sử dụng để nói vũ khí hạt nhân.
Ông Richard Johnson, phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Chính sách Hạt nhân và Ngăn chặn Vũ khí Hủy diệt Hàng loạt, nói tại Hội đồng Đại Tây Dương rằng Mỹ đang tìm cách bắt đầu trao đổi với Trung Quốc về ‘những điều cơ bản’ hơn là số lượng đầu đạn.
Ông Johnson nói thêm rằng nếu Bắc Kinh không muốn can dự song phương, họ có thể ‘thể hiện sự minh bạch’ về việc xây dựng năng lực hạt nhân của mình thông qua Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế bằng cách công bố dự trữ plutonium của họ cho mục đích dân sự.