Đăng ngày: 05/11/2022
Nhà tranh đấu môi trường người Thụy Điển, thiếu nữ Greta Thunberg, tố cáo hội nghị khí hậu COP27, khai mạc ngày mai 06/11/2022, là nơi giúp giới đại gia ‘‘đánh bóng hình ảnh’’, câu giờ, trì hoãn hành động. Greta – người khởi xướng phong trào giới trẻ bỏ học, biểu tình – lần đầu tiên cho ra sách phổ cập kiến thức về khí hậu. Để tranh đấu hiệu quả, cần hiểu biết đúng và đủ, cuộc chiến đòi công lý khí hậu cần ‘‘hàng tỉ nhà hành động’’ là thông điệp của Greta.
Khoảng 8 triệu người có nguy cơ chết đói tại Somalia, do hạn hán nặng vì biến đổi khí hậu. Trong lúc không có tài trợ, LHQ buộc phải chi nhỏ giọt, Nga tuyên bố sẽ ‘‘viện trợ lương thực miễn phí’’ cho các vùng bị đói ở châu Phi. Trước thềm bầu cử giữa kỳ Mỹ, giới trẻ thế hệ sinh sau 1996 có thể đi bỏ phiếu tới hơn 85%. Ngày Quốc tế chống Khoan dung với Tội ác chống Nhà báo: hơn 1.200 nhà báo bị giết hại trong hơn một thập niên, nạn nhân là các phóng viên môi trường ngày càng gia tăng. Trên đây là các chủ đề chính của Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này
Ngôi sao của cuộc chiến môi trường của giới trẻ nổi lên từ năm 2018. Kết thúc hội nghị Khí hậu tại Ba Lan (COP24), Greta Thunberg có bài diễn văn chấn động \’\’Các vị đang đánh cắp tương lai của chúng tôi\’\’. Greta lên án các nhà chính trị đáng tuổi cha mẹ, ông bà của cô: \’\’Các vị thường nói yêu quý trẻ em hơn hết, vậy mà các vị lại đánh cắp tương lai của chúng ngay trước mắt chúng\’\’.
Mất lòng tin vào các thế hệ trước, giới trẻ tại châu Âu, tại Mỹ, và nhiều nơi khác đã xuống đường. Phong trào bãi khóa ngày thứ Sáu hàng tuần vì Khí hậu theo gương Greta lôi cuốn hàng triệu trẻ em (6 triệu học sinh, theo The Guardian). Greta có ảnh hưởng lớn đến công luận. Năm 2019, tuần báo Time nổi tiếng xếp cô là Nhân vật của Năm. Thiếu nữ Thụy Điển được mời đến nhiều thượng đỉnh, tiếp xúc với nhiều nhà lãnh đạo quốc tế.
Muốn hành động đúng, cần hiểu đúng và đủ
Sau 4 năm trên tuyến đầu, Greta muốn lui lại phía sau. Cô gái bỏ học bãi khóa vừa cho ra mắt cuốn sách dày hơn 400 trang về khí hậu hồi tuần trước (27/10). Phương châm của cô là muốn hành động đúng phải có hiểu biết đúng và đủ. Trên làn sóng RFI, nhà báo Le Monde Lucas Minisini, người theo dõi hoạt động của Greta Thunberg những năm gần đây giải thích:
‘‘Đối với Greta hiện nay còn thiếu loại sách này. Một cuốn sách rất dễ hiểu, bao gồm rất rộng các chủ đề, các lĩnh vực khác nhau. Greta kể lại, cô thường được nhiều người đặt câu hỏi: bạn có các nguồn nào có thể giúp cho chúng tôi có được thông tin, để hành động không? Và Greta đã lúng túng khi không tìm được nguồn nào khả dĩ hợp với số đông, hợp với giới trẻ. Đây cũng chính là mục tiêu khi Greta làm cuốn sách ‘‘Grand Livre du Climat’’ này. Một cuốn sách mà mọi người thuộc tất cả các thế hệ có thể đọc được. Với cuốn sách dày hơn 400 trang này, độc giả có thể tiếp cận với đủ loại chủ đề khác nhau, với đầy đủ thông tin, vừa chính xác, nhưng cũng vừa không phải chìm ngập trong các báo cáo dài, khó tiêu hoá. Hai tháng trước dịp Noel, ta có thể hình dung đây có thể là một món quà Noel gây ấn tượng’’.
Cuốn sách mang tên The Climat Book (bản dịch tiếng Pháp có tựa đề ‘‘Grand Livre du climat’’), tập hợp các tri thức được giới khoa học biết đến từ hàng chục năm nay, bao gồm các chương như: ‘‘Khí hậu vận hành ra sao’’, ‘‘Hành tinh thay đổi trước mắt chúng ta’’, ‘‘Các tác động đến nhân loại’’ hay ‘‘Điều chúng ta cần làm bây giờ’’… Hiểu biết đi liền với trách nhiệm hành động. Sau khi đọc cuốn sách này, ‘‘ta không thể nói là ta chưa biết gì’’, điều mà nhiều người đưa ra để biện minh.
Hành động ‘‘nho nhỏ’’ không đủ nữa, cần ‘‘những thay đổi quyết liệt’’
Greta thu hút những tình cảm trái ngược. Trong nội bộ phong trào giới trẻ vì khí hậu gần đây, nhiều người chỉ trích cô thiếu triệt để. Ngược lại, rất nhiều người thù ghét cô. Báo cánh hữu The Atlantico tố cáo Greta ‘‘ủng hộ việc lật đổ chủ nghĩa tư bản’’. ‘‘Vì sao chúng ta muốn giết Greta’’ (‘‘Pourquoi nous voulons tuer Greta’’) là nhan đề cuốn sách mới của nhà phân tâm học Pháp Bénédicte Vidaillet (dự kiến ra mắt đầu năm tới).
Trong buổi ra mắt cuốn sách về Khí hậu tại Luân Đôn, hôm 30/10, Greta Thunberg tâm sự cô chưa bao giờ hình dung mình lại là người khuấy động nên một phong trào toàn cầu. Thoạt tiên, sở dĩ cô đã chọn hành động tranh đấu biểu tình một mình trước Quốc Hội Thụy Điển, là bởi tính cách ‘‘quá rụt rè’’ không cho phép cô tham gia vào các hiệp hội tranh đấu đã có. Thế rồi ‘‘việc này thúc đẩy việc kia’’.
Về cuộc tranh đấu vì khí hậu hiện nay và hội nghị COP sắp tới, theo Greta Thunberg, giờ đây những hành động ‘‘nho nhỏ’’ không còn đủ nữa, mà cần đến ‘‘những thay đổi quyết liệt’’. Cũng như tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, nhà tranh đấu Thụy Điển cảnh báo, COP27 sẽ là nơi mà giới lãnh đạo doanh nghiệp và chính phủ nhiều nước tìm cách duy trì nguyên trạng. ‘‘Không gian cho xã hội dân sự năm nay hết sức bị giới hạn’’ có thể là một lý do chính khiến Greta không tới COP.
Từ Luân Đôn, nữ chiến binh môi trường chuyển đến công chúng thông điệp chính như sau: các hội nghị Liên Hiệp Quốc về khí hậu ‘‘không thực sự giúp gì cho việc thay đổi hệ thống’’. Vẫn cần tham dự COP, nếu đó là ‘‘cơ hội để vận động’’, nhưng cuộc chiến vì công lý khí hậu cần đến sự tham gia của \’\’hàng tỉ nhà hoạt động’’.
Gần một tỉ người đói trầm trọng, COP27 vẫn tránh chuyện ‘‘đền bù’’ do khí hậu ?
Tình hình khí hậu hiện nay đòi hỏi ‘‘những thay đổi quyết liệt’’. Nạn đói nhiều nơi tăng mạnh, do khí hậu biến đổi, là một thách thức nhãn tiền. Chỉ riêng tại Somalia, ước tính khoảng 8 triệu người có nguy cơ chết đói, suy dinh dưỡng trầm trọng, sau nhiều năm khô hạn liên tiếp. Trên toàn cầu, hơn 800 triệu người mấp mé nguy cơ chết đói, theo Liên Hiệp Quốc. Biến đổi khí hậu được điểm mặt là nguyên nhân chính, bên cạnh các nổi dậy vũ trang. Tuy nhiên, chính biến đổi khí hậu cũng có thể là một nguyên nhân dẫn đến các bạo loạn.
Hôm 03/11, Liên Hiệp Quốc đã giải ngân 17 triệu đô la để cứu đói Somalia. Số tiền không thấm là bao so với đòi hỏi thực tế. Theo Liên Hiệp Quốc, để cứu đói Somalia cần đến 2,27 tỉ đô la ngay lập tức. Tuy nhiên chương trình của Liên Hiệp Quốc mới chỉ nhận được gần 50% kinh phí nói trên.
Việc cứu đói châu Phi dường như đang ngày càng trở thành địa bàn cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc. Hôm qua, 04/11, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thông báo sẽ cùng với Nga cung cấp lương thực miễn phí cho các nước bị đói ở châu Phi, như Djibouti, Somalia, Sudan. Thứ Bảy tuần trước, tổng thống Nga hứa sẽ giao 500.000 tấn ngũ cốc miễn phí cho các nước nghèo trong những tháng tới với sự hỗ trợ của Ankara. Với hành động trên, mục tiêu của Matxcơva dường như là để đánh bóng trở lại hình ảnh, mua chuộc các nước châu Phi, sau khi đã phong tỏa các cảng biển Ukraina trong nhiều tháng, làm bế tắc việc xuất khẩu ngũ cốc Ukraina.
Dù chính quyền Putin có động cơ thế nào, nạn đói tại châu Phi hiện nay là một thách thức lớn đối với niềm tin vào tính chất công bằng của trật tự quốc tế hiện hành. Tại Hội nghị Khí hậu COP27 tổ chức ở Ai Cập, vấn đề đền bù tổn thất và gia tăng tài trợ để thích ứng với biến đổi khí hậu được dự báo sẽ là điểm nóng.
Các quốc gia nghèo nhất, dễ tổn thương nhất với biến đổi khí hậu, cho dù gần như không góp phần làm hâm nóng Trái đất, đòi hỏi các nước phát triển, có ‘‘trách nhiệm lịch sử’’ với mô hình kinh tế hiện nay, thừa nhận vấn đề ‘‘đền bù tổn thất’’ do biến đổi khí hậu. Về vấn đề này, RFI có loạt bài tổng thuật (hai kỳ) cho biết, các nước dễ tổn thương nhất do biến đổi khí hậu tập hợp trong nhiều nhóm, như liên minh các đảo nhỏ (Aosis) có nguy cơ bị nước biển nhấn chìm, nhóm các nước châu Phi (54 quốc gia) và nhóm các quốc gia phát triển yếu nhất (PMA, 48 nước). Ba nhóm nói trên về cơ bản tham gia vào ‘‘nhóm 77+Trung Quốc’’, gồm tổng cộng 135 quốc gia đang phát triển và trỗi dậy, do Pakistan làm chủ tịch luân phiên. Pakistan cũng là đồng chủ tịch COP27. Mục tiêu của các nước dễ tổn thương nhất là tranh đấu để đưa việc tài trợ cho ‘‘thích nghi với biến đổi khí hậu’’ và một phần của vấn đề ‘‘đền bù tổn thất’’ vào trung tâm các đàm phán.
Càng chậm từ bỏ hẳn mô hình kinh tế dựa vào năng lượng hóa thạch, tổn hại vật chất do Trái đất bị hâm nóng sẽ càng lớn. Theo thông báo của LHQ hôm 03/11, tài trợ cho thích ứng với biến đổi khí hậu hiện tại thấp hơn từ 5 đến 10 lần so với nhu cầu, và khoảng cách sẽ ngày càng lớn hơn (theo UNDP, Chương trình Phát triển của LHQ, chỉ riêng chi cho thích nghi đã cần đến từ 160 đến 340 tỉ đô la/năm vào năm 2030, có thể lên đến khoảng 565 tỉ/năm vào năm 2050). Việc các nước giàu thất hứa trong việc tập hợp đủ 100 tỉ đô la/năm từ 2020 cho các nước nghèo đang ngày càng gây mất lòng tin lớn hơn (lời hứa đưa ra từ 13 năm qua).
Bầu cử giữa kỳ Mỹ : Hơn 85% giới trẻ có thể đi bỏ phiếu
Ngày thứ Ba, 08/11, cử tri Mỹ sẽ đi bỏ phiếu giữa kỳ, bầu lại Hạ Viện, một phần Thượng Viện, và nhiều lãnh đạo cấp địa phương. Theo một thăm dò dư luận của National Society of High School Scholars (NSHSS), thế hệ Z (tức những người sinh sau 1996) có thể sẽ đi bỏ phiếu rất đông đảo, với hơn 85%. Phóng sự của thông tín viên Thomas Harms từ Houston:
‘‘Chúng ta biết họ hoạt động tích cực trên các mạng xã hội, sẵn sàng biểu tình, lên án giới đại diện dân cử trên Twitter. Thế hệ Z này còn được gọi là thế hệ của các vụ xả súng hàng loạt. Các chủ đề chính khác khiến họ phản ứng, đó là bất bình đẳng chủng tộc, môi trường và nạo phá thai.
Hai người thanh niên Judico và Zephyrine cho ý kiến. Judico nói : ‘‘Tôi hy vọng quyền phá thai được khẳng định và đạo luật Roe kiện Wade trở lại’’ (đạo luật Roe kiện Wade, ra đời năm 1973 bảo vệ quyền nạo phá thai, vừa bị Tối Cao Pháp Viện Mỹ hủy bỏ mùa hè vừa qua). Về phần mình, Zephyrine bày tỏ : ‘‘Đúng vậy. Tôi đã tham gia trên mạng xã hội, nhưng tôi cũng muốn tham dự các cuộc biểu tình’’.
Các thành viên thuộc thế hệ Z cảm thấy tính cấp bách. Họ dấn thân hơn là thế hệ cha mẹ của họ ở cùng độ tuổi, khi các mục tiêu buộc họ phải vào cuộc. Bà Miranda nhận xét: ‘‘Hầu hết giới trẻ đã chán ngán hệ thống chính trị hiện hành’’. Miranda Ashworth tiếp xúc hàng ngày với giới trẻ. Bà là giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Lone Star ở Houston. Miranda cho biết tiếp: ‘‘Tôi nghĩ với các mạng xã hội, và tính cách độc lập của thế hệ Z này, họ bày tỏ quan điểm riêng của mình, họ tò mò và cố gắng xác định điều gì là quan trọng đối với họ. Đặc biệt là khi liên quan đến việc phá thai’’.
Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, 53% cử tri trẻ đã bỏ phiếu. Vào năm 2024, thế hệ Z và thế hệ Millennials, sinh sau năm 1981, sẽ chiếm đa số. Hiện tại, họ chủ yếu bỏ phiếu cho đảng Dân Chủ’’.
Các thế lực toàn cầu trì hoãn thay đổi: Làm báo về môi trường ngày càng nguy hiểm
Ngày 02/11 vừa qua là Ngày Quốc tế chống Khoan dung với Tội ác chống Nhà báo (“International Day to End Impunity for Crimes against Journalists”), do Liên Hiệp Quốc tổ chức. Theo Đài quan sát của UNESCO về nạn giết hại nhà báo, hơn 1.200 nhà báo bị giết từ năm 2006 đến 2020. Ngày Quốc tế chống Khoan dung với Tội ác chống Nhà báo đã được lập ra sau cái chết của hai nhà báo RFI Ghislaine Dupont và Claude Verlon tại Mali năm 2013. RFI nhân dịp này có bài tổng kết, nhấn mạnh đến việc các nhà báo điều tra về môi trường là nạn nhân hàng đầu. Ít nhất khoảng 30 nhà báo môi trường bị giết hại trong 10 năm qua.
Tháng 6/2022, cảnh sát Brazil cho biết nhà báo Anh Dom Phillips và chuyên gia về các cộng đồng bản địa rừng Amazon Bruno Pereira bị giết hại, sau khi điều tra về nạn đánh cá bất hợp pháp trong rừng. Tháng 6/2020, phóng viên Ấn Độ Shubham Mani Tripathi bị hạ sát với sáu viên đạn, khi điều tra nạn cát tặc ở Ấn Độ… Theo nhà báo chuyên về môi trường người Anh Peter Schwartzstein, thành viên trung tâm tư vấn nổi tiếng Wilson Center, chuyên về các vấn đề quốc tế, ‘‘với việc Trái đất nóng lên nhanh chóng, các xung đột ngày càng trở nên dữ dội hơn. Đây là xung đột giữa các doanh nghiệp hủy hoại môi trường, các chính quyền không hành động đủ để ngăn chặn việc hủy hoại, với các nhà báo cố gắng thu hút sự chú ý của công luận về mức độ nguy hiểm của tình hình’’. Nhà báo Peter Schwartzstein dự báo những năm tới thách thức sẽ còn trở nên ‘‘ghê gớm hơn nhiều’’.
Nhiều chính quyền không những ‘‘không hành động đủ’’, mà còn coi các nhà báo môi trường là kẻ thù. Nhà báo Pháp Laurent Richard, nhà sáng lập mạng Forbidden Stories (Những câu chuyện Bị cấm), nhấn mạnh : nhiều khi việc phơi bày các ‘‘tội ác về sinh thái’’ là vừa tấn công vào các doanh nghiệp tội phạm, vừa tấn công vào các thế lực trong bộ máy chính quyền, bao che cho các hành động tội ác. Việc nhiều thế lực kinh tế và chính trị trì hoãn việc từ bỏ mô hình kinh tế dựa vào năng lượng hóa thạch, dựa vào việc khai thác vô tội vạ các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên quy mô toàn cầu là nguyên nhân căn bản dẫn đến thế đối đầu quyết liệt giữa các doanh nghiệp tàn phá môi trường và các nhà báo trên tuyến đầu.