- Joaquin Nguyễn Hòa
- Gửi bài tới Diễn đàn BBC từ San Jose, California, Hoa Kỳ
5 tháng 11 2022
Một trong những người đầu tiên tôi tìm đến sau khi trở về vùng Vịnh San Francisco là anh Nguyễn Hữu Liêm ở San Jose.
Dĩ nhiên một nhân vật hay gây tranh cãi thì rất đáng để những người có làm báo chút đỉnh như tôi quan tâm, nhưng điều thúc ép tôi chủ động làm quen là chuyện anh Liêm tự trào, lấy luôn hỗn danh giáo sư còi hụ để tự gọi mình.
Khoảng chục năm trước, khi nổ ra chuyện còi hụ, tôi cũng có đăng bài đả kích anh Liêm. Tôi thấy tự trào như vậy cũng hay, dễ sống.
Tôi đến nhà anh Liêm có hẹn trước, rồi khi đến cổng rào, tôi gọi điện lần nữa. Thế mà khi cánh cửa nhà mở ra, tôi cũng giật mình, anh Liêm đứng sau cánh cửa, giống như đang… đánh úp tôi vậy (không úp sao được cái thằng từng làm cho RFA!).
Câu chuyện hôm ấy rất vui vẻ. Phần lớn thời gian chúng tôi nói về ông… Trump, hot boy lúc đó (2019), nhưng cũng có nói về Việt Nam. Tôi nhớ anh Liêm có nói về quan hệ giữa Hà Nội và người Việt hải ngoại như sau: \”Nếu chiến tranh với Tàu xảy ra, sẽ là cuộc chiến điện tử, người Việt hải ngoại có thể giúp đỡ được nhiều lắm.\”
Dĩ nhiên đó là một quan điểm về một vấn đề chưa xảy ra, và có thể nó cũng sẽ không xảy ra.
Đầu thu năm 2022, anh Liêm viết trên BBC về một cuộc gặp ở nhà anh, với quan chức Việt Nam phụ trách thúc đẩy quan hệ với cộng đồng hải ngoại. Không thấy báo chí chính thống trong nước bình luận gì, nhưng dư luận hải ngoại phản đối anh Liêm không ít.
Chuyện này làm tôi nhớ một cuộc gặp gỡ tương tự vào một sáng mùa hè năm 1996, trong một khu vườn lớn rất yên tĩnh, có hồ nước, ngoại ô thành phố Montreal, Canada.
Chủ nhà là một bác sĩ người Việt, cùng khoảng hơn 20 người bạn bè ông, gặp vị đại sứ Việt Nam cùng đoàn của bà (nếu tôi nhớ không lầm, thì đó là một phụ nữ) đến từ Ottawa. Trước khi những người của tòa đại sứ đến, trên chiếc bàn lớn ngoài vườn có mấy tờ tạp chí của nhóm Diễn Đàn ở Paris.
Một người nói nửa đùa nửa thật: \”Thôi mình cất mấy tờ này đi, Ottawa (chỉ tòa đại sứ Việt Nam) không hài lòng đâu.\” Tôi có đọc một bài, trong đó nói rằng tính cách không minh bạch của Đảng Cộng sản Việt Nam là do thói quen hoạt động bí mật trong một thời gian dài trước đó.
Cuộc nói chuyện với nhau diễn ra khoảng hơn một giờ. Đại khái khá giống những gì anh Liêm trình bày trong bài viết của anh trên BBC vào năm …2022. Tôi nhớ có một kỹ sư điện than phiền là ông sẵn sàng về Việt Nam dạy học không công, nhưng cũng rất khó thực hiện.
Sau đó tôi có kể lại cho một người bạn thân ở Việt Nam lời than phiền ấy. Anh bạn này lúc đó là trưởng bộ môn tại một đại học ở Sài Gòn. Anh cười nói với tôi là: chẳng ai cho ông ấy làm đâu.
Trong cuộc nói chuyện ở Montreal, tôi có cảm tưởng là hai bên nói bằng hai thứ ngôn ngữ khác nhau, dù cùng là tiếng Việt. Các tờ tạp chí Diễn Đàn vẫn nằm đó, nhưng chả có vị quan chức nào quan tâm.
Trước đó mấy ngày, cũng tại Montreal, tôi có tham dự một cuộc gặp mặt thân mật chỉ có vài người. Chủ nhà là vợ chồng anh L.C.P. một cựu sinh viên phản chiến. Khách hôm đó là ông Vũ Quang Việt, một người Việt tại hải ngoại có giúp đỡ chính phủ Việt Nam những vấn đề về chính sách trước và sau khi mở cửa vào năm 1986. Cuộc nói chuyện ấy, may mắn làm sao, chỉ bằng một ngôn ngữ mà thôi, rất dễ chịu trong một đêm hè Montreal oi bức.
Khoảng 10 năm sau, tôi được thuê làm thông ngôn cho một nhóm viên chức và giảng viên đại học tại Sài Gòn đi công tác tại Grenoble miền Nam nước Pháp. Thực ra, ông trưởng đoàn Phan Thanh Bình, học đến năm năm ở Grenoble, chắc chắn thạo tiếng Pháp hơn tôi, nhưng ông là trưởng đoàn, đâu có thời giờ để thông ngôn, cho nên người ta thêm tôi vào.
Ông Bình lúc đó dường như (?) là thứ trưởng Bộ giáo dục. Sau vài ngày khá lạnh lùng với người \”khác hệ\” như tôi, ông trở nên cởi mở hơn. Hóa ra chúng tôi lớn lên ở cùng một thị xã nhỏ, học cùng một thầy giáo. Cái khác là ông được đưa ra Bắc trong chiến tranh Việt Nam, gia đình nghe đâu là cách mạng gộc. Sau này tôi nghe nói là có nhiều người vận động để ông Bình làm bộ trưởng giáo dục, nhưng không thành công.
Trong đoàn còn có một nhân vật quyền lực lúc đó ở Sài Gòn là ông Phạm Chánh Trực (Năm Nghị), ông đi vận động các trường đại học Pháp, các công ty Pháp, vào làm việc trong khu công nghiệp đang được thành lập ở Thủ Đức. Ông Trực là một người kín đáo, nhưng hòa nhã, và rất thân thiện.
Tại Grenoble chúng tôi được một \”Việt kiều\”, đưa đón và chăm sóc rất chu đáo. Tôi không nhớ tên ông, nhưng đó là một người rất ít nói, hiền lành và nhiệt tình.
Nhưng nhân vật tôi để ý nhất lúc đó là ông Nguyễn Chánh Khê. Ông Khê tốt nghiệp ở Nhật, rồi sau này làm việc ở Mỹ. Ông có một số bằng sáng chế. Bố ông là một viên chức cao cấp của ngân hàng quốc gia thời Việt Nam Cộng hòa. Ông thuộc nhóm cựu sinh viên tại Nhật ủng hộ Hà Nội. Trong ngày 30/4/1975, ông bị nhóm chống Hà Nội đánh bị thương nhẹ ở Nhật. Ông Khê cũng có lên truyền thông Việt Nam một dạo, là người được chủ tịch nước trong thời gian đó đặc cách cấp hộ chiếu Việt Nam. Lúc ông đi Grenoble, ông có dạy một vài môn tại đại học Bách Khoa Sài Gòn.
Tôi nói chuyện nhiều với ông Khê trong những ngày tôi ở Grenoble, vì chúng tôi cùng có cái tật là thức rất sớm. Câu chuyện diễn ra bên bàn cà phê sáng ở khách sạn, nhìn ra các đỉnh núi của rặng Alp phủ tuyết quanh năm. Theo tôi thì dù với vẻ bên ngoài hơi lập dị, nhưng ông Khê khá cởi mở và hay chuyện. Ông hiểu rất rõ những chuyện mình đang làm, và làm với ai, họ như thế nào. Sau này tôi có hỏi ông T. H. ở Mỹ, nhưng cũng từng học ở Nhật, ông T.H. nói với tôi: \”Anh Khê giỏi lắm đấy, nhưng ảnh thuộc phe bên kia.\”
Như vậy kể từ lần đầu tiên tôi chứng kiến những cuộc nói chuyện vào năm 1996 đến câu chuyện của anh Liêm, đã gần 30 năm. Có những thay đổi, và có vẻ cũng có những cái không thay đổi. Trong những cái không thay đổi, thì ngôn ngữ là điểm dễ thấy nhất, mà ngôn ngữ sinh ra do hệ thống xã hội và chính trị. Các cựu sinh viên Việt Nam tại phương Tây, dù quan điểm chính trị thế nào, họ có một ngôn ngữ khác hẳn với bên trong nước. Thế cho nên khi chưa có thay đổi về xã hội chính trị, thì họ khó lòng mà làm việc được với nhau.
Nhưng cũng có những trường hợp từ hải ngoại về nước cũng có thể được gọi là thành công, như trường hợp ông Nguyễn Ngọc Trân chẳng hạn, từ Pháp về và làm việc khá lâu năm ở quốc hội. Có thể là ông Trân đã thay đổi để thích hợp với hòan cảnh mới, nhưng quan trọng nhất, ông Trân là một đảng viên cộng sản. Mà ngay cả trong trường hợp ông Trân, cũng có những cái rất khác với hệ thống trong nước. Tôi nhớ là cách đây độ 15 năm, vào một dịp bầu cử quốc hội, ông Trân không được ra ứng cử nữa. Ông nói với báo Thanh Niên rằng ông là đảng viên nên phải tuân theo kỷ luật đảng, đảng bảo ông không ra ứng cử thì ông phải tuân theo. Hành động này khác với những người lớn lên và được đào tạo trong nước, hay từ các quốc gia cộng sản cũ.
Chính anh Nguyễn Hữu Liêm cũng thấy sự khác biệt đó. Trong quyển tản văn Cám dỗ Việt Nam của mình, có nhận xét về người bạn của anh là Cao Ngọc Quỳnh, sống ở miền Nam California như sau: Đây dù là loại người đang phản đối lại chế độ cộng sản hiện nay, họ vẫn là linh hồn của những người đã và đang chiến thắng, từ lịch sử đến cuộc đời.
Ông Quỳnh lớn lên ở miền Bắc rồi sang Liên Xô và Đông Âu học, sau đó di cư qua Mỹ. Ông Quỳnh nói với anh Liêm rằng tại sao lại phải dính chặt với Việt Nam, chẳng phải là ở đó có cả triệu người đang lo cho nó sao!
Thế hệ các ông L.C.P., Vũ Quang Việt,… đều đã ngoài 70, thế hệ anh Liêm cũng bắt đầu về hưu.
Nhìn tới tương lai, dù tình hình thay đổi, tôi không dám chắc thế hệ người Việt hải ngoại lớn lên và học hành nhiều hơn ở phương Tây, con cháu họ, sẽ có bao giờ tìm thấy tiếng nói chung với Hà Nội hay không?
Bài thể hiện quan điểm riêng của ông Joaquin Hoà Nguyễn, San Jose, California, Hoa Kỳ.