Đăng ngày: 08/11/2022
Tại Pháp, dự luật hợp lệ hóa những lao động nhập cư bất hợp pháp – cấp thẻ cư trú có thời hạn – trong các lĩnh vực thiếu nhân công đang gây tranh luận trong thời gian gần đây.
Dự luật về nhập cư có thể được đưa ra tranh luận vào quý đầu của năm 2023. Pháp tính đến việc sử dụng nhiều lao động nhập cư hơn để cố gắng giải quyết khó khăn tuyển dụng trong một số lĩnh vực từ hai năm qua. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn đăng trên báo Le Monde hôm 02/11, bộ trưởng bộ Nội Vụ Gérald Darmanin và bộ Lao Động Olivier Dussopt cho biết sẽ tạo một loại thẻ lưu trú đặc biệt đối với những người nước ngoài làm trong “lĩnh vực thiếu hụt lao động”, như lao động trong xây dựng, giúp việc nhà, phục vụ nhà hàng, bảo vệ, y tá hoặc kỹ sư.
Bộ trưởng Nội Vụ Darmanin giải thích trên kênh BFM TV: “Chúng tôi mong muốn tiếp đón những người nhập cư, những người muốn hoà nhập, muốn làm việc và muốn nói tiếng Pháp. Hai người ông của tôi đều từ Địa Trung Hải đến Pháp để làm việc. Chúng ta không muốn tiếp nhận những người nước ngoài phạm tội. Đó là nguyên tắc của dự luật này. Tức là chúng ta sẽ xử nặng tay với những kẻ ác và yêu cầu trục xuất tất cả những ai đã có hành vi phạm pháp. Nhưng chúng ta cũng đối xử tử tế với những ai tử tế, những người muốn làm việc và yêu quý đất nước chúng ta.”
Dự luật cũng đưa ra một loạt biện pháp để thực thi có hiệu quả hơn Lệnh rời khỏi lãnh thổ Pháp (OQTF). Đây cũng là chủ đề thu hút sự quan tâm của công chúng sau khi một bé gái 12 tuổi, Lola, bị sát hại vào giữa tháng 10 bởi một người Algerie, không có giấy tờ cư trú hợp pháp và đã nhận được Lệnh rời khỏi lãnh thổ. Cũng theo dự luật này, Pháp trù tính đưa tất cả những người là đối tượng của OQTF vào danh sách truy nã. “Vấn đề không phải là tái lập ‘tội cư trú bất hợp pháp’ mà là để xác nhận liệu người này có tuân thủ, rời khỏi Pháp hay không”, bộ trưởng Nội Vụ Darmanin giải thích thêm.
Để đáp ứng nhu cầu về nhân lực, chính phủ Pháp tính đến việc cho phép những người lao động trong tình trạng không có giấy tờ, có thể tự mình làm hồ sơ xin giấy tờ hợp pháp, mà không cần thông qua người tuyển dụng. Theo AFP, việc tạo ra loại thẻ cư trú này có thể làm hạn chế các hành vi lạm dụng hoặc những công việc không khai báo, hoặc các công ty “lừa đảo”, tuyển dụng những người không có giấy tờ.
Theo nhận định của báo Le Figaro, phe đối lập đã chỉ trích những biện pháp nói trên của chính phủ. Đảng cánh hữu Những người Cộng Hoà và đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc tố cáo đây là một chiến dịch nhằm hợp pháp hoá ngầm những kẻ phạm tội, cáo buộc chính phủ “hèn nhát” trước vấn đề thiếu hụt lao động. Bên cạnh những chỉ trích mang tính chính trị, câu hỏi đặt ra là liệu Pháp có thực sự cần đến lao động nhập cư hay không?
Pháp thiếu hụt lao động trầm trọng
Theo chính phủ, dự luật này được đưa ra là chiểu theo yêu cầu của các doanh nghiệp, “mong muốn các thủ tục tuyển dụng người nước ngoài dễ dàng hơn”. Tuy nhiên, thực tế lại không hẳn như vậy. Bởi vì các doanh nghiệp không yêu cầu tuyển lao động nhập cư mà chỉ mong muốn có thêm lao động. Theo số liệu của bộ Lao Động Pháp, khoảng hơn 60 % các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng vào mùa hè vừa qua. Con số này tăng gấp đôi so với năm 2015.
Theo một khảo sát, giúp việc nhà là nghề thiếu hụt nhiều nhất : 85% nhà tuyển dụng gặp khó khăn khi tìm lao động cho nghề này. Tiếp đến là nghề điều dưỡng (81%), nghề tài xế, điều khiển phương tiện giao thông công cộng đường bộ (80%) hay thợ sửa ống nước (77,6%).
Tình hình này đẩy các doanh nghiệp nghiêng về những giải pháp mà chính phủ đưa ra. Chủ tịch của Hiệp hội ngành công nghiệp khách sạn (Umih), ông Thierry Marx, phát biểu trên đài phát thanh Pháp France Inter, cho rằng “về hình thức thì khá là đồng tình” với các đề xuất của chính phủ. Tương tự trong lĩnh vực nông nghiệp, tình trạng thiếu lao động thường xuyên xảy ra. Đại diện của Liên đoàn công đoàn quốc gia của hội nông dân Pháp, ông Jérôme Volle giải thích : “Chúng tôi luôn ủng hộ tuyển dụng lao động địa phương, nhưng nếu không có đủ người, chúng tôi không thể thu hoạch vụ mùa và đây sẽ là một thảm họa kinh tế. Do đó, chúng tôi ủng hộ các đề xuất của chính phủ”.
Lợi ích kinh tế từ lao động nhập cư
Từ nhiều năm qua, nhiều nhà kinh tế học đã nhất trí với quan điểm rằng nhập cư có thể có lợi cho nền kinh tế. Giám đốc nghiên cứu tại viện Institut Sapiens, ông Erwann Tison trả lời báo Le Figaro : “Trong nhiều trường hợp, lao động nhập cư là cần thiết bởi vì những người lao động trong nước không muốn làm một số công việc vì điều kiện làm việc quá khó khăn và mức đãi ngộ quá thấp.”
Thêm vào đó, các bài đăng của France Stratégie hay của Hội đồng định hướng hưu bổng (Conseil d\’orientation des retraites – COR) cũng nhấn mạnh rằng lao động nước ngoài có thể lấp đầy 360 000 việc còn trống tại Pháp. Tuy nhiên chuyên gia kinh tế Tison cũng khẳng định “giải pháp này chỉ đáp ứng những nhu cầu cấp bách tình thế mà không giải quyết vấn đề về đào tạo người lao động ở những công việc này”.
Những đề xuất của chính phủ Pháp, theo báo Le Figaro, chỉ là một bản chắp vá, và cũng là dấu hiệu chỉ ra rằng chính phủ thừa nhận thất bại liên quan đến việc thu hút lao động trong những nhóm nghề này. Trên thực tế, nếu điều kiện lao động được cải thiện hơn trong những lĩnh vực này thì tình trạng thiếu lao động có thể giảm đi. Mong muốn mở cửa với người nhập cư có thể xem là nghịch lý khi Pháp vẫn còn 2,3 triệu người thất nghiệp.
Trình độ của lao động nhập cư đến Pháp thấp
Hơn nữa, những người nhập cư thường chọn Pháp là điểm đến, không nhất thiết là những người có thể đáp ứng nhu cầu về kinh tế. Nếu nhiều người nước ngoài đến lãnh thổ Pháp mỗi năm, rất ít trong số họ đến vì lý do kinh tế và nhất là những người có trình độ. Những lý do được đưa ra để cấp giấy phép cư trú là minh chứng cho điều này. Năm 2019, 39 000 thẻ cư trú được cấp vì lý do kinh tế, 91 000 thẻ vì lý do gia đình và 90 000 là dành cho học sinh, sinh viên.
Giám đốc của Văn phòng Nhập cư và Hội nhập Pháp (OFII), ông Didier Leschi, trên đài phát thanh France Culture hôm 07/11 cho biết: “Khó khăn mà Pháp gặp phải đó là sự hòa nhập của những người có trình độ chuyên môn thấp, bởi vì nhiều người đến từ các nước thuộc thế giới thứ ba, một số người trong số họ thậm chí còn không thể đọc và viết ngôn ngữ của họ”.
Tháng 11/2021, Hội đồng phân tích kinh tế (CAE) đã kêu gọi cân bằng lại tỷ lệ này, để về lâu dài, nhập cư có thể có lợi cho nền kinh tế. Câu hỏi đặt ra là liệu Pháp có thể thành công thu hút lao động nhập cư có trình độ như là Đức hay một số nước châu Âu khác đã làm hay không ? Tại Pháp, 37, 8 % những người nhập cư trong độ tuổi lao động có trình độ học vấn bằng hoặc thấp hơn bằng cấp trung học. Kết quả là tỷ lệ lao động của nhóm người nước ngoài này thường thấp hơn tỷ lệ của toàn bộ lao động tại Pháp. Đây thực sự là một vấn đề khi tỷ lệ lao động của người nhập cư ở Đức vào năm 2019 là trên 70 %.