COP27 : Các đảo quốc muốn lập quỹ khắc phục hậu quả vì biến đổi khí hậu

Đăng ngày: 09/11/2022

\"\"
\"\"
Gaston Browne, thủ tướng Antigua và Barbuda, phát biểu tại Thượng đỉnh khí hậu COP27 của Liên Hiệp Quốc, ngày 08/11/2022, Sharm el-Sheikh, Ai Cập. AP – Peter Dejong

Thu Hằng

Ngày 09/11/2022, tại COP27, phái đoàn các nước bắt đầu đàm phán để đạt được một thỏa thuận tham vọng hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Điểm chính được đưa vào chương trình nghị sự là thiệt hại mà các nước phía nam phải gánh chịu vì biến đổi khí hậu

Thủ tướng Antigua và Barbuda, đại diện cho các đảo quốc, khẳng định « phải lập một quỹ khắc phục thiệt hại trong hội nghị COP lần này ». Theo AFP, các đảo quốc cũng muốn đánh thuế các đại tập đoàn dầu khí siêu lợi nhuận để khắc phục hậu quả thiên tai mà họ là nạn nhân chính. Còn tổng thống Senegal, kiêm chủ tịch Liên Hiệp Châu Phi, nhấn mạnh « phải tuân thủ nguyên tắc nước gây ô nhiễm phải chi trả ».

Theo một báo cáo thực hiện cho ban chủ tịch thượng đỉnh COP27 được công bố ngày 08/11, các nước phía nam cần hơn 2.000 tỉ đô la hàng năm từ giờ đến năm 2030 để tài trợ cho hoạt động chống biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, nhiều hồ sơ quan trọng lại bị loại khỏi chương trình nghị sự, theo tường thuật của đặc phái viên RFI Jeanne Richard từ Sharm el Sheikh :

« Ba vấn đề quan trọng đã bị loại khỏi lịch trình chính thức của các nhà thương thuyết trong COP lần này.

Trước tiên, đó là yêu cầu mạnh mẽ của Liên Hiệp Châu Âu, do Pháp khởi xướng, về tầm quan trọng của việc « xanh hóa » đầu tư tư nhân (đầu tư tư nhân vào lĩnh vực môi trường). Tiếp theo là việc theo dõi những lời hứa được đưa ra năm ngoái. Đó là những lời hứa tăng gấp đôi viện trợ giúp nền kinh tế và cơ sở hạ tầng của các nước nghèo thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc theo dõi này do các nước châu Phi yêu cầu.

Cuối cùng, trong khi chỉ có 29 nước trên tổng số 196 nước thông báo những tham vọng mới về giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, thì nhiều quốc gia, đặc biệt là Thụy Sĩ, yêu cầu những tham vọng mới này phải được công bố hàng năm như các nước đã cam kết trong hội nghị lần trước.

Tuy nhiên, trong các cuộc đàm phán không chính thức, các nước tiếp tục vận động để những điểm này được đưa vào tuyên bố cuối cùng của COP 27. Họ không từ bỏ ý định là phải đạt được những tiến bộ từ nay đến cuối hội nghị ».

Bài Liên Quan

Leave a Comment