13 tháng 11 2022
Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam, Hồ Đức Phớc cho rằng \”việc sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu đã phát huy tác dụng tích cực và hiệu quả, tạo \”bước đệm\” bình ổn giá\”. Tuy nhiên, theo một chuyên gia tài chính từ Anh Quốc, tình trạng \’khát xăng dầu\’ xảy ra tại Hà Nội và TP HCM cho thấy việc sử dụng quỹ bình ổn tại Việt Nam đang có vấn đề.
Người dân tại Hà Nội phải xếp hàng đổ xăng trong tuần qua, nhiều người phải chật vật tìm nơi đổ xăng, các cửa hàng thì bán hàng nhỏ giọt.
Tại TP HCM lại xảy ra tình trạng cửa hàng đóng cửa, giăng biển \’nghỉ bán\’. Trước đó vào tháng 10, tình trạng thiếu hụt xăng dầu nghiêm trọng đã xảy ra tại TP HCM và một số tỉnh miền tây.
Khi xảy ra tình trạng thiếu xăng tại các tỉnh miền nam, ngày 28/10, Bộ trưởng Bộ Công thương, Nguyễn Hồng Diên cho rằng, \”Tuy nhiên, để xảy ra hiện tượng thiếu hàng cục bộ, hệ thống thương nhân phân phối và cửa hàng bán lẻ ở TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam là điều rất đáng tiếc và bất thường, bởi dù hoàn cảnh khó khăn giống nhau nhưng phần lớn các tỉnh, thành phố, nhất là phía Bắc và miền Trung thì không xảy ra như vậy\”.
Tuy nhiên chỉ vài ngày sau phát biểu của người đứng đầu Bộ Công thương, tình hình \’khát xăng dầu\’ đã lan đến Hà Nội.
Hình ảnh \’cây xăng cục gạch\’ xuất hiện trở lại ở nhiều nơi, làm gợi nhớ về thời kỳ kinh tế \’ bao cấp\’.
Phần lớn là do quản lý?
Ngày 08/11, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên lý giải có ba lý do dẫn đến tình trạng thiếu hụt xăng dầu gồm: thứ nhất, nguồn cung thế giới khan hiếm, thứ hai, tỷ giá ngoại tệ có thể nhập khẩu xăng dầu như USD, Euro liên tục thay đổi tỷ giá, thứ ba, việc tiếp cận vốn, ngoại tệ để được bảo lãnh nhập, hỗ trợ thanh toán của nhiều doanh nghiệp đang hết sức khó khăn.
Bình luận với BBC News Tiếng Việt về các lý do thiếu hụt xăng dầu mà Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu, từ Vương Quốc Anh, Tiến sĩ Quách Mạnh Hào, Giảng viên Đại học Lincoln nhận định:
\”Tôi nghĩ rằng những lý do đó đều hợp lý. Tuy nhiên, đó là những lý do mang tính thị trường và chúng ta mới chỉ nhìn từ phía cung ứng. Từ phía thị trường, có tới năm công cụ quản lý như phát biểu của Bộ trưởng Tài chính ảnh hưởng tới giá xăng dầu bao gồm thuế, chi phí định mức, nguồn cung, thông qua cấp phép để xây dựng bộ máy và Quỹ bình ổn giá xăng dầu.\”
\”Điều này có nghĩa đúng là nguồn cung hạn chế, chi phí cao hơn, nhưng đầu ra chưa thay đổi tương ứng theo sự vận động thông thường của cung cầu thị trường. Theo phản ánh của những người làm phân phối bán lẻ xăng dầu thì giá bán quá thấp nên họ không có lãi, dẫn tới tính trạng găm hàng đợi giá lên hoặc đơn giản là không kinh doanh.\”
\”Như vậy, mấu chốt của vấn đề phần lớn nằm ở yếu tố quản lý với bốn công cụ: thuế, chi phí định mức, giấy phép và quỹ bình ổn giá xăng dầu.\”
Quỹ bình ổn đang tạo bất ổn?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam, Hồ Đức Phớc ngày 11/11 cho rằng \”Quỹ [bình ổn giá xăng dầu] cũng giúp không để giá xăng dầu trong nước tăng sốc, góp phần kiềm chế lạm phát kỳ vọng, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng và ổn định an sinh xã hội\” cho nên \”trước mắt chưa bỏ công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.\”
Cụ thể theo ông Phớc, trong bối cảnh giai đoạn vừa qua khi giá xăng dầu thế giới nhiều biến động, việc sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu đã phát huy tác dụng tích cực và hiệu quả, tạo \”bước đệm\” bình ổn giá.
Tiến sĩ Quách Mạnh Hào phản biện trước nhận định của người đứng đầu Bộ Tài chính Việt Nam như sau:
\”Tôi không rõ tác dụng tích cực được hiểu như thế nào nhưng nếu nhìn thực trạng các cây xăng dừng hoạt động hoặc bán nhỏ giọt chứng tỏ có sự bất hợp lý. Quỹ bình ổn giá xăng dù hoạt động với mục đích gì cũng cần phải đảm bảo rằng những người phân phối xăng dầu sống được, tức là họ phải có nguồn thu phân phối đảm bảo bù đắp chi phí.
\”Mục tiêu của Quỹ bình ổn là giảm sốc việc tăng giảm giá thất thường có thể là tốt, nhưng rõ ràng việc thực thi không như mong muốn khi mà giá bình ổn không sát với giá và chi phí thực tế của thị trường. Quỹ bình ổn là đặc trưng của kinh tế kế hoạch theo định mức.
\”Tôi nghĩ rằng giải pháp cuối cùng vẫn phải là làm sao cho cỗ máy kinh tế nó chạy được. Tức là chi phí cao thì giá cao, người tiêu dùng cân nhắc mua và điều chỉnh hành vi của họ theo giá.
\”Việc sử dụng Quỹ bình ổn để tránh sốc vẫn có thể ổn, nhưng nó nên được hiểu là \”bình ổn\” tức là có yếu tố trợ giá lên xuống không nhanh quá, mạnh quá, chứ không phải là neo giữ giá mà không theo thị trường.
\”Làm như hiện tại tôi nghĩ rằng Quỹ bình ổn tự nhiên lại trở thành một nút thắt cổ chai tạo ra sự bất ổn hơn là bình ổn.\”
Có sự bất nhất giữa hai bộ?
Ngày 11/11, Thủ tướng Việt Nam, Phạm Minh Chính yêu cầu hai bộ Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đảm bảo không để thiếu, đứt gãy nguồn cung trong mọi tình huống.
Dư luận Việt Nam đặt câu hỏi về liệu đã có sự không thống nhất giữa hai bộ Tài chính và Công thương trong quá trình điều hành giá xăng dầu thời gian qua hay không.
Tiến sĩ Quách Mạnh Hào nhận định chắc chắn đã có sự không thống nhất.
\”Tôi nghĩ rằng cả hai Bộ đều có lý do của họ và họ đều cho rằng hợp lý. Tuy nhiên, kết quả chung là sự việc không chạy, tức là nền kinh tế thiếu xăng dầu. Điều này cho thấy sự thiếu phối hợp giữa hai bộ trong vấn đề thực thi, hoặc cả hai đều nhận ra vấn đề nhưng họ lại bó tay trong việc đưa ra giải pháp vì họ bị bó buộc trong phạm vi của họ. Bên cạnh đó tôi nghĩ rằng còn nhiều sự ràng buộc khác khó đạt cùng lúc như chính sách tiền tệ, mục tiêu kiềm chế lạm phát… cũng đều có ảnh hưởng.\”
\”Ví dụ, nếu tăng giá bán xăng dầu cho phù hợp với nguồn cung hạn chế và chi phí tăng lên thì Quỹ bình ổn sẽ mất đi vai trò của họ, đồng thời lại có ảnh hưởng tới lạm phát và điều hành chính sách tiền tệ, nên chắc chắn sẽ có những sự không thống nhất giữa các bên.\” Tiến sĩ Quách Mạnh Hào cho biết.
Khai thác dầu thô có vấn đề?
Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu dầu thô nhưng nhập dầu về lọc. Lượng dầu thô nhập khẩu chủ yếu phục vụ cho hai nhà máy lọc hóa dầu là Dung Quất và Nghi Sơn.
Cụ thể, Việt Nam chỉ nhập 20% xăng dầu thành phẩm, còn 80% trong nước sản xuất.
Phụ thuộc lớn vào nguồn cung xăng dầu thành phẩm và dầu thô nhập khẩu, nên 10 tháng qua, Việt Nam đã tiêu tốn gần 14 tỷ USD để nhập nhóm hàng này, theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Việt Nam đang nhập khẩu hơn 20% nguồn cung xăng dầu thành phẩm, nhưng còn nhập một lượng lớn dầu thô (50%) làm nguyên liệu để phục vụ sản xuất xăng dầu tại hai nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn.
Nhận định về năng lực lọc dầu thô Việt Nam theo các số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, Tiến sĩ Hào nói:
\”Nếu dựa trên những số liệu đó, tôi nghĩ rằng vấn đề nằm ở khai thác dầu thô vì nó không cung cấp đủ nguyên liệu cho các nhà máy lọc dầu. Điều này có thể là do năng lực hạn chế của các nhà máy khai thác dầu thô hoặc do chi phí khai thác quá lớn không cạnh tranh bằng việc nhập khẩu nguyên liệu.
\”Báo chí trong nước cũng đưa tin các nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn được yêu cầu tăng tối đa công suất nên tôi nghĩ rằng bản thân các nhà máy lọc dầu này có lẽ cũng gặp vấn đề về chi phí đầu vào đầu ra, tức là họ cũng gặp tình cảnh giống như các đơn vị phân phối xăng dầu: chi phí cao mà giá bán bị khống chế thấp.\”