- Tác giả,Mỹ Hằng
- Vai trò,BBC News Tiếng Việt
Phóng viên của BBC News Tiếng Việt cùng hơn 1000 nhà báo quốc tế và địa phương đã đổ về đưa tin tại sự kiện Thượng đỉnh G20 tại Bali, Indonesia từ 14-17/2022 với chủ đề ‘Recover together – Recover stronger’ (tạm dịch: ‘Cùng nhau phục hồi – Phục hồi mạnh mẽ’).
Năm nay, \’‘Hòn đảo của những vị thần’ Bali đón một sự kiện được cho là phiên bản căng thẳng nhất của G20, nơi những vấn đề nóng bỏng được thảo luận trong bối cảnh thế giới đang đương đầu với khủng hoảng kinh tế và lương thực, thiếu năng lượng, khí hậu nóng lên, chiến tranh Nga-Ukraine và nguy cơ hạt nhân từ Bắc Hàn.
Ồn ào G20
Cái nóng hầm hập tháng 11 ở Bali như được nung nóng hơn bởi các cuộc hội đàm giữa các cường quốc đang trong tình trạng căng thẳng như Mỹ-Trung, mà một trong những sự kiện được trông chờ nhất có lẽ là cuộc họp giữa lãnh đạo hai siêu cường, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 14/11.
Trên các nẻo đường, từ sân bay Ngurah Rai tới khu vực Nusa Dua nơi đặt trung tâm hội nghị quốc tế, sự sôi động của một sự kiện tầm cỡ được tạo nên bởi băng rôn, biểu ngữ dọc khắp các con đường. Và dày đặc cảnh sát. Và kẹt xe.
Khoảng 18.000 sĩ quan quân đội và cảnh sát được triển khai trong Chiến dịch có tên Puri Agung.
Các nguyên thủ di chuyển giữa 24 khách sạn tới địa điểm tổ chức hội nghị –- Apurva Kempinski –- vòng trong được bảo vệ bởi quân đội, vòng ngoài được tăng cường giám sát bởi Cảnh sát Quốc gia Indonesia.
Indonesia triển khai 12 tàu chiến, 13 máy bay trực thăng và 4 máy bay chiến đấu, một máy bay do thám Boeing, một Boeing khác dành cho khách VIP và hai máy bay chở hàng Hercules, bao gồm một chiếc để sơ tán y tế.
Camera nhận dạng khuôn mặt được sử dụng cùng hàng trăm bodycam và 1.700 camera quan sát được triển khai để bảo vệ khu vực Nusa Dua.
Bali đã chuẩn bị cho mọi thứ, ‘từ an ninh đến sóng thần’, trước thềm thượng đỉnh G20.
Tổng thống Indonesia, ông Jokowi nói với truyền thông trước sự kiện rằng ông “đã kiểm tra các khía cạnh nhỏ nhất… để sẵn sàng đón tiếp các vị khách G20\”.
Người dân Bali kiên nhẫn chờ trên yên xe máy dưới nắng nóng nung người cả giờ đồng hồ vào mỗi buổi sáng khi cảnh sát phong toả các con đường chính khi có đoàn xe tháp tùng chính khách tới sự kiện.
Trong đoàn xe máy, ô tô kẹt cứng kéo dài hàng cây số, mùi xăng dầu cùng bụi khói bốc lên nồng nặc, bất chấp các thảo luận nóng bỏng trước thềm G20 của lãnh đạo các nước về khủng hoảng năng lượng và sự cần thiết chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Xe bus chở phóng viên từ trung tâm báo chí tới trung tâm hội nghị quốc tế chỉ mất vài phút, nhưng nhiều khi mắc kẹt trong biển xe đổ về sự kiện. Nếu khách không muốn đợi thì cuốc bộ hơn 20 phút, đôi khi dưới cơn mưa tầm tã bất chợt đổ xuống.
Lặng lẽ chờ khởi sắc
Indonesia đã bỏ rất nhiều thời gian, tiền của và công sức để tổ chức sự kiện này. Nhưng dù sôi động cỡ nào, vẫn có những góc lặng yên của Bali.
Du lịch là nguồn thu nhập chính trên “hòn đảo của các vị thần” bình dị này. Bali nổi tiếng với những bãi biển nhiệt đới, những cánh đồng lúa bậc thang, những ngôi đền huyền bí và những lễ vật tâm linh đầy màu sắc.
Khi đặt chân xuống Bali, mỗi nhà lãnh đạo thế giới đã được chào đón bởi các vũ công ăn mặc lộng lẫy biểu diễn điệu múa Pendet truyền thống nổi tiếng.
Buổi tối thứ Hai, sau cuộc gặp được trông đợi của hai nguyên thủ Biden và Tập Cận Bình, chúng tôi vào một quán ăn đồ Tứ Xuyên tại Nusa Dua.
Quán không đông, chỉ có vài người Trung Quốc vào ăn và theo dõi tin G20 trên CCTV phát trên tivi nhà hàng.
Có khoảng 6 triệu khách du lịch đổ về các bãi biển của Bali mỗi năm, trước Covid. Nhưng từ 2021, con số này đã rớt mạnh.
Theo dữ liệu của chính phủ Indonesia, lượng khách du lịch nước ngoài giảm xuống chỉ còn 1 triệu vào năm 2020, chủ yếu trong vài tháng đầu năm và sau đó xuống còn vài chục vào năm 2021. Hơn 92.000 người làm việc trong ngành du lịch mất việc làm.
Tới nay dù khách du lịch đã lác đác quay trở lại, tàn tích của đại dịch vẫn còn khắp nơi trên hòn đảo này.
Dọc các con đường dẫn tới các bãi biển nổi tiếng ở Bali là những quán bar, nhà hàng bỏ hoang, đổ nát tiêu điều.
Nền kinh tế của hòn đảo giảm 9,3% vào năm 2020 so với năm trước và tiếp tục giảm vào năm 2021.
Bầy khỉ trên đảo mất đi nguồn thức ăn ưa thích – chuối và đậu phộng từ du khách – nay đã đột kích vào tận nhà dân.
Việc Bali tổ chức G20 đã mang lại hi họng về một sự khởi sắc mới cho kinh tế địa phương với hơn 4 triệu người.
Tính đến tháng 10 năm nay, hơn 1,5 triệu du khách nước ngoài và 3,1 triệu du khách trong nước đã đến thăm Bali.
Chính quyền Bali đã hạn chế các sự kiện bao gồm các hoạt động tôn giáo và các nghi lễ truyền thống trong suốt hội nghị thượng đỉnh, đặc biệt là đối với những người dân sống gần các địa điểm tổ chức G20. Nhiều người dân địa phương được yêu cầu làm việc và học tập tại nhà.
Có một số tin trên báo địa phương rằng hôm 14/11, cuộc thảo luận mang tên \’Cuộc họp của Nhân dân Indonesia chống lại G20\’ do Hội đồng Nhân dân Indonesia tổ chức với các sinh viên Đại học Udayana đã bị giải tán bởi các cảnh sát mặc thường phục.
Sự bất bình trong công chúng Indonesia vì thế, cũng lặng lẽ diễn ra như cuộc sống thường nhật của người dân trên đảo, dù trong các phòng họp kín của G20, các nguyên thủ đang thảo luận những vấn đề nóng bỏng được cho là mang tính sống còn của toàn cầu.