Đăng ngày: 15/11/2022
Tiếp lãnh đạo Đức tại Bắc Kinh là một thắng lợi lớn đối với Trung Quốc : Berlin là nền kinh tế số 1 châu Âu, là đồng minh thân thiết của Mỹ. Mất đi năng lượng Nga để phục vụ cỗ máy công nghiệp, thủ tướng Đức Olaf Scholz càng trông cậy vào Trung Quốc về kinh tế, càng tin tưởng vào điểm tựa an ninh là Hoa Kỳ.
Mỹ-Trung đọ sức trên nhiều lĩnh vực, Đức sẽ giữ được thế cân bằng giữa những lợi ích kinh tế với Bắc Kinh và quyền lợi an ninh với Washington trong bao lâu ?
Đầu tháng 11/2022, thủ tướng Olaf Scholz là lãnh đạo phương Tây đầu tiên đến gặp ông Tập Cận Bình sau Đại Hội XX đảng Cộng Sản Trung Quốc. Đức là thành viên của Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), một đồng minh thân thiết nhất của Mỹ, vừa là một trong 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới, thành viên G20 và cũng là nước có trọng lượng kinh tế lớn nhất trong Liên Hiệp Châu Âu.
Bất chấp mọi tiếng nói chỉ trích ở trong nước cũng như từ phía một số thành viên Liên Hiệp Châu Âu và thậm chí cả từ Washington, thủ tướng Olaf Scholz vẫn duy trì chuyến viếng thăm « chớp nhoáng » đến Bắc Kinh.
Hai nền kinh tế « gắn kết »
Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch nhập khẩu của Đức với Trung Quốc tăng 45 %. Bắc Kinh đã thay thế Paris và Washington để trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Berlin. Thủ tướng Scholz biết rõ hơn ai hết xuất khẩu của Đức sang thị trường Trung Quốc bảo đảm công việc làm cho khoảng 1 triệu người lao động Đức.
Về FDI, cũng chỉ trong nửa đầu năm nay các doanh nghiệp Đức đầu tư hơn 10 tỷ đô la vào Trung Quốc. 40 % xe hơi nhãn hiệu Volkswagen là để đáp ứng nhu cầu của thị trường Trung Quốc. Hiệu xe BMW vừa khai trương thêm một nhà máy thứ tư tại Hoa Lục vào mùa xuân này. Audi thì đã khánh thành nhà máy lắp ráp đầu tiên với một đối tác Trung Quốc. Theo thẩm định của ngân hàng Bundersbank trong thời gian từ 2015 đến 2020, chỉ một mình Trung Quốc thu hút 25 % tổng đầu tư của các hãng xe Đức ra ngoại quốc.
Trả lời trên đài truyền hình Pháp France 5 hôm 03/11/2022 chuyên gia kinh tế Sylvie Matelly phó giám đốc Viện Nghiên Cứu về Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS của Pháp gắn liền chuyến viếng thăm trong chưa đầy 24 giờ đồng hồ của thủ tướng Olaf Scholz tại Bắc Kinh với bối cảnh chính trị tại Trung Quốc :
« Điều bất ngờ là trong sáu tháng đầu năm 2022, về thương mại và kinh tế, liên hệ giữa Trung Quốc và Đức đã được củng cố. Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh. Đầu tư của Đức vào Hoa lục đã không hề giảm sụt và các hãng Đức đã dấn thân quá sâu vào thị trường này cho nên ông Olaf Scholz cần được Bắc Kinh trấn an rằng việc Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực và siết chặt các biện pháp kiểm soát kinh tế không ảnh hưởng đến quyền lợi của các tập đoàn Đức ».
Nói cách khác đây là một chuyến viếng thăm để thủ tướng Đức thăm dò ý định của Bắc Kinh. Philippe Dessertine, giám đốc Viện Nghiên Cứu Tài Chính – Institut des hautes finances IHFI cho rằng việc các tập đoàn Đức bị 18.000 tỷ đô la GDP Trung Quốc làm mê hoặc là điều dễ hiểu, tuy nhiên từ nhiệm kỳ thứ hai, ông Tập Cận Bình đã siết lại chính sách kinh tế. Đảng và Nhà nước kiểm soát chặt chẽ các hoạt động kinh tế. Các tập đoàn công nghiệp Đức thấy rõ tương lai của họ trên thị trường rộng lớn này tùy thuộc vào những lợi ích chính trị của đảng Cộng Sản Trung Quốc « tùy theo từng giai đoạn ».
Berlin vì lợi ích của riêng mình
Sylvie Matelly viện IRIS giải thích thêm thủ tướng Olaf Scholz đã vội vàng đến Bắc Kinh trước khi sang châu Á dự thượng đỉnh Bali bởi Scholz muốn « bằng mọi giá cữu vãn tình hình, cứu vãn quan hệ thương mại với Bắc Kinh khi đã mất một điểm tựa then chốt là khí đốt của Nga. Cỗ máy công nghiệp của Đức bị khủng hoảng năng lượng từ chiến tranh Ukraina đe dọa ». Chính vì lẽ đó mà thủ tướng Olaf Scholz đã dứt khoát từ chối đề xuất của nhiều đối tác trong Liên Âu, như Pháp hay Litva và một số nước đông Âu cùng tới gặp ông Tập Cận Bình để thảo luận với lãnh đạo Trung Quốc về những biện pháp có đi có lại, vì quyền lợi chung của Liên Hiệp Châu Âu.
GDP của Đức tương đương với hơn 1/3 của toàn khối euro, Berlin mà lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc thì coi như Bắc Kinh có phương tiện để chi phối kinh tế của toàn khối sử dụng đồng euro và Liên Hiệp Châu Âu.
Elvire Fabry chuyên gia về chính sách thương mại châu Âu, viện nghiên cứu Jacques Delors – Paris, do vậy lấy làm tiếc là cử chỉ của ông Olaf Scholz có thể bị khai thác : mọi rạn nút trong Liên Âu về chính sách chung của khối này đối với Bắc Kinh đều có lợi cho Trung Quốc
« Liên Hiệp Châu Âu không có lợi ích gì khi kinh tế của Đức suy yếu. Vấn đề đặt ra là chuyến đi của thủ tướng Olaf Scholz không đúng thời điểm. Vào lúc là Bruxelles tìm kiếm đồng thuận để có tiếng nói chung trong đối thoại với Bắc Kinh, để hoạch định một chiến lược chung đối với Trung Quốc trong những thập niên sắp tới, thì Đức phá rào. Berlin đàm phán riêng với Bắc Kinh thay vì đến Trung Quốc với tư cách là một thành viên của khối Liên Âu 27 nước.
Nhiều tập đoàn châu Âu năm 2021 đã ngừng các dự án đầu tư vào Hoa lục. 10 tập đoàn châu Âu thực hiện 80 % đầu tư trực tiếp nước ngoài của cả khối vào Trung Quốc, trong đó có 5 công ty là của Đức. Thủ tướng Scholz cần phải đi Trung Quốc, vào lúc công nghiệp Đức bị khủng hoảng về năng lượng thách thức và gián tiếp bị chiến tranh Ukraina đe dọa ».
Mất Nga, được Trung Quốc ?
Điều lạ kỳ là sau vụ Nord Stream2, không lẽ Berlin chẳng sợ rằng xung đột vũ trang có thể hủy hoại quyền lợi kinh tế của một quốc gia dù không trực tiếp tham chiến ? Đường ống dẫn khí đốt Nord Stream2 bị khai tử trước khi đi vào hoạt động kể từ khi Matxcơva tuyên bố xâm chiếm Ukraina. Tại sao các doanh nghiệp Đức vẫn ồ ạt đầu tư vào Hoa lục trong lúc Trung Quốc công khai tuyên bố mục đích giành lại Đài Loan ? Thuần túy về kinh tế, không lẽ các nhà đầu tư Đức vẫn trông thấy tiềm năng tăng trưởng ở Trung Quốc trong lúc các cơ quan quốc tế nói đến một tỷ lệ tin chỉ từ 2-3 % một năm thay vì 5-6 % như cho đến năm 2021 ? Các hãng xe hơi nổi tiếng của Đức không sợ khủng hoảng địa ốc làm chao đảo nền kinh tế thứ hai toàn cầu ? Không ai trông thấy rằng Bắc Kinh và Washington đang lao vào một cuộc tranh hùng để thống lĩnh thế giới mà trong cuộc chiến đó thì Hoa Kỳ có nhiều thủ đoạn để cô lập đối phương, để bắt chẹt các tập đoàn quốc tế muốn làm ăn với Mỹ thì phải giữ khoảng cách với ông khổng lồ châu Á này ? Cũng không ai lo ngại về cái thế yếu của Trung Quốc lệ thuộc vào năng lượng, vào nguyên liệu của thế giới như cảnh báo của bà Sylvie Matelly, nhà nghiên cứu của viện IRIS :
« Nhược điểm của Trung Quốc là lệ thuộc vào nước ngoài nhiều, từ thương mại đến năng lượng, nông phẩm, công nghệ … Trong khi đó thì tiêu thụ nội địa hoàn toàn chưa đủ sức để trở thành đầu tàu, đem lại tăng trưởng cho Trung Quốc. Chính sự lệ thuộc vào các thị trường quốc tế, vào các yếu tố địa chiến lược, vào thương mại toàn cầu … đặt hệ thống tài chính của Trung Quốc trong thế bất an ».
Về phần chủ tịch liên đoàn các tập đoàn công nghiệp Đức BDI, Siegfried Russwurm trên báo kinh tế Pháp Les Echos ngày 25/10/2022 ghi nhận : Nga xâm chiếm Ukraina dùng năng lượng để bắt bí châu Âu là một gáo nước lạnh đối với Berlin. Nhưng ít ra nền công nghiệp của Đức cũng có thể trông cậy vào một khoản dự trữ chiến lược về năng lượng. Trái lại, Đức tuyệt đối không có bất kỳ một khoản « dự trữ như vậy về khoáng sản ». Đức không tích trữ sắt, kẽm, đồng hay ngay cả về cát và đá vôi… và trên tất cả các lĩnh vực này Đức lệ thuộc vào Nga, nhưng còn lệ thuộc mạnh hơn nữa vào Trung Quốc. Ngoài ra như rất nhiều quốc gia phát triển khác trên thế giới Đức lệ thuộc gần như 100 % vào đất hiếm Trung Quốc. Không có đất hiếm thì các kế hoạch « chuyển đổi năng lượng », phát triển « mô hình kinh tế số hóa » hay « phi carbon hóa » của Berlin chỉ là điều viễn vông. … Chỉ một tuốc-bin quạt dùng sức gió để phát điện cần tiêu thụ từ 300 đến 500 kg đất hiếm.
Đức kẹt trong xung khắc Mỹ và Trung Quốc ?
Sau cùng, một điều khó hiểu khác là vào lúc Berlin ủy thác an ninh quốc gia cho Hoa Kỳ, nhưng để cứu vãn nền kinh tế và cỗ máy công nghiệp đồ sộ của mình, chính phủ Đức dưới thời thủ tướng Scholz lại đánh cược vào các tập đoàn của Trung Quốc, vào thị trường Trung Quốc hơn bao giờ hết.
Bắc Kinh là đối thủ có hệ thống của Mỹ và cả Liên Âu. Trong kịch bản cực đoan nhất, chẳng hạn như một cuộc xung đột trực tiếp hay gián tiếp giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, Berlin liệu sẽ hy sinh kinh tế để đổi lấy an ninh hay là ngược lại ? Nhìn từ Bắc Kinh, sự vồn vã của thủ tướng Olaf Scholz với thị trường đông dân nhất thế giới này là một tín hiệu báo trước vì quyền lợi kinh tế, Berlin có thể là nhịp trung gian hòa giải khi căng thẳng tăng cao với Washington. Đức sẽ là một công cụ hiệu quả giúp Trung Quốc bảo vệ quyền lợi quốc gia trên Lục Địa Già.
Việc Đức, một cột trụ của Liên Âu, chủ trương giữ thị trường Trung Quốc bằng mọi giá và dường như chỉ tin vào trang thiết bị quân sự của các tập đoàn Mỹ, gây ra nguy cơ, theo Bruxelles, là Berlin lơ là với chính mái nhà châu Âu.