Đăng ngày: 15/11/2022
Hai ngày họp thượng đỉnh G20 tại Bali là cơ hội để chủ tịch Trung Quốc bù lại cho ba năm « cô lập » trên trường quốc tế vì Covid-19, với lịch trình dày đặc các cuộc gặp nguyên thủ nhiều nước lớn. Việc tổng thống Nga vắng mặt cũng giúp ông Tập trở thành nhân vật chính, được phương Tây kỳ vọng tác động đến « bạn hữu » Putin ngừng chiến ở Ukraina.
Lịch trình dày đặc và thái độ thiện chí hơn
Bên lề G20, ông Tập Cận Bình lần lượt họp thượng đỉnh với tổng thống Mỹ, Pháp, Indonesia, thủ tướng Úc và dự trù với thủ tướng Nhật Bản tại hội nghị APEC ở Bangkok (Thái Lan). Ông Tập trở thành nhân vật trung tâm mà ai cũng muốn gặp, theo nhận định của AFP ngày 15/11.
Ngoài những lợi ích cốt lõi không lay chuyển, đặc biệt là « lằn ranh đỏ » Đài Loan, chủ tịch Trung Quốc đã có những phát biểu ôn hòa hơn, thiện chí hơn trên nhiều vấn đề quốc tế. Trong cuộc họp với đồng nhiệm Mỹ, ông Tập không chỉ trích « tâm lý chiến tranh lạnh » của các lãnh đạo Hoa Kỳ. Còn tổng thống Joe Biden cũng khẳng định không muốn có thêm « một cuộc chiến tranh lạnh mới ». Thiện chí giảm căng thẳng với Washington được ông Tập thể hiện qua phát biểu : « Chúng ta (Trung Quốc và Mỹ) phải tìm ra con đường đúng đắn để quan hệ song phương tiến bộ và cất cánh ».
Vậy mục đích của Bắc Kinh là gì ? Ông Pierre-Antoine Donnet, nguyên thông tín viên của AFP, hiện là nhà báo của trang Asialyst, nhận định trên đài RFI ngày 14/11 :
« Trung Quốc thực sự muốn mối quan hệ với Hoa Kỳ dịu đi vì nhiều lý do. Trước tiên, về mặt kinh tế, tăng trưởng của Trung Quốc giảm mạnh, thậm chí có thể dưới ngưỡng 3% trong năm 2022. Đây là điều chưa từng xảy ra từ nhiều thập niên. Tiếp theo là về vấn đề Nga, chúng ta thấy quân đội Nga đang thất bại ở Ukraina, trong khi ngày 04/02 khi tiếp đồng nhiệm Putin ở Bắc Kinh, chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố là mối quan hệ giữa hai nước « không có giới hạn ». Tôi nghĩ rằng ông Tập đang hối hận về phát biểu đó ».
Một trong những điểm thay đổi đáng chú ý là ông Tập nhất trí với ông Biden rằng « một cuộc chiến hạt nhân sẽ không bao giờ được xảy ra », điều đã được ông nhắc đến khi tiếp thủ tướng Đức ở Bắc Kinh. Phát biểu này nhắm đến Nga dù Trung Quốc vẫn tránh trực tiếp lên án cuộc chiến của Matxcơva ở Ukraina. Thậm chí, trong bài phát biểu ngày 15/11 tại thượng đỉnh G20, ông Tập Cận Bình lại kêu gọi phương Tây dỡ bỏ trừng phạt Nga.
Trung Quốc sẽ đóng vai trò tái lập hòa bình ở Ukraina ?
Theo giáo sư khoa học chính trị Chong Ja Ian, Đại học Singapore, được AFP trích dẫn, « việc ông Putin vắng mặt càng khiến mọi sự chú ý tập trung vào ông Tập Cận Bình và tạo cơ hội cho ông thể hiện lập trường ». Nguyên thủ Trung Quốc cũng « thở phào » vì tránh được thế lưỡng nan giữa « bảo vệ hay chỉ trích hành động của Nga » tại Ukraina.
Một số quan chức tháp tùng tổng thống Pháp « cảm thấy chính quyền Trung Quốc tỏ thiện chí xây dựng hơn và muốn tìm ra một giải pháp cho hòa bình ». Theo nhật báo Pháp Le Monde, cuộc đàm phán về một thông cáo chung của nhóm G20, đề cập chi tiết nhất có thể về chiến tranh Ukraina dù Nga phản đối, nếu được Bắc Kinh chấp nhận, sẽ là một trắc nghiệm thú vị.
Tuy nhiên, phương Tây khó có thể kỳ vọng thêm vào Bắc Kinh buộc Nga ngừng ngay cuộc chiến ở Ukraina vì « càng gây sức ép với Nga, việc đó càng kém hiệu quả », như nhận định của Victor Gao, cựu phiên dịch viên của Đặng Tiểu Bình, hiện là phó chủ tịch Trung tâm về Trung Quốc và Toàn cầu hóa (Center for China and Globalization) ở Bắc Kinh.
Ngoài chiến tranh Ukraina, nhà nghiên cứu Danny Russel, Viện Nghiên cứu Chính trị và Xã hội châu Á của Úc (Asia Society Policy Institute), cho rằng Mỹ và Trung Quốc « chí ít có thể đạt được một đồng thuận mang tính chiến thuật, theo đó những bất đồng giữa hai nước sẽ không cản trở hợp tác song phương về những vấn đề ưu tiên chính của thế giới ».