NATO họp khẩn sau vụ tên lửa rơi xuống Ba Lan

Đăng ngày: 16/11/2022

\"\"
\"\"
(Ảnh minh họa) – Cờ của các nước thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương tại trụ sở NATO, Bruxelles, ngày 11/06/2021. REUTERS – FRANCOIS LENOIR

Anh Vũ

Ngay sau khi có tin tên lửa rớt xuống lãnh thổ Ba Lan, gần biên giới Ukraina, làm 2 người thiệt mạng, một loạt các nước phương Tây, hầu hết đang có mặt tại hội nghị G20 tại Indonesia, đã tỏ tình đoàn kết với Ba Lan và có những phản ứng lo ngại, dù không đưa ra kết luận nào về sự việc.

Ba Lan là nước thành viên của NATO, nên tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương đã thông báo triệu tập cuộc họp khẩn cấp đại sứ trong ngày hôm nay, 16/11, để xem xét tình hình. 

Thông tín viên Pierre Benazet tại Bruxelles tường trinh :

« Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Charles Michel, cho biết ông bị sốc về vụ nổ xảy ra tại làng Przewodów, đồng thời đề nghị một cuộc họp phối hợp với các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu, bên lề hội nghị G20. Đề xuất này được Pháp đặc biệt ủng hộ. Các nước vùng Baltic yêu cầu hành động nhanh và Hungary cũng triệu tập họp Hội đồng Quốc phòng.

Nhưng mọi cái nhìn đều hướng về NATO. Tổng thư ký Liên Minh, ông Jens Stoltenberg, đã cảnh báo phải có đầy đủ sự thật trước khi đưa ra mọi quyết định. Cuộc họp của Hội đồng Bắc Đại Tây Dương trong ngày hôm nay được chuyển thành cuộc họp khẩn. Hội đồng quy tụ 30 đại sứ của khối NATO là cấp có thẩm quyền chính trị thường trực cao nhất của Liên Minh. Trong cuộc họp hôm nay, Ba Lan sẽ phải đề nghị kích hoạt điều 4 của Hiệp ước Liên minh Bắc Đại Tây Dương. Điều này nằm ngay trước điều 5, một điều khoản cho phép phát động phòng vệ chung trong trường hợp bị tấn công. Còn điều 4 có thể được viện đến trong trường hợp an ninh, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của một nước thành viên bị đe dọa. Trong quá khứ, việc kích hoạt điều 4 đã dẫn đến việc triển khai các phương tên lửa phòng không cho Thổ Nhĩ Kỳ ».

Sau cuộc họp với các lãnh đạo khối G7 bên lền hội nghị G20 tại Bali, Indonesia, tổng thống Mỹ Joe Biden nhận định, « không chắc tên lửa được bắn đi từ Nga » và ông khẳng định cần xác định chính xác những gì đã xảy ra trước khi quyết định phản ứng. Pháp cũng kêu gọi thận trọng về nguồn gốc của tên lửa rơi xuống Ba Lan. Hôm nay, qua lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao, Bắc Kinh lên tiếng kêu gọi các nước liên quan « bình tĩnh, kiềm chế, nhằm tránh leo thang căng thẳng ».

Bài Liên Quan

Leave a Comment