16/11/2022
Liên minh các nước sẽ huy động 20 tỷ đô la tài chính công và tư để giúp cho Indonesia đóng cửa các nhà máy điện than và đẩy nhanh thời gian để lĩnh vực này đạt mức phát thải cao là vào năm 2030, sớm 7 năm, theo công bố của Hoa Kỳ, Nhật Bản và các đối tác hôm thứ Ba 15/11.
Một quan chức Bộ Tài chính Hoa Kỳ nói với các phóng viên rằng Hiệp định Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng với Indonesia (JETP) sau hơn một năm thực hiện “có lẽ là giao dịch hoặc quan hệ đối tác tài chính khí hậu lớn nhất từ trước đến nay”.
Indonesia JETP dựa trên sáng kiến trị giá 8,5 tỷ đô la năm ngoái nhằm giúp Nam Phi loại bỏ phát thải khí nhà kính trong ngành điện của mình đã được Hoa Kỳ, Anh và Liên minh châu Âu đưa ra tại COP26 ở Glasgow.
Để tiếp cận khoản viện trợ không hoàn lại và các khoản vay ưu đãi trị giá 20 tỷ đô la của chương trình trong thời gian từ 3 đến 5 năm, Indonesia đã cam kết giới hạn mức phát thải ngành điện ở mức 290 triệu tấn vào năm 2030, và lên mức cao nhất cùng năm đó. Các khu vực công và tư nhân mỗi bên đã cam kết khoảng một nửa số ngân quỹ trên.
Indonesia cũng đã đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng không trong ngành điện của mình vào năm 2050, sớm được một thập niên so với mục tiêu hiện tại của họ trong kế hoạch khí hậu quốc gia và tăng gấp đôi tốc độ triển khai năng lượng tái tạo nhằm chiếm ít nhất 34% tổng sản lượng điện vào năm 2030.
“Chúng tôi đã xây dựng một nền tảng hợp tác có thể thực sự chuyển đổi ngành điện của Indonesia từ than đá sang năng lượng tái tạo và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đáng kể”, Đặc phái viên Hoa Kỳ về Biến đổi Khí hậu John Kerry nói. “Chúng tôi đã vật lộn với vô số vấn đề để đưa ra thông báo mang tính đột phá của ngày hôm nay”.
Quan chức Bộ Tài chính cho biết mức phát thải do sản xuất điện cao nhất của Indonesia vào năm 2030, theo kế hoạch, sẽ ở mức thấp hơn 25% so với ước tính hiện tại của họ về mức đỉnh vào năm 2037. Mức giảm phát thải hàng năm của Indonesia trong những năm đó sẽ lớn hơn mức phát thải ngành điện hàng năm của Anh, quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết.
Kế hoạch này nhằm loại bỏ 300 triệu tấn khí thải nhà kính đến năm 2030 và giảm hơn 2 tỷ tấn đến năm 2060, các đối tác cho biết trong tuyên bố.
“Indonesia cam kết sử dụng quá trình chuyển đổi năng lượng của chúng tôi để tạo ra một nền kinh tế xanh và thúc đẩy phát triển bền vững”, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói trong một tuyên bố.
“Sự hợp tác này sẽ tạo ra những bài học quý giá cho cộng đồng toàn cầu và có thể được nhân rộng ra các quốc gia khác để giúp đáp ứng các mục tiêu chung về khí hậu của chúng ta”, ông Widodo nói thêm.